“Phu đá” Hà Nam đổi mạng sống lấy miếng cơm

2016-06-14 15:25:17 0 Bình luận
Xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) oằn mình “cõng” 4 nhà máy ximăng, chưa kể các công ty khai thác đá khác. Cả Việt Nam, không ở đâu mật độ “gặm tan các trái núi” khủng khiếp như ở đây! Riêng trong thôn, đã có đến vài chục người chết vì đá đè.
“Phu đá” Hà Nam đổi mạng sống lấy miếng cơm
Phu đá, mưu sinh cùng kiệt, biết hiểm nguy đấy, nhưng họ chấp nhận.
Xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) oằn mình “cõng” 4 nhà máy ximăng, chưa kể các công ty khai thác đá khác. Đường ổ voi, ổ trâu thấp thểnh, bụi đá ngút trời, lúc mìn nổ, trời rung đất chuyển, đơn thư kêu cứu tới tấp, cán bộ cơ sở đau đầu mệt mỏi.
Ông Nguyễn Tất Thắng - Trưởng thôn Nham Kênh - bảo: Các công ty ximăng, đơn vị khai thác đá bủa vây thôn xóm. Cả Việt Nam, không ở đâu mật độ “gặm tan các trái núi” khủng khiếp như ở đây! Riêng trong thôn, đã có đến vài chục người chết vì đá đè...

Kỳ 1: Ngõ nhỏ, 8 người vùi thây trên lối đá
 
Bà Nhữ Thị Tâm kể về những đám tang thê thảm sau khi phu đá nát xác trên núi được khiêng về căn nhà lụp xụp. Máu nhuộm đỏ nền nhà, chỉ mấy ông say rượu nghèo khó dám bặm môi lau rửa thi thể. Từng chậu máu được đổ ra ngoài kênh của thôn.

Thôn mang tên một cái kênh biết rầu lòng đón từng chậu nước lau da thịt vấy đỏ của trai tráng quê mình! Nham Kênh, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Có con ngõ mà 8 người đàn ông trẻ trung, vợ con đuề huề lần lượt về thiên cổ một cách thê thảm nhất...
Mưu sinh cùng kiệt
Như bà Lê Thị Lực, 75 tuổi, một ngày tiễn đưa 2 đứa con trai thân bất toàn thây về chầu tiên tổ. Bà bảo, bà phát điên lên trong ngày hôm ấy và nhiều đêm sau nữa. Hàng nghìn ngày trôi qua, bà vẫn không đêm nào ngủ được, khi ngẫm về việc sự sống mỗi đứa con bà được người ta “đền bù” có 6 triệu đồng. Như bà Cung, lần lượt 3 đứa con dính tai nạn trên vách núi sau nhà, đứa chết uổng, đứa cụt 8 ngón tay, đứa mù hẳn một bên mắt.
 
Như bà Tâm, 63 tuổi, bao năm liệm xác cho thanh niên trong xóm, đến lượt con bà tử nạn thì bà không được phép đến gần nữa, bởi xóm mạc sợ bà lại phát điên vì đau xót. Vậy mà, bây giờ, đứa con trai còn lại của bà lại vẫn xông vào trong lối (mỏ khai thác) đá kiếm miếng cơm.
 
Mưu sinh cùng kiệt, biết hiểm nguy đấy, nhưng họ chấp nhận. Không trình độ tay nghề, không cơ hội việc làm, ngay phía sau lưng nhà họ là vòi vọi các dãy núi đá vôi huyền thoại của chiêm trũng châu thổ Bắc Bộ. Mấy chục năm qua núi bị phá đến tang thương loang lổ vết sẹo đá. Cái sẹo lớn hơn - di ảnh của những người trẻ trên các ban thờ. Họ chết tức tưởi. Người thân của họ luôn thao thức buốt lòng...
 
Xã Thanh Nghị oằn mình “cõng” 4 nhà máy ximăng, chưa kể các công ty khai thác đá khác. Ai cấp phép cho các đơn vị này hoạt động mù trời khói bụi trên địa bàn? Đường ổ voi, ổ trâu thấp thểnh, bụi đá ngút trời, lúc mìn nổ thì trời rung đất chuyển, đơn thư kêu cứu tới tấp, cán bộ cơ sở đau đầu mệt mỏi. Ông Nguyễn Tất Thắng - Trưởng thôn Nham Kênh bảo: Các công ty xi măng, các đơn vị khai thác đá bủa vây thôn xóm. Cả nước Việt Nam, không ở đâu mật độ “gặm tan các trái núi” khủng khiếp như ở đây! Riêng trong thôn, đã có đến vài chục người chết vì đá đè.
 
