“Bảo tàng ông Bình”

2017-08-15 09:31:40 0 Bình luận
Nhiều người vẫn thường gọi cựu chiến binh (CCB) Bùi Văn Bình, ở khu 3, thị trấn Phong Châu (Phù Ninh, Phú Thọ) bằng cái tên thân mật: Ông Bình kỷ vật chiến tranh. Với hơn 600 kỷ vật chiến tranh qua các thời kỳ, căn phòng nhỏ rộng gần 20m2 của gia đình ông là nơi thường xuyên gặp gỡ, giao lưu của các CCB và nhân dân địa phương. Đó cũng là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ…
Sau những cái bắt tay, những lời chào hỏi, ông bắt đầu giới thiệu cho tôi về căn phòng nhỏ của gia đình, nơi lưu giữ hơn 600 kỷ vật chiến tranh mà ông dày công sưu tầm suốt nhiều năm qua. Nơi đây, đồng đội ông và các cháu học sinh trong vùng thường đến tham quan, giao lưu, học tập truyền thống. Tất cả đều gọi nơi đó là “Bảo tàng ông Bình”.


Sưu tầm kỷ vật cũng là tri ân đồng đội

Tham quan “Bảo tàng ông Bình”, tôi thực sự ấn tượng với rất nhiều kỷ vật chiến tranh. Tất cả được ông sắp xếp ngăn nắp và rất khoa học trên những chiếc giá gỗ và đặt trong tủ kính. Đó là những chiếc bình tông, ăng-gô; vỏ các loại đạn pháo; những chiếc áo chấn thủ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ; bản đồ thời chiến; những lá thư viết vội của người chiến sĩ gửi về hậu phương; cùng nhiều vật dụng rất đỗi thân thuộc với đời sống của bộ đội một thời khói lửa... Ông nói, mỗi lần đem kỷ vật ra bảo quản là một lần ông cảm nhận như có đồng đội ở ngay bên.

Đang say sưa kể cho tôi nghe về những kỷ vật, như chợt nhớ ra, ông với tay lấy từ trên giá xuống một vật khá nặng, rồi thủ thỉ trải lòng: “Đây là chiếc máy hút mảnh đạn ký kiệu YZK-35, do nước ngoài viện trợ cho ta thời kỳ chống Mỹ. Giữa năm 1972, ngay lần đầu tiên cùng đồng đội đi trinh sát thực địa, tổ trinh sát 3 người của tôi lọt vào ổ phục kích của địch ven bờ sông Nhùng. Địch xả súng bắn như mưa, hai đồng đội tôi bị trúng đạn, hy sinh. Tôi cắn răng rút chốt quả lựu đạn ném về phía địch rồi vừa bắn, vừa cắm đầu chạy. Tôi bị mảnh đạn của địch găm vào cánh tay, được đồng đội chuyển ra tuyến sau điều trị. Các bác sĩ đã dùng chiếc máy này lấy mảnh đạn ra khỏi cánh tay tôi. Nhờ đó, tôi nhanh bình phục, rồi tiếp tục tham gia chiến đấu”.

Tiếp đó, chúng tôi được ông giới thiệu chiếc hộp hình chữ nhật nhỏ gọn bằng lòng bàn tay, có dòng chữ nước ngoài ghi trên vỏ hộp. Ông Bình cho biết: “Chiếc hộp này tôi mới được con rể và con gái cụ Vũ Kim Khanh, nguyên y tá trưởng của một đơn vị thuộc Đại đoàn 312 tặng. Đó là chiếc hộp đựng kim tiêm do Đức quốc xã sản xuất vào những năm 40 của thế kỷ trước. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, phe đồng minh thu được, chia cho quân Pháp. Lính Pháp mang sang Việt Nam. Chiếc hộp này quân ta thu được của lính Pháp trong Chiến dịch Biên giới năm 1950”.

