100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đóng góp 1/4 GDP cả nước

2017-06-25 11:00:44 0 Bình luận
100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP cả nước. Các doanh nghiệp gia đình đã thể hiện vai trò tiên phong trong việc đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo "Chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 24/6. Tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Trong mọi nền kinh tế, doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) đóng vai trò như một hạt nhân quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt tại Việt Nam, những doanh nghiệp thành đạt nhất trong những năm qua là những doanh nghiệp tư nhân, những DNGĐ chứ không phải là doanh nghiệp nhà nước.
 

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu.


Theo ông Lộc, Hội đồng Doanh nhân & Gia đình Việt Nam kỉ niệm 3 năm thành lập trong bối cảnh đặc biệt. Đảng và Nhà nước đã có thêm nhiều chủ trương định hướng và quyết sách quan trọng về phát triển DN tư nhân. Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng có nhiều nội dung liên quan đến phát triển DN, trong đó có 3 điểm quan trọng nhất là 3 trục định hướng cho phát triển DN trong thời gian tới.
 
Thứ nhất, Đại hội Đảng khẳng định năm 2020 chúng ta hoàn thành cơ bản thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là lần đầu tiên Đảng khẳng định việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là phù hợp với thông lệ và chuẩn mực của các nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập trên thế giới. Đây là điều vô cùng quan trọng, cho thấy chúng ta đang nhìn ra nền kinh tế thị trường thế giới và vươn tới tiêu chuẩn đó. Điều này góp phần hình thành đội ngũ DN - doanh nhân hiện đại và hội nhập.
 
Thứ hai, lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội Đảng nói kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
 
Thứ ba, Nghị quyết lần đầu tiên nêu yêu cầu khởi nghiệp và yêu cầu nâng cao năng lực khu vực kinh tế tư nhân.
 
Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc: "Lợi thế của các DNGĐ Việt Nam là sự gắn bó tình cảm tin cậy, nhưng nó cũng đặt ra thách thức về việc cân bằng giữa mối quan hệ này với các nguyên tắc quản trị công ty chuyên nghiệp. Do đó, làm sao xử lý được mối quan hệ gia đình, họ hàng với những nguyên tắc quản trị công ty minh bạch, đó là thách thức lớn đối với các DNGĐ".
 
"Thế hệ con em sinh ra trong DNGĐ có nhiều lợi thế, mỗi đứa trẻ khi nằm trong bụng mẹ đã làm kinh doanh và đã bắt đầu được truyền lửa về kinh doanh trong quá trình trưởng thành. Các thế hệ trẻ trong các gia đình doanh nghiệp có nhiều lợi thế để tiếp cận quy trình quản trị DN hiện đại và có nhiều lợi thế để thành công. Đó là lý do vì sao nhiều thương hiệu DNGĐ đã thành công vang dội trên thế giới", ông Lộc nhìn nhận.
 

Ông Hoàng Đức Hùng, Phó TGĐ Công ty PwC Việt Nam.


Chuyên gia tư vấn Hoàng Đức Hùng, Phó TGĐ Công ty PwC Việt Nam cho biết, việc kế nhiệm, duy trì và phát triển DN qua nhiều thế hệ là mong muốn của các DNGĐ. Ông Hùng cho biết, khảo sát riêng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong 5 DNGĐ thì ít nhất 1 DN có tham vọng cạnh tranh vươn ra trường quốc tế.
 
Dẫn chứng số liệu khảo sát trên quy mô toàn cầu về tầm quan trọng của thế hệ kế thừa trong DNGĐ, ông Hùng thông tin về những con số đặc biệt đáng lưu tâm: Có 16.000 tỷ USD sẽ được chuyển giao trong vòng 30 năm tới, 40% DNGD sẽ chuyển giao sang thế hệ kế thừa trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, chỉ có 12% DNGĐ chuyển giao được đến thế hệ thứ 3, thường là do các vấn đề nội bộ. Đây là con số mà theo ông Hùng là thấp hơn so với kỳ vọng.
 
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đa số DN muốn cải tiến DN nhưng cũng hiểu rằng mình có trách nhiệm chuyển giao một DN vững chắc cho các thế hệ kế tiếp. Ông Hùng cho biết, các thế hệ kế thừa thường có tư duy cải tiến DN sau khi được kế thừa, trong đó 69% được hỏi cho biết sẽ tuyển dụng những nhân sự chuyên nghiệp từ bên ngoài để đem lại sự hiện đại và chuyên nghiệp hóa cho DN. Ngoài ra, 60% lựa chọn việc mở rộng thị trường ở khu vực địa lý mới và chỉ 47% đồng ý triển khai các dự án kinh doanh mạo hiểm song song với các hoạt động chính của DN.
 
"Làm thế nào để thế hệ kế thừa có thể tiếp nối thành công?", ông Hùng đặt câu hỏi và từ đó đưa ra 10 quy tắc vàng dành cho thế hệ kế thừa có tham vọng gồm: Nên tích lũy kinh nghiệm bên ngoài trước; Thử trước khi mua; Chỉ đảm nhận vai trò phù hợp với mình; Nhận thức rõ hành vi; Không tạo áp lực cho chính mình; Yêu cầu được đánh giá hợp lý; Quản lý sự thay đổi một cách cẩn trọng; Truyền đạt, giao tiếp, truyền thông; Đảm bảo kế thừa là 1 quá trình; Tận hưởng quá trình này.
 