Xóm 1, thôn Nham Kênh có 800 hộ dân. Nhà cửa lụp xụp, ngõ vào bé và lăm dăm đá, chỉ có đàn bò gầy ve vẩy đuôi đón khách. Một người đàn bà áo nâu sồng, chống gậy lò dò đi ra. Hỏi thăm bà đường đến nhà bà Lê Thị Lực, bà cụ thở dài: “Con tôi cũng chết trên lối (mỏ) đá kia kìa”. Rồi bà ngoảnh lưng phơ phất bỏ đi. Bà là Đinh Thị Nhu, 85 tuổi. Ai đó đi qua bảo với chúng tôi: Đi nhanh lên, tí người ta nổ mìn nguy hiểm lắm.
 

Mất an toàn ở mỏ đá Hà Nam.
 
Bà Lực rồi bà Nhữ Thị Tâm đều già yếu rồi. Chúng tôi đi bộ trên đá răm lạo xạo và nghe người làng xót xa cay đắng kể về cả một “kỷ lục hãi hùng” với 8 người tử nạn trong con ngõ bé xíu xịu. Họ đều là anh em ruột, họ hàng thân thích với nhau, thế nên nỗi đau càng lớn. Những cái tên “phu đá” từng vạm vỡ “đâm hà bá phá sơn lâm”, giờ u ẩn cả trên ban thờ: Lão Văn Tuấn, Lão Văn Thiêm, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Ninh, Lão Văn Hải, Nhữ Văn Cương, Nhung (phụ nữ) và Nguyễn Văn Dương...
 
Bà Tâm bảo, sáng nay nhà báo về thăm cho quà, lúc ấy tôi vẫn chưa kịp lau nước mắt. Bởi đi ăn cỗ phải qua kênh rồi rẽ vào xóm, qua đúng cái lối đá mà thằng con tôi đã bị chết… Hôm nó chết, người ta ghì, giữ tôi ở một góc để tôi không phải nhìn thấy khúc ruột của mình máu me thế nào. Vậy mà tôi vùng lên như mụ điên, tôi vạch chăn chiếu ra, tôi nhìn mặt con bằng được. 3 năm trôi qua rồi, tôi chưa một ngày nào không nghĩ và khóc vì con.
 
Anh Nguyễn Văn Huy, con bà Tâm chết năm 2013, khi đang ở tuổi 36, để lại cô vợ ốm yếu và hai đứa con thơ dại. Chị Nguyễn Thị Hải, con dâu bà Tâm thều thào: Cả một mạng người chết thảm, cả nhà suy sụp bao năm tháng, lo tang ma mồ mả xong, số tiền họ “đền bù” được khoảng 100 triệu đồng cũng “bay” đi gần hết. Từ bấy, mất lao động chính, nhà rơi vào lao đao đủ đường. Vừa rồi, xã xét cho nhà bà Tâm vào dạng hộ nghèo.
 
Bà Tâm bảo, con bà đu dây, treo mình trên núi sau khi người ta nổ mìn, và ngọn núi bửa ra... Toàn lao động tự do, chẳng quan tâm gì đến hợp đồng, bảo hiểm. Cai đá lại toàn người trong xóm trong làng, ra chạm trán, vào chạm mặt. Không lẽ lại kiến nghị kiện cáo cạn tàu ráo máng thế. Bà là người tử tế, bà nghĩ vậy. Nhưng chính vì nghĩ vậy nên bà càng đau đớn bội phần hơn khi nghĩ về cái chết “nhẹ hều” và cái mạng người quá rẻ rúng của đứa con bà dứt ruột đẻ ra. “Hôm ấy trong làng có đám giỗ một phu đá chết trẻ, tôi đã thấy khói nhang rờn rợn. Tôi sợ lối đá ấy lắm rồi, tôi ngăn nó không được đi. Nó quyết tâm đi và bảo con vừa làm nhà xong đang còn thiếu nợ. Nó gẫy hết cả hai chân... Tôi từng liệm cho nhiều phu đá vỡ nát đầu, tôi không sợ hãi gì cả. Nhưng đến con mình thì…”.