Khi hỏi về công việc đang làm, CCB Bùi Văn Bình chia sẻ những lời gan ruột: “Tôi sống được như hôm nay cũng là nhờ bao đồng đội đã chiến đấu hy sinh”. Nói rồi, ông đưa mắt nhìn xa xăm, lặng đi hồi lâu, rồi tiếp: "Tôi đã nhiều lần tham gia khâm liệm, chôn cất đồng đội hy sinh. Đau lắm, buồn lắm! Khi chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, mỗi lúc im tiếng súng, anh em tôi vẫn thường nói với nhau: Mai này độc lập, thằng nào còn sống, nhớ phải về đây thắp một nén nhang cho đồng đội nằm lại nhé... Câu nói ấy như tiếp thêm động lực để tôi có những hoạt động gắn kết đồng đội và sưu tầm kỷ vật chiến tranh. Đó như một sự tri ân với đồng đội của tôi đã ngã xuống...".

Công việc lặng thầm, tự nguyện

Khi được chúng tôi hỏi về quá trình đi sưu tầm kỷ vật chiến tranh, giọng ông Bình hào hứng hẳn. Ông kể: “Thời gian đầu mọi người trong gia đình đều ngăn cản, nhất là vợ tôi. Bà ấy nói tôi gàn dở, mua việc, về nghỉ hưu thì phải dành thời gian để nghỉ ngơi, trông cháu, chơi thể thao, đi thăm đồng đội… Có lúc bà ấy lại sợ tôi vất vả, mưa gió, khi cứ ngày ngày đi sưu tầm kỷ vật chiến tranh. Nhưng biết tôi nặng lòng với đồng đội, say mê sưu tầm những kỷ vật chiến tranh, sau này bà ấy và các con đều rất ủng hộ”.

Đồng lương hưu giáo viên ít ỏi, cộng với khoản trợ cấp thương binh hạng 4/4 không nhiều, nhưng hằng tháng ông Bình đều trích một phần tiền lương, cùng chiếc xe máy cà tàng rong ruổi khắp các ngả đường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và một số địa phương lân cận để sưu tầm hiện vật... Dù trời mưa hay nắng, mỗi khi có thông tin, hay được người khác mách bảo có kỷ vật chiến tranh, ông lại ba lô, khăn gói lên đường, tìm đến tận nơi. Có nơi ông phải lặn lội tìm đến 4 lần với đủ mọi lý do thuyết phục gia đình, họ mới đồng ý để ông mang về trưng bày. Biết ông say mê sưu tầm kỷ vật chiến tranh, nhiều đồng đội ở xa cũng gửi tặng. Mới đây, CCB Lê Kim Bảng, hội viên Hội CCB quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh gửi tặng ông 3 kỷ vật, trong đó có máy thu phát PRC-25.

Đây là loại thiết bị thông tin vô tuyến điện cỡ nhỏ, chiến lợi phẩm mà bộ đội ta thu được của lính Mỹ trong chiến tranh. Với niềm đam mê đặc biệt, nên mặc dù mới bắt tay sưu tầm từ năm 2013, nhưng sau gần 4 năm “bảo tàng” của gia đình ông hiện đã có hơn 600 kỷ vật thời chiến. Ông Nguyễn Minh Phú, Phó chủ tịch UBND thị trấn Phong Châu cho biết: "Chúng tôi luôn ủng hộ và tạo điều kiện để CCB Bùi Văn Bình đến các địa phương khác và chiến trường xưa sưu tầm kỷ vật chiến tranh về trưng bày trong “bảo tàng” của gia đình. Bởi "bảo tàng" của ông Bình góp phần quan trọng giáo dục truyền thống cho người dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn lịch sử chiến đấu hào hùng của cha ông, được tái hiện qua từng kỷ vật, từng câu chuyện...".

