Những anh hùng dưới lòng hang động Quảng Bình thời chống Mỹ

2018-11-05 10:57:35 0 Bình luận
Để tránh sự bắn phá của giặc Mỹ, bộ đội lui vào các hang động ở Quảng Bình tiếp tục chiến đấu, nhiều người hy sinh ngay trong hang.

Từ năm 1965, đế quốc Mỹ dùng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc trên quy mô lớn, với cường độ ngày càng khốc liệt. Hàng trăm hang động ở Quảng Bình được sử dụng làm nơi trú ẩn của nhân dân và bộ đội, tránh các cuộc oanh tạc phá hoại.

13 liệt sĩ thông tin dưới hang Lèn Hà

Nằm ở lưng chừng núi, hang Lèn Hà ở xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) rộng khoảng 420 m, đỉnh cao nhất 320 m. Năm 1967, hang trở thành nơi đóng quân bí mật của trạm A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134, Bộ tư lệnh Thông tin.

Trạm A69 có nhiệm vụ bảo đảm thông tin từ Hà Nội đến đường 9 - Nam Lào; giữ thông tin cho Binh trạm 12 ở Cổng Trời và Sư đoàn Phòng không 367, chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ các trọng điểm trên tuyến đường giao thông huyết mạch từ Hương Khê (Hà Tĩnh) đến Tân Ấp (Quảng Bình)... Đường dây của trạm nối liền với mạng thông tin của Bộ Tư lệnh 559, chạy dọc đường 12A (Quảng Bình) và đường 8 (Hà Tĩnh), đi qua nhiều trọng điểm Mỹ đánh phá...

Phát hiện được hoạt động của trạm A69 và vị trí quan trọng của hang Lèn Hà, giặc Mỹ thường xuyên tập trung đánh phá vào khu vực hang. Chiến sĩ A69 là các cô gái, chàng trai ở tuổi mười tám, đôi mươi từ miền Bắc vào, đã mưu trí chiến đấu, giữ vững đường dây thông tin.

Những giây phút rảnh rỗi hiếm hoi, chiến sĩ thường qua nhà người dân gần đó thăm chơi. “Bố mẹ tôi coi các cô chú ấy như con, có sắn ăn sắn, có bồi ăn bồi, tâm sự mọi chuyện”, bà Ngô Thị Trương (67 tuổi), nhà ở sát hang Lèn Hà nhớ lại. Bà Trương không thể quên trận bom cướp đi 13 chiến sĩ trong hang.


Hang Lèn Hà được xây dựng lại khang trang, dựng bia tưởng niệm 13 liệt sĩ hy sinh. Ảnh: Hoàng Táo.


13h25 ngày 2/7/1972, máy bay Mỹ ập tới bắn pháo khói vào nhà ăn của trạm A69 để chỉ điểm. Chưa đầy 5 phút sau, hai máy bay B52 bay đến ném ba quả bom vào hai đầu núi và một quả vào chính giữa hội trường. Tiếp đó chúng đánh bom phát quang, bom cháy, khu vực trạm bị bốc cháy dữ dội.

Cuộc đánh phá diễn ra trong 5 phút khiến trạm máy trên hang đá cao bị hư hỏng nặng, mạng cáp nhập đài và khoảng 1.500 m đường dây quanh khu vực bị đứt nát không làm việc được. 13 chiến sĩ hy sinh, trong đó có 10 cô gái.

'Nghe tiếng bom nổ rát ở trên hang, tôi chạy đến chứng kiến cảnh đổ nát, lán trại nghiêng ngả, khói đen bốc lên. Tôi cùng nhiều người khiêng từng thi thể ra ngoài, tắm rửa sạch sẽ rồi mặc lại áo quần, khâm liệm. Chúng tôi dùng lọ thuốc Penicillin bằng thủy tinh ghi tên tuổi các cô chú rồi mai táng”, bà Trương kể.

Không thể để đường dây thông tin bị gián đoạn kéo dài, những chiến sĩ còn sống sau trận oanh kích đã nỗ lực nối lại đường dây, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, trạm máy được củng cố chỉ sau một giờ.

Những năm sau đó, cán bộ, chiến sĩ Trạm A69 đã luôn hoàn thành nhiệm vụ giữ vững thông tin liên lạc, phục vụ cho các mặt trận, chiến dịch như Đường 9 - Nam Lào, cánh đồng Chum năm 1971, Quảng Trị năm 1972...

Năm 2009, hang Lèn Hà được công nhận di tích lịch sử quốc gia. Hang cũng được xây dựng lại khang trang phục vụ tham quan, bên trong vẫn còn một số máy móc phục vụ chiến đấu.

Hang vũ khí

Để tiếp tế cho chiến trường miền Nam, phục vụ chiến đấu tại chỗ, hang Vàng ở xã Ngân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) được bộ đội lựa chọn chứa vũ khí. Năm 1968, hàng trăm tấn đạn dược các loại, từ pháo cối to bằng bắp đùi cho đến đạn AK chứa bên trong hang.

Ngay cửa chính hang Vàng là bức tường thành bằng đá, cao khoảng 3 mét, rộng đế 2,5 mét và nhỏ dần bên trên để ngăn bom đạn. Cửa hang chỉ để lại ngách nhỏ bên trái làm lối đi. Hang cũng có ba cửa phụ, là các lối thoát hiểm khi có sự cố.

Sau lối vào có một nền bê tông rộng, bằng phẳng được xây từ các ống kim loại của vỏ đạn, dùng đặt máy phát điện. Bộ đội đã xây nhiều bậc cấp, mương thoát nước, tường thành, trụ bê tông; bên trong đúc nhiều khối bê tông để kê các thùng đạn. Trong hang cũng có nguồn nước nên có thể làm nơi trú ẩn lâu dài.


Cửa vào hang Vàng được xây bức tường đá kiên cố để ngăn bom đạn công phá. Ảnh: Hoàng Táo.


Hiện ngoài cửa hang còn bốn câu thơ viết bằng nét bút màu đen, kể lại cảnh bốc dỡ vũ khí năm xưa. “Trăng lên đỉnh núi trăng tà/ Sao không đứng đó xem ta bốc hàng/ Bên anh thi với bên nàng/ Đố ai ghi được chữ vàng chiến công”.

Với cách thiết kế chắc chắn, suốt từ năm 1968 đến 1972, hang Vàng không bị bom Mỹ tàn phá, trở thành điểm tập trung vũ khí an toàn của quân đội Việt Nam. Đến năm 1972, vùng đất này bình yên trở lại, bộ đội dần di chuyển. Bên ngoài hang Vàng cắm biển cấm người dân xâm nhập.

“Khi bộ đội rút đi, trong hang còn hàng chục khối đạn dược. Đạn thì đóng trong thùng gỗ, đạn pháo to thì chất đống trên các khối bê tông”, ông Nguyễn Văn Đức (54 tuổi), nhà cách cửa hang chừng 10 phút đi bộ, kể. Dần dà, người dân tràn vào, thu lượm đạn dược bán.

Sau khi lấy hết đạn dược, người dân đập phá các khối bê tông, trụ sắt, cạy các nền đá để lấy vỏ đạn pháo. Trong hang, hiện còn nhiều dấu tích của bộ đội như các tấm nylon xanh quân sự, tấm lợp bằng nhựa màu xanh trời.

Những năm gần đây, hang Vàng được sử dụng làm nơi trú ẩn cho người dân mỗi mùa mưa bão, thường chứa được khoảng 100 người.


Hang Vàng bị tàn phá sau chiến tranh, hiện chỉ còn lại chút nylon xanh của quân đội. Ảnh: Hoàng Táo.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...