Trận Bạch Đằng thu nhỏ trên vịnh Hạ Long

2019-01-03 14:56:03 0 Bình luận
Cách đây vừa tròn 49 năm, chỉ sau 10 tháng tỉnh Quảng Ninh được thành lập, Quân và dân thị xã Hồng Gai lập chiến công hiển hách trên bầu trời Hạ Long, bắn rơi 3 máy bay phản lực, bắt sống giặc lái Mỹ, góp phần chiến thắng cùng quân dân miền Bắc, bắn hạ 8 máy bay, làm nức lòng quân dân cả nước và bầu bạn yêu chuộng hòa bình khắp năm châu và cũng là chiến công chào mừng sự ra đời của tỉnh Quảng Ninh vùng Đông Bắc thân yêu của Tổ quốc.

Hòng cứu vãn thất bại nặng nề về quân sự, chính trị trên chiến trường miền Nam. Cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1964, đế quốc Mỹ cho tầu chiến xâm phạm vùng biển nước ta, bắn phá đảo Hòn Mê, Hòn Ngư Cồn Cỏ thuộc khu 4. Đêm ngày mồng 4 tháng 8, Mỹ cho một số tàu chiến đến vịnh Bắc Bộ tiếp giáp hải phận Việt Nam, giữa đêm tối mênh mông, các loại vũ khí trên tàu đồng loạt phát hỏa, hàng trăm hàng ngàn tiếng nổ rền vang inh ỏi giữa biển khơi. Đồng thời bộ máy tuyên truyền của lầu 5 góc Mỹ tung tin vu khống Hải quân Việt Nam tiến công tàu chiến Mỹ trên hải phận quốc tế. Chúng tự gây nên cái gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ để lấy cớ trả đũa đánh phá miền Bắc nước ta, phá hoại kinh tế quốc phòng nhằm ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Thực hiện âm mưu thâm độc đó, ngày 5/8/1964, hàng chục máy bay phản lực Mỹ từ Hạm đội vào đánh phá các căn cứ Hải quân của ta tại Cảng sông Gianh Quảng Bình, Cửa Hội Nghệ An, Lạch Trường Thanh Hóa và Bãi Cháy Quảng Ninh hòng uy hiếp tinh thần và ý chí chiến đấu của quân dân miền Bắc nhằm xoay chuyển tình thế trên chiến trường miền Nam.

Sự tính toán ngu xuẩn, sai lầm của kẻ xâm lược, gần chục máy bay tan xác, tên giặc lái bị bắt sống, Mỹ phải trả giá đắt về lực lượng và uy tín tại đất nước bước ra khỏi cuộc chiến tranh còn nhiều khó khăn.

Là chiến sĩ hải quân ngày ấy, được trực tiếp phục vụ chiến đấu và chứng kiến diễn biến trận chiến đấu oanh liệt hào hùng và chiến thắng vẻ vang của quân dân thị xã Hòn Gai với Không quân Mỹ.

Những cảm xúc căng thẳng, hồi hộp, vui buồn, tiếc nuối cách đây đã gần 49 năm vẫn còn in sâu trong ký ức và tâm trí của tôi cho đến hôm nay, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập tỉnh. Là chiến sĩ quân đội ngày ấy, tôi xin khắc họa vài nét trận đánh oanh liệt và chiến công giòn rã của quân dân vùng mỏ anh hùng ngày 5 tháng 8 năm 1964.

