Một trắc nghiệm về phẩm chất anh hùng

2018-03-30 15:30:05 0 Bình luận
Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa hơn 40 năm, những anh hùng từ thời đó đều tuổi cao và người mất người còn. Trong khoảng thời bình họ đã sống có còn tiếp tục phát huy phẩm chất anh hùng? Trong tôi bỗng nảy ra câu hỏi đó và định tìm hiểu về người anh hùng đằng sau những chiến công đã làm nên tên tuổi của họ, song tôi không thể biết sẽ có một cuộc “trắc nghiệm” cụ thể với ai và vào lúc nào. Thế rồi một cơ may tình cờ đã đến...

Anh hùng Đỗ Văn Trì.


Vào đầu năm 2017, Bộ Quốc phòng nước ta phối hợp với Bộ Quốc phòng hai nước Lào và Campuchia mở cuộc thi viết truyện ký về tình đoàn kết chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Đông Dương. Người viết chủ yếu dựa vào các cựu chiến binh, nhằm tái hiện quãng đời chiến đấu của họ với những kỷ niệm sâu sắc nhất. Thế rồi đến đầu năm 2018, tổng kết trao giải. Tôi may mắn được trúng giải và được mời vào hội trường Bộ Quốc phòng nhận giải.

Tôi ngồi bên một bác chắc chắn là cao niên hơn mình, râu tóc đã bạc trắng, cạnh bác còn có một cô gái trẻ nhỏ nhắn, xinh xắn. Cô gái cười nói với tôi: Bố cháu là thương binh nặng, bố ra khỏi nhà, cháu hay đi theo giúp bố. Tôi làm quen với bác. May mắn làm sao tôi bất ngờ được gặp một người, phong anh hùng một lần với các tên tuổi lừng lẫy thời chống Mỹ như: Trần Hanh, Thái Văn A, Trần Thị Lý, Đèo Văn Khổ... Bác là Đại tá Đỗ Văn Trì, trước khi nghỉ hưu năm 2005 là Phó tham mưu trưởng Quân khu 2. Thoạt nhìn gương mặt tròn phúc hậu luôn nở nụ cười tươi, giọng nói sôi nổi, tác phong nhanh nhẹn, chắc khó ai tưởng tượng nổi bác từng bị thương rất nặng và nhiều năm chống chọi với bệnh tật để tiếp tục sống, chiến đấu và làm việc một cách ngoan cường, hiệu quả đến thế!

Ở tuổi đôi mươi trong đội quân tình nguyện Việt Nam tại nước bạn Lào, Đỗ Văn Trì là xạ thủ trung liên thuộc Đại đội 7 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316). Một ngày giữa tháng 7/1965, địch đánh vào sân bay Hứa Mường thuộc tỉnh Sầm Nưa, căn cứ của Mặt trận Yêu nước Lào. Đơn vị anh đang làm nhiệm vụ phòng ngự trên khu vực đồi H3 và Q6, bất ngờ địch tấn công, một khẩu trung liên bị tắc đạn, anh liền nhảy sang sửa chữa giúp, rồi lại về vị trí của mình. Địch ỷ đông tiếp tục xông lên. Một quả đạn cối nổ gần hất anh ngã, bị thương vào đầu, cánh tay trái bị xé rách lộ cả xương, anh vẫn bình tĩnh nhờ đồng đội băng bó rồi dùng tay không bị thương ném mấy quả lựu đạn về phía địch. Chúng đổ thêm một tiểu đoàn cố chiếm khu đồi H3, Q6. Bỗng anh thấy đau nhói ở bụng. Nhìn xuống, một viên đạn đã làm ruột lòi ra. Anh liền nhờ đồng đội lấy cái bát úp lên chỗ vết thương rồi dùng màn cá nhân cuốn chặt lại, chiến đấu tiếp. Có lúc địch tới gần, anh vẫn cùng đồng đội xông lên đánh giáp lá cà.

