Cẩm nang cho người khuyết tật (phần 5)

2019-01-24 11:26:52 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Chắc hẳn một số bạn sẽ rất ngỡ ngàng khi nghe tôi nói vậy. Tại sao lại phải bao dung? Người thân của mình là những người tuyệt vời nhất trên đời. Là những người suốt cuộc đời cưu mang mình, lo lắng chăm sóc cho mình, mình có va vấp chuyện gì trong xã hội thì lại tìm về nương tựa bên người thân mình chứ ai. Mang ơn còn không hết yêu thương còn không hết, lỗi lệch gì mà phải bao dung?

5 - HÃY BIẾT BAO DUNG VỚI NGƯỜI THÂN


Nhà văn Đàm Thị Tuyết Lan


Đây là một câu chuyện cũng nhiêu khê không kém gì câu chuyện tình yêu. Và cũng là một câu chuyện không dễ thổ lộ với người trong cuộc, bởi cái lẽ dễ đâu “vạch áo…”. Vâng, dễ đâu… Hầu hết mọi người đều nghĩ: người khuyết tật hẳn sẽ đương nhiên được nhận sự chăm sóc ưu đãi yêu thương rất mực từ phía gia đình. Là vì đứa con kém may mắn là đứa con đáng thương nhất. Người anh em thiếu may mắn là người anh em tội nghiệp nhất. Nhưng không phải thế. Bên cạnh những người khuyết tật tuy phải chịu nỗi bất hạnh bản thân nhưng lại được bù đắp phần nào từ tình cảm gia đình, thì còn có nhiều thậm chí là rất nhiều những người khuyết tật phải chịu điều ngược lại. Nhẹ thì chỉ là sự lơ là, thiếu quan tâm chăm sóc, nặng hơn là sự ngược đãi vùi dập. Không phải người làm cha mẹ nào cũng đủ tình thương cho đứa con bất hạnh, mà nhiều người trong đó có tư tưởng đứa con bất hạnh ấy là gánh nặng là sự tủi hổ là một vết ố trong bức tranh gia đình của họ. Nhất là những người hãnh tiến có chút thành đạt trong xã hội, tệ hơn là sự thành đạt của họ có mắc một số lỗi lệch với một số đối tượng, thì đứa con bất hạnh cứ như một bản án mà họ phải mang suốt đời. Họ luôn có cảm giác người người đang chê cười dè bỉu sau lưng họ. Đôi khi họ hết sức bất nhẫn nếu nhận phải những lời khiếm nhã có ẩn ý về cái sự tồn tại khập khiễng trong gia đình họ, thì nỗi căm uất của họ trút hết lên đầu đứa con bất hạnh ấy.

Thời nay đã có những lý giải về mặt khoa học còn đỡ đỡ, nhưng trước kia, gần như một tâm lý rất phổ biến với những cha mẹ có con khuyết tật, đó là sự trừng phạt, sự trả giá hay một sự nguyền rủa kể cả từ nhiều đời trước. Chính quan niệm này mà làm cho những đứa con bất hạnh càng bất hạnh hơn. Rồi từ cách đối xử của cha mẹ đối với đứa con khuyết tật, mà thành một nếp nghĩ một cách nhìn cho cả các anh chị em trong nhà. Một sự thiên lệch mặc nhiên, một cách xử sự mặc nhiên, một tâm lý miệt thị ghét bỏ mặc nhiên, một cảm giác lạnh lẽo vô cảm mặc nhiên, những điều mặc nhiên ấy biến người khuyết tật trở thành một cái bóng, một người làm công, một kẻ dư thừa, một người đáng nguyền rủa. Nỗi đau đời ấy càng nhân lên rất bội, người con khuyết tật càng mang nặng nỗi tự ti mặc cảm “người sinh ra mình, anh chị em ruột thịt của mình còn không thương được mình thì còn ai trên đời này thương mình nữa”.

Nỗi cô đơn lầm lũi lâu ngày thành quán tính, họ càng rút sâu vào cái kén đau thương, một số khác tìm cách lặng lẽ rời khỏi cuộc đời. Nếu việc đó xảy ra, phần lớn người thân của họ xem như một giải thoát, dù có thể một thoáng lương tâm ray rứt, nhưng không đủ để vực lại một thứ tình vốn phải có. Nói ra thì nghe thật bất nhẫn nhưng đáng buồn là trên thực tế vẫn tồn tại. Một sự tồn tại thành những nhát khứa mà không có cách nào xoá nhoà đi được cả. Những người thân ấy không muốn nhắc đến sự tồn tại của một con người, một giọt máu chung ngoại trừ những tình huống bắt buộc. Giả sử người khuyết tật ấy có làm nên được chút gì công trạng thành tựu thì có vẻ như rất xấu hổ nếu người thân đem ra khoe. Có thể sự công nhận ấy được lan toả trong một phạm vi rộng hẹp nào đó ngoài xã hội, đem đến cho người khuyết tật một niềm tin một động lực sống rất giá trị, thì lại như một sự hư vô với gia đình, thậm chí còn là sự khó chịu nếu những người anh em tuy được yêu chiều thương mến gấp ngàn lần mà lại chưa có công danh gì đáng tự hào.

Hẳn sẽ có những người cho là tôi nói quá, làm gì đến nỗi thế. Vâng, giá như là sự nói quá vì một lý do cá nhân nào đó thì thật tốt. Chỉ có điều không thể phủ nhận những cảnh ngộ ấy vẫn đang diễn ra đây đó. Để những người khuyết tật phải mang trong mình một nỗi đau âm ỉ mãi trong lòng, cho dù họ đã có thể sống độc lập vững chãi đầy tự tin và bản lĩnh. Nhưng mỗi khi hối ức trỗi dậy, những lời chì chiết rủa xả cay nghiệt văng vẳng bên tai, những trận đòn vùi dập cùng những việc nặng nhọc phải làm như một cách đòi nợ, thì lại nghe trong lòng trào dâng một niềm đau xót tột cùng.