Miền Bắc được lập lại hòa bình sau 9 năm kháng chiến, nền kinh tế còn nhiều khó khăn thiếu thốn, chúng ta phải hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, còn phải chi viện sức người, sức của cho miền Nam đánh Mỹ và bè lũ tay sai. Việc đầu tư cho quân sự quốc phòng ở miền Bắc và tỉnh Quảng Ninh về lực lượng và vũ khí, khí tài còn ít ỏi, vùng Đông Bắc Quảng Ninh có biên giới biển đảo biên chế lực lượng quân sự mới đến cấp tiểu đoàn. Các đơn vị chủ lực khu vực Hòn Gai có tiểu đoàn Phòng không cao xạ 217 và khu tuần phòng 1 Hải quân tương đương cấp tiểu đoàn, trang bị binh khí, khí tài, lực lượng Hải quân có hơn chục chiếc tầu chiến cũ do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ, lực lượng Phòng không Tiểu đoàn 217 có 3 đại đội, mỗi đại đội trang bị bốn năm khẩu trung cao và 1 trung đội pháo 14,5 ly 3 khẩu; dân quân tự vệ nhà máy xí nghiệp mỗi đại đội, trung đội trang bị chưa đến 10 khẩu súng trường cũ kỹ.

Lực lượng và binh khí của ta là vậy, khi đó Mỹ có chiến hạm, tầu khu trục và hàng trăm máy bay hiện đại.

Khi được cấp trên quán triệt, thông báo ta chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu với Hải quân và Không quân Mỹ, tư tưởng của bộ đội đã sẵn sàng và quyết tâm cao, song về tâm lý của đa số chiến sĩ còn băn khoăn, lo lắng. Trước khi vào trận, chúng tôi được học tập ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, tổ tiên ta đã từng lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, dùng mưu lược đánh giặc, lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn, đã làm nên chiến thắng lịch sử Chi Lăng, Đống Đa và chính trên mảnh đất này đã làm nên chiến thắng Bạch Đằng Giang tiêu diệt hàng vạn quân giặc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, bác Hồ, quân dân ta đã đánh bại thực dân Pháp - tên đế quốc hùng mạnh nhất, nhì thế giới. Những bằng chứng lịch sử ấy đã củng cố ý chí quyết tâm đánh Mỹ của bộ đội chúng tôi.

Đúng như nhận định của cấp trên, hồi 14h30 ngày 5 tháng 8, hàng chục máy bay chia làm nhiều tốp từ biển bay vào, diễn biến quá nhanh, tốc độ máy bay lớn hơn tiếng động. Một số trận địa kịp thời nổ súng, loạt đạn đầu còn rời rạc chưa bám sát mục tiêu và lúc này tầu Hải quân chưa kịp phải ứng. Máy bay lao xuống bắn phá quân Cảng, địch đánh phá xong đợt thứ nhất các tầu chiến của ta mới triển khai đội hình chiến đấu, địch tiếp tục vào đợt 2, mục tiêu xuất hiện trên không, các trận địa pháo trung cao của Tiểu đoàn 217 đồng loạt nổ súng đón đầu, hàng trăm quả pháo nổ trên không bung ra những đụn khói trắng bao quanh máy bay địch. Máy bay vẫn lao xuống bắn phá quân Cảng và tầu của ta. Để che mắt địch, các tầu đồng loạt phóng hỏa mù ngụy trang, các con tầu luồn lách trong làn khói, các khẩu pháo 37 và 14,5 ly từ tầu nhả đạn xé không khí đan thành lưới lửa hướng mục tiêu. Trên sông Cửa Lục lúc này mù mịt khói ngụy trang của tầu, của pháo, những tiếng nổ chát chúa từ nòng pháo tầu ta và rốc két của địch, tiếng gầm rú của máy bay phản lực, cả không gian náo loạn các loại âm thanh. Trong lúc trận chiến đấu diễn ra ác liệt, một chiếc phản lực xịt khói từ thân và lóe lửa, đốm lửa mỗi lúc to dần rồi bùng lên như bó đuốc khổng lồ, nó bay lao ra biển và cắm đầu xuống nước. Đồng thời tên phi công nhẩy dù, chiếc dù trắng treo lơ lửng trên không và tiếp tục rơi xuống biển. Lúc này các trận địa pháo, các tầu Hải quân và nhân dân hai bên bờ sông Bãi Cháy vang lên tiếng hò reo: “Máy bay Mỹ cháy rồi, rơi rồi. Hoan hô, hoan hô”.

