Những nghịch cảnh - Cần tháo gỡ

2017-02-27 18:08:20 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Cách đây gần 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL ngày 16-02-1947 về chế độ Hưu bổng thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Kể từ đó đến nay, hệ thống văn bản chính sách ưu đãi người có công (NCC) đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện với hơn 1.400 văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NCC; tạo môi trường pháp lý để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia tích cực vào công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo, giúp NCC và tạo điều kiện để NCC tiếp tục vượt qua khó khăn, khẳng định vị thế trong cộng đồng xã hội.

Các đại biểu thảo luận Hội nghị triển khai công tác NCC năm 2016

Theo Điều 2, Pháp lệnh ưu đãi người có công số 26/2005/PL-UBTVQH, ngày 29/6/2005 của UB Thường vụ Quốc hội, NCC với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; NCC giúp đỡ cách mạng; Thân nhân của NCC với cách mạng.

Theo số liệu của Cục NCC (Bộ LĐTB&XH), hiện trên cả nước có trên 8,8 triệu NCC (chiếm gần 10% dân số), trong đó có hơn 117 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng được Nhà nước phong tặng và truy tặng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, hàng vạn người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ngoài các đối tượng được hưởng trợ cấp một lần, hiện có gần 1,5 triệu người được hưởng trợ cấp hằng tháng; hàng chục nghìn con thương binh, con liệt sỹ được hưởng chế độ ưu đãi dài hạn về giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế, gần 15.000 cán bộ lão thành cách mạng đã được hỗ trợ nhà ở...

Dù có thời điểm tình hình kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn luôn quan tâm, bảo đảm nguồn lực cho công tác chăm sóc NCC. Từ năm 2012 đến năm 2016, ngân sách nhà nước đã cấp hơn 150 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực này. Nguồn lực chi cho ưu đãi NCC từ ngân sách là nguồn chi thường xuyên bảo đảm xã hội, tuy nhiên một số hạng mục được đánh giá là chi cho đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi NCC đã phát sinh một số vướng mắc, hạn chế. Hệ thống văn bản chồng chéo, có một số điểm mâu thuẫn nhau; một số quy định chưa sát thực tiễn khiến việc triển khai gặp khó khăn như chế độ đối với người hoạt động kháng chiến, hỗ trợ nhà ở, thủ tục, hồ sơ hưởng trợ cấp... Chính từ những bất cập này đã dẫn tới nhiều nghịch cảnh xảy ra trong quá trình thực thi chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Trong bài viết này xin điểm qua 4 nghịch cảnh đặc trưng để mọi người cùng suy ngẫm.

Thứ nhất, Khai tử thì dễ khai sinh thì khó - Đó là những câu chuyện buôn của những người lính đã báo tử may mắn sống sót tìm về quê hương. Con số này tuy không nhiều, song cũng không phải dạng “độc nhất, vô nhị”. Như Liệt sĩ Hồ Xuân Hương (quê xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) trở về quê hương sau 50 năm hy sinh. Như ông Đinh Thế Tiến (sinh 1955) tham gia quân ngũ năm 1977 và được chứng nhận đã hy sinh tại mặt trận phía Nam và đã trở về nhà sau 39 năm xa cách. Rồi đến trường hợp liệt sĩ Nguyễn Bá Lân (quê Nam Định) bất ngờ trở về quê hương sau 37 năm được gia đình... cúng giỗ. Hay trường hợp của liệt sỹ Lê Khắc Hơng, nguyên quán xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, hiện đang sinh sống tại TP. Cần Thơ đã trở về sau 27 năm khi đã có Bằng Tổ quốc ghi công số AM 550 BM… Những người này cùng có chung cảnh ngộ, vừa đau lòng, vừa gian nan vất vả khi tham gia vào cuộc “hoàn tất thủ tục làm người còn sống”. Nhưng đau xót nhất, phải kể tới cảnh Ông Lê Xuân Hào, một cựu binh nhập ngũ tại thôn An Hòa, xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP. Hà Nội), đã trở về sau hơn 27 năm đã được gia đình thờ cúng. Trải qua trên 600 ngày dòng dã đi chạy “thủ tục làm người còn sống” nhưng không được, liệt sĩ Hào đã uất ức muốn mua xăng về tự tử, còn con gái ông (cháu Thùy Dương) cũng vì “vướng thủ tục” đó mà không thể đăng ký kết hôn, nên cháu đã chính thức… uống thuốc ngủ để “quên sinh”. May mà Bệnh viện Bạch Mai rửa ruột kịp thời cứu sống. Báo chí vào cuộc, mọi việc được phơi bày, liệt sĩ Hào mới có hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân và lại tất bật đón đoàn cán bộ xã, huyện đến xin lỗi và tặng quà. Nguyên nhân dẫn đến cảnh bi hài trên là do sự vô cảm của những người thực thi công vụ. Xã bảo: Cắt chế độ liệt sĩ là việc của xã, còn lo chế độ cho “liệt sĩ trở về” là việc của cấp trên. Cấp trên thì bảo xã không báo cáo bằng văn bản nên không… biết. Hoặc biết nhưng không biết thủ tục phải làm thế nào. Thế là hơn 2 năm đằng đẵng trôi qua, liệt sĩ Hào và gia đình “lĩnh đủ” mọi khổ đau.


