Nghị lực phi thường của chàng trai không tay

2018-10-25 11:15:17 0 Bình luận
Trên mạng xã hội có nhiều điều phức tạp trong các mối quan hệ cũng như cách giao tiếp qua lại. Giữa một đám đông hàng triệu người bỗng có cơ hội liên kết lại với nhau trong thế giới mạng, xa lạ, gần gũi hoặc có nhiều cảm động bởi họ mang tới thứ năng lượng sống thật đẹp thể hiện trên đó.

Chàng trai người Dao khuyết đôi bàn tay, mang cái tên thật khó nhớ, Lý Láo Lở, là một người như vậy.

Tai nạn bất ngờ

Lý Láo Lở có tên khác trên mạng là Lý Minh Khang. Bất kể ai lần đầu tiên gặp Khang đều không thể không xúc động bởi một nghị lực sống quá phi thường. Cậu đã có một tuổi thơ không êm lặng như bao đứa trẻ khác. Cậu lớn lên nơi vùng hoang vu núi lẫn rừng Tây Bắc, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai, mất mẹ khi còn nhỏ. Trong cái bản làng heo hút ấy, Khang lặng lẽ mỗi ngày lội rừng hàng chục kilômét để tới trường, đói đến vất vưởng những chiều đông lạnh ngắt vùng sơn cước.

Một chiều hè nhiều năm trước, khi cậu bé người Dao 15 tuổi còn đang học lớp 8 nội trú trên núi, trong lúc bê những vật kim loại để bắc rạp tổ chức ngoại khóa nhà trường, dòng điện cao thế trên cao phóng thẳng vào đó. Sau một tiếng nổ lớn, Lý Láo Lở ngất lịm, cháy sém và tỉnh lại với hai cẳng tay bị đốt cháy hoàn toàn, phải cắt bỏ.

Thật kỳ lạ, bởi có những con người sở hữu thứ niềm tin nào đó thật tuyệt đối, sự quyết tâm cao độ và dám gạt phát lại sau lưng những thứ gọi là bi kịch, đây lại là một đứa trẻ. Tai nạn không cướp đi giấc mơ của chú bé dân tộc Dao.


Hạnh phúc với công việc tại cửa hàng trái cây tươi.


“Khi bị tai nạn và ngất đi, cả làng bảo mình không sống được nữa rồi nên đừng cứu nữa, đưa về nhà để chôn cất thôi. Nhưng, còn nước còn tát, người thân đưa mình xuống Viện Bỏng ở Hà Nội điều trị. Mình may mắn qua cơn nguy kịch nhưng các bác sĩ đã phải cưa cả hai cẳng tay của mình đến sát khuỷu tay”, chàng trai sinh năm 1987 nhớ lại.

Chắc chắn rằng, với bất kỳ ai, mọi tổn thương da thịt đều là một trải nghiệm kinh hãi. Thức dậy trong bệnh viện khi đã mất đi cả hai tay, Lý Láo Lở đã trở thành một con người khác trong tuyệt vọng. Cậu bật khóc bởi những cơn đau thể xác lẫn tinh thần dằn vặt từng giây phút. Cậu bé mồ côi mẹ từ một con người hoạt bát, tung tẩy cùng bạn bè, hòa mình với núi rừng giờ không còn nữa bởi nhất cử nhất động đều bị phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân. Giấc mơ học hành bỏ lửng.

Thời gian có thể chữa lành mọi vết thương, khi nỗi đau phần nào nguôi ngoai, Lý Láo Lở đã suy nghĩ rằng không thể tiếp tục trở thành gánh nặng cho gia đình, chỉ có một con đường là luyện tập và tiếp tục học hành. Thật khó tưởng tượng cậu thanh niên với hai cánh tay không lành lặn, chỗ cắt đứt là những vết sẹo đỏ ngang dọc không bằng phẳng lại làm được nhiều việc đến vậy.

“Mất 5 tháng, đôi tay mình dần hồi phục, còn về mặt tinh thần và tập luyện cho nó có thể làm việc được, mình cũng không nhớ là bao lâu nữa".

Với đa số học trò miền núi, dù được cộng thêm điểm ưu tiên thì việc thi cử cũng luôn không bao giờ dễ dàng. Nhất là với hoàn cảnh đặc biệt của Lý Minh Khang. Hơn 3 năm sau ngày gặp biến cố cuộc đời, cậu quay lại trường học. Có lẽ, sự cố gắng đã qua là rất lớn để có thể theo kịp bạn bè. Lý Láo Lở tự nhủ: “Nếu các bạn cố gắng một thì mình phải cố gắng mười, nhất định không được chùn bước”.

