Ba Toản - người vượt ngục huyền thoại

2019-09-14 21:39:56 0 Bình luận
Đã nghe nhiều về cựu chiến sĩ đặc công Ba Toản, tên thật Nguyễn Văn Mỹ, quê huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây-nay thuộc Hà Nội, bị bắt làm tù binh, rồi vượt ngục như huyền thoại làm tôi ngưỡng mộ. Thật may mắn, trong chuyến ra thăm Phú Quốc lần này, tôi có duyên gặp được ông, mới hay những chuyện "như huyền thoại" ấy là có cơ sở.

Năm 1963, Ba Toản đi bộ đội rồi được chọn vào huấn luyện nghiệp vụ đặc công, tháng 10-1966 lên đường vào Nam. Ròng rã 6 tháng trời vượt Trường Sơn mới tới chiến trường Nam Bộ-B2. Sau đấy, đơn vị tách ra, Ba Toản về tiểu đoàn trinh sát “Y4” thuộc Khu Sài Gòn-Gia Định. Từ đây, Ba Toản nhiều lần được phân công đi trinh sát, đồng thời cũng trực tiếp tham gia chiến đấu nhiều trận, lập nhiều thành tích. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đêm Giao thừa Tết Mậu Thân năm 1968, đánh vào Sài Gòn-Gia Định chính là “bước ngoặt lớn” trong cuộc đời chinh chiến của Ba Toản. Chiến dịch này, “Y4” chia thành 2 mũi, tiến đánh Bộ chỉ huy Thiết giáp quân ngụy đóng tại Gò Vấp. Ba Toản được giao nhiệm vụ làm phân đội trưởng. Đi đầu dẫn lối, đột nhập vào chính diện, rồi trực tiếp dùng súng B.40 bắn tan lô cốt đầu cầu để lực lượng ta xông lên. Bị đánh bất ngờ, kẻ địch lúng túng không kịp trở tay nên chỉ mất 7 phút, quân ta làm chủ hoàn toàn căn cứ, bắt sống hơn 20 tên lính địch. Tuy nhiên, theo hợp đồng, đơn vị Ba Toản đánh xong giao lại cho đơn vị bạn tiếp quản, để tiếp tục cơ động chuyển sang đánh chiếm các mục tiêu khác, nhưng chờ mãi vẫn không thấy đơn vị nào tới. Đến 6 giờ sáng mồng 1 Tết, địch mở cuộc phản kích hòng chiếm lại, nhưng bị quân ta đánh mạnh chúng phải bật trở ra. Đến trưa, địch tăng cường thêm xe tăng, máy bay trực thăng phản kích đợt 2, lúc này quân ta hết đạn, xe tăng địch chồm lên bắn phá ác liệt làm bức tường nơi Ba Toản đang cố thủ đổ sụp, ông bị thương và bị chúng bắt làm tù binh.


Minh họa: MINH TIẾN


Bắt được Ba Toản, chúng đưa về trại giam Hố Nai, Đồng Nai. Ở đây, Ba Toản cũng như nhiều tù binh khác của ta, bị địch dùng đủ kiểu tra tấn tàn ác để lấy lời cung, như quay điện, bỏ vào thùng phi trấn nước rồi dùng búa đập mạnh bên ngoài làm đầu óc đau buốt muốn lòi cả hai con mắt. Cứ thế, không ngày nào là chúng không hành hạ, nhưng kéo dài cả một tháng vẫn không khai thác được gì và ngày 26-4-1968, địch dùng máy bay C.130 đưa anh em tù binh ra đảo Phú Quốc trong đó có Ba Toản. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Phú Quốc, chúng dùng xe GMC đưa về “Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc” xã An Thới. Cú “nhập trại” cũng không thể quên với Ba Toản, lại một trận mưa đòn tàn ác, máu văng đầy người, có anh em sức yếu không chịu nổi ngã lăn ra đất nằm bất tỉnh. Tiếp theo chúng chia ra thành từng nhóm, giam vào từng nhà và Ba Toản bị giam tại nhà B2. Ở trại được 2 tháng, mỗi lần chúng cho tù nhân ra sân nhổ cỏ làm vệ sinh, hay các lần chúng bắt đi chặt cây, vác củi ngoài rừng, Ba Toản đều chú ý quan sát xung quanh và ý nghĩ “bằng mọi giá vượt ngục về với cách mạng” được hun đúc.