Thấy đồng bọn bị bắn rơi, các máy bay khác điên cuồng lao vào đánh phá, hỏa lực của ta kiên cường bắn trả, trên bầu trời lại một chiếc, rồi hai chiếc trúng đạn bốc khói ở cánh, ở thân, lửa lại lóe lên mỗi lúc một to thành cầu lửa lao ra biển và cắm đầu rơi xuống nước, một cái rơi ở cửa giữa, một chiếc tròng trành bay ra Phao số không rồi rơi ở đó. Thấy 3 chiếc rơi trong vòng 10 phút, các chiếc khác vội vàng cút khỏi Hạ Long.

Cuộc chiến đấu không cân sức, song với ý chí kiên cường, dũng cảm, quân và dân ta đã hạ 3 máy bay phản lực, bắt sống phi công Anvơrét, một chiến thắng vang dội trên trời biển Hạ Long có thể ví như trận Bạch Đằng thu nhỏ, đế quốc Mỹ thua đau không kém gì quân Nam Hán năm xưa.

Trận chiến đấu ngoan cường ngày 5/8 đã xuất hiện những tấm gương dũng cảm, mưu trí kiên cường đó là khẩu đội trưởng Trương Thanh Luyện, pháo thủ Đào Ngọc Sao Tiểu đoàn 217. Chỉ một loạt đạn 14,5 ly, các anh đã hạ chiếc phản lực A4 rơi tại chỗ. Tiểu đội trưởng quân giới Trương Văn Trọng D 217, trong lúc trận chiến diễn ra ác liệt, anh dũng cảm bơi qua sông Cửa Lục sang trận địa Bãi Cháy để sửa chữa pháo cho đồng đội chiến đấu kịp thời. Khẩu đội trưởng Lê Sĩ Hằng tầu hải quân bị thương gẫy chân, dùng dây buộc chân gẫy vào tháp pháo tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Binh nhất Đổng Quốc Bình tầu hải quân hai lần bị thương vẫn tiếp đạn, lần thứ ba bị thương vào bụng, lấy một tay bịt không để ruột lòi ra, tay còn lại tiếp tục chuyển đạn cho đồng đội chiến đấu. Và Nguyễn Thị Mến, trực tổng đài bưu điện Bãi Cháy, đạn rốc két địch bắn sập mái nhà, chị không rời vị trí vẫn bám trụ điều khiển Tổng đài phục vụ chiến đấu. Trong chiến thắng ngày 5/8 có chiến công ít ai nhắc đến, đó là những người trực tiếp bắt sống tên giặc lái máy bay, nếu họ không mưu trí dũng cảm hành động, chỉ ít phút sau trực thăng bay vào cứu thoát tên Anvơrét chắc rằng chiến thắng của ta chưa trọn vẹn, bởi đây là bằng chứng sống nói lên sự thất bại thảm hại của Không lực Hoa Kỳ, đó là: Chuẩn úy Nguyễn Kim Bảo, hạ sĩ Lê Văn Lộc, binh nhất Phạm Đình Giang. Họ là chiến sĩ thuyền vận tải của C7 đảo Cô Tô.

Sau trận đánh, các anh được Quân khu khen thưởng, rồi từ đó đồng chí Bảo, đồng chí Lộc đi chiến đấu ở miền Nam; đồng chí Giang học sĩ quan và cũng từ đó tên tuổi các anh đi vào quên lãng, không còn ai nhắc đến. Sau này, mỗi lần kỷ niệm chiến thắng 5/8, thành tích bắt giặc lái máy bay Mỹ là của bố con ông thuyền chài.

Là người lính ngày ấy và là bạn đồng ngũ với anh Lộc, anh Giang, tôi biết đích xác họ trực tiếp bắt phi công Anđơrét mà dư luận lại gán cho người khác. Tôi rất băn khoăn, trăn trở. Sau này được tham gia công tác Hội CCB, tôi quyết tâm tìm lại những nhân chứng ấy. Kỷ niệm 35 năm chiến thắng 5/8, Hội CCB tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy mời các anh về dự, tỉnh ghi nhận và tặng quà.