Ông Hào trong căn nhà rách nát cùng giấy tờ 30 năm tuổi Đảng của bố và bằng công nhận liệt sĩ của mình.

Thứ hai, con được hưởng trợ cấp phơi nhiễm chất độc hóa học bố thì không?

Điển hình cho nghịch cảnh này phải kể tới trường hợp của ông Lê Xuân Quyết (ngụ tại thôn Đại Thịnh, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) do mất hồ sơ gốc dẫn đến tình trạng con đã được hưởng chế độ (do dị tật) còn mình thì chưa...

Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên, theo ông Nguyễn Huy Hào, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Vĩnh Phúc, là do việc thực hiện Nghị định số 31 của Chính phủ, Thông tư số 05 của Bộ LĐTB&XH, Thông tư liên tịch số 41 của Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 57, Thông tư 05 của Bộ LĐTB&XH quy định, hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học là "một trong những giấy tờ chứng minh thời gian tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học gồm: Quyết định phục viên, xuất ngũ; giấy điều trị; giấy tờ khác chứng minh có tham gia hoạt động kháng chiến tại vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học, được xác lập từ ngày 30/4/1975 trở về trước; bản sao lý lịch cán bộ…".

Theo đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, hiện cả nước mới có hơn 200.000 nạn nhân chất độc da cam/dioxin được hưởng chế độ, còn lại hàng trăm ngàn người khác chưa được hưởng chính sách hỗ trợ vì đang gặp khó khăn về thủ tục xét duyệt trong chứng nhận y khoa với đối tượng bị phơi nhiễm. Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với Bộ LĐTB&XH và Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về bệnh, tật, khám, giám định đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; tăng cường chỉ đạo Hội đồng Giám định y khoa các cấp hoạt động hiệu quả, khám giám định đúng đối tượng.

Thứ ba, “mắc nợ” do chính sách hỗ trợ về nhà ở.

Chuyện xung quanh việc thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là QĐ22) cũng lắm chuyện bi hài. Chỉ lấy ví dụ ở 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Cạn trong việc thực hiện QĐ22 cũng thấy rõ điều này.

Thực hiện QĐ22, tỉnh Nghệ An đã tập trung triển khai với phương châm “đúng đối tượng, đúng chế độ và thời gian quy định”. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm, đến nay nhiều gia đình NCC vẫn chưa nhận được hết tiền hỗ trợ do những vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do nhiều hộ gia đình NCC sau khi nhận được quyết định hỗ trợ đã tự vay mượn tiền để làm nhà trong khi chưa nhận được tiền hỗ trợ, dẫn đến không có khả năng chi trả. Bất cập nảy sinh là do điều kiện nhà ở xuống cấp trầm trọng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, hoặc theo phong tục tập quán (năm hợp tuổi làm nhà) nên một số gia đình mặc dù chưa được bố trí kinh phí nhưng đã vay mượn để sửa chữa, cải tạo hoặc xây dựng lại nhà ở nên lâm vào cảnh nợ nần. Hay như nhiều hộ khi rà soát thì chỉ được hưởng tiêu chuẩn hỗ trợ sửa chữa nhưng đến khi dỡ nhà thì nhà lại xuống cấp nghiêm trọng cần phải làm lại nên phải vay mượn và dẫn đến nợ nần.