Sáng 30-7-2017, Ba Toản đưa tôi vào thăm trại giam Phú Quốc, nơi gần 50 năm trước ông từng bị địch giam cầm. Sau khi thắp nén hương tại phòng tưởng niệm những chiến sĩ đã khuất, chúng tôi ra thăm hiện trường. Cảm giác đầu tiên với tôi là “choáng váng”, trống ngực vỗ thình thịch, dù biết rằng khu trại giam nay chỉ còn là một chứng tích lịch sử. Hàng chục lớp hàng rào kẽm gai nhằng nhịt, cái nọ tiếp cái kia, rào đứng cao hơn 3m, rào lồng củi, rào mái nhà, rào kon-sẹt-ti-na (bùng nhùng), đúng như chúng từng nói với anh em tù: “Ra là quyền chúng mày, giữ là quyền chúng tao, ở đây một con chuột chui cũng không lọt. Ở đây cũng không có cách mạng, không có dân, bốn bề là nước, chúng mày nếu có trốn ra được rồi cũng quay trở lại trại này thôi”.

Tôi đang đứng trước một trại giam như vậy. Còn bên trong hàng rào, mỗi khu có gần hai chục dãy nhà tôn thấp lè tè, trong mỗi dãy địch dùng để giam cầm hàng trăm tù binh. Thử tưởng tượng, mùa nắng nóng Phú Quốc nhiệt độ lên tới 38-40 độ C, hàng trăm con người nằm trong đó? Khoảng cách mỗi dãy nhà chừng 5 mét. Bốn góc khu trại giam có 4 vọng gác cao ngất, để bọn quân cảnh thay nhau đứng gác. Vậy mà đêm 22-6-1968, Ba Toản cùng 6 đồng đội của mình đã vượt ngục thành công. Con người, vật chứng đang ở ngay trước mặt. Ba Toản thao tác một vài chi tiết cho tôi xem cách anh và đồng đội đã thoát ra như thế nào. Người xem có lúc như nín thở, hồi hộp ngước mắt nhìn lên cái chòi gác chỉ cách đó chừng 30 mét, trên ấy có một chiếc đèn pha cực mạnh, hóa ra chính gần như thế đã tạo ra điều bất ngờ với kẻ thù. Ba Toản còn giải thích thêm, cái đêm thoát được ra bên ngoài, rồi băng rừng lội suối suốt 2 ngày 3 đêm, phía sau địch truy lùng ráo riết cùng với đàn chó béc giê hung dữ. Họ chịu đói, chịu khát, nhưng thật may đến lúc họ sắp lả đi thì nhóm của Ba Toản gặp được lực lượng du kích xã Dương Tơ, không biết đi từ đâu về đang dừng chân nghỉ bên bờ một con suối nhỏ. Ngay trên hòn đảo vắng, "đại trại giam" của địch mà ta vẫn có du kích, lòng dân vẫn hướng về cách mạng, đó là cơ sở cho những "sự thật mà như huyền thoại".

Nhóm của Ba Toản được du kích đưa về gặp Ban chỉ huy Huyện đội Phú Quốc, rồi ở đây một tuần vừa nghỉ vừa viết tờ khai lý lịch. Chính thời gian này, Ba Toản tìm hiểu và được biết trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968, cuộc tiến công nổi dậy của ta tại đảo Phú Quốc gần như chưa có tác động lớn. Lực lượng ta quá mỏng, trang bị lại thiếu và yếu, trong khi kẻ địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Từ ý nghĩ ấy, Ba Toản mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo huyện, xin thành lập một đơn vị đặc công và lực lượng lấy từ các đồng chí tù vượt ngục làm nòng cốt trong đó có nhóm của ông, cộng với một nhóm khác được tất cả 10 đồng chí. Xét thấy đề nghị của Ba Toản là phù hợp với tình hình, phương châm “lấy ít địch nhiều, đánh nhanh rút gọn”, huyện điều bổ sung thêm 10 đồng chí từ bộ đội địa phương sang, đưa toàn đội lên 20 đồng chí. Tháng 7-1968, đơn vị đặc công được thành lập đặt phiên hiệu là Phân đội 1. Chỉ huy có 3 đồng chí: Cáp Đình Hội, Tư Phước, Tư Dũng, riêng Ba Toản được giao nhiệm vụ trực tiếp làm công tác huấn luyện. Sau 4 tháng thành lập, trận đánh đầu tiên vào một phân đội địch từ ấp Cửa Cạn đang đi lùng sục bên ngoài, tiêu diệt 2 tên, thu 2 khẩu trung liên và 1 khẩu M79. Trận thứ hai ta phục kích diệt được tên ấp trưởng khét tiếng gian ác. Thắng lợi ban đầu tuy chưa lớn, nhưng đem lại niềm tin cho lãnh đạo và tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ lên cao. Trận đánh thứ ba vào ấp bình định Suối Đá, ở đây có 1 đại đội bảo an và 1 trung đội ác ôn. Phía ta dùng lực lượng bộ đội đặc công phối hợp với 1 đại đội bộ đội địa phương. Thật tiếc là trận đánh này, ta bị thất bại.

