Việc Ngân hàng Agibank tỉnh Hòa Bình giải ngân khoản vay 30 tỷ,
hỗ trợ doanh nghiệp từ tháng 10/2017. Đến khi doanh nghiệp bán hàng, tiền trả về
ngân hàng phải thu luôn. Tuy nhiên ngân hàng không thu nợ theo điều 47, Quyết định
226/QĐ-HĐTV-TD mà để cho khách hàng tự ý rút ra dẫn đến không thu hồi được tiền
về cho ngân hàng.
 |
Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình. Ảnh Thụy Du |
Qua tìm hiểu được biết, công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình hoạt
động không hiệu quả, nợ nần khắp nơi…
Để thu hồi số tiền trên, mới đây Agibank tỉnh Hòa Bình đã phải
cầu cứu Công an huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) niêm phong kho hàng thành phẩm của
Công ty CP mía đường Hòa Bình.
Theo Quyết định 226/QĐ-HĐTV-TD ngày 09/03/2017 (Quy chế cho
vay đối với khách hàng trong hệ thống Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam) của Chủ tịch
HĐTV Agribank nêu rõ: Mục 2, Điều 47: “Khách
hàng có phương án sử dụng vốn khả thi để đảm bảo trả nợ được khoản vay mới và
giảm dần dư nợ khoản vay cũ”.
Và theo Điều 49: Agribank nơi cho vay phải có phương án kiểm
tra, giám sát chặt chẽ, khả thi quá trình giải ngân, sử dụng vốn vay đúng mục
đích, quản lý dòng tiền của khách hàng;
Phân công cán bộ hoặc nhóm cán bộ giám sát trực tiếp, thường
xuyên tại nơi thực hiện hoạt động kinh doanh; phải nắm bắt thực trạng hoạt động
kinh doanh của khách hàng (nhập, xuất, tồn kho vật tư hàng hóa; công nợ; tiến độ
thực hiện dự án, phương án kinh doanh, doanh thu bán hàng...);
Trực tiếp giám sát khách hàng thực hiện đúng các nội dung đã
cam kết tại khoản 3 Điều 47 và các thỏa thuận khác; phát hiện kịp thời các vi
phạm, đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp.
 |
Kho của công ty CP mía đường Hòa Bình được niêm phong. Ảnh Thụy Du |
Mọi nguồn thu của khách hàng kể cả từ nguồn thu của khoản vay
cũ, bán tài sản bảo đảm được thu nợ cho khoản vay hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó
khăn. Sau khi hoàn tất toán khoản vay hỗ trợ sẽ thu nợ cho khoản vay cũ.
Các nội dung khác không quy định tại Mục này, Agribank thực
hiện theo quy định tại Quy chế này.
Theo thông tin có được, Công ty CP mía đường Hòa Bình còn nợ
tiền nguyên vật liệu hơn 11 tỷ đồng, công nhân không được nhận lương 3 tháng liền.
Kho hàng chứa khoảng 3.000 tấn đường (trị giá khoảng 36 tỷ), hiện nay chỉ còn
850 tấn đường. Với lượng đường còn lại dù doanh nghiệp này có bán hết thì vẫn
không đủ trả tiền nợ nguyên vật liệu, vậy tiền đâu để trả nợ gói vay 30 tỷ đồng
cho ngân hàng Agribank tỉnh Hòa Bình?
Khi không thể thu hồi được nợ, phía Agribank Hòa Bình mới cầu
cứu cơ quan chức năng can thiệp. Đồng thời, “ngóng” doanh nghiệp tìm được đối
tác góp vốn hoặc mua lại nhà máy… để thu hồi khoản vay.
Trao đổi báo chí về việc vì sao tiền hàng về, ngân hàng không
thu nợ, cắt lãi mà lại lập tức giải ngân ngay? Ông Nguyễn Cảnh Hậu, Trưởng
phòng tín dụng, khách hàng doanh nghiệp lý giải: “Dòng tiền không quay về, do
doanh nghiệp không hợp tác. Ban đầu thì khả thi, tiền về rất đúng thời hạn. Nhưng
dần dần do giá bán thấp, nguyên vật liệu nhập cao, do vấn đề đường điện… nên sản
xuất kinh doanh càng thua lỗ. Do hàng tiền không về, nên ngân hàng không cho
vay nữa”.
Do không thể thu hồi được nợ, đến ngày 25/05/2018 Agribank tỉnh
Hòa Bình đã phối hợp với Công an huyện Lạc Sơn niêm phong kho hàng của Nhà máy
đường. Trao đổi với báo chí ông Phạm Kiên Cường, Giám đốc Agribank tỉnh Hòa
Bình khẳng định: “Thu hồi không được, thì xử lý về tài sản, đàm phán giữa ngân
hàng và công ty. Không phải nói thu là thu được ngay, phải có quá trình. Khó
khăn trong thu nợ nhưng không mất vốn…”.
Liên quan đến quy trình xử lý nợ, Luật Sư, Đặng Văn Cường,
Trưởng văn phòng Luật Sư Chính Pháp Hà Nội cho biết: Quy trình xử lý nợ
theo đúng quy định phải trải qua rất nhiều giai đoạn. Đầu tiên Ngân
hàng sẽ lập phương án, giải pháp xử lý nợ quá hạn và thông báo cho
cá nhân, tổ chức vay để cùng có cách thức xử lý khoản vay. Trong
trường hợp cá nhân, tổ chức vay không thực hiện như cam kết, thỏa
thuận đã ký trong Hợp đồng hoặc cố tình không hợp tác để giải
quyết khoản vay thì Ngân hàng sẽ tiến hành xem xét để xử lý tài
sản bảo đảm. Nếu cá nhân, tổ chức không chịu hợp tác bàn giao tài
sản, thì Ngân hàng có thể khởi kiện ra Tòa yêu cầu Tòa án xem xét, giải
quyết. Có thể nói để thu hồi được nợ thì cần có thời gian và trên
thực tế rất nhiều ngân hàng gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ.
Hiện nay, để tạo điều kiện xử lý vấn đề nợ xấu
của Ngân hàng, pháp luật có quy định cụ thể về việc xử lý nợ xấu
tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội bao gồm một
số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100%
vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền,
nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và
xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ,do Chính phủ thành
lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.
Qua vụ việc trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi Liệu có phải do
Ngân hàng Agribank quản lý không chặt chẽ nên mới để doanh nghiệp sử dụng vốn
vay không hiệu quả, gây ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ, thậm chí mất vốn của
ngân hàng?