Tốt nghiệp cấp 3, cậu đã bước qua khó khăn đầu tiên là thi đỗ và rời xa núi rừng, chuyển hẳn lên Hà Nội theo học một trường cao đẳng nghề. Băng băng lướt qua nhiều thăng trầm sức khỏe lẫn niềm tin, những nỗ lực trước đó để được tuyển đặc cách vào Khoa Khoa học quản lý, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Hoàn cảnh của Lở được một số người tốt bụng biết tới, họ đã giúp đỡ rất nhiều để cậu bé có thể yên tâm theo học.

Vài năm trước gặp Lý Láo Lở, chàng tân sinh viên còn chưa nói sõi tiếng phổ thông, vẫn còn loay hoay học gõ máy tính để bài vở kịp cùng học trình. “Khó quá”, mồm cậu liên tục phàn nàn thế trong nụ cười bẽn lẽn trước mặt khách. Tôi ngồi ngắm cậu sinh viên và tự đặt ra nhiều dấu hỏi, tin đấy nhưng bồi hồi lo lắng về tương lai bất định đầy gian khó ngay cả với người lành lặn.

Hai cẳng tay cứ vậy thoăn thoắt đủ việc nhà lẫn việc học, gõ máy tính lẫn sử dụng điện thoại thoăn thoắt theo một cách vô cùng đặc biệt. Hình như khi con người ta thiệt thòi điều gì đó, sẽ được bù đắp bằng những phản xạ, kỹ năng khác trỗi dậy mãnh liệt hơn đến kinh ngạc.


Lý Láo Lở bên người thân trong ngày tốt nghiệp đại học.


Vượt lên số phận

Trong cuộc sống, có lẽ con người ta thường hay phàn nàn về sự công bằng. Nhưng, sự công bằng quan trọng nhất tồn tại trên trái đất, đó là chính là nghị lực vượt lên của mỗi con người. Sau 4 năm học đại học, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá đi xin việc, không ai dám nhận cậu. Ừ thì đó cũng là mong muốn an toàn kinh tế của những người làm kinh doanh, thật khó trách. Còn sức khỏe, còn năng lực và cả nhiệt huyết thì có gì chặn được người ta mưu sinh để sống.

Khang quyết định đi làm thêm như những sinh viên ngoại tỉnh khác mới tốt nghiệp. Và cậu chọn nghề “shipper” (đi giao hàng cho những người bán hàng trên mạng). Người ta nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, lại là thứ việc nặng nhọc, Minh Khang nhong nhong đường ngang ngõ dọc khắp Hà Nội, mướt mả mồ hôi. Chiếc xe tay ga 50 phân khối cũng được chế tác thật đặc biệt. Trên tay lái là hai chiếc ống để cậu xỏ phần tay còn lại vào đó mà điều khiển. Gặp lần nào cũng vậy, là nụ cười lỏn lẻn, nhoay nhoáy nhắn tin cho khách theo một cách cũng rất đặc biệt trên điện thoại màn hình cảm ứng.

Khang là một người làm việc có trách nhiệm, nhất là với cái công việc vất vả này thì để giữ được nó càng khó hơn. Ngày nắng cũng như ngày mưa, sớm hôm hay lúc khuya khoắt, không được phép từ chối vận chuyển và việc giao hàng đúng hẹn đã là những viên gạch niềm tin đầu tiên được ghi nhận xóa đi những hoài nghi về người khuyết tật như Khang.

"Có nhiều người khi gặp khó khăn, tuyệt vọng, họ thường buông xuôi nhưng mình thì luôn cố gắng để thay đổi, để sống tốt hơn. Mình rất vui vì có thể tự làm việc, tự lo cho bản thân dù đây không phải là công việc mình mơ ước".

