2018: Điều hành chính sách tiền tệ liên quan mật thiết với việc điều tiết kỳ vọng thị trường

2018-01-14 12:57:48 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Chúng ta đang bước vào năm 2018 với một tâm thế mới, vận hội mới. Việt Nam được rất nhiều tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức tín dụng (TCTD) nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao. Chẳng hạn như Tổ chức xếp hạng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's mới đây đã nâng hạng từ Ổn định sang Tích cực đối với các TCTD tại Việt Nam, hay như Bloomberg cũng đánh giá Việt Nam đồng (VND) là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
 
Kinh tế Việt Nam đang từng bước phát triển bền vững. Tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%, cao nhất trong 5 năm qua. Điểm sáng của tăng trưởng kinh tế là sự điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đặc biệt là điều hành chính sách tiền tệ. Trước hết là sự ổn định của thị trường tiền tệ tại Việt Nam. NHNN quyết tâm sử dụng công cụ điều hành về chính sách lãi suất, đặc biệt gần đây lãi suất có xu hướng giảm tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; bên cạnh đó là thành công về điều hành tỷ giá cũng như hoạt động ngoại hối.

Mục tiêu giữ ổn định các TCTD là kết quả đáng ghi nhận trong nỗ lực của ngành ngân hàng ở giai đoạn 1 của Đề án tái cơ cấu các TCTD (2011-2015), kể cả ở những thời điểm có một số TCTD khó khăn. Đến thời điểm này, theo chia sẻ của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các ngân hàng đang hoạt động rất tích cực và đang có nhiều biện pháp triển khai quyết liệt tiếp theo. 

NHNN đã và đang triển khai giai đoạn 2 tái cơ cấu các TCTD theo Quyết định 1058 của Chính phủ. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Khi triển khai đề án này, trên nền tảng những kết quả của giai đoạn 1, NHNN đã và đang tích cực xây dựng các đề án phê duyệt cho từng ngân hàng, kể cả các ngân hàng lành mạnh cũng như các ngân hàng còn đang có những khó khăn.

“Với đề án này, đặc biệt khi Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD vừa được thông qua sẽ là điều kiện pháp lý quan trọng cho các giải pháp, biện pháp thực hiện đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 có được những kết quả tích cực trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh. 

Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu là một trong những dấu mốc quan trọng trong quá trình tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2016-2020. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định, Nghị quyết 42 đã giải quyết được một số trở ngại để xử lý nợ xấu hiệu quả, bao gồm cả các biện pháp cải thiện để bên cho vay có khả năng thực thi hiệu lực đối với tài sản đảm bảo nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng thu hồi tài sản thế chấp và giải chấp nợ xấu. Nghị quyết 42 cũng tạo điều kiện tăng cường giao dịch nợ xấu trên thị trường thứ cấp. Bên cạnh đó, văn bản pháp quy hướng dẫn triển khai các nguyên tắc Basel II cũng đang được xây dựng và dự kiến sẽ cải thiện về quản lý rủi ro ở các ngân hàng và xử lý được những rủi ro trong các hoạt động ở khu vực ngân hàng. 

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cho rằng Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD là các văn bản pháp lý quan trọng để tạo ra một cơ chế đồng bộ - nối tiếp bởi các biện pháp triển khai giúp xử lý nhanh chóng các khoản nợ xấu, khơi thông dòng vốn đang bị đóng băng tại VAMC. Đại diện cơ quan này chia sẻ tuy tiến trình tái cơ cấu TCTD vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức, song khi nhìn tổng quan chung, triển vọng phát triển của ngành NH Việt Nam đã được đẩy mạnh bởi những bứt phá này. Vấn đề tiếp theo cần quan tâm đó là làm thế nào để triển khai hiệu quả chúng. 

