Vợ chồng lão nông Rú Chá tự nguyện làm "kiểm lâm" giữ rừng

2018-10-28 10:48:06 0 Bình luận
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đặt cho lão nông Nguyễn Ngọc Đáp biệt danh “dị nhân Rú Chá”. Bởi thường ở cái tuổi gần đất xa trời, người ta chỉ muốn an nhàn, sống vui vầy để con cháu chăm sóc.

Thế nhưng, hai vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp (72 tuổi) và bà Trần Thị Hồng (70 tuổi) lại chọn cho mình cuộc sống tách biệt với cộng đồng, dành cả cuộc đời để bảo vệ hệ sinh thái của khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn lại trên phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Vợ chồng "Robinson xứ Huế"

Từ TP. Huế men theo con đường QL49 khoảng chừng 20km, chúng tôi tìm về rừng Rú Chá thuộc thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đến đây, hỏi thăm gia đình vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp, không người dân nào không biết. Biệt danh “dị nhân Rú Chá” hay “Robinson xứ Huế” đã gắn liền với tên tuổi hai vợ chồng lão nông yêu rừng suốt nhiều năm qua.

Với diện tích khoảng 5ha, Rú Chá hiện là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại của miền Trung. Ngoài hệ sinh thái rừng ngập mặn có diện tích lớn nhất ở khu vực đầm phá Tam Giang, Rú Chá còn được xem như một vùng đệm sinh thái giữa đất liền và đầm phá. Nơi đây có nhiều loại thủy sinh, chim chóc và các loại cây thân mềm cư trú.

Theo người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi là “Rú Chá” vì “rú” có nghĩa là “rừng”, còn “chá” là bởi trong rừng toàn là “cây chá”. Từ bao đời nay rừng Chá mọc dày đặc như một bình phong án ngữ che chắn, bảo vệ vùng đất này trước biển Thuận An.

Ít ai biết rằng, để góp phần gìn giữ khu rừng còn nguyên vẻ ban sơ được như ngày hôm nay có công rất lớn của hai vợ chồng lão nông Nguyễn Ngọc Đáp và vợ Trần Thị Hồng. Họ chính là những người đầu tiên và duy nhất tự nguyện đặt chân đến định cư ở rừng Rú Chá và xem đây như ngôi nhà của mình.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đặt cho lão nông Nguyễn Ngọc Đáp biệt danh “dị nhân Rú Chá”. Gặp chúng tôi, ông Đáp say sưa kể câu chuyện về Rú Chá như chính câu chuyện cuộc đời mình. Ông cho hay, năm 1976 ông nên duyên vợ chồng với bà Trần Thị Hồng và có với nhau 10 người con.

Cuộc sống đang êm đềm thì năm 1990, ông bàn với vợ xin chính quyền địa phương ra Rú Chá để ở. Rú Chá khi ấy hoang tàn không một bóng người sinh sống nên nghe chồng bàn vậy, bà Hồng cứ một mực lắc đầu, vì “ra Rú thì biết lấy gì mà sống?”. Thế nhưng ông Đáp đáp lại: “Chim trời, cá nước ở Rú Chá thiếu gì, ở mô có tui, mệ mi không lo đói, không lo buồn”.

Nghe chồng thuyết phục, bà Hồng cũng đành xuôi theo, bà biết tính ông Đáp khi quyết là không ai ngăn cản được. Vả lại, một người phụ nữ tảo tần, thương chồng con như bà làm sao yên cái dạ để ông Đáp một mình ra Rú Chá mà không có người sớm hôm “tối lửa tắt đèn” chăm lo…


Hai vợ chồng lão nông Nguyễn Ngọc Đáp trong ngôi nhà nhỏ của mình.


Thế rồi, sau khi lo cho các con tạm ổn cuộc sống ở trong làng, ông Đáp dẫn theo vợ chọn một bãi bồi khá cao ở ngay trung tâm của rừng Rú Chá dựng một căn nhà tạm để có nơi trú mưa nắng, ra vào. Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng nằm lọt thỏm trên một hòn đảo nhỏ có diện tích chưa đến 1ha.