Đến chiều, địch tạm lui xuống chân đồi. Máu trào ra ướt sũng cái màn cuốn, đồng đội dìu anh vào hầm. Đạn gần hết, anh lại cùng anh em bị thương bò ra gom đạn, tiếp tế cho các xạ thủ. Qua ngày hôm sau, đơn vị đã hy sinh hơn 70 người trong đó có cả ban chỉ huy đại đội. Từ tiểu đội trưởng, anh được chỉ định thay đại đội trưởng. Không còn gạo, anh em trên chốt phải ăn cả thứ cơm thiu mốc của mấy hôm trước để lấy sức cầm cự, chờ tiếp viện. Đêm, anh vẫn đủ tỉnh táo cử chiến sĩ xuống chân đồi lục tìm trên những xác địch súng đạn và lương khô. Trận địa được giữ vững. Đến khi lực lượng phía sau lên thay, chuyển thương binh ra, anh nhường cáng cho anh em khác, còn mình cố đi bộ chờ cáng trở lại đón. Rồi cứ nén đau đi bộ suốt hai ngày để đến được bệnh viện tuyến sau.

Ca mổ kéo dài 12 giờ, không có điều kiện gây mê, chỉ gây tê mà anh không hề kêu rên một tiếng. Bác sĩ ở bệnh viện Sầm Nưa đã lấy nhiều mảnh đạn ở bụng, ở cánh tay và cắt bỏ hai thùy gan số 5 và 6 do đã bị dập nát của anh. Sau đó, anh được đưa về nước bằng máy bay quân sự, điều trị tại Viện 105 Sơn Tây, vết thương nhiễm trùng mưng mủ, anh phải mổ đi mổ lại tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Ở cánh tay cũng nhiễm trùng cũng phải mổ và sắp xếp lại các mảnh xương, vẫn còn nhiều mảnh đạn không lấy ra hết được...


Anh hùng Đỗ Văn Trì (người mặc quân phục trắng đứng giữa) cùng vợ thăm lại nơi chiến trường xưa ở địa đầu tỉnh Hà Giang (Năm 2001).


Vì tỷ lệ thương tật trên 70 phần trăm sức khỏe, thiếu úy Đỗ Văn Trì phải phục viên, trở về quê hương. Song trong lòng anh khôn nguôi nhớ đồng đội, rất muốn trở lại chiến đấu. Hai tháng sau ngày ra viện, một tin vui bất ngờ đã đến với anh. Lúc đó Phó tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái cho người về quê anh tìm và thông báo quyết định gọi anh trở lại quân ngũ. Ngày 1/1/1967 Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 11 cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, trong đó có Đỗ Văn Trì. Trở lại sư đoàn cũ là niềm vui sướng vô bờ của của người anh hùng và để được tiếp tục đi chiến đấu, anh đã tự nguyện làm một “thủ tục” chưa từng có tiền lệ, là từ thương binh hạng nặng nhất (loại 1), xuống loại... 2.

Những năm tháng chiến đấu sau đó trong đội hình Sư đoàn 316, anh đã có nhiều trưởng thành, là đại đội trưởng (năm 1967); tiểu đoàn trưởng (1970); trung đoàn trưởng (1974). Và Trung đoàn 148 do anh chỉ huy đã lập công xuất sắc trong trận đánh vào cứ điểm Buôn Ma Thuột, mở đầu cuộc Đại thắng mùa xuân năm 1975. Sau ngày nước nhà thống nhất, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, anh lại ra tuyến đầu, là sư đoàn trưởng Sư đoàn 313 trong nhiều năm chốt giữ ở mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.