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam.


Cùng quan tâm đến việc kế nhiệm trong DNGĐ, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam cho rằng: Nguy cơ hiển nhiên nhất có thể dẫn đến thất bại của một DNGĐ là quá trình kế nhiệm. Việc chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo chính là điểm yếu trong mô hình DNGĐ.
 
Ông Đoàn cho rằng, DNGĐ đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. DNGĐ có xu hướng vượt trội hơn các loại hình DN khác về doanh số, lợi nhuận và các chỉ số tăng trưởng khác. Trong thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của các DNGĐ Việt Nam cũng đã giúp hình thành nên các tập đoàn kinh tế tư nhân dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực và có đóng góp quan trọng vào GDP của toàn nền kinh tế.
 
Tuy nhiên, mỗi DNGĐ luôn phải tìm cách cân bằng giữa lợi ích của gia đình và lợi ích công ty. Quá trình chuyển giao giữa các thế hệ có thể gây ra mâu thuẫn giữa hai khía cạnh này, khiến cho cả quan hệ trong gia đình và hoạt động của DN đều bị ảnh hưởng. Ngược lại, một quá trình kế nhiệm hiệu quả sẽ tạo động lực phát triển tốt cho DN, giúp DN làm mới mình trước những điều kiện kinh doanh đổi thay và tìm được năng lượng mới để tăng trưởng, đa dạng hóa và chuyên nghiệp hóa.
 
Một điều thường thấy là các DNGĐ không có kế hoạch chuyển giao bài bản. Đây là một nguy cơ lớn nếu có những thành viên trong gia đình chỉ tham gia sở hữu mà không tham gia làm việc hay điều hành trong DN. Đôi khi những vấn đề như quyền sở hữu hay các quyền hạn khác của tất cả các thành viên không được đem ra bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất lại trước khi chuyển giao giữa các thế hệ, dẫn đến việc mỗi người có những hình dung riêng về cách thức hoạt động của DN trong tương lai. Điều này có thể làm phát sinh xung đột khi thế hệ kế nhiệm tiếp quản DN.
 

Những thách thức có thể xảy đến với doanh nghiệp gia đình trong 5 năm tới.


Một thách thức thường thấy nữa là thế hệ trước không muốn từ bỏ hoàn toàn quyền kiểm soát mặc dù đã chuyển giao quyền lực cho thế hệ sau. "Tôi được chia sẻ và tâm đắc với kết quả Khảo sát Thế hệ kế nhiệm năm 2016 của PwC thực hiện với gần 270 lãnh đạo kế nhiệm tại các DNGĐ trên toàn cầu. Có đến 61% cho rằng thế hệ trước sẽ khó từ bỏ hoàn toàn kiểm soát khi họ tiếp quản DN. Họ thường xuyên cảm thấy nản chí khi phải cố gắng thuyết phục thế hệ đương nhiệm chấp nhận các ý tưởng mới của mình. Thực tiễn này cũng đúng với các DNGĐ ở Việt Nam hiện nay", ông Đoàn cho hay.
 
Theo ông Đoàn, để chuyển giao thành công, đưa các DNGĐ ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, các DNGĐ cần có kế hoạch kế nhiệm rõ ràng và chi tiết nhất có thể về chức năng, nhiệm vụ của từng bên liên quan, cũng như thời gian thực hiện. Kế hoạch này cần được triển khai càng sớm càng tốt trước khi chính thức chuyển giao quyền lực để cho người kế nhiệm có thể tích lũy được đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để đảm nhiệm các vị trí điều hành trong DN.
 
Ví dụ, thế hệ đương nhiệm có thể tạo điều kiện cho con cháu thử sức với nhiều vị trí khác nhau ở trong hoặc ngoài DN, hay cho phép họ cùng dự các buổi họp của hội đồng quản trị hay các hội thảo, sự kiện mà DN tham gia. Từ đó, thế hệ kế nhiệm có thể hiểu hơn về những vấn đề của DN cũng như mở rộng mạng lưới quan hệ của mình.
 
Tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nghiệp đã bàn những giải pháp để chuyên nghiệp hóa DNGĐ Việt Nam. Cũng tại sự kiện này, Hội đồng Doanh nhân & Gia đình Việt Nam đã kỉ niệm 3 năm thành lập, nhấn mạnh vai trò liên kết các gia đình doanh nhân tiêu biểu và uy tín trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam để góp phần giúp các DNGĐ thực hiện thành công mục tiêu phát triển của mình.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17

T&T Group hợp tác quản lý vận hành "chuẩn Nhật Bản" tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn T&T Group) và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Anabuki vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.
2024-03-28 13:53:20

Điều tra dân số, nhà ở giữa kỳ 2024: Gồm cả người nước ngoài ở Việt Nam

Việc thu thập thông tin về nhóm người này sẽ là cơ sở để biên soạn các chỉ tiêu thống kê giúp Việt Nam bước đầu có được nguồn số liệu đáng tin cây để đánh giá quy mô, đặc điểm kinh tế-xã hội và các đặc trưng nhân khẩu học về người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam.
2024-03-28 12:53:13
Đang tải...