Thất bại trận Suối Đá, Ba Toản nhận ra nguyên nhân chính là do chủ quan, một phần do vũ khí tự tạo của ta chưa tốt, nhưng quan trọng nhất là thiếu niềm tin giữa hai đơn vị. Tư Phước là một cán bộ chỉ huy được đào tạo tại Liên Xô, rồi vào Nam chiến đấu. Ngay từ đầu, ông chỉ muốn giao cho đội đặc công đánh là đủ, nhưng ban chỉ huy huyện đội không đồng ý. Kết quả ấy làm Tư Phước bất mãn, rồi bỏ luôn đội ra làm thường dân, đi theo ông còn có nhiều đồng chí khác. Buồn, nhưng khác với Tư Phước, Ba Toản vẫn bám trụ ở lại Phú Quốc. Không chỉ thế, ông còn đề nghị xin củng cố, xây dựng lại đội đặc công tiếp tục chiến đấu. Lãnh đạo huyện tin Ba Toản, điều thêm quân lên tới 40 đồng chí và giao cho ông chỉ huy đội. Ba Toản vừa là chỉ huy, vừa là người tổ chức huấn luyện. Chỉ một tháng sau, Ba Toản chỉ huy đơn vị đánh vào cao điểm 106, ở đây địch bố trí một đại đội ác ôn bảo vệ toàn bộ khu vực Đông bắc Dương Đông. Để giữ bí mật bất ngờ, Ba Toản đích thân đi trước luồn sâu, mở lối đưa bộ đội vào tấn công chớp nhoáng. Trái phá lần này cũng do chính tay Ba Toản tự chế tạo, phát huy tác dụng không ngờ. Trận đánh diễn ra chỉ trong vòng 5 phút, ta tiêu diệt hoàn toàn cao điểm. Chiến thắng lớn, làm cho lãnh đạo huyện và nhân dân trong vùng vô cùng phấn khởi. Đội đặc công do Ba Toản chỉ huy sau đấy đánh tiếp nhiều trận khác và trận nào cũng thắng lợi giòn giã, như trận Chi khu Dương Đông; Chi khu cảnh sát quận… Đặc biệt trận đánh vào đồn lính người Nùng, lính ngụy đồn này nổi tiếng lì lợm và hung dữ, nhưng đội đặc công Ba Toản đánh tiêu diệt gọn. Tin thắng trận làm kẻ thù khiếp sợ, khiến 12 đồn bốt khác dù ta không đánh vẫn bỏ đồn chạy, vì chúng nghĩ chỉ có bộ đội chủ lực từ đất liền ra mới đánh được như thế.

Ngồi trên con phà khổng lồ trở về đất liền, nhìn trời, nhìn biển bao la Phú Quốc nổi lên đầy kiêu hãnh, những hình ảnh về "huyền thoại" ba Toản cứ theo tôi mãi. Thì ra, "huyền thoại" có đâu xa lạ, có rất nhiều "huyền thoại" đang sống bình dị quanh ta. "Huyền thoại sống" ấy là những người trần mắt thịt, vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc mà vững chí bền gan, kiên cường, thông minh, sáng tạo, dũng cảm hơn người thường. Bất chợt tôi nghĩ: Ít hôm nữa, đất nước kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, một con người như Ba Toản (Nguyễn Văn Mỹ) cuộc đời sống, chiến đấu đẹp như người anh hùng, cần được nhắc đến nhiều hơn!

TP Hồ Chí Minh, tháng 9-2017.

Ký của nhà văn ĐỖ VIẾT NGHIỆM

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...