Chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức

2018-02-15 16:30:32 0 Bình luận
Chính sách tiền lương, đối với cán bộ, công chức, viên chức là một trong những chính sách rất cơ bản của quốc gia với những mối quan hệ tổng thể về chính trị, kinh tế, xã hội và thị trường tương tác chặt chẽ với nhau, liên quan đến vấn đề lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm an sinh xã hội...


Nhận thức cơ bản về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức

Cán bộ, công chức, viên chức là những người làm việc trong hệ thống chính trị, hành chính nhà nước, dịch vụ công có chức năng lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công với tính chất lao động rất đặc biệt. Đó là lao động trí tuệ, có phạm vi ảnh hưởng rộng, chi phối toàn bộ hoạt động xã hội, trách nhiệm chính trị rất cao và sống chủ yếu bằng tiền lương, đồng thời việc làm được bảo đảm ổn định, có quyền lực và danh dự tương ứng với từng chức danh, vị trí việc làm. Nguồn tiền lương được cân đối từ ngân sách nhà nước. 

Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức là khoản tiền được trả cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm với tiêu chuẩn chức danh tương ứng và gắn với chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công. Tiền lương phải được tính đúng, tính đủ hao phí lao động, có tính đến đặc thù lao động của cán bộ, công chức, viên chức và bảo đảm cho họ sống chủ yếu bằng lương, có mức sống trên mức trung bình của lao động xã hội, tạo động lực khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc với lương tâm, trách nhiệm và hiệu quả cao, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng.

Cán bộ, công chức, viên chức được tuyển và sử dụng theo định biên của Nhà nước, tiền lương gắn với chính sách cán bộ, công chức, viên chức. Trả lương đúng cho cán bộ, công chức, viên chức là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương khu vực thị trường. Đặc biệt phải có chính sách thu hút và giữ nhân tài. Phải trao quyền và nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tuyển dụng, sử dụng và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức để trả lương đúng người, đúng việc, hiệu quả.

Các nguyên tắc cơ bản về chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, đó là: 1- Tiền lương ngạch, bậc trả cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; 2- Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức phải đủ sống ở mức trên trung bình của lao động xã hội; 3- Bảo đảm công bằng xã hội trong tiền lương giữa các khu vực hành chính nhà nước, cung cấp dịch vụ công và khu vực thị trường doanh nghiệp; 4- Tiền lương thực sự là đòn bẩy kích thích, tạo động lực và có tính cạnh tranh.

Thực trạng chính sách tiền lương hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức

Việt Nam đã nhiều lần cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương quốc gia và đã đạt được kết quả nhất định:

Thứ nhất, từng bước thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về quan hệ phân phối theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế, nhất là tách tiền lương trả cho cán bộ, công chức, viên chức và tiền lương của người lao động khu vực thị trường doanh nghiệp, có cơ chế vận hành và tạo nguồn khác nhau.

Thứ hai, thiết lập được quan hệ tiền lương khung “thấp nhất - trung bình - tối đa” trên cơ sở đánh giá độ phức tạp công việc của quốc gia và được mở rộng (hiện nay là 1 - 2,34 - 13); về cơ bản xác lập được thang giá trị của lao động cán bộ, công chức, viên chức trong tổng thể quan hệ phân phối, theo một trật tự thứ bậc được cán bộ, công chức, viên chức chấp nhận và vận hành thông suốt trong thực tế.

Thứ ba, tiền lương tối thiểu chung (tiền lương cơ sở) áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức được xác định theo hướng tiếp cận dần mức sống tối thiểu, luôn điều chỉnh bù đắp được tiền lương theo chỉ số giá sinh hoạt và mức tăng trưởng kinh tế. Từ tháng 12-1993 đến năm 2017, mức lương này đã điều chỉnh 14 lần (từ 120.000 đồng lên 1,3 triệu đồng), tăng 10,83 lần, trong khi chỉ số giá hàng hóa tiêu dùng tăng khoảng 5,9 lần, nên về cơ bản bảo đảm được tiền lương thực tế.

