Hà Nội: Dân điêu đứng vì dự án treo hồi sinh bất thường

2017-01-07 09:26:54 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Dự án xây dựng các tuyến đường tiếp giáp với các dự án liên quan Khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông được phê duyệt đầu tư từ năm 2010; sau nhiều năm nằm treo bất động, dự án không những thoát án tử bỗng dưng sống lại “đòi” đất của người dân để triển khai thực hiện, gây nên tình cảnh dở khóc, dở cười.

Đơn kiến nghị của người dân sinh sống tại khu tập thể Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây gửi các cơ quan chức trình bày và đề nghị giải quyết vụ việc.

Dự án xây dựng các tuyến đường tiếp giáp với các dự án liên quan Khu đô thị mới Văn Phú, Hà Đông được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ tháng 10/2010, theo Quyết định số 5105/QĐ-UBND. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2011 đến năm 2013, dự kiến sẽ cần phải thu hồi 34.366,2m2 đất tại các phường Kiến Hưng, Hà Cầu, Phú La, quận Hà Đông giao cho chủ đầu tư là UBND quận Hà Đông.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều hộ dân tại tập thể Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây và tập thể may Hưng Thịnh, thuộc tổ dân phố số 7, phường Phú La, quận Hà Đông, mặc dù dự án đã được phê duyệt từ nhiều năm trước đó, nhưng phải đến năm 2013, người dân sinh sống tại đây mới hay biết được sự tồn tại của dự án này thông qua giấy mời họp do ông Tạ Hồng Chung - Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông ký mời bà con thuộc diện mất đất đến thông báo thời gian thực hiện, triển khai thi công và thông qua hồ sơ kỹ thuật các thửa đất nơi có tuyến đường đi qua.

Giấy mời họp là vậy, nhưng tại buổi họp có sự xuất hiện của đại diện Ban Quản lý dự án quận và lãnh đạo phường Phú La khi đó đã không nêu rõ và không giải thích cho các hộ dân được biết dự án làm đường được phê duyệt khi nào, dung để làm gì, cũng như cho người dân được biết về tiến độ và kế hoạch triển khai dự án. Dẫn đến tình trạng, buổi họp thất bại mà không lập được biên bản để mọi người ký tên.

Ngay sau khi kết thúc cuộc họp, người dân tổ dân phố số 7, phường Phú La, quận Hà Đông đã đồng loạt làm đơn kiến nghị lên chính quyền quận Hà Đông và thành phố Hà Nội chỉ rõ sự lãng phí và không cần thiết của dự án.“Chúng tôi sinh sống ổn định trên mảnh đất được Nhà nước cấp “sổ đỏ” và giấy phép xây dựng từ gần 20 năm qua. Để vào khu đô thị Văn Phú, hiện nay đã có 3 tuyến đường được triển khai xây dựng, gồm 1 tuyến đường rộng 24m và 2 tuyến đường 20m từ Quốc lộ 6 đi vào. Vậy cớ gì, mà lại lấy đất mồ hôi, nước mắt của chúng tôi nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm người đầu tư vào khu đô thị, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người dân, gây lãng phí tiền ngân sách từ thuế mà chúng tôi đóng góp” - bà Nguyễn Thị Hương, một hộ dân trong diện mất đất chia sẻ.
 

Sau 6 năm, Dự án xây dựng các tuyến đường tiếp giáp với các dự án liên quan Khu đô thị mới Văn Phú đang được các cấp chính quyền quận Hà Đông tích cực triển khai mặc cho nhiều dấu hỏi về vấn đề pháp lý.

Bẵng đi khoảng 3 năm, ai cũng ngỡ rằng, những kiến nghị của mình đã được chính quyền lắng nghe, thấu hiểu, vì thế mà dự án đã được hủy bỏ, chí ít cũng phải điều chỉnh cho thấu đáo theo nguyện vọng của người dân. Thậm chí, tháng 9/2014, còn có hộ còn xin được giấy phép xây dựng của UBND quận Hà Đông làm nhà kiên cố vì ý nghĩ thời gian thực hiện dự án từ 2011-2013, như vậy dự án có lẽ đã không được tiếp tục triển khai nữa.

