Anh hùng đặc công rừng Sác

2019-03-27 10:05:02 0 Bình luận
“Đặc khu rừng Sác”, địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản hùng ca gắn liền với những chiến công oanh liệt của Đoàn 10 Đặc công trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Người được mệnh danh là “pho sử sống”, “linh hồn” của Đặc công rừng Sác chính là Đại tá - Anh hùng LLVTND Lê Bá Ước (Bảy Ước), nguyên Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10. Trở về với đời thường đã mấy chục năm nhưng ký ức của ông về một thời oanh liệt cùng đồng đội lập nên bao kỳ tích vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua.

Người chỉ huy tài tình

Năm 1966, đại úy Lê Bá Ước được điều về công tác tại Đoàn 10 Đặc công rừng Sác. Vùng ngập mặn Nhơn Trạch – Cần Giờ này nổi tiếng “rừng thiêng nước độc”, đầy rẫy cá sấu và hiểm nguy rình rập. Nhớ lại một trong những trận đánh vang dội khiến quân địch thiệt hại nặng nề, hoang mang tột độ, ông kể: “Kho xăng Nhà Bè tích trữ lượng xăng dầu rất lớn với 72 bồn chứa, dung lượng hàng trăm triệu lít, cung ứng 60% nhu cầu xăng dầu quân sự cho miền Nam. Đây là mục tiêu chúng tôi nhắm đến.

Thế nhưng, tụi địch bố phòng rất cẩn mật, bao gồm 12 lớp hàng rào kẽm gai, bùng nhùng, song sắt; bên trong có thêm lớp hàng rào 3 nhánh cao 3,5m, thả chó bẹc-giê, ngỗng, gài mìn trái, bố trí tháp canh, đèn pha chiếu sáng; ngoài ra, còn có lực lượng tuần tra liên tục trên cạn, dưới sông; 1 tiểu đoàn lính bảo vệ và 11 tàu tuần tiễu ngày đêm phối hợp với 10 đại đội bảo an được trang bị hỏa lực hiện đại sẵn sàng yểm trợ khi có tình huống. Trước tình thế đó, chỉ huy trung đoàn (lúc này Đoàn 10 đã đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 10) bàn bạc, lên phương án quyết tâm tiêu diệt kho xăng Nhà Bè”.


Đại tá Lê Bá Ước đến thăm và chụp hình lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1995. (ảnh tư liệu gia đình)


Để thực hiện kế hoạch, Trung đoàn 10 thống nhất giao nhiệm vụ cho Đại đội 5 Đặc công thủy tổ chức một đội cảm tử gồm 8 đồng chí, bao gồm: Đại đội trưởng Cao Hồng Ngọt chỉ huy chung, Đại đội phó Hà Quang Vóc, Trung đội trưởng Nguyễn Hồng Thế, Trung đội phó Nguyễn Công Bao cùng các chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm là Rực, Hinh, Quân và Tiềm. Họ chia thành các tổ tiến hành điều nghiên, nắm địch. Sau 13 lần trinh sát không tìm được điểm đột nhập thích hợp, với kinh nghiệm và khả năng phán đoán của mình, Thiếu tá Lê Bá Ước phân tích, đánh giá tình hình và quyết định chọn vị trí đột nhập phía góc phải bờ tường bảo vệ kho xăng, sát mép nước. Nơi đây bọn lính canh chủ quan, sơ hở nhất và lực lượng của ta cũng dễ tiếp cận, bảo đảm an toàn. Phương án được Đảng ủy Trung đoàn nhất trí thông qua.

Sau thời gian chuẩn bị và luyện tập xử trí các tình huống, mũi trưởng Hà Quang Vóc tuyên thệ: “Chưa đốt cháy kho xăng chưa trở về đơn vị”. Ngay trong đêm 2.12.1973, đội hình 8 chiến sĩ từ từ xuống mép nước, lẫn vào màn đêm, bí mật vượt qua các tàu tuần tiễu đột nhập mục tiêu, cài mìn hẹn giờ vào các bồn xăng rồi nhanh chóng rút ra ngoài. Đúng 0 giờ 35 phút ngày 3.12, nhiều tiếng nổ liên tiếp phát ra từ kho xăng Nhà Bè, cột khói lửa bốc cao dữ dội chiếu sáng bầu trời Sài Gòn.