Thứ tư, hệ thống thang, bảng lương cán bộ, công chức, viên chức được thiết kế dựa trên cơ sở quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa, bao gồm 9 bảng lương (1 bảng lương chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước, 1 bảng lương chuyên môn nghiệp vụ ngành tòa án, kiểm soát theo Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11; 1 bảng lương chuyên gia cao cấp, 4 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức, bảng lương nhân viên thừa hành, bảng lương cán bộ chuyên trách cấp xã, 2 bảng lương cấp bậc, quân nhân chuyên nghiệp của lực lượng vũ trang theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP). Hệ thống thang, bảng lương này được đánh giá theo độ phức tạp công việc của cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với thực tế hơn và bước đầu chống bình quân hơn.

Thứ năm, xây dựng được một hệ thống phụ cấp lương tương đối hoàn chỉnh với trên 20 loại phụ cấp khác nhau theo yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp đặc biệt của công việc, điều kiện sinh hoạt khó khăn và mức độ thu hút lao động vào các ngành, nghề, vùng, miền,... góp phần bù đắp đáng kể (khoảng 25% - 35%) tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ sáu, bước đầu đổi mới cơ chế tiền lương theo hướng trao quyền và làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính, quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập về tuyển dụng, sử dụng, xếp lương, trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả, bảo đảm công bằng trong quan hệ phân phối. Nguồn ngân sách nhà nước được cân đối bảo đảm trả lương kịp thời cho cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ bảy, tiền lương và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức có xu hướng tăng, bước đầu phát huy vai trò đòn bẩy của tiền lương đối với tăng năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả làm việc tốt hơn và từng bước ổn định, có phần cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức. 

Tuy nhiên, chính sách này đến nay cũng đã bộc lộ những mâu thuẫn, bất cập:

Một là, chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức chưa phản ánh đúng giá trị lao động của loại lao động đặc biệt này do duy trì quá lâu chính sách tiền lương thấp và phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước theo kiểu “gọt chân cho vừa giày” với tư duy coi tiền lương là một “khoản chi phí” và do đó chưa thực hiện đầy đủ “trả lương đúng cho người lao động là đầu tư cho phát triển”.

Hai là, tiền lương tối thiểu chung (tiền lương cơ sở) áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức là cách tiếp cận trong điều kiện cũ, với chính sách tiền lương thấp và không đủ sống, chưa bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức có mức sống từ trung bình trở lên. Trên thực tế không có cán bộ, công chức, viên chức hưởng mức lương này. Với cách xây dựng và điều chỉnh như vừa qua sẽ ngày càng tạo ra sự bất hợp lý, không công bằng về tiền lương giữa cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực thị trường doanh nghiệp. Năm 2017, mức tiền lương cơ sở chỉ bằng 50,39% tiền lương tối thiểu vùng IV, bằng 44,83% vùng III, bằng 39,16% vùng II và 34,67% vùng I.

Ba là, thiết kế hệ thống thang, bảng lương, mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức theo hệ số, chia ra rất nhiều bậc lương rất phức tạp, khoảng cách giữa các bậc về tiền lương rất nhỏ, có tính bình quân cao. Chỉ tính bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ, công chức có 11 ngạch lương, 98 hệ số mức lương, chênh lệch mức lương giữa các ngạch lương chỉ là 11% - 31%, giữa các bậc lương quá nhỏ, không đáng kể hoặc trùng nhau. Đồng thời, lại có nhiều loại phụ cấp lương (trên 20 loại) có tính chất cơi nới bù vào lương cho cán bộ, công chức, viên chức lương thấp. Hệ thống này vẫn chưa triệt để trả lương theo vị trí việc làm với chức danh và tiêu chuẩn rõ ràng. Do đó, dẫn đến việc trả lương theo người và thâm niên là chủ yếu làm cho biên chế ngày càng tăng và khó kiểm soát.

