Chuyện cổ tích của thầy giáo khiếm thị Lê Minh Tâm

2017-04-10 21:14:55 0 Bình luận
Ở ấp Trường Phước, xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh có một chú bé nghèo bị khiếm thị bẩm sinh. 10 tuổi, chú bé ấy mới chập chững học chữ bằng đôi tay mò mẫm trên những trang sách bằng chữ nổi. 16 tuổi, chàng thiếu niên xa gia đình để nuôi tiếp ước mơ thoát nghèo và trở thành một thầy giáo.

Hành trình đó với người sáng mắt có thể là điều bình thường nhưng thầy giáo khiếm thị Lê Minh Tâm đã chứng minh rằng: Cuộc sống, nếu còn sức và nghị lực quyết tâm, chúng ta sẽ thực hiện được bất kỳ ước mơ nào mình mơ ước.


Thầy Lê Minh Tâm trong giờ dạy toán cho các em học sinh lớp 7 tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh


Sự đa năng của thầy giáo khiếm thị

Một sáng đầu tuần, chúng tôi đến thăm thầy tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh) khi thầy đang dạy kèm cho học sinh. Số học trò đang chăm chú nghe thầy Tâm giảng bài đều bị khiếm thị bẩm sinh hoặc di tật về cơ thể. Có những đoạn khó hiểu, thầy Tâm phải giảng đi giảng lại nhiều lần. Lẫn trong tiếng giảng bài đó là tiếng bút viết “cạch, cạch” lên những trang vở được thiết kế riêng cho các em học sinh khiếm thị. Thầy Tâm là sinh viên chuyên ngành Ngữ văn của Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh nhưng ở trung tâm này thầy dạy kèm cả toán cho các em. Với nghiệp vụ sư phạm của mình cộng thêm việc nắm rất chắc kiến thức “trái tay” về toán, thầy có trách nhiệm giúp các em nắm chắc kiến thức về môn học khi đến trường học để có thể bắt kịp với các em học sinh bình thường khác.

Trò chuyện với chúng tôi, cô Cao Thị Thu Thanh, Tổ trưởng Tổ chuyên môn của Trung tâm cho hay: “Thầy Tâm không chỉ dạy kèm toán mà tất cả các phong trào văn thể mỹ ở đây đều do thầy đảm trách”. Tìm hiểu thêm chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thầy Tâm có thể chơi được rất nhiều loại nhạc cụ như: guitar, organ, nhiều loại nhạc cụ dân tộc… Thầy còn sáng tác nhạc và đặc biệt là có giọng hát rất hay, truyền cảm. Với sự đa năng đó, những học sinh ở trung tâm có niềm đam mê về âm nhạc đều được thầy chỉ dạy rất ân cần và chu đáo.

Thầy Lê Minh Tâm sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Cha mẹ đều đã bước qua tuổi 70 và không còn khả năng lao động. Trong số 11 anh em trong gia đình, có đến năm người bị khiếm thị bẩm sinh. Tâm dù bản thân cũng bị khiếm thị từ bé nhưng vẫn được tạo điều kiện đi học đầy đủ còn các anh chị của mình chỉ học cho biết chữ rồi lao vào cuộc sống mưu sinh hàng ngày để lo cho gia đình.

Nhà cách Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh khoảng bốn cây số, dù nắng hay mưa, đều đặn thầy vẫn thuê xe ôm để lên lớp giảng bài cho các học trò của mình. Để đi về trong bốn cây số đó, thầy cũng mất gần phân nửa số tiền xe so với đồng lương của một sinh viên mới ra trường như thầy. Điều khiến thầy hạnh phúc nhất bây giờ chắc hẳn là được hàng ngày dạy dỗ, trò chuyện cùng những học trò cùng cảnh ngộ như mình; hạnh phúc vì được quay trở lại nơi đã cho mình biết đến cái chữ và nuôi dưỡng ước mơ trở thành một thầy giáo từ thuở bé. Tất cả những điều đó đánh đổi biết bao mồ hôi, công sức của thầy Tâm và nếu không có một ý chí sắt đá, mọi chuyện có thể chỉ sẽ mãi là một giấc mơ.

Vượt lên hoàn cảnh

Tìm đến cái chữ đã là một khó khăn đối với người khiếm thị như thầy Tâm nhưng phải xa gia đình, tự lo lắng cho bản thân, vươn lên học giỏi trong mọi hoàn cảnh, cấp học là điều khiến chúng tôi khâm phục ở chàng giáo viên trẻ này.

Do Trung tâm không có chương trình dạy cấp THCS và cấp THPT nên sau khi học xong cấp tiểu học, Tâm xin xuống học tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu TP Hồ Chí Minh. Đó là quãng thời gian thử thách lòng kiên nhẫn và nghị lực của chàng trai trẻ khiếm thị.

