Trao tặng 6.000 tài liệu hiện vật của giáo sư Hoàng Đình Cầu

2017-08-05 20:09:00 0 Bình luận
Hơn 6.000 tài liệu, hiện vật của giáo sư, Anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân Hoàng Đình Cầu, đã được gia đình trao tặng Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Đại diện gia đình GS Hoàng Đình Cầu và PGS.TS Nguyễn Văn Huy ký biên bản bàn giao hiện vật.


Sáng ngày 5/8/2017, tại Hà Nội, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam tổ chức lễ tiếp nhận hơn 6.000 tài liệu hiện vật của giáo sư, Anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân Hoàng Đình Cầu. Lễ tiếp nhận được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS Hoàng Đình Cầu (1917-2017).

Theo đó, khối tư liệu đồ sộ của GS Hoàng Đình Cầu bao gồm nhiều loại hình: bản thảo công trình; bản thảo chuyên môn về phẫu thuật phổi; quản lý bệnh viện; bản thảo về y xã hội học về các vấn đề: dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe ban đầu, xây dựng trạm y tế cơ sở; bản thảo bài giảng; thư từ; sổ công tác; giấy tờ cá nhân; các văn bản hành chính; sách; ảnh tư liệu... phản ánh các mặt hoạt động khoa học, công tác quản lý của giáo sư Hoàng Đình Cầu.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cho biết, trong bộ sưu tập tài liệu của Giáo sư Hoàng Đình Cầu được đón nhận hôm nay, có nhiều hiện vật đặc biệt ấn tượng, như bản đánh máy chữ màu tím trên giấy pơ-luya về việc Tiểu ban y học đề xuất với Trung ương cử ông đi học tập tại Liên Xô, ngày 2/8/1955. Trong thời gian 3 năm học tập tại Liên Xô (1955-1958), BS Hoàng Đình Cầu đã dành dụm tiền mua được trọn bộ bộ Đại Từ điển bách khoa toàn thư y học (tiếng Nga), gồm 35 cuốn, mỗi cuốn hơn 1.000 trang, rồi mỗi lần gửi về Việt Nam, ông đều đánh số cẩn thận. Các cuốn từ điển đã được ông sử dụng trong suốt cuộc đời nghiên cứu của mình, có những chỗ ông dùng bút đỏ gạch chân hay dịch sang tiếng Việt bằng nét bút chì. Những tài liệu trên cho thấy ở ông một ý chí, một sự tâm huyết, miệt mài học tập, nghiên cứu. Thời kỳ học tập ở Liên Xô là tiền đề để sau này khi về nước ông bắt tay xây dựng Khoa phẫu thuật phổi đầu tiên ở miền Bắc và trở thành người sáng lập chuyên ngành Phẫu thuật phổi ở Việt Nam.


Bộ sưu tập tài liệu, hiện vật của GS. Hoàng Đình Cầu.


Đặc biệt, bộ sưu tập gồm hơn 600 tài liệu nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin ở người và môi trường trong hồ sơ của GS Hoàng Đình Cầu là một bộ sưu tập đặc biệt quý hiếm. Đó là những tập bản thảo thống kê tình hình các cựu chiến binh Việt Nam (trên địa bàn 26 xã) đã từng hoạt động ở Nam vĩ tuyến 17; thống kê tình hình dị tật; tài liệu về gia phả; thống kê dioxin trong mẫu (mẫu đất, lương thực thực phẩm, mẫu máu, mẫu gan thai nhi); các bản đồ, thư từ trao đổi, hồ sơ bệnh án của bệnh nhân bị dị tật; các tư liệu liên quan đến hội nghị, hội thảo về ảnh hưởng của chất da cam và những bài nghiên cứu GS Hoàng Đình Cầu về Dioxin như: Dioxin và tinh dịch, Dioxin tồn lưu trong thiên nhiên - cách tính toán nồng độ đất, Các bệnh do dioxin gây nên…

Bộ sưu tập thư của GS Hoàng Đình Cầu rất lớn và đặc sắc gồm 941 bức thư thuộc nhiều nội dung khác nhau: Thư từ của bệnh nhân, thư trao đổi công việc, thư của người thân, bạn bè gửi Giáo sư, thư GS Hoàng Đình Cầu gửi các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước… Từ những bức thư trong bộ sưu tập này có thể hiểu thêm nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, con người nhưng đặc biệt cho thấy tài năng, tấm lòng luôn hết sức tìm mọi cách cứu chữa cho bệnh nhân của giáo sư Hoàng Đình Cầu.