Bốn là, với chính sách tiền lương không đủ sống hiện nay dẫn đến hệ luỵ không mong muốn là nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn khác ngoài lương để bù đắp phần thiếu hụt ảnh hưởng đến chất lượng lãnh đạo, quản lý, thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng. Mâu thuẫn, bất cập dễ nhận biết nhất là mặc dù tiền lương không đủ sống, nhưng thu nhập ngoài lương lại rất cao (phụ thuộc vào vị trí, chức danh việc làm, loại hình dịch vụ công, vùng, miền...) và áp lực tăng chi ngân sách nhà nước ngày càng lớn.

Định hướng cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới

1-Về quan điểm:

Một là, tiếp tục quán triệt và cụ thể hóa quan điểm của Đảng, coi việc trả lương đúng cho người lao động là thực hiện đầu tư cho phát triển, tạo động lực để kinh tế phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Hai là, cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức phải phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tiếp cận, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong quá trình hội nhập; phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, mức tăng năng suất lao động xã hội.

Ba là, chuyển căn bản từ chính sách tiền lương thấp sang chính sách tiền lương cao đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức phải trả đúng giá trị lao động trên cơ sở tính đúng, tính đủ hao phí lao động, bảo đảm đủ điều kiện sống ở mức trên trung bình của lao động xã hội; tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc, thu hút và giữ nhân tài.

Bốn là, mở rộng quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa phù hợp với độ phức tạp của công việc; thiết kế hệ thống thang, bảng lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp trên cơ sở xác định rõ vị trí việc làm ứng với tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức; đơn giản, rõ ràng, khắc phục cơ bản những bất hợp lý; đặt trong mối quan hệ tương quan với mặt bằng tiền lương khu vực thị trường, thực hiện công bằng về tiền lương, thu nhập giữa các khu vực.

Năm là, cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức gắn với xây dựng nền công vụ, dịch vụ công hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giảm mạnh biên chế; cùng với các chính sách phúc lợi khác (nhà ở, giáo dục, y tế...) để bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức, góp phần làm trong sạch cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, chống tiêu cực, tham nhũng quyền lực.

2- Về mục tiêu:

- Hệ thống chính sách tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức phải nhằm chuyển mạnh sang thực hiện trả lương theo vị trí việc làm với tiêu chuẩn chức danh tương ứng và hiệu suất lãnh đạo, quản lý, chất lượng thực thi công vụ, cung cấp dịch vụ công.

- Tiền lương là thu nhập chính (75% - 85%) và mức sống của cán bộ, công chức, viên chức đạt mức trên trung bình của lao động xã hội.

3- Định hướng nội dung:

Thứ nhất, về tiền lương tối thiểu:

- Mức lương tối thiểu được xác định theo giá sinh hoạt của “rổ” hàng hóa, bảo đảm cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động mở rộng, đồng thời được dùng làm căn cứ để tính các mức lương cho các loại lao động khác.

- Thống nhất chỉ có một mức lương tối thiểu quốc gia là lưới an toàn chung cho mọi người lao động hưởng lương (bao gồm lao động khu vực thị trường, cán bộ, công chức, viên chức khu vực hành chính nhà nước, cung cấp dịch vụ công). Lấy mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho khu vực thị trường (doanh nghiệp) theo 4 vùng (I, II, III và IV) hiện nay làm mức tiền lương tối thiểu quốc gia và được xác định, tính toán lại cho phù hợp với giai đoạn 2020 - 2030 theo “rổ” hàng hóa bảo đảm 2.300 Kcal - 2.400 Kcal ngày/người.

- Bỏ mức lương cơ sở hiện nay. Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự trang trải được áp dụng mức lương tối thiểu vùng như doanh nghiệp. Sử dụng mức lương tối thiểu vùng để xác định các mức lương chức vụ, bậc lương trong các thang, bảng lương cán bộ, công chức, viên chức thông qua hệ số lương. 