Trong quá trình tái cơ cấu các TCTD suốt thời gian qua, NHNN đặt ra nhiều nguyên tắc và mục tiêu. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, có hai nguyên tắc quan trọng và xuyên suốt trong cả tiến trình tái cơ cấu các TCTD. Thứ nhất, phải “đảm bảo cho sự ổn định hoạt động của mỗi TCTD, kể cả các TCTD yếu kém hiện nay. Và nguyên tắc đó cũng đã và đang được triển khai bằng nhiều giải pháp. Thứ hai, là đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền”. 

Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định “Tất cả người gửi tiền tại các TCTD, kể cả TCTD nhà nước cũng như TCTD cổ phần, Quỹ Tín dụng nhân dân cũng đều được đảm bảo quyền lợi chính đáng. Đây cũng là chỉ đạo, chủ trương của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ để đảm bảo cho quyền lợi chính đáng của người dân gửi tiền tại các TCTD.”

Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD là một quá trình thường xuyên, liên tục. Với những kết quả, nỗ lực mà ngành Ngân hàng đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong năm 2017 sẽ tạo nền tảng vững chắc cho bước phát triển, đổi mới của ngành trong thời gian tiếp theo. Năm 2018 sẽ là năm quan trọng với ngành ngân hàng khi NHNN triển khai các quy định về xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng. Việc thực thi Nghị quyết 42 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD một cách hiệu quả sẽ tạo ra một cơ chế đồng bộ giúp xử lý nhanh chóng, dứt điểm các khoản nợ xấu, khơi thông dòng vốn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. 

Theo Báo cáo mới nhất Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam (12/2017) của WB, nhận định: “Trong bối cảnh áp lực lạm phát ở mức vừa phải, chính sách tiền tệ và tín dụng tiếp tục cân đối giữa ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng”. Theo WB, chỉ số giá tiêu dùng chung của Việt Nam tăng 3% (so với cùng kỳ năm trước) trên cơ sở lạm phát cơ bản ổn định ở mức 1,3% trong tháng 10/2017. Với áp lực lạm phát ở mức vừa phải, NHNN Việt Nam đã quyết định cắt giảm lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn 25 điểm phần trăm xuống còn 4,25% và 6,25% vào tháng 7.

Nhận định của WB cũng là quan điểm của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cả trong và ngoài nước đối với sức tăng trưởng tương đối tích cực của nền kinh tế Việt Nam, trong đó có đóng góp không nhỏ của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ. 

Ông Eric Sigwick - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng cho rằng: “Năm 2017 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam nói chung và của NHNN nói riêng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% cho cả năm - mục tiêu mà nhiều năm trước không thể đạt được. Lạm phát đã được kiểm soát ở mức thấp dưới 4%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18-20% dự kiến sẽ có thể đạt được trong năm 2017. Thị trường ngoại tệ, tỷ giá được duy trì ổn định. Đặc biệt, NHNN đã rất thành công trong việc dự trữ ngoại hối năm 2017 đạt mức kỷ lục 46 tỷ USD. Đây sẽ là dự trữ an toàn cho Việt Nam trước nhiều biến động trong tương lai”.

Tham vấn một số tổ chức quốc tế, hầu hết các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao sự ổn định về tỷ giá, lãi suất, đặc biệt trong những tháng cuối năm lãi suất có xu hướng giảm tạo điều kiện cho các DN. NHNN tiếp tục duy trì tỷ giá USD/VND trong một biên độ hẹp, cho phép tỷ giá trung tâm mất giá 1,4% trong 10 đến 11 tháng đầu năm. Cách làm đó giúp duy trì tỷ giá thực đa phương (REER) ở mức cao đối với đồng nội tệ và tạo điều kiện tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối thêm khoảng 5 tỷ USD trong ba quý đầu năm. Ổn định tỷ giá cộng với mức tăng trưởng của dự trữ ngoại hối hiện nay có thể nói đã tạo một an tâm lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kể cả với các nhà đầu tư gián tiếp cũng như đầu tư trực tiếp.

