Có một người lính đặc công đã trở thành huyền thoại như thế

2018-12-05 10:20:25 0 Bình luận
Đặc công là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội nhân dân Việt Nam góp phần làm nên những chiến thắng oai hùng, vang dội trong lịch sử chiến đấu chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.

Phải đến ngày 19-3-1963, Binh chủng đặc công mới chính thức ra đời nhưng thực tế lịch sử, cách đánh đặc công đã ra đời từ 15 năm trước đó, gắn với tên tuổi người lính đặc công số 1 Việt Nam - Anh hùng, Đại tá Trần Công An.

Có thể nói, tôi là một trong những người may mắn được ngồi hầu chuyện cùng ông vào những ngày cuối đời. Hồi đó, ông còn khỏe, dáng vóc cao trên 1m80 càng khiến tôi ngạc nhiên bởi trước đó cứ quen nghĩ “lính đặc công” phải nhỏ nhắn, gầy nhom mới nhanh nhẹn, dễ ngụy trang bùn đất...

Ông tên thật là Trần Văn Kìa, nhưng người dân lúc đó quen gọi là Hai Cà. Ông sinh năm 1920 tại Cù lao Rùa, thuộc xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa cũ (nay là tỉnh Bình Dương). Gia đình nông dân nghèo, sống trong vùng tạm chiếm nên từ nhỏ những đứa trẻ trâu như ông đã chứng kiến bao cảnh địch đàn áp nhân dân. Do đó, lòng căm thù giặc đã nung nấu sục sôi từ rất nhỏ.

Cuối năm 1946, có một tên lính Pháp một mình đi từ phía đồn Tân Ba xuống Thạnh Hội, Hai Cà lò dò theo sau lưng. Khi tới chỗ vắng vẻ, từ phía sau bất thình lình Hai Cà lao đến gạt phắt chân khiến cho tên lính Pháp ngã vật, rồi dùng dây cột bò mang theo trói thúc ké tên Pháp, tước súng trường với 200 viên đạn mang giao cho bộ đội Tân Uyên.

Ngày đó, bộ đội có khẩu súng là quý lắm, nhưng cũng từ đó nhiều người phát hiện ra tinh thần gan dạ, dũng cảm của Hai Cà và cách đánh địch bất ngờ trở tay không kịp.


Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm nhà Đại tá Trần Công An tại Biên Hòa.

Năm 1948, thua trận liên tiếp trên khắp chiến trường Việt Nam nên quân Pháp điên cuồng càn quét. Thực hiện chiến dịch Đờ La-Tua (De Latour), chúng xây dựng hàng trăm đồn bót, tháp canh kiên cố san sát nhau dọc theo các tuyến quốc lộ từ Tân Ba đến thị trấn Tân Uyên, sở Cao su Phước Hòa… để dễ bề canh giữ, yểm trợ, cắt đứt giao thông của bộ đội với dân.

Địch bố trí giữa 5 - 7 tháp canh có một tháp canh mẹ xây dựng kiên cố với một tiểu đội lính Pháp canh giữ, sẵn sàng ứng cứu khi bị tấn công. Tháp hình vuông, mỗi cạnh từ 4-5m, tường dày 0,5 đến 0,8m, cao khoảng 8m đến 10m. Tháp canh được bao bọc bởi hệ thống hào lũy, kẽm gai, chông mìn và thả ngỗng làm nhiệm vụ cảnh giới.

Cấp trên giao nhiệm vụ cho tổ trưởng Trần Công An và hai trinh sát tiến hành điều nghiên, nắm quy luật của địch. Sau đó, ông cùng trinh sát Trần Văn Nguyên, Hồ Văn Lung tập luyện đánh tháp canh giả một cách nhuần nhuyễn, thành thục.

Tối 18 rạng sáng 19-3-1948, tổ trinh sát mang theo 9 quả lựu đạn dập, 1 quả lựu đạn FO (tấn công) ngụy trang bôi bùn, trét tro khắp người rồi bò áp sát tháp canh 3 tầng cạnh chân cầu Bà Kiên trên lộ 24 thuộc ấp Mỹ Chánh, Phước Thành, Tân Uyên.

Trận đánh bất ngờ diễn ra trong chớp mắt, bọn lính canh còn bàng hoàng, ngái ngủ không kịp biết gì thì lựu đạn đã nổ tung, 11 tên địch bị tiêu diệt, thu 8 khẩu súng và 20 quả lựu đạn. Trong trận đánh này, tổ trưởng Hai Cà bị thương nhẹ, được đồng đội dìu thoát an toàn.

Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên của tổ du kích Hai Cà đã được huyện đội Tân Uyên biểu dương, học tập áp dụng trong huyện. Sau đó, QK7 khen thưởng, đúc kết thành kinh nghiệm cho toàn khu vực miền Đông và cả nước về lối đánh đặc công.

Tháng 11-1949, Bộ Chỉ huy QK7 tổ chức hội nghị chuyên đề về đánh tháp canh do Hai Cà báo cáo. Tỉnh đội Biên Hòa tập hợp hơn 300 du kích tinh nhuệ, dũng cảm chia thành 50 tổ do Hai Cà và đồng chí Bùi Cát Vũ - Giám đốc xưởng Quân giới 310 chỉ huy huấn luyện cách đánh tháp canh với vũ khí có sức tấn công, công phá mạnh. Kết thúc khóa huấn luyện, 50 tổ du kích đã hạ quyết tâm đánh tiêu diệt 50 tháp canh của dịch dọc theo các tuyến QL15,16,24 và QL1 vào đêm 21 rạng sáng 23-3-1950.


