Một thân phận chiến tranh

2018-01-19 16:01:43 0 Bình luận
Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến gần, đây là cái Tết thứ 3 ông Vi Văn Xuyên được đoàn tụ với gia đình sau 28 năm lưu lạc, chưa kể quãng thời gian 14 năm quân ngũ. Cuộc đời ông là hiện thân của nỗi đau chiến tranh, và khẳng định sợi dây tình cảm gia đình, quê hương trong mỗi con người luôn bền chặt.

Mỗi khi nói đến những khổ đau và bất hạnh bởi chiến tranh để lại, bà con người Thái ở bản Bàng, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) thường kể về câu chuyện của ông Vi Văn Xuyên (SN 1946). Qua ngưỡng “thất thập cổ lai hy”, người đàn ông ấy phải sống trong cảnh nửa tỉnh, nửa mê, không có gia đình riêng, phải nhờ vào sự cưu mang của vợ chồng người em trai gia cảnh khốn khó.

Chúng tôi đến bản Bàng vào một ngày giá rét, ông Xuyên đang bị cơn hen hành hạ, phải trùm chăn và nằm trong phòng kín mít. Thi thoảng, trong giấc ngủ mê, ông lại hô vang: “Xung phong anh em ơi!”. Ông Vi Toàn (SN 1949, em trai ông Xuyên) giải thích: “Từ hôm đưa anh ấy về quê đã gần 3 năm, hầu như đêm nào anh cũng la hét và hô mệnh lệnh chiến đấu. Tôi có nói là chiến tranh đã hết, giờ anh đã về quê rồi, nhưng anh tôi vẫn không tin”.


Ông Vi Văn Xuyên (trái) đang được gia đình em trai Vi Văn Toàn cưu mang, đùm bọc. Ảnh Công Kiên


Theo lời ông Toàn, anh trai mình nhập ngũ năm 1969, suốt những năm chiến tranh ác liệt, gia đình không hề có tin tức gì của ông Xuyên, chỉ biết rằng ông theo đơn vị vào chiến trường miền Nam. Miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), gia đình chờ mãi cũng chẳng thấy ông Xuyên trở về. Càng ngóng đợi, càng bặt vô âm tín, nghĩ rằng con trai mình đã nằm lại ở chiến trường nên bố mẹ ông Toàn vô cùng đau đớn rồi lần lượt qua đời.

Rồi một ngày vào năm 1983, anh em, họ hàng và làng bản vô cùng bất ngờ khi thấy ông Xuyên trở về cùng một đồng đội. Người ấy giới thiệu cùng công tác với ông Xuyên ở Trường Văn hóa Quân khu 7, do ông Xuyên bị chứng tâm thần phân liệt, hậu quả của chiến tranh, không còn tỉnh táo và bình thường, nên đơn vị cử người đưa ông về quê bàn giao cho gia đình.

Ai nấy đều vô cùng phấn khởi, bởi sau 14 năm bặt tin tức, tưởng chừng không còn cơ hội gặp lại, nay ông Xuyên đã trở về đoàn tụ gia đình, cho dù mang bao thương tật và đầu óc không còn tỉnh táo. Ngày mới về, bố mẹ đã mất, ông Xuyên ở cùng gia đình người anh cả Vi Văn Viết, nhưng chỉ được mấy hôm đã bỏ nhà đi lang thang.

Ngày đó, người dân bản Bàng và các bản lân cận thường thấy ông Xuyên với bộ quân phục sờn rách, mang chiếc ba lô gắn lá cây, đầu đội mũ tai bèo, tay cầm chiếc gậy chạy khắp các tuyến đường, miệng không ngớt hô vang: “Xung phong! Xung phong!” hay “Địch đang ở phía trước, sắp càn vào ấp, phải sẵn sàng chiến đấu!”.


Tấm ảnh thời trẻ của ông Vi Văn Xuyên mà gia đình còn lưu giữ. Ảnh: GGĐCC


Rồi lại thấy ông lên đỉnh đồi dựng một túp lều nhỏ và ở hẳn trên đó, mặc cho anh em, họ hàng ngăn gọi vẫn không chịu về. Ông chỉ xuống bản mỗi khi cần tìm cái ăn, thời gian còn lại dành cho việc đi lang thang, ai cho gì ăn nấy, có khi vào rừng tìm củ mài, củ nâu và các loại quả để sống qua ngày. “Những hôm trời mưa to, gió lớn, tôi và anh Viết lên đồi kéo anh ấy về nhưng vừa vào nhà, anh đã bỏ chạy và trở lại túp lều. Thương anh ở cô độc một mình, nhưng bệnh tình anh như thế, chúng tôi không có cách nào giúp đỡ” - ông Toàn bùi ngùi.

