Xuân về, nghe giọng Hò khoan Lệ Thủy mượt mà sâu lắng

2019-02-10 10:58:28 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Nhắc đến Lệ Thủy (Quảng Bình) người ta nghĩ ngay đến vùng quê gạo trắng nước trong, nơi có giọng hò khoan của các đôi trai tài gái sắc mượt mà sâu lắng. Hò khoan Lệ Thủy là làn điệu tâm tình có sức sống mạnh mẽ, cuốn hút lòng người đến kỳ lạ… Mùa xuân đến nhâm nhi tách trà với mứt gừng xứ Lệ mà nghe điệu Hò khoan Lệ Thủy thì không còn gì bằng.

Độc đáo nghệ thuật diễn xướng

Hò khoan Lệ Thủy là tiếng lòng tha thiết, mang hơi thở cuộc sống của người dân, là nỗi nhớ neo đậu trong tâm hồn những người con xa quê hương. Theo năm tháng, hò khoan Lệ Thủy ngày càng minh chứng được sức lan tỏa, trường tồn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân quê hương Ðại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Bình, ôm trọn dòng Kiến Giang thân thương, trìu mến với những tinh hoa của ruộng đồng, làng quê, Lệ Thủy đã sản sinh ra đứa con tinh thần trên dòng sông thơ mộng, trong xanh bao đời. Hò khoan Lệ Thủy là làn điệu tâm tình có sức sống mạnh mẽ, cuốn hút lòng người đến kỳ lạ.


Điệu hò khoan Lệ Thủy vang lên trong lúc lao động sản xuất - Ảnh: Internet


Giai điệu hò khoan Lệ Thủy không biết ra đời tự bao giờ nhưng trong tâm hồn người dân Lệ Thủy luôn thấm đẫm điệu hò khoan mộc mạc, sâu lắng, lay động lòng người. Không chỉ là hình thức diễn xướng dân gian, hò khoan Lệ Thủy còn là nét sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Lệ Thủy nói riêng, Quảng Bình nói chung.

Từng nhiều năm gắn bó với hò khoan Lệ Thủy, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: Tiến sĩ Dương Văn An (1514 - 1591), đời Mạc, người quê làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy ngày nay đã để lại cho hậu thế tác phẩm địa lý - văn hóa nổi tiếng Ô Châu cận lục viết năm 1553. Ðây là tài liệu quý, mở đầu cho việc mô tả, khảo cứu vùng duyên hải miền Trung từ Ðèo Ngang đến Quảng Nam, trong đó chủ yếu là Tân Bình (Lệ Thủy và Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngày nay). Chúng ta gặp trong tác phẩm của ông những hội hè bơi thuyền lúc xuân sang, tục hát đưa linh, chèo cạn… Như vậy là trước cả quá trình Nam Bắc phân tranh diễn ra, nơi đây đã rất dày dặn về văn hóa và mang bản sắc vùng rõ rệt.

Vùng đất “địa linh nhân kiệt” tạo cho hò khoan Lệ Thủy cả bề sâu và chiều rộng, đa dạng về nhạc điệu, phong phú về ngôn từ. Hò khoan Lệ Thủy trải rộng từ ngàn xanh đến sông sâu, từ đồng bằng ra biển lớn. Trên núi có sự vang vọng, vút cao đầy uy lực mà tình cảm của điệu hò “lỉa trâu”. Dưới biển có sự dẻo dai, kiên trì nhưng vững chãi của mái “hò khơi”; sự rộn ràng, phấn chấn của mái “hò nậu xăm”. Vùng đồng bằng chiêm trũng thì có sự sinh động, ân tình nghĩa nặng của sáu mái hò với thể biến hóa linh hoạt, phóng khoáng của người hát.

Hò khoan Lệ Thủy ra đời trong môi trường lao động sản xuất nhưng trong từng giai đoạn lịch sử, môi trường diễn xướng có thay đổi phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội. Hò khoan Lệ Thủy đã được dân gian chắt lọc, trải qua bao nhiêu thăng trầm và biến cố nhưng chín mái hò khoan vẫn giữ đúng quy tắc, luật nghiêm ngặt không hề thay đổi. Chín mái hò khoan Lệ Thủy, bao gồm: Lỉa trâu; Mái nhài (dài); Mái ruỗi; Mái chè; Mái nện; Mái ba; Mái xắp; Mái hò khơi và Mái hò Nậu xăm.


Hò khoan Lệ Thủy được quảng bá tại Thủ đô Hà Nội. - Ảnh: Internet


Nhạc cụ chính trong hò khoan Lệ Thủy là đàn Nhị và Mỏ. Hai loại nhạc cụ này khi hòa vào nhau thì âm thanh dịu dàng, sâu lắng và rất đỗi thắm thiết, mến thương. Âm hưởng chủ đạo của nhạc cụ là âm hưởng làng quê mộc mạc, gần gũi nên cứ mỗi lần làn điệu được ca lên thì âm hưởng đó xuyến xao như tiếng lòng của làng quê Việt.