Gửi gắm tới thế hệ mai sau

Nghe ông Bình giới thiệu kỹ từng kỷ vật trong phòng trưng bày của mình, chúng tôi như được sống lại với từng thời kỳ lịch sử của dân tộc. Đó là những chiếc chóe đựng cơm được tiện bằng gỗ mít trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Đó là chiếc xe đạp thồ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; hay những chiếc la bàn, tấm bản đồ sân bay quân sự, máy vô tuyến điện mà bộ đội ta thu được của lính Mỹ… Đặc biệt, có rất nhiều chiến lợi phẩm được bộ đội ta sáng tạo làm thành những đồ dùng rất hữu ích, như: Chiếc ghế làm từ xác máy bay B-52 của Mỹ; chiếc ca uống nước; chiếc lược; bình hoa làm bằng các loại vỏ đạn pháo của địch… Để lưu lại, ngoài việc sắp xếp cẩn thận, ông chụp ảnh và đưa vào 3 cuốn album có ghi đầy đủ thông tin.

Trong “bảo tàng” của ông hiện lưu giữ nhiều kỷ vật quý hiếm. Lấy một chiếc ca uống nước rất đẹp, ông giới thiệu với chúng tôi: "Đây là chiếc ca uống nước thời kỳ chống Pháp, do nước bạn viện trợ cho Việt Nam. Trên ca có in 3 lá cờ của Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam được lồng vào nhau, thể hiện sức mạnh đoàn kết của các nước xã hội chủ nghĩa. Trên chiếc ca còn có hai dòng chữ: “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ” và “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, cùng hình đôi chim bồ câu biểu tượng cho hòa bình. Ông nói: "Thời chiến, bộ đội ta có được chiếc ca như thế này là quý lắm".

CCB Bùi Văn Bình cho biết, hằng năm cứ đến dịp lễ, Tết, Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7) địa phương thường tổ chức cho các cháu học sinh đến tham quan, học tập lịch sử truyền thống trong “bảo tàng” của gia đình. Những lúc như thế, ông thấy thật hạnh phúc và ấm lòng.

Anh Bùi Hữu Bằng, Bí thư Đoàn thị trấn Phong Châu thổ lộ: “Cùng với việc học tập, được tận mắt chứng kiến những kỷ vật thời chiến tranh trong "Bảo tàng ông Bình" giúp chúng tôi hiểu thêm về lịch sử dân tộc, về thế hệ ông cha đã hy sinh xương máu để có hòa bình, độc lập như hôm nay. Bởi, lịch sử dân tộc luôn là điểm tựa, là nền tảng để các thế hệ nối tiếp nhau tạo dựng tương lai vững bền cho đất nước...”.

Chiều muộn chúng tôi chia tay người CCB giàu nghị lực và nghĩa tình với đồng đội mang theo rất nhiều cảm xúc. Tôi hy vọng rằng, thời gian tới, CCB Bùi Văn Bình có nhiều sức khỏe để tiếp tục sưu tầm thêm nhiều kỷ vật chiến tranh và mở rộng “bảo tàng” như ông mong muốn, để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17

T&T Group hợp tác quản lý vận hành "chuẩn Nhật Bản" tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn T&T Group) và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Anabuki vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.
2024-03-28 13:53:20

Cao Bằng tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động

Theo kế hoạch, trong 3 ngày đầu tháng 4/2024 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động trên địa bàn.
2024-03-27 13:39:07

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Ngày 20/3/2024, Công ty cổ phần quảng cáo Hà Thái, công ty TNHH quảng cáo Ngọc Hà là hai thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam do ông Hà Đình Thái, Ủy viên ban chấp hành dẫn đoàn có chuyến viếng thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.
2024-03-26 21:16:00

Quốc Oai: Đến bao giờ mới trả lại đất cho thương binh Nguyễn Hữu Minh

Ngày 22/3/2024, Tạp chí điện tử Hoà nhập có nhận được đơn tố cáo của thương binh Nguyễn Hữu Minh thường trú tại: Số 28, ngõ 3, đường Âu Cơ, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội phản ánh việc bị chiếm đoạt, sử dụng đất bất hợp pháp.
2024-03-26 19:23:00

Khu vực sôi động nhất thủ đô “đón sóng”

Bước sang năm 2024, chung cư tiếp tục là phân khúc “vàng” khi có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực, ghi nhận lượng quan tâm lớn từ các nhà đầu tư và khách hàng có nhu cầu ở thực, nhất là khu vực phía Tây Hà Nội.
2024-03-26 09:22:59
Đang tải...