Không điện, không nước ngọt, không hàng xóm và tách biệt với cộng đồng. Những ngày đầu mới chuyển vào Rú Chá ở, cảnh vật ở đây khá tan hoang chỉ được vài cây chá mọc lèo tèo. Ban ngày thì còn có người trong làng vào rú nhặt củi, bẫy chim chứ đêm đến thì vắng ngắt, chỉ có hai vợ chồng ngồi nhìn nhau.

Tài sản quý giá nhất của hai vợ chồng lão nông chỉ có chiếc radio là người bạn thân thiết. Cuộc sống ở đây thiếu thốn đủ bề, nhưng bằng tình yêu hai vợ chồng quyết bám trụ để sống cùng khu rừng ngập mặn. Để mưu sinh, ông Đáp xin đấu thầu một thửa đất cạnh rú để đắp đập thả tôm, cá còn vợ thì vay mượn mua thêm vài con gà, vịt về nuôi. Rừng ngập mặn cũng nhiều tôm cá nên hai ông bà cũng sống đủ qua ngày…

Rừng Rú Chá giờ không chỉ có đôi cặp vợ chồng già. Sự yên bình của Rú Chá ngày càng bị xáo động bởi càng về sau càng có nhiều người chú ý đến Rú Chá hơn và họ cũng vào đó để đánh bắt tôm cá. Có một khoảng thời gian khá dài, Rú Chá trở thành nguồn sống của người dân Thuận Hòa.

Không chỉ khai thác nguồn tôm cá, cứ mỗi bận vào đó kiếm ăn, người dân còn tranh thủ đốn vài bó củi Chá về để làm chất đốt. Từ vài người, cho đến cả làng đua nhau đi đốn củi khiến diện tích Rú Chá bị thu hẹp lại đáng kể.

Vốn quen với từng bụi cây, gò đất nơi đây nên khi chứng kiến cảnh mảnh đất này sắp sửa chỉ còn là tên gọi trong quá khứ, vợ chồng ông Đáp thấy rất xót xa. Lúc đầu ông bà Đáp chỉ nhắc khéo với bà con rằng mình phải kiếm củi bằng cách khác chứ không nên chăm chăm chặt cây Chá, để rồi có ngày xóa sạch rừng Chá này. Hơn ai hết, ông bà hiểu rằng đây là vùng đất có thể che chắn nước biển khỏi xâm thực và tránh những ngọn sóng, cơn gió cho cái làng Thuận Hòa này.

Nếu không kịp thời ngăn chặn thì những cái lợi trước mắt sẽ khiến người dân nơi đây phải chịu những khó khăn, thậm chí là tai họa rất lớn về sau. Nhìn những mảng rú bị đốn trở nên loang lổ, xác xơ, ông Đáp xót xa vì mình không thể làm gì hơn là đứng nhìn. Giữa lúc đó, ông Đáp nghe được tin UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có chính sách cần phải bảo vệ rú để đảm bảo rừng phòng hộ, vậy là không hề băn khoăn vì tuổi tác cũng cao, mà hai vợ chồng ông Đáp dắt nhau lên xã một mực xin nhận công việc bảo vệ rừng.


Ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng "Robinson xứ Huế" nằm lọt thỏm giữa rừng Rú Chá.


Hơn 30 năm xin tự nguyện làm "kiểm lâm" không lương để giữ rừng

Không chịu để cảnh cả khu rừng ngập mặn trở thành đồi trọc, với quyết tâm bảo vệ rừng, cứ đêm xuống ông Đáp lại lặn lội đi xem xét kiểm tra xem có người nào chặt cây để sớm hôm sau đạp xe lên báo cho trưởng thôn. Đến tháng 9, tháng 10, khi đàn cò trắng và nhiều loài chim khác bay về Rú Chá, ông Đáp lại tất bật đi gỡ bẫy để không một con cò, con Cuốc nào về rừng Chá bị dính bẫy.

“Cứu vật, vật trả ơn”, đàn cò và nhiều muôn thú ở Rú Chá coi ông là “người nhà”. Chiều chiều, chúng yên tâm vỗ cánh rợp trời trở về rừng Rú Chá trú ngụ, hay ríu rít chao liệng khi thấy bóng ông bà Đáp chèo thuyền ra thăm Rú. Thế nhưng, ngược lại ông Đáp lại gặp không ít “rắc rối” từ phía những đối tượng bẫy chim, chặt cây.