Hò khoan là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính sân khấu, trong những lúc nông nhàn. Độc đáo ở hò khoan Lệ Thủy là chỉ trong trường hợp biểu diễn hay thi thố thì mới dùng đến nhạc cụ như: nhị, sáo, trống... Còn thông thường, nhạc cụ trong hò khoan chỉ là những công cụ lao động như: chày giã gạo, mỏ tre, sanh, gậy, mâm đồng, chén trà... Những công cụ lao động thô sơ này bắt nhịp tạo ra âm thanh rất mộc mạc, gần gũi, đời thường”.

Đặc sản của cộng đồng

Trước đây, hò khoan diễn xướng trong môi trường “lỉa gỗ” của thợ sơn tràng, chèo đò, đi cấy, giã gạo, quết vôi, nện đất, cất nhà, hò tiễn đưa người quá cố... và “hò khơi”, “hò nậu xăm” của cư dân miền biển. Ðến những năm kháng chiến, hò khoan hiện hữu trong môi trường mới là tuyên truyền địch vận, lúc tiếp lương cho kháng chiến, nói chung là hò cách mạng.

Trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước, môi trường diễn xướng của hò khoan Lệ Thủy được sân khấu hóa phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền việc xây dựng nông thôn mới, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, phê phán thói hư tật xấu và được đưa vào giảng dạy trong trường học. Hò khoan Lệ Thủy biến hóa linh hoạt trong mọi môi trường, phù hợp với vai trò chuyển tải tâm tư nguyện vọng của người dân. Ðiều đáng nói, dù ở môi trường nào nó vẫn giữ được gốc của mình, đó là các mái hò (tức điệu hò) vẫn nguyên bản và ngày càng được bảo tồn, gìn giữ. Hò khoan Lệ Thủy trở thành “đặc sản” của cộng đồng người dân nơi đây.

Ðể điệu hò vang mãi cùng tháng năm

Nhiều năm nay, công tác bảo tồn và phát huy giá trị hò khoan Lệ Thủy luôn được đưa vào Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Lệ Thủy. Toàn huyện hiện có 10 CLB hò khoan, thu hút hàng nghìn nghệ nhân và diễn viên không chuyên biểu diễn thường xuyên phục vụ quần chúng. Ðặc biệt, làn điệu dân ca này đưa vào giảng dạy trường học tại Lệ Thủy mang lại hiệu quả cao. Ngay khi mới bắt đầu, Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các giáo viên âm nhạc mà người truyền dạy là những nghệ nhân. Như mạch nguồn ấm nóng, hò khoan dần len lỏi vào trường học, trở thành phong trào văn hóa - văn nghệ sâu rộng. Ðây chính là môi trường nuôi dưỡng quan trọng nhất để hò khoan Lệ Thủy được kế thừa, vang mãi với thời gian.


Hò khoan Lệ Thủy được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh: Internet


Trên hành trình gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, những người yêu hò khoan Lệ Thủy có nhiều chuyến giao lưu, quảng bá trong tỉnh và cả nước. Ðặc biệt, tháng 9-2016, hò khoan có dịp giao duyên cùng quan họ Bắc Ninh và ví dặm Nghệ Tĩnh - hai Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Tháng 3-2017, nhân sự kiện “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, hò khoan Lệ Thủy một lần nữa vang lên giữa lòng Hà Nội, được công chúng Thủ đô nhiệt tình đón nhận.

Đặc biệt, ngày 8-5-2017, niềm vui và vinh dự lớn đến với nhân dân Lệ Thủy nói riêng, Quảng Bình nói chung, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công nhận hò khoan Lệ Thủy là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đây, Quảng Bình có thêm một sản phẩm mới để góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của địa phương.

Hò khoan Lệ Thủy được vinh danh là kết quả của quá trình nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát triển di sản của chính quyền và ngành văn hóa địa phương; trong đó, có sự dày công, tâm huyết của các nghệ nhân luôn cháy hết mình để dòng dân ca dung dị này chảy mãi với đời.

Để bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của hò khoan Lệ Thủy không chỉ là trách nhiệm của mỗi một người dân mà còn là của các cấp chính quyền địa phương. Nên tổ chức các lớp tập huấn hàng năm về hò khoan cho hạt nhân các câu lạc bộ và cán bộ văn hóa các xã, thị trấn, giáo viên giảng dạy các trường mà người tập huấn phải là những Nghệ Nhân ưu tú, và tổ chức liên hoan tiếng hát hò khoan Lệ Thủy trong từng làng, xã, thị trấn, để hâm nóng và khơi dậy niềm đam mê cống hiến cho các Nghệ nhân.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17

T&T Group hợp tác quản lý vận hành "chuẩn Nhật Bản" tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn T&T Group) và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Anabuki vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.
2024-03-28 13:53:20

Điều tra dân số, nhà ở giữa kỳ 2024: Gồm cả người nước ngoài ở Việt Nam

Việc thu thập thông tin về nhóm người này sẽ là cơ sở để biên soạn các chỉ tiêu thống kê giúp Việt Nam bước đầu có được nguồn số liệu đáng tin cây để đánh giá quy mô, đặc điểm kinh tế-xã hội và các đặc trưng nhân khẩu học về người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam.
2024-03-28 12:53:13
Đang tải...