Còi báo động rú lên inh ỏi, liên hồi. Tàu chiến, xuồng máy chạy hỗn loạn trên sông. Máy bay trực thăng, phản lực quần đảo, gầm rú, trút đạn xuống các khu vực nghi ngờ… Kho xăng bốc cháy dữ dội suốt 12 ngày đêm không thể dập tắt và lan rộng sang các kho khác, buộc địch phải mở van xả bỏ khiến dầu, xăng lênh láng dọc trên sông Sài Gòn, Lòng Tàu, Soài Rạp.

Thiếu tướng Trần Thành Lập – nguyên Chính ủy Trung đoàn 10 – khẳng định: “Nhờ chọn đúng điểm đột phá và luyện tập kỹ phương án nên với lực lượng chưa đầy 1 tiểu đội, ta đã tiêu hủy khoảng 250 triệu lít xăng dầu, 12 bồn butagas, 1 tàu trọng tải 12.000 tấn và hầu hết cơ sở kho tàng. Trước tổn thất nặng nề, Tổng thống Thiệu phải kêu gọi quân đội ra sức tiết kiệm xăng dầu, tăng cường phòng bị. Về phía ta, 2 chiến sĩ Bao và Tiềm đã anh dũng hi sinh”.

Trong khoảng 10 năm (1966-1975) bám trụ ở căn cứ rừng Sác, Đoàn 10 Đặc công đã đánh gần 600 trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch; bắn chìm và cháy 356 tàu, thuyền chiến đấu, đánh đắm 13 tàu vận tải; bắn rơi 29 máy bay trực thăng… Nổi bật là những chiến công huyền thoại, như: Đốt cháy kho xăng Nhà Bè, xóa sổ kho bom thành Tuy Hạ, phá hủy chiến hạm “khủng long” Baton Rouge Victory, pháo kích rung chuyển Dinh độc Lập, tòa Đại sứ Hoa Kỳ… Tất cả đều có dấu ấn của người chỉ huy tài tình Bảy Ước.

Vợ, chồng chung chiến tuyến

Trong những năm chiến tranh có biết bao cặp vợ, chồng phải gửi con nhỏ nơi quê nhà để cùng tham gia chiến đấu chung một chiến hào chống giặc. Dù rất gần nhau nhưng thời gian gặp mặt cũng chỉ tính bằng… tuần trăng. Vợ chồng Trung đoàn trưởng Lê Bá Ước là một điển hình như thế.

Năm 1965, Lê Bá Ước cùng vợ là Chuẩn úy Nguyễn Thị Kim Mến (Tư Mến) tập kết ra Bắc, mang theo 2 con nhỏ. Đứa lớn tên Lê Kim Hương, 4 tuổi. Đứa nhỏ tên Lê Nam Hùng chưa đầy 2 tuổi. Nơi sơ tán là vùng đồi cọ thuộc tỉnh Vĩnh Phú. Mới đến được ít ngày, đôi vợ chồng trẻ lại nôn nao muốn trở về miền Nam cùng đồng đội đánh Mỹ. Hai người bàn bạc, thống nhất, ngay hôm sau người vợ tiễn chồng ra ga xuống Hà Nội để chuẩn bị vào Nam. Hai đứa con nhỏ mếu máo dõi theo, vẫy tay líu ríu: “Ba, má nhớ về sớm với con”! Người chồng không dám nhìn lại, sợ ánh mắt các con níu kéo. Trên đường tiễn chồng ra ga, chị Mến bảo: “Anh đi rồi em cũng sẽ thu xếp gửi 2 con ở lại miền Bắc, vượt Trường Sơn để vào chia lửa cùng anh và đồng đội”.

“Em còn phải học nâng cao, trở thành bác sĩ mới cứu chữa được cho nhiều thương binh. Với lại, anh đi xa, các con còn nhỏ rất cần được mẹ nâng niu, chăm sóc…” - nắm chặt tay vợ, anh Ước dặn dò. “Hai con em gửi ông bà trông nom giúp. Trong lúc chiến tranh ác liệt thế này, em không nỡ rời xa anh và đồng đội”. Người phụ nữ quê Rạch Giá (Kiên Giang) thuyết phục chồng. Nhìn ánh mắt và nghe giọng nói cương quyết của vợ, Bảy Ước gật đầu. Họ chia tay trong nắng chiều vàng óng. Người vợ quay đi giấu đôi dòng nước mắt nóng bỏng, nghẹn ngào tiễn chân chồng về đơn vị cũ. Mấy ngày sau, chị xuống trường trả lại quyết định gọi học đại học, vượt Trường Sơn trở về miền Nam cùng đồng bào, chiến sĩ hiên ngang trên trận tuyến chống quân thù.