Chân dung Anh hùng, Đại tá Trần Công An.


Đêm 18-4-1950, Hai Cà và Bùi Cát Vũ đã chỉ huy du kích Tân Uyên đánh sập tháp canh mẹ tại cầu Bà Kiên lần thứ hai bằng mìn lõm, tiêu diệt 16 tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược. Cách đánh đặc công của Hai Cà đã góp phần làm phá sản chiến dịch De Latour của Pháp.

Từ cách đánh đặc công của Hai Cà, các nơi khác áp dụng như: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Tuy, Bà Rịa, Vũng Tàu, Long An, Mỹ Tho, Cà Mau, Đà Nẵng... Hai Cà vinh dự gặp Bác Hồ 4 lần tại chiến khu Việt Bắc.

Năm 1954, ông tập kết, làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 656 đến tháng 2-1961, Bộ Tổng Tham mưu quyết định cử ông làm Trưởng đoàn 1 với 205 cán bộ đi B. Trên đường vào Nam, ông còn chỉ huy giúp quân đội nước bạn Lào giải phóng đồn Mường Phồn, Sê Pôn.

Cũng như nhiều người mẹ, người cha, người vợ, người chồng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, ông đã phải nén nhịn những đau thương mất mát riêng để dồn hết tâm sức vì sự nghiệp chung của cả dân tộc.

Trước đợt Tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng BCH Quân sự Miền - đồng chí Lê Đức Anh (nguyên Chủ tịch Nước), chỉ rõ: Biên Hòa là nơi có căn cứ lớn tập trung sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Do đó, đánh vào Biên Hòa là tiêu diệt sinh lực địch.

Trần Công An khi đó là Tỉnh đội trưởng U1 (Biên Hòa) được chỉ định làm Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy tiền phương mặt trận Biên Hòa. Chiều 29 Tết (30-1-1968), Sư đoàn 5 từ chiến khu Đ vượt sông Đồng Nai, tập kết tại hốc Ông Tạ (xã Tân Định - Vĩnh Cửu) cùng Tiểu đoàn 1 đặc công U1, lực lượng biệt động Biên Hòa, bộ đội các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu hội quân ăn Tết trước và xuất quân theo tinh thần Quang Trung – Nguyễn Huệ diệt quân Thanh ngày xưa khí thế ngút trời.

Cuộc chiến đấu ác liệt tại sân bay Biên Hòa, kho bom Long Bình, căn cứ Trảng Bom ta với địch giằng co từng tấc đất. Chiều 1-2-1968, Bộ chỉ huy tiền phương quyết định giao cho Hai Cà và Phó Bí thư Đảng ủy mặt trận Phan Văn Trang (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) huy động cấp bách chiến sĩ biệt động, đặc công U1 bí mật đưa 250 thương binh vượt tầm hỏa lực của địch, vượt qua sông Đồng Nai giao cho trạm quân y.

Cũng trong ngày đó, Hai Cà nhận được tin con trai Trần Văn Mum, 16 tuổi, hy sinh trước đó 4 ngày. Anh Mum được anh trai mình là Trần Văn Khỉa - Tổ trưởng thông tin, cử đưa chiến sĩ báo vụ đến Sở chỉ huy Tiền phương đào hầm đặt thông tin điện đài. Trên đường về bị lọt vào ổ phục kích lính Úc tại bàu Điên Điển.

Bà Trương Thị Niếu (vợ ông, là thượng sĩ bộ đội) đã từng khóc cạn nước mắt hồi giữa năm 1967 khi anh con trai lớn Trần Văn Cao - Đại đội phó đặc công U1 chấp hành mệnh lệnh cha mình là Tỉnh đội trưởng Hai Cà, vào sân bay Biên Hòa điều nghiên sa bàn chuẩn bị cho trận đánh và anh đã trúng mìn bị thương gãy một chân phải, đồng đội vừa chiến đấu chống trả địch vừa cõng anh về căn cứ an toàn.

Nay lại thêm tin con trai hy sinh, Phó Tư lệnh Hai Cà chết lặng trong lòng nhưng ông cố nén nỗi đau riêng vào trong. Ông Phan Văn Trang – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, kể lại: “Sự hy sinh quá lớn của anh Hai Cà, cả gia đình làm cách mạng, anh chưa bao giờ từ chối một nhiệm vụ gì, dù khó khăn nguy hiểm đến mấy anh cũng hoàn thành tốt. Đau đớn nhất là anh chỉ huy chiến đấu giữa lúc gia đình bị mấy cái tang: tang mẹ, tang con anh vẫn chịu đựng vượt qua và chiến thắng”.

Ngày 23-8-1996, Đại tá Trần Công An được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 1991, tỉnh Đồng Nai đã xây tặng ông một ngôi nhà ngay sát tượng đài Chiến thắng sân bay Biên Hòa. Năm 2004 bà qua đời, 4 năm sau ông cũng ra đi. Trong số những con đường ở tỉnh Đồng Nai, giờ đây có một con đường vinh dự mang tên ông - Trần Công An…

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Cựu chiến binh xã Quảng Lưu xây dựng quỹ kết nối con em đồng hương ở TP.HCM

Sáng 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 10:25:00
Đang tải...