Ưu đãi người có công với cách mạng là trách nhiệm cao cả của toàn xã hội

2018-08-14 14:25:04 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng là trách nhiệm cao cả, nghĩa tình sâu nặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, gắn liền với lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, biết bao thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, với ý chí anh dũng kiên cường bất khuất và lòng thuỷ chung, nhân hậu đã đem cả máu xương, công sức, của cải của mình để cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Trên thế giới này hiếm có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, một dân tộc trong mấy ngàn năm lịch sử đã có hơn 1.000 năm phải trực tiếp cầm vũ khí chống ngoại xâm để giữ gìn lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc bằng mồ hôi công sức và cả máu xương của mình.

Phát huy truyền thống quý báu đó, gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh với ý chí sắt đá “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, ngoan cường, bất khuất chống lại kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Máu đào của các anh đã đổ, biết bao người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường, những vết thương còn giằng xé cơ thể cho đến tận ngày hôm nay; biết bao người mẹ đã mãi mãi không được gặp lại những người con yêu dấu của mình, nén đau thương để một lòng hướng về tiền tuyến, tạo lên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trước những đế quốc hùng mạnh trên thế giới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng Bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu tại Hội nghị biểu dương NCC với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018. Ảnh: Internet


Lịch sử luôn nhắc nhở chúng ta rằng, để có những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cũng như để có được những thành quả phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới - công lao to lớn này trước hết thuộc về các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC với cách mạng đã hy sinh xương máu, cống hiến công sức, trí tuệ, mồ hôi và nước mắt vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vô cùng tự hào và mãi mãi biết ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, NCC với cách mạng; kế thừa và phát huy đạo lý cao đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn ngày 27/7 là ngày “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ.

Thực hiện chỉ thị của Người, 71 năm qua Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn đáp nghĩa đối với người, gia đình có công với cách mạng. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, chính sách ưu đãi NCC với cách mạng càng được đặc biệt quan tâm, hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi NCC đang từng bước hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước. Đối tượng NCC ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của toàn xã hội.

71 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng. Đến nay, tuyệt đại bộ phận NCC đã được hưởng đúng, đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Các cấp các ngành, các tổ chức xã hội và nhân dân tích cực tham gia chăm sóc NCC với cách mạng, từng bước ổn định nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của NCC, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, có tác dụng sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nói chung và các gia đình có công với cách mạng nói riêng.

Chính sách NCC lần đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành bằng Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16 tháng 2 năm 1947 qui định về hưu bổng thương tật, tiền tuất cho thân nhân tử sĩ. Từ đó đến nay đã có hàng ngàn văn bản pháp qui được ban hành về thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng.

Nhà nước đã đề ra nhiều văn bản luật ưu đãi xã hội đối với NCC, trong đó nổi bật nhất là việc ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, NCC giúp đỡ cách mạng năm 1994 và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng Bằng khen cho các cá nhân tiêu biểu tại Hội nghị biểu dương NCC với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018. Ảnh: Internet


Sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Pháp lệnh ưu đãi năm 1994 đã được tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới và quá trình cải cách hành chính vào các năm 1998, 2000. Và đặc biệt, vào năm 2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng thay thế Pháp lệnh ưu đãi năm 1994 vì không còn phù hợp, chưa thực sự công bằng, Chính phủ và các bộ cũng đã ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn.

Năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng năm 2005. Ngày 09/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng.

Các chế độ ưu đãi được quy định đối với từng diện đối tượng NCC, bao phủ hầu hết các mặt trong đời sống, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, đảm bảo mức sống của NCC và thân nhân. Bên cạnh đó NCC và thân nhân còn được hưởng các ưu đãi khác là: về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, cấp phương tiện chỉnh hình, phục hồi chức năng, bảo hiểm y tế, giáo dục đào tạo, tín dụng...

Cho đến nay, việc xác nhận các đối tượng NCC với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với trên 9 triệu người (trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận). Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước như chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tại gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sĩ,… với ngân sách nhà nước hàng năm trên 30.000 tỷ đồng; hàng năm Chủ tịch nước cũng dành gần 1000 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ.

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục NCC (thứ tư từ phải sang), trao quà, động viên thân nhân 8 liệt sĩ hy sinh tại Hang Tám Cô trong Lễ Công bố kết quả giám định gien các liệt sĩ Hang Tám Cô. Ảnh: Internet


Cùng với chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ tính riêng từ năm 2013-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 17,8 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.200 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 63.523 sổ với tổng kinh phí gần 2.900 tỷ đồng. Xây dựng mới trên 44.650 nhà tình nghĩa, sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa trị giá hơn 10.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng của thế hệ con cháu chúng ta phải nỗ lực thực hiện, đó chính là việc rà soát, xác nhận đối với NCC thực sự đến nay chưa vẫn chưa được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Trong thời gian vừa qua, toàn ngành lao động - thương binh và xã hội đã tập trung, quyết liệt phối hợp với các địa phương chú trọng triển khai. Đây là việc làm tuy rất khó khăn, phức tạp do qua các thời kỳ kháng chiến, hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, lâu dài, nhiều trường hợp cơ quan quản lý người hy sinh, bị thương không còn lưu giữ được hồ sơ, bản thân quân nhân, dân quân du kích, thanh niên xung phong, người phục vụ kháng chiến cũng không giữ được giấy tờ gốc và không còn bất kì loại giấy tờ nào ghi nhận sự việc hy sinh, bị thương trong kháng chiến... nhưng với ý chí quyết tâm của toàn ngành, công tác giải quyết hồ sơ xác nhận NCC còn tồn đọng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xem xét, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác nhận NCC tồn đọng (liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh) trên toàn quốc, đã thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ công nhận gần 1.900 liệt sĩ, đồng thời tổ chức trao Bằng Tổ quốc ghi công tới thân nhân liệt sĩ. Đặc biệt, trong số liệt sĩ được công nhận có những trường hợp hy sinh đã mấy chục năm nhưng do không còn thân nhân cùng nhiều yếu tố khác, đến nay mới được công nhận và trao bằng Tổ quốc ghi công; xác nhận trên 2500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; đối với những hồ sơ không đủ điều kiện, kết luận và giải thích thấu đáo đối với đối tượng.

Có thể nói, những kết quả đó mang đậm tính nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc đồng thời đánh dấu những nỗ lực của Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội trong thời gian vừa qua đối với công tác này.

Đền ơn đáp nghĩa đối với người và gia đình có công với cách mạng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đây là hoạt động thường xuyên trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước, là nét đẹp văn hóa ở thời đại Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy cao độ truyền thống đạo lý ngàn năm của cha ông.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay xuất hiện hàng trăm, hàng ngàn tấm gương xuất sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Họ không chỉ là những chiến sĩ quả cảm, kiên cường trong chiến đấu hôm qua mà còn là chiến sĩ tiên phong trong trận chiến đấu tranh phòng chống tội phạm, chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, sáng tạo, giỏi giang trong quản lý, trong phát triển kinh tế, nghiên cứu khoa học đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay.

Chúng ta không bao giờ tự cho phép mình được ngưng nghỉ, hay tự hài lòng về kết quả chăm sóc NCC và trên thực tế vẫn còn đó, rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài cần được tổ chức thực hiện thật tốt với tất cả lòng tri ân chân thành, với những tình cảm cách mạng sâu sắc đối với những hy sinh to lớn mà hàng triệu NCC đã mang lại cho cuộc sống, xã hội hôm nay. 

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh

Sau một ngày (19/4) làm việc khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ninh khóa XIV nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 18 theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định pháp luật hiện hành.
2024-04-20 13:28:10

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44
Đang tải...