Ngày 31/10/2017, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”; đây là lần thứ hai nâng hạng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam trong vòng 6 năm trở lại đây. Việc Moody’s tiếp tục nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam là một tín hiệu tích cực phản ánh hiệu quả của việc Chính phủ thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với công tác điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của NHNN; đặc biệt là việc quyết liệt triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giữ vững an toàn hệ thống và được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Không chỉ dừng ở đó, trong một đánh giá mới đây của hãng tin Bloomberg về mức độ ổn định tiền tệ của một số đồng tiền thuộc khu vực châu Á, VND được nhận định là đồng tiền thuộc nhóm ổn định nhất ở châu Á. Có thể thấy, những hoạt động điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua của NHNN đã được các tổ chức tài chính quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Mặt khác, dù có những tác động của thế giới nhưng chính sách của NHNN vẫn thể hiện sự rõ ràng, linh hoạt và phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay.

Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 nổ ra, NHTW ở hầu hết các nước đều phải triển khai nhiều chính sách tiền tệ phi truyền thống để đối phó với khủng hoảng. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2008-2010, dù không chịu tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính này nhưng những tác động gián tiếp từ bên ngoài vào, cùng với những hạn chế, yếu kém của nội tại đã khiến cho kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất ổn lớn và hệ quả kéo dài sau đó. Thể hiện rõ nhất là lạm phát cao, tăng trưởng chậm lại, mặt bằng lãi suất tăng cao, tỷ giá biến động khó lường, dự trữ ngoại hối giảm mạnh…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ xác định một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu là phải ổn định được kinh tế vĩ mô, kéo lạm phát xuống, đồng thời triển khai tái cơ cấu nền kinh tế. Theo đó, chính sách tiền tệ từ nửa cuối năm 2011 đến nay đã kiên định mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường ngoại tệ và tăng niềm tin vào VND. Trên cơ sở bám sát và khả năng kiểm soát lạm phát, NHNN điều hành giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. 

Hàng loạt các giải pháp điều hành linh hoạt và đồng bộ của NHNN đã giúp đạt được các mục tiêu quan trọng như kiểm soát lạm phát từ mức hai con số xuống mức một con số trong nhiều năm liên tiếp. Mặt bằng lãi suất cho vay đến nay đã giảm hơn một nửa so với thời điểm giữa năm 2011. Thanh khoản của hệ thống TCTD dư thừa, đưa mặt bằng lãi suất liên NH xuống mức thấp kỷ lục. Thị trường ngoại tệ ổn định, tỷ giá biến động phù hợp với mục tiêu điều hành. Lòng tin và vị thế VND ngày càng được củng cố, tình trạng đô la hóa được cải thiện và NHNN đã mua được khối lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất từ trước đến nay lên mức khoảng 46 tỷ USD… 
Những thành quả ấy không chỉ được thị trường trong nước ghi nhận mà theo ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, NHNN, các tổ chức xếp hạng quốc tế trong những năm trở lại đây cũng đánh giá ngày càng tích cực về Việt Nam, thể hiện ở việc nâng hạng và triển vọng tín nhiệm quốc gia cũng như của các NHTM. Lạm phát, tỷ giá và tiền đồng ổn định cùng với hàng loạt chính sách cải cách được triển khai cũng đã giúp củng cố niềm tin của các NĐT trong nước và nước ngoài, từ đó gia tăng đầu tư, thể hiện ở việc chỉ số CDS (hoán vị rủi ro tín dụng) liên tục duy trì xu hướng giảm từ năm 2015 đến nay và hiện chỉ xung quanh mức 127 điểm – mức thấp nhất kỷ lục mà chưa bao giờ Việt Nam có được.