Bìa cuốn sách


Thế thì làm sao để có thể bao dung? Nghe có máy móc lý thuyết quá không?

Quả thực là vô cùng khó. Khó lắm lắm cơ đấy. Khó hơn sự nguôi quên một tình yêu đắng đót nhiều. Vậy, hỏi lại một lần nữa này: Làm sao để bao dung? Vâng, có cách. Đó là sự chuyển hoá tâm lý của chính ta. Thay vì ta cứ mãi tủi cực uất ức đau đời gặm nhấm, thì ta hãy bình tâm mà ngẫm. Cha mẹ nào khi sắp sửa sinh ra đời một đứa con cũng đều khấp khởi mừng vui đón đợi một đứa con đẹp đẽ thông minh sáng sủa khoẻ mạnh. Nhưng khi ta ra đời thì ngược lại, ta què quặt mù loà câm điếc dị dạng, ta làm cho đấng sinh thành đau đớn thất vọng. Đã vậy, công lao nuôi nấng chăm sóc ta lại nặng nề mệt nhọc tốn kém hơn rất nhiều những người con khác. Nhưng khi lớn lên ta lại chẳng mang lại niềm hãnh diện tự hào nào cho cha mẹ, đã vậy nhiều khi những kẻ ác tâm còn cố tình nhiếc móc ảnh eo, thì làm sao người thân của ta không buồn bực cay đắng tủi hổ. Có ai trồng một cái cây mà không mong cây ấy cho ra hoa đẹp quả ngon, có ai muốn cái cây ấy ghẻ lở bệnh tật xấu xí đâu. Nếu là cái cây còn có thể chặt đi mà trồng cây khác, nhưng đây lại là một con người, một đứa con thì sự va đập vào tâm thức ấy vẫn ngày ngày hiện diện.

Tạo hoá sinh con người mỗi người mỗi tính. Tính làm nên cách, không thể buộc ai cũng nghĩ như ai, nếu thế thì đã không hình thành một xã hội. Vì vậy mà cảm quan của mỗi người kéo theo cách đối xử của người ấy với các vấn đề liên quan. Nên khi người thân của ta có đối đãi khắc nghiệt với ta, thì ta nên hiểu rằng: người ấy phải chịu nhiều sức nặng tâm lý mà không có cách tháo gỡ, cho dù đúng là ta không có lỗi, vì ta nào có được chọn lựa khi ta ra đời, nhưng xét trên một góc độ tương quan, thì ta đã phụ công cha mẹ ta, đã làm ảnh hưởng phần nào tác động xã hội đến anh chị em ta. Ai cũng có quyền được mong ước điều tốt đẹp cả, nhưng vì có ta mà mọi người đã phải chịu mất đi ít nhất là vài điều kiện, vài cơ hội trong một phạm vi lĩnh vực nào đó. Và khi ta đã không thể đem đến được điều gì đáng kể cho mọi người thì ta cũng không có quyền đòi hỏi mọi người phải đối xử tốt với ta nếu họ không muốn, cho dù là bất kỳ ai.

Khi bạn nghĩ như vậy, lập tức bạn nhẹ lòng đi, bạn sẽ thông cảm hơn cho những người thân quanh bạn, bạn sẽ dịu hơn ánh mắt hận đời chán mình. Bạn có thể chấp nhận mọi điều đến với bạn như một lẽ tất nhiên. Bạn không thể thay đổi được bất cứ điều gì ở người khác, bạn chỉ có thể thay đổi suy nghĩ của chính bạn mà thôi. Và khi bạn thay đổi được, tâm hồn bạn bớt u ám, tinh thần bạn bớt nặng nề, tình cảm của bạn bớt đối nghịch, thì cách sống xử của bạn cũng thay đổi. Chắc chắn bạn sẽ nói năng ôn hoà hơn, cười tươi hơn một chút, làm việc cũng tốt hơn một chút, ánh nhìn cũng dịu dàng thương mến hơn một chút, từng cái chút ấy sẽ dần dần khiến người thân của bạn cũng hiệu ứng theo. Họ như cái khoá bị han gỉ lâu ngày, và bạn là một cái chìa hết sức kiên nhẫn để mở cái khoá ấy. Và kể cả khi thiện chí và lòng kiên nhẫn của bạn không được đáp trả, thì bạn cũng đừng buồn, hãy mỉm cười với một ý nghĩ: Miễn mình thương yêu được mọi người và thương yêu được chính mình cũng là tốt lắm rồi.

Dù thế nào thì người thân cũng là một phần trong số phận của bạn, nên tốt nhất là chuẩn bị tâm thế đón nhận mọi tình huống với một ý nghĩ: đã là người thân thì chẳng bao giờ có thể vứt nhau đi đâu được, mãi mãi trong đời phải liên hệ với nhau trong những chuyện vui buồn may rủi, mãi mãi trong đời phải hệ luỵ hệ quả với nhau trong các vấn đề cuộc sống. Vậy thì có cách nào hơn là ta phải tự đi qua xúc cảm của mình mà dung hoà với tất cả, bằng một trái tim mẫn cảm, bằng một tâm hồn thanh thản, ta hãy bao dung với những điều chưa trọn của người thân thôi.

(còn nữa)

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14
Đang tải...