“Ra đi” một cách đớn đau
 
Lần thứ 2 chúng tôi quay trở lại Nham Kênh, bà Tâm gặp nhưng tỏ ra bí mật lắm. Bà bảo, hôm trước nhà báo vào chơi, cai đá họ bảo để yên cho họ làm ăn, báo chí cái gì. Nhiều gia đình có người thân bị chết ngoài núi, sau khi nhận tiền “đền bù” ít ỏi, họ cũng oán trách tôi lắm. Tất cả đều muốn giấu thông tin. Cứ bỏ ít tiền ra là xong một mạng người. Nghĩ về điều đó là tôi thấy không thể yên lòng được.
 
Trước mặt chúng tôi, chị Đinh Thị Hòa tỏ ra cứng rắn, nhưng câu chuyện của chị chi tiết nào cũng đẫm đầy nước mắt. Trên ban thờ, di ảnh anh chồng Nguyễn Bá Ninh cứ như đang đăm đắm nhìn xuống đoàn khách. Anh chết khi mới 33 tuổi, để lại chị Hòa và hai đứa con, đứa lớn hơn chục tuổi, đứa nhỏ vẫn tuổi mũi dãi. “Anh leo lên các đỉnh núi đá sau khi họ bắn mìn. Có lần bị ngã, nhưng thương nhẹ. Lần này dính tai nạn thì chết hẳn”.
 
Người ta bảo tai nạn mỏ đá thì ít có trường hợp bị thương lắm. Toàn chết. Họ trèo lên núi trượt chân ngã. Họ buộc dây bảo hiểm vào người, dây cắm vào cái cọc, khi họ ngã thì lôi cả cọc xuống vực đá luôn. Trước, có vụ, hai người làm chung một búa, lúc ngã, cả hai văng xuống cùng chết. Năm ngoái, đầu năm đưa tang một người hàng xóm, cuối năm lại một người nữa, xóm lại thêm hai người đàn bà ở góa và thêm lũ trẻ mồ côi…
 

Con ngõ này có tới 8 người đàn ông trẻ trung lần lượt về thiên cổ một cách thê thảm nhất...
 
Ngày 15.10.2015, anh Trần Văn Hải 43 tuổi bị chết trên lối đá. Anh để lại 3 đứa con dại, đứa bé nhất mới chỉ 3 tuổi đầu. Chị vợ tuyệt vọng “tìm đường kiếm ăn” bằng cách đi xuất khẩu lao động biền biệt. Lũ trẻ ở với bà Tuyển, là bà ngoại của các cháu. Bà Tuyển bảo: Chả biết họ có đóng bảo hiểm cho “thằng” Hải không. Nếu đóng thì chỉ có lợi cho người đóng, chứ người chết thì có biết gì đâu. Mà thường thì họ chỉ đóng bảo hiểm cho những người trèo lên đỉnh núi và khoan bẩy đá, mấy chục người mỗi lối đá thì họ thường là mặc kệ.
 
Mỗi lúc có người chết, cai đá nó kiếm tiền tỉ, nó tiếc gì bỏ ra trăm triệu để “đền” là xong. Có khi họ bảo người nhà mình chết vì làm ăn không cẩn thận nên sa xuống vực mà chết, cũng phải chịu. Thống nhất không tố cáo, kiện cáo nhau. Cơ quan hữu trách thì thường họ có cách để im lặng tất.
 
Suốt hành trình về Nham Kênh lam lũ này, câu hỏi “không lẽ mạng người rẻ rúng thế sao?” cứ đeo bám chúng tôi. Không lẽ cái cách một người ra đi vĩnh viễn nó đơn giản như quẳng hòn đá nhỏ xuống sông Đáy lặng lờ trước thôn vậy ư? Người lao động cứ tự do đi vào trong lối đá, cứ máu me nát bét mà lặng lẽ rơi như chiếc lá vào cõi thiên thu không ai giám sát quản lý một cách thật sự thế ư?
 
Người chết đã vậy, còn bao thao thức, oán thán, tuyệt vọng, mất niềm tin của cả một đời những người đang sống nữa chứ. Hơn thế, các phu đá đều chết trẻ, đều đang là trụ cột gia đình, nơi bám víu của tương lai bao nhiêu đứa trẻ vô tội...

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...