Vào một ngày cuối thu năm 1967, Lê Bá Ước đang cùng đồng đội kiên cường bám trụ nơi chiến trường rừng Sác thì nhận được tin báo: “R” (mật danh của Trung ương Cục miền Nam) quyết định bổ sung một nữ quân y cho Đoàn 10, hiện đang trên đường cùng giao liên xuống vùng ven”. Như có linh tính mách bảo, Trung đoàn trưởng Ước hồi hộp, thấp thỏm chờ mong. Mấy ngày sau, nữ y sĩ tóc ngắn ngang vai, nước da vàng tái mét vì sốt rét rừng, vai mang ba lô có mặt tại Sở chỉ huy. Hai vợ chồng, hai người đồng chí ôm chầm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi, nước mắt lưng tròng vui ngày gặp lại…

Dẫn tôi tới khoảng đất trống bên bờ suối, nơi lán trại quân y thuở trước, người lính già đứng lặng hồi lâu rồi mới lên tiếng: “Chỗ này năm xưa là nơi vợ tôi thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên chỉ bằng dao lam và chai thuốc đỏ, lấy mảnh đạ..n ra khỏi cơ thể chiến sĩ Chu Văn Khí ngay sau khi cô ấy vừa tới rừng Sác nhận nhiệm vụ. Vất vả, cực nhọc, khí hậu khắc nghiệt khiến mái tóc cô ấy dần trở nên khô, xơ và làn da cũng ngăm đen chẳng khác gì đặc công rừng Sác”.

Ông Bảy chậm rãi từng lời. Ông kể với tôi mà như đang tâm sự với người vợ quá cố bằng một giọng sẻ chia, thương cảm. Mặc dù hai vợ chồng cùng đơn vị nhưng mỗi người một nhiệm vụ nên họ rất ít gặp nhau. Trong khu rừng ngập mặn, ngoài bom đạn của kẻ thù làm bộ đội thương vong còn có cả hùm, beo, đặc biệt là cá sấu. Tính mạng của những người lính đặc công bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Chẳng hạn như trường hợp của Trung đội trưởng Nghĩa và Trung đội trưởng Khét bị cá sấu ăn thịt khi đang vượt sông Lòng Tàu làm nhiệm vụ; chiến sĩ Nguyễn Đức Chương 2 lần bị cá sấu ngoạn vào vai nhưng anh đã khôn khéo dùng dao găm đâm vào mắt nó và thoát nạ..n, nhưng phải nằm điều trị 2 tháng trời… Bởi vậy, chị Tư Mến rất vất vả, luôn phải lặn lội từ tiền phương về hậu cứ chăm sóc anh em đau ốm, rồi lại thức trắng đêm câu cá nuôi thương binh, đột kích vào ấp chiến lược lấy gạo về nấu cơm cho bộ đội… Có lẽ vì thế mà cả trung đoàn đều coi chị Tư là “cô Tấm” của Đoàn 10, còn anh Bảy là “linh hồn” của rừng Sác.

Ông Ước nhớ lại: “Vào một đêm sau Tết Mậu Thân 1968, bọn địch giội b0m phản kích ác liệt. Tôi triệu tập bộ phận hậu cứ về báo cáo tình hình. Thế là ngay trong đêm, vợ tôi cùng đồng chí quản lý Ba Hùng lập tức xuống xuồng về sở chỉ huy báo cáo. Đêm đó máy bay B52 của Mỹ giội b0m 6 lần cày xới khắp chiến khu. Mỗi lần nghe tiếng máy bay gầm rú là tôi lại thót tim lo lắng cho sự an nguy của vợ và của đồng đội đang phải mò mẫm vượt khói lửa trong đêm. May sao, tờ mờ sáng cả hai đã bình an về tới Sở chỉ huy. Lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm”. Vị đại tá mỉm cười, giọng nói đầy trải nghiệm: “Vợ chồng chiến đấu cùng đơn vị nhất là ở tuyến đầu bão lửa, niềm vui cũng lắm nhưng lo lắng cũng nhiều”…

