“Liệt sĩ” trở về sau 46 năm

2016-07-01 13:26:25 0 Bình luận
Sau hàng chục năm thất lạc khi đang làm nhiệm vụ cách mạng, trong đó có 9 năm được công nhận là liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Ân trở về trong niềm vui khôn xiết của gia đình
Bà Nguyễn Thị Ân (SN 1942; quê xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) được công nhận là liệt sĩ từ năm 2006. Trước đó, trong hàng chục năm, người chị dâu duy nhất còn lại của gia đình bà Ân đã lặn lội tìm kiếm, hỏi thăm tung tích người em chồng (là bà Ân) thất lạc khi đang làm nhiệm vụ cách mạng. Đầu tháng 7-2015, gia đình nhận được tin bà Ân còn sống và đang được nuôi dưỡng ở một trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
 
Luôn tin còn sống
 
Căn nhà cấp 4 cũ kỹ của bà Ngô Thị Phán (SN 1942; ngụ xã Hòa Khương) vốn vắng vẻ bỗng đông lạ thường. Nhiều người hàng xóm cùng bà con khắp nơi tới thăm và chia vui với gia đình trước thông tin bà Ân vừa trở về. Bà Phán là vợ của ông Nguyễn Tam (hy sinh năm 1970 và là anh ruột của bà Ân). Gia đình bà Ân có 3 người con, trong đó ông Tam là con trai cả, đến bà Ân và một cô em gái là bà Nguyễn Thị Lý (cũng là liệt sĩ).
 

Bà Ngô Thị Phán ngồi bên người em chồng Nguyễn Thị Ân
 
Vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cả 3 anh em bà Ân đều tham gia cách mạng. Trong đó, bà Ân làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực ở đơn vị K600 kho lương thực Quảng Đà. Sau đó, anh và em gái bà Ân lần lượt hy sinh, bà Ân thì thất lạc trong khi vận chuyển lương thực và bị lính Mỹ bắn trọng thương vào năm 1969. 46 năm qua, gia đình không còn biết tung tích của bà, nghe đâu bà được đưa ra Bắc điều trị.
 
Hòa bình lập lại, bà Phán bắt đầu hành trình tìm kiếm cô em chồng. “Cô ấy là người duy nhất còn hy vọng sống sót trong gia đình nên tôi luôn tin rằng cô ấy còn sống” - bà Phán tâm sự khi kể về việc đã lặn lội xuống trung tâm TP Đà Nẵng, vào TP Hội An (tỉnh Quảng Nam)… để hỏi thăm tung tích cô em chồng. “Đi tới đâu người ta cũng bảo không biết và không tiếp nhận thương binh nào tên Ân vào năm đó. Tôi có tìm về đơn vị cũ của cô Ân cũng chỉ biết cô ấy bị thương nặng và được đưa ra miền Bắc điều trị”.
 
Từ đó, bà Phán cùng các con viết thư, gọi điện thoại tới các trung tâm nuôi dưỡng thương binh ở khắp các tỉnh miền Bắc nhưng họ đều hồi âm rằng các trường hợp tương tự đều đã được trả về miền Nam sau năm 1975. Cuộc tìm kiếm rơi vào vô vọng khi bà Phán gặp được người cùng làm trong đơn vị cũ của bà Ân. Người này cho biết lúc đó bà Ân bị thương rất nặng, có thể đã hy sinh khi được chuyển ra miền Bắc.
 
Sau đó, đồng đội của bà Ân đã làm giấy xác nhận bà đã hy sinh để gia đình làm hồ sơ xin công nhận liệt sĩ. Năm 2006, bà Ân được nhà nước công nhận là liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Kể từ đó, bà Phán lập bàn thờ cho em dâu và lấy ngày 27-7 (ngày Thương binh Liệt sĩ) làm ngày giỗ bà Ân.
 
Đầu tháng 7 năm nay, gia đình bà Phán nhận được tin từ UBND xã Hòa Khương rằng có người báo tin bà Ân vẫn còn sống và được nuôi dưỡng ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và Người có công huyện Long Đất (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Người nhà bà Phán liên lạc và được trung tâm xác nhận đang nuôi dưỡng bà Ân tại đây. Gia đình bà đã đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm thủ tục đón bà Ân trở về. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng thời chiến tranh, bà Ân nay không còn nhận được người thân và chỉ nằm một chỗ.
 
Từ ngày đưa bà Ân về, gia đình bà Phán ai cũng mừng bởi dù sao thì cuối cùng cũng đã tìm được bà, đưa bà trở về sống cạnh người thân. Hằng ngày, đứa cháu gọi bà Ân là bà nội cô ở bên cạnh săn sóc bà.
 
Nhiều lý do khách quan
 
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Cảnh Hòa, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và Người có công huyện Long Đất, cho biết vì nhiều lý do khách quan mà bà Ân bị thất lạc gia đình mãi cho đến bây giờ. Theo ông Hòa, sau khi bị thương vào năm 1969, bà Ân được đưa về dưỡng thương tại một trung tâm điều dưỡng thương binh của tỉnh Phú Thọ. Đến năm 1983, trung tâm này đưa bà sang Trung tâm Điều dưỡng thương binh tâm thần ở Ninh Bình.
 
Trong khi người nhà bà Ân tưởng bà được chuyển vào miền Nam nhưng thực chất lại được chuyển ra Ninh Bình nên từ đó mất liên lạc. Đến năm 2003, khi Trung tâm Điều dưỡng thương binh nặng và Người có công huyện Long Đất được xây dựng khang trang thì bà Ân được chuyển từ Ninh Bình về đây. Lúc đó, trong hồ sơ liên lạc của bà có ghi địa chỉ quê quán tại xã Hòa Lương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà (nay thành xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Trung tâm dựa trên địa chỉ đó, nhiều lần gửi thư về cho Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Nam để tìm tung tích gia đình bà Ân nhưng đều nhận được trả lời không có trường hợp nào tên là Nguyễn Thị Ân.
 
“Chúng tôi cứ nghĩ bà Ân ở Quảng Nam chứ không biết là ở TP Đà Nẵng. Chính vì thế, mãi cho đến khi có một người ở Quảng Nam vào đây tìm anh trai bị thất lạc trong chiến tranh, đọc hồ sơ và tình cờ nhận ra bà Ân quê ở huyện Hòa Vang là thuộc TP Đà Nẵng. Dựa vào đó, chúng tôi mới báo tin về cho UBND xã Hòa Khương và tìm được gia đình của bà Ân” - ông Hòa kể.
 
Sẽ xét chế độ thương binh

Ông Đinh Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, xác nhận trường hợp “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân trở về đã gây xôn xao dư luận địa phương. “Chúng tôi đã báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng để trả lại danh hiệu liệt sĩ và xét chế độ thương binh cho bà Ân vì bà bị thương rất nặng” - ông Thiên nói.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...