Vết chân tròn trên cát

2018-03-21 15:35:00 0 Bình luận
HOANHAP.VN - “Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi. Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương…”. Cũng vẫn là những dấu chân tròn trên cát, nay, tôi xin được mượn hình ảnh “vết chân tròn” này để nói về một nghề, một nghệ thuật trên biển - Nghề đi cà kheo.

Ông Nam (Hải Đông, Hải Hậu) với đồ nghề, đang chuẩn bị ra biển.


Nghệ thuật trên những đôi chân hơn 2m

Được sinh ra và lớn lên từ miền biển Hải Hậu, Nam Định với tôi hình ảnh những cây kheo cao lênh khênh trở nên không quá xa lạ. Từ xưa, cà kheo vốn là công cụ được người dân biển Hải Hậu quê tôi dùng để lội nước đánh bắt thủy hải sản. Sau này, kinh tế phát triển hơn, nhiều gia đình sử dụng thuyền, ghe và mủng để đánh bắt. Đi kheo đã không còn phổ biến như trước nhưng nghề đi kheo (hay còn gọi là đi te) vẫn là nét đặc trưng, là một nghề kiếm sống cho ngư dân nơi đây.

Trở về vùng biển quê hương vào một sáng mùa thu tháng 9, tôi gặp được ông Nam - người dân xã Hải Đông, huyện Hải Hậu đang trên đường ra biển đánh tôm tép. Vác đôi kheo dài 1,5 mét trên vai, vừa đi ông Nam vừa chia sẻ: cà kheo đôi ngắn nhất là 1,5 mét, dài nhất có thể 3-4 mét. Thân cà kheo làm bằng tre đực, thẳng, đặc, lâu năm và chịu lực tốt, có chỗ đặt chân và nén kheo. Chỗ để chân vừa chắc chắn, vừa nhịp nhàng sao cho người sử dụng cảm thấy thoải mái, chắc chắn. Nén kheo đeo ở đầu gối để giữ kheo và phải có độ co giãn, người đi kheo phải dựa vào nước để lấy thăng bằng. Cà kheo lên bờ khó đi hơn ở dưới nước vì nền đất cứng, độ nguy hiểm lớn hơn, đòi hỏi phải khổ công tập luyện. Với ông Nam, đi kheo là một nghề để kiếm sống, chủ yếu để phục vụ bữa ăn hàng ngày.


Trên những đôi kheo, ngư dân nhấp nhô ngoài khơi xa.


Tạm biệt vùng biển xã Hải Đông, tôi tìm đến với bãi biển Nhà thờ đổ nổi tiếng của quê hương tại địa phận xã Hải Lý, Hải Hậu để tiếp tục tìm kiếm những nhân vật, những câu chuyện khác cho chuyến hành trình này của mình.

Giữa bao la trời biển, ẩn hiện trong cái nắng thu vàng dịu ngọt là thấp thoáng hình ảnh ngôi nhà thờ. Dạo bước bên bờ biển, tôi bắt gặp một ông ngư phủ đang đánh tôm tép trên chiếc kheo của mình. Đợi ông vào bờ, tôi có dịp trò chuyện nhiều hơn để hiểu nhiều hơn về nghề đặc trưng vùng biển này. “Hôm nay biển động, không thu hoạch được nhiều cháu ơi, mọi khi dày thì thu hoạch hàng tạ”. Thì ra vào những tiết trời tháng 9, tháng 10, vào những ngày biển lặng, gió nhẹ đặc biệt phải là gió may thì hải sản mới có nhiều và vào sâu trong bờ. Cũng có lẽ bởi ngại nếu phải xuất hiện trên báo, ông không chia sẻ cho tôi biết tên. “Năm nay ông 60 tuổi rồi, 16 tuổi ông đã tập đi kheo. Phải tập 3 năm mới đi thành thạo, đi bộ đội rồi vẫn còn để lại sẹo, sau đó đi bộ đội 20 năm, về tiếp tục làm nghề này” - Ông chia sẻ thêm. Vậy là ông gắn bó với biển cả, với nghề này đã hơn 20 năm.


Hình ảnh ngư dân cùng đôi cà kheo là nét đặc trưng của vùng biển Hải Hậu.