Tuy nhiên, sau gần 10 năm với rất nhiều chính sách tiền tệ phi truyền thống đã được các NHTW đưa ra thì trong khoảng một, hai năm trở lại đây, cùng với đà phục hồi ngày càng vững chắc của thị trường và nền kinh tế, xu thế bình thường hóa chính sách tiền tệ của nhiều NHTW trên thế giới cũng bắt đầu diễn ra, đặc biệt là ở các nước phát triển như Mỹ, EU. Vậy tại Việt Nam, khung chính sách tiền tệ những năm tới nên như thế nào để tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu lực và hiệu quả trong tình hình mới?

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, kinh nghiệm từ các nước cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ liên quan mật thiết đến việc điều tiết kỳ vọng thị trường về chính sách cũng như các công cụ chính sách, do đó các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cần hướng đến sự minh bạch và rõ ràng trong cơ chế điều hành. Và trong thời gian tới NHNN tiếp tục làm tốt công tác định hướng chính sách, rõ ràng trong mục tiêu điều hành kết hợp với cơ chế truyền thông hiệu quả và bài bản. 

Bên cạnh đó, do chính sách tiền tệ có độ trễ và liên quan đến điều tiết kỳ vọng thị trường nên việc thực thi chính sách thị trường cần dựa trên quan điểm dài hạn thay vì ngắn hạn. Theo đó, cần quy hoạch chính sách tiền tệ trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và linh hoạt. Quan điểm “dài hạn và linh hoạt” này không chỉ áp dụng trong việc thực thi chính sách tiền tệ mà còn trong việc xây dựng, đổi mới khuôn khổ chính sách tiền tệ (định hình những thay đổi trong việc điều hành chính sách tiền tệ) trong tương lai khi cần thiết cho phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng. 

Các thành phần của tổng cầu thường nhạy cảm hơn với chiều hướng biến động của lãi suất dài hạn, do đó các công cụ chính sách tiền tệ sẽ có hiệu quả khi có tác động đến lãi suất dài hạn. NHNN cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả các kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ, cải thiện sự tác động của chính sách tiền tệ đối với lãi suất dài hạn trên cơ sở phát triển đồng bộ và cân bằng thị trường tài chính, tiền tệ, điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ yếu theo tín hiệu thị trường.

Ngoài ra, việc Fed nói riêng và NHTW các nước phát triển nói chung đã, đang hoặc chuẩn bị bắt đầu chu kỳ thu hẹp chính sách tiền tệ từng bước sẽ có ảnh hưởng thu hẹp đáng kể tới điều kiện tài chính toàn cầu trong thời gian tới. Tuy sự thận trọng như vậy của các NHTW lớn sẽ ít gây ra biến động mạnh trên thị trường nhưng sự thu hẹp điều kiện tài chính nêu trên cùng với việc lãi suất các nước tăng dần dự báo sẽ ít nhiều có tác động tới diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế trong nước. Vì vậy, chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt, bám sát các diễn biến thị trường tài chính tiền tệ trong nước và quốc tế để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ phó Vụ CSTT, NHNN, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính vẫn là ưu tiên lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ nói riêng và các chính sách phát triển kinh tế nói chung thời gian tới. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục nỗ lực neo giữ kỳ vọng lạm phát ở mức thấp hợp lý, nhằm giảm rủi ro và bất định cho nền kinh tế, đồng thời duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và từng bước phấn đấu giảm hơn nữa lãi suất khi có điều kiện thích hợp./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17

T&T Group hợp tác quản lý vận hành "chuẩn Nhật Bản" tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn T&T Group) và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Anabuki vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.
2024-03-28 13:53:20

Cao Bằng tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động

Theo kế hoạch, trong 3 ngày đầu tháng 4/2024 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động trên địa bàn.
2024-03-27 13:39:07

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Ngày 20/3/2024, Công ty cổ phần quảng cáo Hà Thái, công ty TNHH quảng cáo Ngọc Hà là hai thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam do ông Hà Đình Thái, Ủy viên ban chấp hành dẫn đoàn có chuyến viếng thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.
2024-03-26 21:16:00
Đang tải...