Dù quá trình đi học, Tâm không phải đóng tiền học phí nhưng ở xa gia đình, mọi sinh hoạt đều phải dùng đến tiền nên ngoài giờ học, Tâm bươn chải khắp các ngõ ngách ở Sài Gòn… bằng nghề hát rong, bán vé số dạo để có tiền trang trải cho cuộc sống. Tâm tâm sự: “Dù cuộc sống tự lập với một người khiếm thị khó khăn gấp nhiều lần nhưng càng khó em càng thêm có động lực để phấn đấu và vươn lên”. Với bản lĩnh đó, dần dần Tâm đã quen được với nhịp sống sôi động ở TP Hồ Chí Minh. Mừng hơn, suốt thời gian đi học, thành tích học tập của Tâm đều khá giỏi khiến nhiều bạn cùng trang lứa nể phục.

Ước mơ trở thành thầy giáo càng trở nên gần hơn khi học xong THPT, Tâm được tuyển thẳng vào Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh (khóa 2012 - 2016) ngành ngữ văn. Môi trường đại học thêm một lần nữa thử thách ý chí của chàng trai bởi trong quá trình học tập, Tâm không được ưu tiên hay hỗ trợ bằng công cụ học tập nào. “Mỗi khi giảng viên giảng bài, em xin được ghi âm để về nghe lại. Đối với giáo trình, tài liệu thì em ra ngoài nhờ tiệm scan từ giấy ra file pdf. Từ file này em lại chuyển sang bản word rồi đưa vào máy tính nhờ phần mềm đọc hỗ trợ cho người khiếm thị để em ôn bài”, Tâm kể. Nghe đơn giản thế nhưng để có thể nắm kiến thức của một cuốn giáo trình bình thường, Tâm phải mất cả tháng trời để hoàn thành. Gánh nặng sinh hoạt, học hành đè nặng nhưng Tâm chưa bao giờ thua cuộc và chùn bước trước bạn bè cùng trang lứa.

Rồi cái ngày Tâm chạm tay vào ước mơ sau 16 năm trời miệt mài bên những trang sách chữ nổi đã thành hiện thực. Tháng 10-2016, chàng sinh viên khiếm thị Lê Minh Tâm tốt nghiệp ra trường. Và anh đã quay về để mang con chữ, nghị lực đến với các em nơi ngày xưa mình bắt đầu. Câu chuyện của thầy Lê Minh Tâm hiện lên trong đầu chúng tôi như một câu chuyện cổ tích, một tấm gương cho biết bao người trẻ noi theo học tập về ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Tiếng giảng bài, tiếng đàn, tiếng hát của Tâm vang lên trong không gian mà ở đó học trò của anh không biết hình hài của người thầy mình như thế nào nhưng lại thấm đẫm tình người, tình thầy trò.

Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh thành lập năm 2000. Hiện Trung tâm đang nuôi dạy 53 em học sinh khiếm thị độ tuổi từ 6-16. Trung tâm có 19 cán bộ công nhân viên phụ trách công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, bồi dưỡng văn hóa cho các em. Ngoài kinh phí nhà nước cấp để trang trải cho mọi hoạt động, sinh hoạt tại đây, nhiều đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm,… còn thiếu thốn nên thầy cô tại Trung tâm vẫn phải tận dụng các loại đồ dùng, giấy để làm đồ dùng học tập cho các em.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51

Cửa Lò khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2024

Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 với chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.
2024-04-18 22:15:00

Không khí linh thiêng ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Sáng sớm 18/4, mặc dù trời mưa lớn nhưng từ khắp các ngả đường, dòng người đông đúc tiến về Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, mùng 10/3 âm lịch.
2024-04-18 11:46:40

Lời chia buồn

Nhận được tin Cụ La Đức Đan là thân phụ ông La Đức Hùng- Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng đã tạ thế vào hồi 23h20’ ngày 17/04/2024 (tức ngày 9/3 năm Giáp Thìn), tại Lào Cai. Ban Biên tập và cán bộ, phóng viên của Tạp chí điện tử Hoà nhập gửi tới ông La Đức Hùng – Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng và gia quyến lời chia buồn sâu sắc.
2024-04-18 11:29:00

Chủ tịch HĐND Hải Phòng thăm cựu thanh niên xung phong Điện Biên Phủ

Chiều 17/4, Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Lập đi thăm, tặng quà thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến - những người đã có nhiều cống hiến to lớn, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
2024-04-18 09:36:19

Bí thư Thành ủy Hải Phòng thăm chiến sĩ Điện Biên ở Hải An

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hiện đang sinh sống tại địa bàn quận Hải An.
2024-04-18 09:28:29
Đang tải...