Còn ở tỉnh Bắc Cạn, lại có những bất cập khác, nguyên nhân chủ yếu là do công tác triển khai chính sách hỗ trợ chưa được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai một cách bài bản... Ngành chức năng chỉ giới thiệu văn bản chứ không tổ chức tập huấn, không có văn bản cụ thể, chi tiết để hướng dẫn việc thực hiện QĐ22, nhất là hướng dẫn về thủ tục thanh quyết toán. Có nơi người dân vẫn phải mua hoá đơn đỏ phục vụ công tác quyết toán, gây tốn kém trong khi nguồn tiền hỗ trợ có hạn. Trong bối cảnh kinh phí cấp hạn hẹp, song có rất nhiều hộ NCC đã không đợi tiền chính sách hỗ trợ mà chủ động phá dỡ nhà cũ để tu sửa hoặc xây mới. Trong quá trình triển khai thực hiện QĐ22, nhiều tình huống đã phát sinh, như: Hộ đủ điều kiện làm mới nhưng lại không làm được trên nền cũ vì đó là sườn đồi, khe suối dễ sạt lở hoặc lũ quét hoặc nhà ở trong khe, đồi cao, công tác vận chuyển vật liệu rất khó khăn, chi phí đội cao, nhưng quy định lại buộc xây dựng nhà trên nền cũ. Đã có địa phương do bỏ qua khâu cấp phép xây dựng nên hộ chính sách đã tự ý làm nhà mới vi phạm vào chỉ giới đường giao thông hoặc hành lang lưới điện, làm nhà trên đất nông nghiệp; hộ đã nhận tạm ứng một phần tiền, đã xây mới nhà nhưng sau đó qua đời, số tiền Nhà nước chưa thanh toán lại chưa có hướng dẫn chi tiếp?

Thứ tư, NCC thì khó thụ hưởng chính sách ưu đãi, người không có công thì vẫn ngang nhiên được thụ hưởng.

Theo Báo cáo về Kết quả rà soát thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 27/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trong 2 năm 2014-2015” do Bộ LĐTB&XH thực hiện cho thấy, tổng số đối tượng được rà soát 2.070.151 người, trong đó số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.108 người, số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người và số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người, chiếm tỷ lệ 0.09%.

Ví dụ như ở Nghệ An, năm 2014, Thanh tra Bộ LĐTB&XH đã kiểm tra ngẫu nhiên 1.500 hồ sơ thương binh tại 3 địa phương gồm TP. Vinh, huyện Hưng Nguyên và huyện Đô Lương, đã phát hiện được 195 trường hợp thương binh có hồ sơ bị làm giả, khai man…

Trong khi đó, qua tổng hợp sơ bộ, đến nay vẫn còn 63.551 trường hợp kê khai chưa được xác nhận NCC để hưởng chế độ. Việc thực hiện chính sách NCC còn chậm, nguyên nhân chủ yếu là do: Vấn đề xác định bệnh, tật, khám, giám định y khoa đối với đối tượng thụ hưởng chính sách nhiễm chất độc da cam còn nhiều vướng mắc. Số đối tượng kê khai đề nghị xác nhận NCC tồn đọng nhiều chủ yếu là không có giấy tờ hoặc chưa lập hồ sơ.

Từ những bất cập trên cho thấy, việc hoàn thiện pháp luật ưu đãi NCC với cách mạng là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, chính sách ưu đãi NCC vốn là chính sách mang tính nhạy cảm chính trị - xã hội đòi hỏi phải ban hành đầy đủ, đồng bộ các quy định của luật pháp liên quan đến NCC. Đồng thời, trong tổ chức triển khai thực hiện cũng phải cụ thể, bảo đảm đúng, đầy đủ đối tượng thuộc diện thụ hưởng, tránh hiện tượng bỏ sót đối tượng, chỉ khi đó mới thực hiện đầy đủ được sự công bằng xã hội. Ngoài ra, trong thời gian tới các cơ quan ban ngành chức năng từ trung ương đến địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra, tiếp tục rà soát những đối tượng đang thụ hưởng chính sách ưu đãi NCC với cách mạng, để không xảy ra những trường hợp người có công thật không được hưởng, người không có công lại được hưởng.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17

T&T Group hợp tác quản lý vận hành "chuẩn Nhật Bản" tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn T&T Group) và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Anabuki vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.
2024-03-28 13:53:20

Cao Bằng tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động

Theo kế hoạch, trong 3 ngày đầu tháng 4/2024 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động trên địa bàn.
2024-03-27 13:39:07

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Ngày 20/3/2024, Công ty cổ phần quảng cáo Hà Thái, công ty TNHH quảng cáo Ngọc Hà là hai thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam do ông Hà Đình Thái, Ủy viên ban chấp hành dẫn đoàn có chuyến viếng thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.
2024-03-26 21:16:00
Đang tải...