Chỉ mới ngày nào mà nay đã gần nửa thế kỷ, nhớ lại những người bạn cũ, những đồng đội lúc tuổi 20. Vừa qua tôi đến phường Cẩm Phú, Cẩm Thạch, Cẩm Phả thăm ông Bảo, ông Giang, đến thị trấn Tiên Yên thăm ông Lộc đã ở tuổi thất thập. Các ông không còn khỏe nhưng vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, hoạt bát, nụ cười vẫn tươi rói như xưa. Ngồi bên nhau nhâm nhi tách trà, chén rượu ôn lại chuyện cũ, các ông còn nhớ chi tiết ngày bắt phi công. Các ông cho biết: Ngày 5/8, ông Lộc, ông Giang vào Quân khu nhận quân trang. Ông Bảo sĩ quan cơ yếu đi báo cáo tình hình, xong việc, trên đường về đảo cách Hòn Gai gần 10 cây số thì chiến sự diễn ra, máy bay địch trúng đạn bốc cháy và rơi cách thuyền của họ 3 cây số và tên phi công cũng rơi lúc đó cách thuyền 500m. Là người quân hàm cao nhất, ông Bảo phát lệnh, bằng mọi giá phải bắt sống phi công. Đồng chí Lộc cầm lái, đồng chí Giang chèo thuyền, đồng chí Bảo cầm vũ khí uy hiếp địch. Sau khi gỡ dù, nó mặc áo phao nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Một tay cầm máy bộ đàm, một tay cầm súng ngắn, cách vài chục mét, đồng chí Bảo ra hiệu cho nó giơ tay hàng, anh Lộc giơ súng AK uy hiếp, bằng tín hiệu, thái độ và hành động của chúng tôi. Chần chừ mãi nó mới giơ tay đầu hàng, lập tức chúng tôi thảy dây cho nó bám. Cả ba người kéo lên thuyền, thu súng và bộ đàm. Chúng tôi trói tay lại rồi cho ngồi dưới sạp thuyền. Cùng lúc này, một chiếc ca nô từ đất liền ra, ngồi trên ca nô có đồng chí mặc quần áo bộ đội, chúng tôi vẫy ca nô dừng lại, áp mạn thuyền và giao tên giặc lái cho đồng chí bộ đội, tiếp tục hành trình về đảo. Sau này chúng tôi được biết đồng chí bộ đội nhận tên giặc lái là ông Vũ Đình Mai, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Ninh.

Trò chuyện tâm giao với các bạn già cùng thời bom đạn, tôi biết thêm, bác Bảo đã tham gia đánh trận Điện Biên Phủ và vào Nam chiến đấu 10 năm. Bác Lộc, lính nhập ngũ năm 63, gần 20 năm chiến đấu và công tác ở miền Nam; bác Giang học xong về công tác tại Xưởng 48 Hải quân. Như thế, mỗi người có đến mấy chục năm làm lính, họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đánh xong giặc, các ông trở lại hậu phương, mặc dù hoàn cảnh không có ai sung túc nhưng vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Ông Lộc có nhiều năm làm Phó chủ tịch Ủy ban xã, những năm theo Đảng làm cách mạng, các ông lập nhiều thành tích có cả chiến công chiến đấu. Trong đó có thành tích bắt sống giặc lái máy bay Mỹ, song họ vẫn lặng lẽ, khiêm nhường sống thanh thản, thoải mái, vô tư. Phẩm chất của người lính cụ Hồ năm xưa và người CCB hôm nay là vậy, mặc dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, những người lính già chúng tôi vẫn còn có nguyện vọng được cống hiến cho dân cho nước và mong muốn, thế hệ trẻ hiện tại và mai sau tiếp bước cha anh bảo vệ lấy thành quả cách mạng, bảo vệ lãnh thổ chủ quyền non sông đất nước, xứng đáng là lớp thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh./.

Đỗ Hữu Khắc - Khu 7, phường Việt Hưng, TP Hạ Long

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14
Đang tải...