Thứ hai, về quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa:

- Xác định quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa tạo thành khung tiền lương tổng thể của quốc gia để làm cơ sở thiết kế hệ thống thang, bảng lương. Khung này phải phản ánh độ phức tạp của lao động ở từng vị trí việc làm ứng với tiêu chuẩn chức danh đảm nhiệm của từng cán bộ, công chức, viên chức.

- Tiếp tục mở rộng quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa (bội số tiền lương trong thang, bảng lương) theo hướng ưu tiên mở rộng quan hệ tiền lương trung bình để bảo đảm cho phần đông cán bộ, công chức, viên chức đạt mức lương trên trung bình của lao động xã hội, cải thiện mức sống của người có mức lương thấp. 

- Quan hệ tiền lương thấp nhất (nhân viên phục vụ bậc 1) - trung bình (chuyên viên bậc 1) - Cao nhất (chuyên gia cao cấp bậc 3). 

- Kết thừa quan hệ tiền lương của những lần cải cách trước đây.

- Quan hệ tiền lương này chỉ áp dụng đến chuyên gia cao cấp bậc 3 hiện nay, các cán bộ lãnh đạo của Nhà nước từ bộ trưởng và tương đương trở lên được thiết kế bảng lương với mức lương tháng cao hơn hoặc tiền lương cho cả năm.

Thứ ba, về hệ thống thang, bảng lương:

- Thiết kế hệ thống này dựa trên cơ sở: 1- Xác định vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh tương ứng với vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức; 2- Quan hệ tiền lương thấp nhất - trung bình - tối đa theo 2 phương án (phương án 1: 1 - 3,2 - 15 và phương án 2: 1 - 3,5 - 15); 3- Kết thừa các thang, bảng lương nhưng có rút gọn số bậc và hệ thống các chức danh quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11, Nghị định số 204/2004/NĐ-CP); 4- Mức lương trung bình là chuyên viên bậc 1 và tương đương (tốt nghiệp đại học).

- Thiết kế mỗi ngạch chỉ có một mức lương theo bậc, không dùng hệ số lương mà chỉ thông qua hệ số lương để tính mức lương bảo đảm giữ quan hệ tiền lương hợp lý và đơn giản bảng lương.

- Định hướng thiết kế mới, trong đó bảng lương lãnh đạo của Nhà nước (từ bộ trưởng đến chủ tịch nước và tương đương) có khoảng hệ số (bội số) trên 15. Lãnh đạo tương đương với ngạch chuyên gia cao cấp thì áp dụng bảng lương chuyên gia cao cấp và có phụ cấp chức vụ; nếu tương đương với ngạch công chức A3, A2, A1 thì áp dụng bảng lương A3, A2, A1 và cộng với phụ cấp chức vụ. Đối với bảng lương chuyên gia cao cấp có khoảng hệ số (bội số) 13,5 - 15, thiết kế theo 2 phương án: giữ nguyên 3 bậc hoặc giảm 1 bậc, phương án lựa chọn là giảm 1 bậc còn 2 bậc. Đối với bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ chỉ áp dụng cho công chức, viên chức ngạch A3, A2, A1 có khoảng hệ số (bội số) 3,2 hoặc 3,5 - 13,15 (công chức, viên chức loại A1 có trình độ tốt nghiệp đại học). Không đưa vào bảng lương này công chức, viên chức ngạch A0, loại B và C như hiện hành để chuyển số này sang chế độ hợp đồng lao động, áp dụng bảng lương riêng hoặc đơn vị tuyển dụng tự xây dựng bảng lương theo hướng dẫn của Nhà nước. 