“Ngoài đi kheo thì ông còn trồng lúa, trồng rau. Cuộc sống nó có vậy thôi, lọ mọ lắm” - Ông chia sẻ. Có lẽ, với ông đi kheo không chỉ là nghề mà còn là nghiệp. Là người con của quê hương biển cả, cái nghề này đã có sự gần gũi, thân thiết và gắn bó ngay từ thủa cha sinh mẹ đẻ. Đi kheo để đánh bắt không chỉ còn là nghề mà nó còn là một nét đẹp đặc trưng tiêu biểu của vùng biển miền duyên hải này.

Nét riêng vùng biển

Với những người con vùng biển Hải Hậu, đôi cà kheo vốn là công cụ lao động, họ có thể vừa làm công việc đánh bắt thủy hải sản cho cuộc sống mưu sinh hằng ngày, vừa có thể biến chúng thành những công cụ để biểu diễn trên sân khấu trong những lễ hội truyền thống của địa phương.

Nghệ thuật biểu diễn cà kheo xuất hiện từ những năm 1960. Ban đầu, những ngư dân địa phương đã hội tụ, tập luyện và biểu diễn trong các hội đình, hội làng, sau phát triển đi biểu diễn các lễ hội trong cả nước.

Vào dịp quốc khánh 2-9 hàng năm, trong ngày hội văn hóa thể thao của huyện Hải Hậu, màn trình diễn đi cà kheo của các đội biểu diễn đến từ các xã Hải Đông, Hải Lý, Hải Triều luôn là một điểm nhấn đặc sắc thu hút sự quan tâm và yêu thích của đông đảo khán giả. Lẫn trong đó, không bao giờ có thể thiếu là ánh mắt chăm chú và tiếng trầm trồ ngưỡng vọng của những đứa trẻ làng biển. Tất cả, trong tiếng sóng biển rì rào tự ngàn xưa đã tạo ra sức sống, nét riêng độc đáo của những cây cà kheo. Nó như một nguồn nuôi dưỡng tâm hồn cũng như lòng tự hào về truyền thống và lòng yêu quê cho những người con nơi đây vậy.


Biểu diễn cà kheo là hoạt động không thể thiếu trong ngày lễ 2/9 tại Hải Hậu. (Ảnh: Internet)


Trên những đôi kheo cao 2-4 mét, các đội biểu diễn múa lân, múa rồng, đánh trống, thổi kèn,… thật điêu luyện và tài tình, tạo không khí vui tươi, sôi động cho ngày lễ lớn của quê hương. Mỗi đội có một màn trình diễn riêng, một nét độc đáo riêng nhưng tựu chung lại, họ gặp nhau ở dấu ấn đặc trưng vùng miền, thể hiện nét tài hoa, sáng tạo, yêu đời và tinh thần kiên cường vươn lên của người dân vùng sóng biển.

Có lẽ, phải tận mắt chứng kiến hàng chục người trên đôi cà kheo bằng gỗ cao lênh khênh như những người khổng lồ đi lại uyển chuyển mới cảm nhận hết được sự thú vị của loại hình nghệ thuật đậm chất dân gian này. Từ một công cụ phục vụ lao động sản xuất, cà kheo đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đặc sắc đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân.

Thay lời kết

Trên 3260 km đường bờ biển của dải đất hình chữ S này, đâu đó ở những miền biển vẫn còn nhiều nghề mưu sinh đầy vất vả, khó nhọc khiến những người lữ khách phương xa không khỏi chạnh lòng. Về với biển quê hương vào một buổi sớm trời thu, tôi không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc bình minh đẹp rực rỡ, ngắm nhìn biển trời bao la đẹp như gấm hoa, mà đặc biệt hơn còn được theo dõi cuộc sống mưu sinh đời thường với nghề đánh bắt tôm cá nhỏ trên những chiếc cà kheo. Khái niệm về người con vùng biển chưa bao giờ tôi hiểu và cảm nhận rõ nét như vậy.

Chính những chiếc cà kheo - những đôi chân đặc biệt ấy đã cho tôi một cái nhìn khác hơn, một nét đẹp riêng hơn của vùng biển quê hương Hải Hậu. Trên những đôi kheo hơn 2m, họ đang làm nghề, họ đang bám biển quê hương - những “vết chân tròn trên cát”...

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14

MIK GROUP khởi công giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City

Sáng ngày 22/4, MIK Group đã chính thức khởi công phân khu The Sola Park thuộc giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City (Tây Mỗ, Hà Nội). Với thành công được minh chứng từ giai đoạn 1, cái tên Imperia Smart City dự đoán sẽ tiếp tục làm sôi động thị trường BĐS nhà ở khu vực phía Tây.
2024-04-23 10:49:47
Đang tải...