Nỗi đau người ở lại

Trở về rừng Sác thăm lại chiến trường xưa nơi người vợ hiền của ông đã anh dũng hj sjnh khi đang làm nhiệm vụ, vị đại tá khẽ đọc những vần thơ da diết: “Thấp thoáng ảo mờ đôi mắt ấy/ Môi cười hòa lẫn tóc đen dài/ Phải chăng người ấy – em yêu dấu/ Sóng nước vỡ tan bóng nhạt phai” – đó là một khổ trong bài thơ “Mờ ảo” mà ông viết tặng vợ – nữ liệt sĩ quân y Nguyễn Thị Kim Mến. Ông hồi tưởng: Cuối năm 1969, rừng Sác như một “chảo lửa” hứng chịu mưa b0m bão đạn của quân thù, vợ tôi sinh đứa con thứ 3. Lại một lần nữa hai vợ chồng bàn nhau đem con gửi ở gia đình một cơ sở của ta trong ấp chiến lược để thuận tiện làm nhiệm vụ. Thế là, đứa bé mới 15 ngày tuổi đã phải xa mẹ đi ở nhờ, khóc ngằn ngặt vì khát sữa. Hai vợ chồng tôi nén lòng động viên nhau chiến đấu quên mình với ước nguyện chiến tranh mau kết thúc.

Nào ngờ, chưa đầy 3 tháng sau cô ấy đã anh dũng hj sjnh trong một trận oanh kích của máy bay. Đôi mắt người anh hùng rưng rưng, hoe đỏ: “Hôm đó là ngày 20.1.1970, tại căn cứ quân y ở xã Tắc Kỳ Quang trên bờ sông Thị Vải, chiếc trực thăng OV-6 rà qua, rà lại nhiều lần. Phát hiện dấu vết lạ, nó ném xuống mặt sình 2 quả phá0 màu xanh, đỏ để chỉ điểm rồi bay vút đi. Lúc bấy giờ với cương vị Đại đội phó quân y, Tư Mến thông báo nhanh cho các thương binh rút khỏi khu vực. Còn một mình cô ấy cố thu dọn mang theo một ít thuốc và dụng cụ. Chừng 5 phút sau, cả chục chiếc trực thăng lao tới phóng hỏa tiễn 90 ly xé nát từng tấc đất trong khu căn cứ. Vợ tôi trúng đạn gãy nát một chân, tư thế nằm sấp đang lao về phía trước, trên vai vẫn mang chiếc túi cứu thương…”.

Người lính già vịn tay vào thân cây đước từ từ đứng dậy. Nước mắt ông chảy thành hàng trên đôi gò má nhăn nheo: “Ngay cạnh chỗ vợ tôi nằm còn vương mấy mảnh áo gối thêu nhiều màu sắc khá đẹp. Tôi nhận ra đó là 3 chiếc gối vợ tôi mới thêu xong định gửi về tặng các con. Đêm cuối cùng chúng tôi gặp nhau, nằm trên sạp nước dưới ánh trăng rừng, cô ấy đã đưa cho tôi xem. Lúc đó vợ tôi vui lắm! Nào ngờ…”.

Cùng vợ bạn… nên duyên

Có những chuyện tưởng chừng như không thể nhưng trong chiến tranh sự chắp ghép những mảnh đời cùng chung cảnh ngộ lại nhận được sự ủng hộ, cảm thông của tập thể những người đồng chí. Sau khi nữ y sĩ Kim Mến hj sjnh được hơn 1 năm, trong một lần chỉ huy đơn vị hành quân tác chiến, Đại đội trưởng Đại đội 12 thuộc Trung đoàn 10 Đặc công rừng Sác Phạm Kế Tiếp (Tám Tiếp) cũng anh dũng nằm lại chiến trường. Thời điểm đó, vợ anh Tám Tiếp – nữ chiến sĩ hậu cần Thân Thị Tuyết Vân – đang trở dạ. Xuôi thuyền về trạm xá định báo hung tin nhưng khi nhìn thấy người phụ nữ mệt nhọc, thiếp đi sau cơn vượt cạn, Trung đoàn trưởng Bảy Ước đứng lặng. Tình thương đồng đội khiến ông không nói nên lời, lặng lẽ quay trở về hầm chiến đấu.

Thế rồi, như có sự run rủi, người chỉ huy mất vợ và nữ chiến sĩ mất chồng ngày càng quý mến, quan tâm đến nhau hơn. Lúc đầu chỉ là sự sẻ chia của hai người đồng đội cùng cảnh ngộ. Lâu dần, họ có tình cảm với nhau, lại được anh em trong đơn vị gán ghép, vun vào một cách hóm hỉnh: “Thủ trưởng nhìn em thủ trưởng cười/ Em xin đồng ý thủ trưởng ơi…”. Vậy là, hai nhịp tim đã hòa làm một, họ đến với nhau và cùng xác định gánh vác trách nhiệm thay người đã khuất.