Từ khi có vợ chồng ông Đáp giữ rừng, nhiều kẻ chuyên bẫy chim cảm thấy ấm ức, hậm hực vì bị ông ngăn cản, phá bẫy cứu chim. Rồi cả những đối tượng vào chặt cây Sú cũng không ít lần đe dọa cả tính mạng của ông Đáp. Thế nhưng, “mặc kệ, miễn sao bảo vệ Rú Chá này là được. Tôi coi Rú Chá như tính mạng của mình”… ông Đáp cương quyết… Còn bà Hồng cũng vậy, lúc ông mỏi bà phụ chèo, lúc bà mệt ông đỡ.

Chiều nào bà cũng theo ông chèo thuyền khắp khu rừng để kiểm tra, gỡ bẫy, và làm tròn nhiệm vụ bảo vệ rừng. Kể từ khi có bàn tay hai vợ chồng ông Đáp chăm sóc, những cây chá, cây sú đua nhau bén rễ sinh sôi phát triển, chim muông đua nhau tìm về. Màu xanh bao phủ cả cánh rừng ngập mặn vốn hoang vu tiêu điều. Không ít gốc chá xanh tốt cao quá đầu người chính là thành quả của việc hai vợ chồng không nề hà vất vả để ươm trồng và chăm sóc suốt bao nhiêu năm.


Rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá ngày càng xanh tốt nhờ sự bảo vệ chăm sóc của vợ chồng ông Đáp.


Ngày trước, mỗi năm hai vợ chồng ông Đáp được làng trả lương bằng 3 tạ lúa. Nhưng vợ chồng ông chỉ lấy 2 tạ, đủ để có lương thực qua ngày, còn 1 tạ thì gửi lại dùng cho việc làng. Ấy vậy mà cũng lắm người gièm pha rằng việc không có gì mà ông bà Đáp được trả từng ấy thóc.

Để công bằng, chính quyền địa phương cũng mời người dân làm thay vợ chồng ông Đáp, nhưng ai nấy đều lắc đầu từ chối bởi không ai đủ “can đảm” để bám trụ với rừng Rú Chá như hai vợ chồng nông dân này. Nhưng từ năm 2000 đến nay làng không cấp lúa nữa, hai vợ chồng ông Đáp xem như giữ rừng không lương. Nhưng chẳng vì thế mà họ từ bỏ công việc của mình.

Xót cha mẹ tuổi cao, ngại cảnh tuổi già đơn chiếc giữa rừng, các con ông Đáp nhiều lần khuyên cha, mạ trở về làng ở cùng con cháu để tiện bề chăm sóc. Nhưng ông Đáp cứ hào sảng cười: “Ba, mạ ở Rú Chá quen rồi, trong phố ồn ào lắm, không chịu được. Đời ba, mạ chỉ muốn gắn bó với cái Rú Chá này cho đến ngày xanh cỏ mới thôi”. Ông Đáp còn lập luận: “Chừ mà sấp bây bảo ba, mạ xa rừng, rứa ngộ nhỡ đàn cò về rú mà bị bẫy ai trông, nhỡ lứa Sú non bị mấy kẻ chặt trộm dẫm nát ai bảo vệ”?…

Mỗi năm, hai vợ chồng chỉ về ở với con, cháu ba ngày Tết, rồi lại trở lại với Rú Chá. Chỉ xa một ngày thôi là ông bà Đáp – Hồng đã thấy rất nhớ rừng…

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17

T&T Group hợp tác quản lý vận hành "chuẩn Nhật Bản" tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn T&T Group) và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Anabuki vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.
2024-03-28 13:53:20

Cao Bằng tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động

Theo kế hoạch, trong 3 ngày đầu tháng 4/2024 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động trên địa bàn.
2024-03-27 13:39:07

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Ngày 20/3/2024, Công ty cổ phần quảng cáo Hà Thái, công ty TNHH quảng cáo Ngọc Hà là hai thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam do ông Hà Đình Thái, Ủy viên ban chấp hành dẫn đoàn có chuyến viếng thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.
2024-03-26 21:16:00
Đang tải...