Anh hùng Đỗ Văn Trì có mối tình thật đẹp với người bạn gái xinh đẹp ở cùng thôn Văn Tràng (Thụy Văn, Thái Thụy, Thái Bình) tên là Ngô Thị Liên. Họ biết nhau từ thuở nhỏ, “Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp/Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa/Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay/Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/Bên ấy có người ngày mai ra trận...” (Hương thầm -Thơ Phan Thị Thanh Nhàn). Thế rồi phải đợi đến năm 1967, ông anh ruột của Đỗ Văn Trì trước khi tái ngũ, đi B mới đưa cậu em sang nhà cô Liên, bí thư chi đoàn xã nói hộ và sau đó hai nhà tổ chức lễ ăn hỏi. Rồi anh lại đi C (mặt trận Lào) thêm 4 năm nữa, chị ở nhà coi như “làm dâu non”, vẫn thường đi lại chăm sóc bố mẹ anh, đến năm 1971 hai người mới chính thức làm lễ cưới. Sau đó anh lại vào chiến trường, phải 2 năm sau anh ra Bắc họ mới có đứa con trai đầu lòng, là Thượng tá Đỗ Xuân Quý tùy viên quân sự Đại sứ quán nước ta tại Ba Lan hiện nay.

Cuộc “trắc nghiệm” của tôi với anh hùng Đỗ Văn Trì bỗng chốc đã có được thành công ngoài mong đợi. Người anh hùng ấy trong thời chiến kể cả sau khi đã bị thương nặng vẫn tiếp tục lên tuyến đầu và lập công xuất sắc. Những năm tháng thời bình và từ ngày nghỉ hưu, phẩm chất anh hùng còn thể hiện rõ trong nhiều lần đối mặt với thần chết trên giường bệnh khi vết thương tái phát cùng các thứ bệnh hiểm nghèo phát sinh. Năm 1970 khi ông đang là tiểu đoàn trưởng bên Lào thì bỗng bụng bị chướng lên, cấp trên cho một chuyến trực thăng cấp cứu về Viện 108, Hà Nội. Vết mổ ngày trước bị dính ruột và nhiễm trùng, phải mổ lại, sau đó bị liệt dây thần kinh mất gần 3 tháng. Riêng phần ổ bụng 5 lần mổ đi mổ lại. Rồi dạ dày lại bị viêm bờ cong nhỏ phải mổ cắt ba phần tư. Tiếp đến thoát vị đĩa đệm cổ phải mổ và làm nẹp. Cánh tay bị thương cũng phải mổ tới 3 lần, thế mà vẫn chưa lấy hết mảnh đạn.

Hôm đưa vào máy chụp CT, máy cứ kêu “reng, reng” vì có kim khí trong người. Vậy là tổng cộng trong mấy chục năm qua ông Đỗ Văn Trì đã lên bàn mổ 10 lần. Ông chính là minh chứng sống động về sức chịu đựng kỳ diệu của con người trong cuộc đấu tranh với bệnh tật. Ông dù hoàn cảnh nào cũng vẫn sống lạc quan, không bao giờ thấy ông kêu ca, phàn nàn gì về người khác. Việc tập luyện giữ gìn sức khỏe thì ông rất chăm chỉ. Nhà cách Hồ Tây không xa, ngày trước ông vẫn thường đi bộ buổi sáng quanh hồ hàng chục cây số, rồi thấy bệnh tim mạch có chiều hướng nặng thêm, bác sĩ khuyên nên hạn chế đi bộ xa, thế là ông ở nhà buổi sáng tập trèo cầu thang từ tầng 1 lên tầng 5. Ban công nào ông cũng trồng cây cảnh và hàng ngày kết hợp chăm bón cây cảnh, tưới tắm với việc lên xuống cầu thang một cách nhẹ nhàng...

Lúc nhận giải trở về, ông cười rung chòm râu bạc, nói với tôi: Anh ạ, cả đời tôi chỉ cầm cây súng, mà nay mới cầm cây bút viết được cái “kỷ niệm sâu sắc”, trong lần đầu đã có giải, đúng là niềm vui đến bất ngờ quá, cảm thấy trong người khỏe hẳn ra!

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

Sau một ngày (19/4) làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIV nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 18 theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.
2024-04-20 13:28:10

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44
Đang tải...