Đùng một cái, trong thời gian gần đây, các hộ dân ở cả 2 khu tập thể nói trên bỗng nhận được tin “sét đánh” khi UBND phường Phú La mời họ lên để phát các thông báo, và tài liệu liên quan đến quyết định cho phép làm đường. Trong các văn bản nhận được, điều làm người dân thuộc diện giải phóng mặt bằng không thể hiểu nổi là việc UBND quận Hà Đông lấy Quyết định số 5105/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi ký ngày 19/10/2010 làm căn cứ để ban hành hàng loạt các văn bản như: Quyết định thành lập Tổ công tác Giải phóng mặt bằng số 3696/QĐ-UBND ngày 23/4/2016; Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện công tác tác thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB (giai đoạn 1) số 3084/QĐ-UBND ngày 28/4/2016… nhằm triển khai thực hiện dự án. 

Đối chiếu theo pháp luật hiện hành, theo Khoản 3 Điều 49 của Luật Đất đai quy định: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Như vậy, có thể hiểu, đối với các công trình, dự án đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước sau 3 năm, kể từ ngày kế hoạch sử dụng đất được công bố mà chưa có quyết định thu hồi thì sẽ phải điều chỉnh, hủy bỏ và công bố điều chỉnh, hủy bỏ. Những trường hợp sau 3 năm mà không thực hiện và cũng không điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch thì được coi là “quy hoạch treo”.

Kỳ lạ thay, thực tế cho thấy, trong trường hợp này, UBND quận Hà Đông đã chậm thực hiện việc công bố kế hoạch sử dụng đất hoặc có thể có công bố nhưng sau 3 năm kế hoạch sử dụng đất đó chưa được thực hiện, nhưng vẫn không tuyên bố điều chỉnh hoặc hủy bỏ cho nhân dân biết. Ở đây, người dân hoàn toàn quyền đặt câu hỏi, có hay không việc chính quyền quận Hà Đông đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về đất đai? Bởi lẽ, từ năm 2010 đến tháng 12/2016, người dân bị ảnh hưởng bởi dự án chưa hề nhận được quyết định thu hồi đất đối với từng hộ dân tại tập thể Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây. Vậy, chính quyền quận Hà Đông căn cứ pháp luật nào để ban hành các Quyết định kiểm đếm bắt buộc đối với các hộ dân?
 

Giấy phép xây dựng tạm do ông Vũ Ngọc Phụng - Phó Chủ tịch UBND quân hà Đông cấp cho bà Đặng Thị Luyến xây dựng công trình cao 4 tầng, mật độ 100% trên phần đất nằm trong quy hoạch.

Ở một diễn biến khác, dù đã biết phần diện tích đất của người dân nằm trong quy hoạch thuộc diện phải thu hồi, nhưng vào tháng 9/2014, không rõ có “động cơ” nào đã thúc đẩy ông Vũ Ngọc Phụng - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông lại đặt bút ký giấy phép xây dựng tạm cho hộ bà Đặng Thị Luyến tại thửa đất số 18, khu tập thể Tòa án nhân dân tỉnh. Điều đáng nói, giấy phép xây dựng là tạm chỉ thể hiện ở mặt hình thức trên văn bản, giấy tờ, nhưng quy mô công trình được ông Vũ Ngọc Phụng cấp phép rất đồ sộ và hoàn toàn kiên cố. Cụ thể, theo Giấy phép xây dựng tạm số 42/GPXD-UBND, gia đình bà Đặng Thị Luyến được phép xây dựng ngôi nhà 4 tầng trên phần diện tích đất 63m2, mật độ xây dựng 100% với tổng diện tích sàn lên tới hơn 276m2. 
 