Bà Thân Thị Tuyết Vân kể: “Hôm đó, sau bữa cơm thân mật, trên chiếc sạp đước dưới ánh trăng rừng Sác, trước mặt khá đông anh chị em trong đơn vị, chúng tôi đã tuyên bố kết hôn nên duyên chồng vợ. Đơn sơ, mộc mạc nhưng sâu nặng nghĩa tình! Mọi người ai nấy đều vui vẻ chúc mừng. Chiến tranh mà, có những mối lương duyên không thể nào ngờ được, nó đến từ sự cảm thông, trân trọng và trách nhiệm lớn lao”. Từ đây, một gia đình có hai liệt sĩ và 4 đứa con chung hình thành.

Sau ngày miền Nam giải phóng, gia đình ông đoàn tụ với tất cả 9 đứa con. Vợ chồng ông đã tìm gặp họ tộc của liệt sĩ Phạm Kế Tiếp để xin nhận con, cháu và cùng nhau hiếu thuận, thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc thân mẫu của người đồng đội quá cố. Hiện tại, các con của ông bà đều đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định. Đặc biệt, 9 anh chị em đều rất thương yêu nhau và hiếu thảo với cha mẹ. Ngồi nhâm nhi ly nước trà dưới bóng cây xanh mát, ông bảo, “tài sản” vô giá của vợ chồng già trở về từ rừng Sác chính là sự đông con, nhiều cháu. Ngày ngày vui vầy ấm cúng bên người thân thật chẳng hạnh phúc nào bằng!


Anh hùng Bảy Ước trò chuyện với các chiến sĩ đặc công trẻ (ảnh tư liệu).


Viết văn vui tuổi già

Sau khi nghỉ hưu năm 1994, tình cảm thiêng liêng, gắn bó với đất và người rừng Sác đã thôi thúc ông tham gia các hoạt động tri ân đồng đội. Bắt đầu từ việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, rồi đến việc hoàn thành 2 tập hồi ký “Một thời rừng Sác” được bạn đọc và giới văn nghệ sĩ hoan nghênh. Với tác phẩm này ông đã được tặng giải B văn học Trịnh Hoài Đức năm 2000 của tỉnh Đồng Nai và trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Ông có cách viết giản dị, đầy chất nhân văn, chẳng hạn như thể hiện trong bài thơ “Thương nhớ”: “Xương trắng nở hoa tận đáy sông/ Mênh mông rừng Sác nhuốm màu hồng/ Năm trăm hài cốt tìm chưa thấy/ Rừng đước bạt ngàn ngập chiến công”.

“Bài thơ này tôi viết năm 1996 trong một lần về thăm lại chiến trường xưa, kỷ niệm cũ ùa về vẹn nguyên như thể mới hôm qua. Tự nhiên tôi thấy lòng xót xa, thương nhớ. Đồng đội tôi, người hi sinh, người bị cá sấu ăn thịt… biết đến khi nào tìm lại được một chút xương tàn” – ông kể. Bài thơ này đã được phổ nhạc thành bài hát “Bông hoa rừng Sác”. Ít lâu sau ông lại cho ra đời bài thơ “Mờ ảo”, “Cùng một chuyến tàu” và nhiều bài thơ khác viết về đồng đội, về Đảng, về Bác Hồ.

Trong những bộ phim về Đặc công rừng Sác do Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TPHCM thực hiện, đại tá Lê Bá Ước đã được mời làm cố vấn lịch sử, trực tiếp góp ý chỉnh sửa nội dung như một đồng tác giả kịch bản. Đặc biệt, công trình khu lưu niệm Đặc công rừng Sác “dựng mà như thật” được hình thành từ ý tưởng và trí nhớ tuyệt vời của vị đại tá gắn bó gần chục năm trời với chiến khu này.

Giờ đây khi đã ở tuổi ngoại “bát tuần”, ông vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn và vẫn thích làm thơ. Ông bảo, viết sách, đánh cờ, làm thơ… là một thú vui tao nhã của tuổi già: “Cuộc đời tôi ngoài những năm chiến trận thì vinh dự nhất là được tận tay trao cuốn sách của mình tặng “anh cả” Võ Nguyên Giáp”. Đó âu cũng là một phần thưởng vô giá cho người lính già đầu bạc. Ông cười thật hạnh phúc. Nhìn ánh mắt ông tôi thầm cầu mong ông có thêm sức khỏe để những câu chuyện về rừng Sác huyền thoại mãi được lưu truyền cho thế hệ mai sau…

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51

Cửa Lò khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2024

Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 với chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.
2024-04-18 22:15:00
Đang tải...