Công nghiệp Việt Nam phát triển "đa nhưng không tinh"

2017-03-10 14:23:58 0 Bình luận
Phát triển công nghiệp trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nhân dân. Hiện khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân trong nước có đóng góp đầu tư ngày càng lớn cho đất nước.
Song, tại hội thảo khoa học quốc tế “Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/3, các chuyên gia cho rằng, phát triển công nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. 
 
Quá nhiều mũi nhọn 
 
Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng đã liên tục được bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh tình hình mới. 
 
Trên cơ sở đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã thể chế hóa thành khoảng 300 văn bản quy phạm pháp luật bao quát khá đầy đủ các nội dung có liên quan đến chính sách công nghiệp quốc gia. 
 

Sản xuất thiết bị ngành công nghiệp nặng tại Công ty Doosan Vina. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
 
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, các chính sách chung và chính sách ngành trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam hơn 30 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm trở lại đây. 
 
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp tăng trưởng liên tục trong nhiều năm. Từ 2006-2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần, tỉ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31-32%/tổng GDP cả nước. Tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp trong giai đoạn này bình quân đạt 6,9%/năm… 
 
Tuy nhiên, theo ông Bình, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển công nghiệp đất nước cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Điển hình như: công nghiệp đang ở trình độ thấp, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. 
 
Năng suất lao động công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo còn ở mức thấp. Tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006 - 2015 khoảng 2,4%/năm, tốc độ tăng chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%/năm. 
 
So với quốc gia trong khu vực, năng suất lao động công nghiệp của Việt Nam, nhất là năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo còn khá thấp (Malaysia có mức năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo cao gấp 6,4 lần, Thái Lan cao gấp 6,4 lần, Philippines cao gấp 3,4 lần). 
 
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Trung ương cho rằng, chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua “mang hình hài quả mít, rất nhiều mũi nhọn như nhau nên không biết được đâu là ưu tiên, đâu là đột phá” và ông cho rằng điều này đã đến lúc buộc phải thay đổi. 
 
Giải quyết tình trạng “đa nhưng không tinh” 
 
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng nhiều chính sách, nhưng thiếu hiệu quả đang khiến các doanh nghiệp và ngành công nghiệp Việt Nam chưa thực sự vươn lên mạnh mẽ. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp để định hướng chính sách phát triển phù hợp. 
 
Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Trường đại học Fulbright Việt Nam, vấn đề chính không phải là nên hay không nên có chính sách công nghiệp ưu tiên, mà vấn đề là nên có chính sách công nghiệp ưu tiên như thế nào. 
 
“Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm công nghiệp cá biệt như hiện nay, thay vào đó Chính phủ nên thực thi chính sách ưu tiên phát triển một số “lĩnh vực năng lực” phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước”, ông Tự Anh nói. 
 
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, công nghiệp Việt Nam cần một hệ thống chính sách đồng bộ và hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, chúng ta không thiếu chính sách, nhưng dường như ngoài một số ít chính sách có hiệu quả, có tác động thì còn nhiều chính sách được ban hành chưa kịp thời và ít tác dụng. 
 
Vì thế, giải pháp trong thời gian tới là cần đổi mới tư duy khi xây dựng chính sách, thay vì chỉ tiếp cận theo hướng “đưa chính sách vào cuộc sống” thì cần kết hợp đồng bộ với “đưa cuộc sống vào chính sách”, tức là trên cơ sở các định hướng và mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn, xuất phát từ những đòi hỏi của cuộc sống để ban hành chính sách cho phù hợp. Các ưu đãi đề xuất cần phải được cân nhắc kỹ, căn cứ vào nguồn lực, để sau khi ban hành, chính sách có thể triển khai được. 
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đưa ra gợi ý về cơ chế chính sách cần tập trung giải quyết tình trạng “đa nhưng không tinh” của các sản phẩm chế biến. Cụ thể, trong lĩnh vực đầu tư, không đầu tư dàn trải vào tất cả các ngành, các lĩnh vực mà tập trung tối đa vào một số ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng thương hiệu mạnh và chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước… 
 
Ông Trần Văn Thọ, Đại học Waseda Nhật Bản cho rằng, Việt Nam chậm đưa ra các chính sách thích hợp và thiếu nỗ lực cải cách hệ thống quản lí hành chính, thiếu cán bộ quản lí có năng lực và trách nhiệm nên đã không thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành liên quan các loại máy móc. 
 
“Chiến lược quan trọng để phát triển các ngành liên quan đến máy móc là phải phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng rất tiếc hiện nay các ngành này ở Việt Nam còn rất yếu. Việt Nam cần nghiên cứu và tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI chuyển dịch chất lượng sản phẩm lên cao hơn. Chính phủ nên đối thoại với các doanh nghiệp, tập đoàn… để biết họ cần chính sách gì để khuyến khích họ mở rộng và nâng cao diện sản xuất”, ông Thọ nêu quan điểm. 
 
Theo các chia sẻ tại hội thảo, kinh nghiệm của các nước trên thế giới có nhiều thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan cho thấy, quá trình phát triển công nghiệp của các họ đều theo các giai đoạn tuần tự, phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, trong đó ngành cơ khí chính xác có vai trò quan trọng đối với mọi nền công nghiệp. 
 
Nhiều chính sách công nghiệp thành công đều tạo ra mội môi trường thuận lợi để thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển theo định hướng trên cơ sở phân bố các nguồn lực hợp lý, theo cơ chế thị trường, dựa trên các trụ cột về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực.
 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...