Thật ra, hình như có nhiều lần cậu ấy nhận ra ánh mắt xót xa, ái ngại hoặc nhang nhác vậy của tôi. Cậu lại cười, bảo “em không sao đâu”. Có những sự thông cảm hoặc mang tên thương xót ai đó lại có thể làm con người ta tổn thương. Họ mong muốn nhận được sự thừa nhận nào đó, công bằng cũng như chia sẻ, chỉ vậy thôi đã là quá đủ. Tôi có vài người bạn khuyết tật, họ có sức sống mãnh liệt và những cố gắng không thể tả hết. Ví dụ, chàng trai xương thủy tinh Vũ Ngọc Anh chẳng hạn, việc duy nhất cậu ta không làm được mà nở nụ cười nhờ vả là “Gấp hộ em cái xe lăn” khi bắt buộc phải di chuyển bằng taxi.

Khang nói: “Khiếm khuyết là điều không ai muốn. Ranh giới giữa mặc cảm và hòa nhập không phải ai cũng có thể vượt qua. Mình chỉ muốn nói với những người đồng cảnh ngộ rằng hãy cứ sống là chính mình, sống có ích mỗi ngày, bạn sẽ tự hòa nhập”.

Tin vào ngày mai tươi sáng

Trong một nền tảng phát triển xã hội vẫn còn đâu đó thiếu cân bằng. Người khuyết tật dù được giúp đỡ, họ vẫn gặp khó khăn trong cuộc sống. Ví dụ thật đơn giản trong các công trình công cộng, chung cư... thì đường lên xuống cho xe lăn hầu như không được tính đến khi thiết kế. Người khuyết tật loay hoay cuộc sống bằng tình thương và trợ giúp của cộng đồng.

Tôi luôn có tình cảm đặc biệt với Lý Láo Lở. Bởi trong cậu bé ngày nào giờ đã 27 tuổi đó, có gì đó vô cùng đặc biệt về sự mãnh liệt trong cuộc sống. Thay vì trông chờ vào những điều người đời gọi là thần kỳ thì cậu chủ động tạo ra nó bằng nỗ lực phi thường. Trên trang mạng xã hội cá nhân tại địa chỉ mạng tên Lý Minh Khang, đó là những hình ảnh luôn tràn trề niềm tin cuộc sống. Không hề có những lời ca thán, mệt mỏi. Đọc trên đó, xem trên đó, luôn truyền sang cho bạn bè thứ năng lượng sống đẹp đẽ để cố gắng hơn hoặc giả, thấy mình thật ích kỷ với chính bản thân khi than vãn quá nhiều điều.


Không có khó khăn nào ngăn cản được chàng trai người Dao.


Chàng sinh viên người Dao khuyết đôi tay năm nào nay đã có riêng cho mình một tiệm bán trái cây nhập khẩu. Cửa hàng tấp nập khách trong ngồn ngộn hàng hóa là trái cây tươi được đóng gói đẹp đẽ. Tôi ngồi đó ngắm chàng trai đảm đang, mồ hôi mồ kê nhễ nhại chạy ra chạy vào đóng hàng cho khách, nhắn tin, điện thoại, xếp hàng hóa để chuyển đi. Tự mỉm cười trong lòng, cuộc sống người ta than trách không công bằng có lẽ là chưa chính xác cho lắm. Lý Láo Lở đã định hình cho mình một tương lai ấm áp.

Hiển nhiên là tấm gương đáng học hỏi cho nhiều bạn trẻ khác về nỗ lực vun đắp số phận. Bởi nếu đầu hàng nó quá sớm, đó mới là bi kịch. Bởi nếu nằm đó thất vọng, cuộc sống có lẽ mang sắc xám bao phủ và che lấp đi nhiều cơ hội đáng lẽ sẽ được đặt lên bàn tay.

Người ta thường nói, khi chúng ta không có gì cả, chúng ta vẫn còn đôi tay và khối óc, cho dù khi đưa ra trước gió, đôi tay của chúng ta thật trắng tinh và trống rỗng. Đối với Lý Láo Lở, ngay cả một đôi bàn tay lành lặn, anh cũng không có được nhưng đã chứng minh cho những người lành lặn đủ đầy nhiều điều đáng suy nghĩ.

Trước khi chia tay, Khang tần ngần đứng bên tôi hỏi thêm nhiều điều còn trăn trở. Khang dự định sẽ tiếp tục kinh doanh để có thêm thu nhập và muốn được học thêm những kiến thức mới về thị trường, quảng cáo, tiếp thị... Thế đấy, tôi tin cậu ta sẽ làm được để chỉ bước thêm vài năm nữa sẽ nắm giữ cho bản thân một tương lai ổn định. Cậu xứng đáng được hưởng những điều đó.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...