Thứ tư, về các chế độ phụ cấp:

- Thiết kế tổng thể các phụ cấp lương theo 5 nhóm: Nhóm 1: Phụ cấp chung cho tất cả các loại lao động không phân biệt với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập, công chức khu vực hành chính nhà nước; nhóm 2: Phụ cấp theo yếu tố về điều kiện lao động; nhóm 3: Phụ cấp theo tính chất phức tạp công việc; nhóm 4: Phụ cấp theo điều kiện sinh hoạt; nhóm 5: Phụ cấp theo mức độ thu hút lao động. Từ nhóm 2 - 5 chỉ ai đáp ứng yêu cầu về đối tượng mới được hưởng.

- Rà soát, xem xét điều chỉnh các chế độ phụ cấp ưu đãi theo ngành, nghề (giáo dục, y tế...) theo hướng giảm gọn, khắc phục quy định quá nhiều và trùng lắp như hiện nay.

- Hoàn thiện chế độ phụ cấp thâm niên nghề gọi chung là phụ cấp thâm niên.

- Bãi bỏ chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung khi thiết kế bảng lương mỗi ngạch, bậc chỉ có một mức lương.

Thứ năm, về tạo nguồn tài chính:

- Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó tập trung xây dựng hệ thống công vụ chuyên nghiệp, hiện đại trên cơ sở đó xác định từng vị trí làm việc với chức danh tiêu chuẩn rõ ràng. Rà soát và đánh giá đúng cán bộ, công chức, thực hiện tinh giản bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức; xây dựng chính phủ điện tử,... để giảm tối đa 30% biên chế hiện nay (đến năm 2020 giảm 10%, 2021 - 2025 giảm 10% và 2026 - 2030 giảm 10%).

- Thực hiện triệt để Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Đặc biệt, chuyển mạnh các đơn vị thuộc sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác có điều kiện sang công ty cổ phần; giải thể các đơn vị sự nghiệp kinh tế hoạt động không hiệu quả; đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp dịch vụ công nhằm giảm dần tỷ trọng chi từ ngân sách nhà nước cho đầu tư cơ sở vật chất, giảm tối đa viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; các đơn vị còn lại chia ra làm 3 loại: 1- Đơn vị sự nghiệp công lập không có thu được ngân sách nhà nước bố trí nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động; 2- Đơn vị sự nghiệp công lập có thu nhưng chưa tự trang trải được toàn bộ chi phí hoạt động được Nhà nước hỗ trợ một phần chi thường xuyên; 3- Đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu, tự trang trải được toàn bộ chi phí hoạt động được áp dụng chính sách tiền lương theo cơ chế thị trường. Nhà nước quy định các khoản thu phí, lệ phí trên cơ sở từng bước tính đúng, tính đủ sát với thị trường, phù hợp với từng loại dịch vụ và loại hình đơn vị cung cấp dịch vụ (giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật...); quy định cơ chế ủy quyền, đặt hàng cho các đơn vị cung cấp dịch vụ công nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp công lập phát triển lành mạnh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và tạo nguồn trả lương cho viên chức. Đồng thời, Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, đối tượng chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số,... khi sử dụng dịch vụ công.

- Điều chỉnh chi tiêu công, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, tăng cường huy động các nguồn ngoài nhà nước, hợp tác công - tư (PPP) cho đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng ngân sách nhà nước trong tổng mức đầu tư toàn xã hội để dành nguồn cho cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. 

- Tách dần tổng quỹ lương từ ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội, nguồn chi trả chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội theo một cơ chế tạo nguồn và chi trả tương đối độc lập với nhau, giảm dần áp lực tăng kinh phí từ ngân sách nhà nước để tăng nguồn chi cho tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức.

- Thiết kế lộ trình hợp lý cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với khả năng tạo nguồn chi từ ngân sách nhà nước theo hướng tăng dần cho giai đoạn 2021 - 2025, tránh những đột biến gây sốc về nguồn và tác động mạnh tiêu cực đến các quan hệ kinh tế - xã hội vĩ mô./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...