Ngôi nhà kiên cố của bà Đặng Thị Luyến dù nằm trong diện giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng vẫn được cấp phép xây dựng.


Nơi buôn bán, mưu sinh hàng ngày bị đe dọa khiến chủ nhân “ngồi trên đống lửa”.
 
Trao đổi với phóng viên, bà Đặng Thị Luyến, chủ nhân của ngôi nhà nói trên thở dài thườn thượt: “Sống trong cảnh tạm bợ nhiều năm mà nhà nằm trong quy dự án có bán cũng chẳng ai dám mua. Tôi và gia đình cứ vất vưởng chờ đợi dự án sớm triển khai để tiền bề tính toán, nhưng càng chờ càng không thấy động tĩnh gì. Do nhu cầu cấp bách cần nơi an cư, có chỗ bán buôn để mưu sinh cuộc sống hàng ngày nên buộc gia đình tôi phải xây dựng nhà. Ngày tôi làm nhà, hỏi han đủ đường, cứ nghĩ dự án đã hết hạn triển khai từ năm 2013, làm nhà 2014 thì quá yên tâm rồi. Ai ngờ đâu, đầu tư 2 tỷ đồng để làm nhà kiên cố, đổ cả đống tiền đổ vào hàng họ kinh doanh, đến khi nghe tin nhà sắp bị thu hồi, gia đình tôi ai cũng như ngồi trên đống lửa”.   

Vì dự án mà người dân sinh sống tại khu tập thể Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tây đang mất rất nhiều quyền lợi chính đáng của họ ngay trên mảnh đất của mình, nhất là quyền được sửa sang, xây mới. Tuy nhiên, điều làm các hộ dân cảm thấy rất bức xúc là các dấu hiệu vi phạm pháp luật về trình tự thủ tục thu hồi đất của UBND quận Hà Đông là quá rõ ràng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thuộc diện bị thu hồi đất, thiếu công khai minh bạch trong việc công khai các thủ tục giấy tờ liên quan đến dự án này, đã buộc họ phải làm đơn khiếu kiện đi khắp mọi nơi tìm công lý nhưng đến nay sự việc vẫn chìm sâu vào im lặng.

Qua đây, đề nghị UBND thành phố Hà Nội cần khẩn trưởng vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị chức năng làm rõ kiến nghị của người dân, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Nam Định kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Người mù Việt Nam

Sáng 16/4, Hội Người mù tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Người mù Việt Nam (17/4/1969 - 17/4/2024) và kỷ niệm 44 năm thành lập Hội Người mù tỉnh Nam Định (1980-2024).
2024-04-16 14:34:00

HDBank hỗ trợ trả góp 100% tiền học phí với kỳ hạn đến 60 tháng

HDBank là ngân hàng duy nhất triển khai gói sản phẩm Đồng hành tri thức - ưu đãi thanh toán học phí và trả góp đến 60 tháng, giải quyết nỗi lo về tài chính cho các các bậc phụ huynh.
2024-04-16 14:22:33

Phó CT Hải Phòng thăm gia đình người có công dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 16/4, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đến thăm, tặng quà các gia đình người có công tại huyện An Lão nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-04-16 11:47:00

Hải Phòng: Thông qua 7 Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố

Chiều 15/4, HĐND TP.Hải Phòng đã tổ chức kỳ họp 15 (chuyên đề) khóa XVI, thông qua 7 Nghị quyết và hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.
2024-04-16 11:25:51

Cựu chiến binh xã tổ chức lớp học giáo dục truyền thống cho thanh niên

Sáng 16/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Tân tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024
2024-04-16 10:40:00

Tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho giáo viên khuyết tật ở Bắc Kạn

Sáng 15/4, tại Trường TH&THCS Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã diễn ra Lễ trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cô giáo Đàm Thị Thanh Tâm- tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên trong giảng dạy và giáo dục.
2024-04-16 09:42:30
Đang tải...