Những cánh thư không mỏi

2017-03-11 20:42:24 0 Bình luận
Ngày nào cũng vậy, đã thành thói quen, cứ đến 14 giờ 15 phút, người cựu chiến binh Phạm Song Toàn ở thôn Văn Xá, Nhị Khê, Thường Tín, Hà Nội lại bật đài lên nghe chương trình “Nhắn tìm đồng đội”, ghi chép lại thông tin liệt sĩ và gửi về địa phương với mong muốn thân nhân liệt sĩ sớm tìm thấy phần mộ của người thân.

Gần 40 lần về miền đất lửa tìm đồng đội

Cựu chiến binh Phạm Song Toàn đi bộ đội từ năm 25 tuổi và đóng quân tại Quảng Trị. Năm 1973 ông phục viên trở về quê hương. Tại địa phương, ông tiếp tục lao động cống hiến khi công tác tại Ban Công an xã, sau đó là Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp…

Đến tuổi về hưu, năm 1985 ông Toàn bắt đầu hành trình tìm mộ liệt sĩ của mình. Ông Toàn kể: “Từng là người lính tham gia những trận đánh ác liệt tại chiến trường Quảng Trị từ 1966 -1973, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh và sau này về công tác tại địa phương, là Xã đội trưởng rồi Phó Chủ tịch xã, rất nhiều lần gia đình các thân nhân đến hỏi tôi về nơi chôn cất liệt sĩ, khiến tôi rất day dứt. Năm 1995, thân nhân gia đình liệt sĩ Bùi Thanh Huệ, ở cùng huyện Thường Tín, biết tôi từng nhập ngũ cùng ngày và ở cùng đơn vị chiến đấu, cũng đã đến nhờ tôi hỏi thông tin và mong muốn đi tìm hài cốt liệt sĩ để đưa về quê. Chứng kiến nỗi đau mất mát của gia đình, tôi quyết tâm đi tìm hài cốt của bạn”.


Ông Toàn chăm sóc các ngôi mộ liệt sĩ


Để xác minh thông tin địa điểm chôn cất liệt sĩ Bùi Thanh Huệ hy sinh, ông Toàn đã phải đi tới từng nhà 6 đồng đội cùng đơn vị cũ. Đến giữa năm 1995, khi được tin người chôn cất liệt sĩ Bùi Thanh Huệ đang là cán bộ quân đội đóng quân tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), ông Toàn đạp xe một mạch từ Hà Nội lên Bắc Giang, từ đó xác định nơi chôn cất liệt sĩ Bùi Thanh Huệ tại khu vực bãi Mít, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Ninh, tỉnh Quảng Trị.

Khi đã biết chính xác nơi đồng đội hy sinh, ông Toàn đi nhờ xe khách của một người làng vào huyện Vĩnh Linh và mang theo cả chiếc xe đạp để tiện đi lại. Từ quốc lộ 1, ông Toàn đạp xe hàng chục cây số giữa trời nắng đến bãi Mít, thì được người dân cho biết khoảng chục ngôi mộ tại đây, trong đó có mộ liệt sĩ Huệ, đã được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ huyện Đông Hà (Quảng Trị).

Tuy nhiên, khi ông Toàn tìm tới Đông Hà thì dấu tích mộ liệt sĩ Bùi Thanh Huệ lại không còn. “Vào các nghĩa trang Đông Hà, tôi rất xúc động khi thấy hàng nghìn mộ liệt sĩ, trong đó có rất nhiều anh em là người Hà Tây (cũ), ông Toàn kể.

Nghĩ rằng không tìm được bạn, nhưng vẫn có thể giúp các gia đình khác tìm được thân nhân, nên ông Toàn vào các nghĩa trang, ghi chép thông tin về liệt sĩ đã hy sinh. Từ Quảng Trị trở về, ông ngồi viết thư gửi lên các báo Hà Tây (cũ), Quân đội nhân dân... đăng tin với hy vọng các gia đình có liệt sĩ biết nơi chôn cất người thân. Cũng bắt đầu từ đấy, một năm đôi lần, thậm chí ba, bốn lần, ông đi xe khách hoặc nhờ xe người quen để đi tìm đồng đội. Vật bất ly thân trong mỗi chuyến đi là chiếc xe đạp và đến đâu có nghĩa trang liệt sĩ, ông lại tìm vào.