Một thời gian sau, khoảng đầu năm 1987, không còn thấy bóng dáng ông Vi Văn Xuyên xuất hiện trên các tuyến đường, trong túp lều cũ ọp ẹp cũng không còn dấu hiệu cư trú của con người, ông Viết, ông Toàn và anh em họ hàng chia nhau tìm kiếm khắp các ngả. Từ địa bàn Châu Lý, mở rộng ra các xã lân cận, rồi khắp các xã trong huyện, chuyển sang huyện bạn tìm kiếm nhưng vẫn không thấy. Càng tìm kiếm càng trở nên vô vọng. Cũng có lúc ông Toàn và mọi người nghĩ đến khả năng anh trai của mình đã trở lại miền Nam tìm đơn vị cũ. Nhưng miền Nam quá rộng lớn, điều kiện gia đình khó khăn, kinh tế eo hẹp nên chưa thể vào đó kiếm tìm...

Cuộc mưu sinh ở bản vùng cao của xã Châu Lý chưa bao giờ hết vất vả và khó khăn, ông Viết đã mất vì bệnh tật, ông Toàn cũng đã già yếu, mấy lần có ý định vào miền Nam tìm anh trai nhưng rồi đành phải gác lại. Những ngày giỗ, tết gia đình vui vẻ, sum vầy, ông Toàn đã không ngăn được những dòng nước mắt đau đớn và xót xa. Trong tâm khảm của ông, hình ảnh người anh trai luôn hiện hữu, không ít lần trong cơn mơ ông thấy anh trai về nhà gõ cửa... Cho đến một ngày cuối năm 2015, ông Vi Văn Hóa - Chủ tịch MTTQ xã Châu Lý “lướt mạng” và tình cờ bắt gặp thông tin đăng tìm người thân cho cựu chiến binh Vi Văn Xuyên. Nhận được tin vui, ông Toàn xúc động đến rơi nước mắt, rồi không chần chừ, do dự vay thêm tiền làm lộ phí vào tận Đồng Nai đón anh trai trở về.


Một số giấy tờ từ thời quân ngũ của ông Vi Văn Xuyên. Ảnh: Công Kiên


Vậy là, tính từ ngày ông Vi Văn Xuyên rời bỏ bản làng đến ngày theo em trai trở về vừa tròn 28 năm. Do bị mắc chứng tâm thần phân liệt, ông Xuyên nghĩ rằng đất nước vẫn còn chiến tranh, lần về năm 1983 chỉ là nghỉ phép nên đã tìm cách trở vào miền Nam tìm đơn vị. Bước chân ông đi lang thang khắp mọi làng quê, cánh rừng miền Đông Nam bộ, cuối cùng được ông Nguyễn Duy Mai ở ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cưu mang.

Suốt quãng thời gian ấy, ông Mai nhiều lần hỏi quê quán nhưng ông Xuyên không tài nào nhớ nổi. Một lần, xem lại những thứ giấy tờ cất trong chiếc ba lô cũ kỹ, ông Mai tìm được quê quán của ông Xuyên trong cuốn lý lịch quân nhân. Ngặt nỗi, trong cuốn lý lịch, dòng chữ “Vi Văn Xuyên” bị ai đó gạch bỏ và thay bằng chữ “Lê Văn Hoài” ở dưới, việc này không hiểu nhằm mục đích gì. Dù vậy, ông Mai vẫn mạnh dạn nhờ người đăng tải lên mạng Internet để ông Xuyên có cơ may tìm về quê hương. Và điều kỳ diệu đã đến, cuối cùng ông Xuyên đã được trở về với người thân.

Lý lịch quân nhân và các giấy tờ liên quan cho biết, ông Vi Văn Xuyên nhập ngũ tháng 1/1969, thuộc C1, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Tiêu biểu là trận vây ép, đánh chiếm thị xã Cồn Tré (10/1970), trận chống càn ở Kông Pông Thơm và tham gia chiến dịch Bình Long (12/1971) và bị thương, được tặng 8 giấy khen. Ngày 11/11/1977, ông Xuyên được chuyển về Trường Văn hóa Quân khu 7. Đến 1/1/1983 được phục viên trở về địa phương với quân hàm Thiếu úy chuyên nghiệp, là bệnh binh với tỷ lệ mất sức lao động 81%.

Quãng thời gian ông Xuyên lưu lạc nơi đất khách quê người, khoản trợ cấp thương tật bị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Quỳ Hợp cắt. Ông Toàn đã làm các thủ tục để ông Xuyên tiếp tục được hưởng từ ngày 1/9/2016 với mức 5.651.000 đồng/tháng. Có điều, số tiền bị cắt trong 28 năm qua không được truy lĩnh, vì lý do lỗi của ông Vi Văn Xuyên, hơn nữa trong thời gian ấy gia đình không có khiếu nại về việc gián đoạn này.

Ông Vi Văn Toàn chia sẻ: “Tìm và đưa được anh Xuyên về quê đoàn tụ là niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Chỉ mong Nhà nước hỗ trợ cho anh ấy một ngôi nhà nhỏ để bù đắp phần nào những mất mát và thiệt thòi. Sau này anh mất còn có chỗ thờ cúng, vì di chứng chiến tranh nên anh không có may mắn được lập gia đình riêng...”.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

Sau một ngày (19/4) làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIV nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 18 theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.
2024-04-20 13:28:10

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44
Đang tải...