“Khối tài liệu hiện vật của GS Hoàng Đình Cầu có giá trị không chỉ về sự nghiệp và cuộc đời hoạt động khoa học của ông, mà còn liên quan đến nhiều vấn đề về sự phát triển của ngành Y, hệ thống đào tạo y khoa của Việt Nam. Trung tâm chúng tôi có trách nhiệm sẽ giữ gìn và bảo tồn tốt nhất bộ sưu tập này cho hiện tại và tương lai, bởi đó là những nguồn sử liệu quý giá của dân tộc”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.

Giáo sư, anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân Hoàng Đình Cầu (1917-2005) quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Với mong muốn theo học một nghề tự do, có thể giúp cho người dân, năm 1937 chàng trai Hoàng Đình Cầu đã quyết định vào học trường Y khoa Đông Dương (nay là trường Đại học Y Hà Nội), sau đó học nội trú bệnh viện và tốt nghiệp y khoa năm 1944.

Trong kháng chiến chống Pháp, BS Hoàng Đình Cầu vừa tham gia công tác đào tạo, vừa phục vụ cứu chữa thương binh không chỉ ở bệnh viện mà còn ở các mặt trận. Năm 1955, BS Hoàng Đình Cầu được cử đi tu nghiệp về phẫu thuật phổi tại Liên Xô. Về nước năm 1958, ông bắt tay xây dựng Khoa phẫu thuật phổi đầu tiên ở miền Bắc và trở thành người sáng lập chuyên ngành Phẫu thuật phổi ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, tiếp nối sự nghiệp của GS Tôn Thất Tùng, GS Hoàng Đình Cầu trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả các chất hóa học dùng trong chiến tranh (1982-2000), cũng dành nhiều tâm huyết cho nghiên cứu về hậu quả lâu dài của chiến tranh hóa học, ảnh hưởng của chất độc da cam (dioxin) đối với hệ sinh thái và con người Việt Nam, kể cả nhiều năm sau chiến tranh, đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp. Những công trình tiêu biểu như: Hậu quả các chất hóa học đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ 1961 đến 1971 (1999), Bản đồ băng rải chất diệt cỏ Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam từ 1962 đến 1971 (1999); tập kỷ yếu công trình Hậu quả các chất hóa học đã sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (2000)... GS Hoàng Đình Cầu là người sáng lập Làng Hòa bình ở Việt Nam năm 1991, với sự giúp đỡ của Làng Hòa bình quốc tế Oberhauzen, để chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho trẻ em khuyết tật bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin.

Ông còn là là tác giả của trên 50 công trình nghiên cứu về nhiều vấn đề, tham gia biên soạn từ điển, tiêu biểu là Từ điển Y học Pháp - Việt xuất bản năm 1963, tái bản năm 1976 và cuốn Từ điển Y học Nga - Việt do nhà xuất bản Ngoại văn Moscova, Liên Xô xuất bản năm 1967, và Từ điển Bách khoa Việt Nam xuất bản 1995… Trong hơn 60 năm công tác, GS Hoàng Đình Cầu đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau như Thứ trưởng Bộ Y tế (1971-1989), kiêm Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội (1985-1989), Chủ tịch Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả các chất hóa học dùng trong chiến tranh (1982-2000), Chủ tịch Tổng hội Y - Dược học Việt Nam (1985-2000), Đại biểu Quốc hội khóa IX.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Cựu chiến binh xã Quảng Lưu xây dựng quỹ kết nối con em đồng hương ở TP.HCM

Sáng 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 10:25:00

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41
Đang tải...