Suốt 20 năm qua, ông Toàn đã có 39 chuyến đi đến nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và ghi chép được thông tin của gần 3.000 liệt sĩ. Cũng từ những thông tin này, đã có hàng trăm gia đình tìm được mộ của người thân. Có 15 gia đình liệt sĩ khi nhận được thư đã tìm đến nhờ ông Toàn cùng họ đưa mộ người thân về.
Nặng lòng với đồng đội
Đến nay, khi đã ở tuổi cao, sức yếu không còn đi được nữa thì mỗi ngày, cứ vào buổi trưa, ông không ngủ mà lấy chiếc đài catset mở chương trình “Nhắn tìm đồng đội” để ghi chép về thông tin địa chỉ của các liệt sĩ và gửi thư đến các gia đình với mong muốn người thân có được thông tin về nơi liệt sĩ đã hy sinh. Bị lãng tai nên ông Toàn phải ghé sát tai vào chiếc radio nơi phát ra tiếng nói. Dù đã gắng sức nghe và ghi chép rất nhanh nhưng dường như người cựu chiến binh già vẫn không thể chép kịp tiếng nói của phát thanh viên. Thế nên suốt cả chương trình, nhiều khi ông chỉ kịp ghi lại toàn vẹn thông tin của một, hai liệt sĩ.

Mãi đến đầu năm 2014, ông được Hội Cựu chiến binh TP.Hà Nội tặng một chiếc máy ghi âm. Với chiếc máy này, mỗi lần đến chuyên mục “Nhắn tìm đồng đội” ông chỉ cần mở to và ghi âm lại. Nhờ vậy mà ông có thể chậm rãi ghi lại đầy đủ về thông tin của tất cả các liệt sĩ trong buổi phát sóng hôm ấy.

Sau mỗi lần ghi chép, ông lại cẩn thận nắn nót viết từng chữ gửi đến gia đình liệt sĩ: “Thông tin phần mộ liệt sĩ. Theo dõi thông tin những người con hy sinh vì Tổ quốc của Đài Tiếng nói Việt Nam tôi đã ghi: Liệt sĩ Nguyễn Văn Bằng, sinh năm 1956, quê ở xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, Nam Định, hy sinh ngày 27/4/1975, quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nếu gia đình chưa biết có điều kiện vào thăm viếng liệt sĩ. Nhận được thư mong hồi âm của gia đình. Điện thoại: 01234672502. Chào thân ái”.


Cuốn sổ ghi thông tin các liệt sĩ được ông Toàn lưu giữ cẩn thận.


Rồi trên chiếc xe đạp cọc cạch, ông chầm chậm đem những lá thư mang đến Điểm bưu điện văn hóa xã gửi và khấp khởi hy vọng sẽ có thêm một liệt sĩ nào đó được đoàn tụ với gia đình. Suốt mấy năm nay ông Toàn đã gửi không biết bao nhiêu lá thư, cũng có người nhận được rồi hồi âm lại, cũng có những lá thư gửi đi rồi im lặng mãi, không biết đã đến tay gia đình liệt sĩ đó hay chưa. Rồi ông lại tự an ủi mình: “Chắc gia đình người ta nhận được rồi, đã biết thông tin về phần mộ của cha, chú mình rồi nhưng họ ngại phiền mình thêm nên không hồi âm”.

Lương hưu của người cựu chiến binh già ấy chỉ vỏn vẹn hơn một triệu đồng, nhưng ông không thấy tiếc khi bỏ hết cả số tiền lương hưu ít ỏi của mình để mua sổ ghi chép, phong bì, tem gửi thư. Gần 80 tuổi, ông vẫn không ngừng lao động. Ông nhận trông nom nghĩa trang liệt sĩ của địa phương, đi trồng cây bóng mát trên những con đường làng, ông trồng rau, rồi trông chắt. Quỹ thời gian mỗi ngày 12 tiếng với ông dường như không đủ.

Với những đóng góp của mình, năm 2013, ông Phạm Song Toàn được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2013 và Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội tặng Bằng khen. Nhưng có lẽ với ông, hạnh phúc lớn nhất vẫn là hằng ngày dõi theo hành trình trở về đoàn tụ cùng gia đình của những người đồng đội đã hy sinh.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...