Cần quyết liệt gỡ vướng xử lý tài sản thế chấp

2019-06-18 17:39:58 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Ngành ngân hàng không tránh khỏi khó khăn khi cục “máu đông” nợ xấu chưa thể đánh tan. Trong đó, nợ xấu của ngành chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản, nhưng quá trình xử lý nợ hiện gặp nhiều khó khăn và mất thời gian dài để phát mãi được tài sản thế chấp.

Quyết liệt xử lý nợ xấu

Từ năm 2012 đến hết quý I/2019, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý 907.300 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, nợ xấu đang có xu hướng tăng do các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước đó bắt đầu quay lại ngân hàng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) của Quốc hội về xử lý nợ xấu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nợ và tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.

Còn Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, báo cáo từ các tổ chức tín dụng (TCTD), thì tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ mức 2,5% vào cuối năm 2017, xuống mức 2,4% vào cuối năm 2018. Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% trong cùng giai đoạn. Nghị quyết 42 đi vào thực tiễn đã góp phần tác động tích cực lên quá trình xử lý, thu hồi nợ xấu của các ngân hàng thời gian qua. Tuy nhiên, sau 5 năm, các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đó bắt đầu quay lại ngân hàng nếu chưa được xử lý. Đó cũng là lý do nợ xấu nội bảng các ngân hàng tăng trở lại từ năm 2018.


Nợ xấu nội bảng của các TCTD đã giảm mạnh về còn 2,02%


Theo cơ chế mua nợ xấu, VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt cho các TCTD bán nợ, có kỳ hạn 5 năm. Hiện là thời điểm tròn 5 năm đã trôi qua, lượng trái phiếu đặc biệt lần lượt đáo hạn, các TCTD nhận lại những khoản nợ xấu đã bán sang VAMC nếu vẫn chưa xử lý được.

Tính đến thời điểm này, mới có 5/24 ngân hàng xóa sạch nợ tại VAMC là Vietcombank, MBBank, Techcombank, ACB, VIB. Qua đó mới thấy, được bán nợ cho VAMC không đồng nghĩa các ngân hàng sẽ thoát khỏi gánh nặng từ các khoản nợ xấu này, mà vẫn phải xử lý. Nợ xấu vẫn có khả năng quay lại ngân hàng sau 5 năm nếu chưa được giải quyết.

Hơn nữa, tuy đã bán nợ cho VAMC, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục trích lập dự phòng với chi phí khá cao, ở mức 20% đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng 5 năm.

Theo NHNN, năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và 1,99% cuối năm 2017. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay và đã nằm dưới ngưỡng 2% - ngưỡng mục tiêu trong Nghị quyết số 01 được ban hành đầu năm 2019.

Nhờ hoạt động xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn, giá trị nợ xấu xử lý trong năm 2018 tăng gần 30% so với năm 2017. Dù vậy, đây chỉ là kết quả ban đầu, nợ xấu còn tiềm ẩn ở các khoản mục nợ cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp cơ cấu nợ, các khoản ủy thác, phải thu khó đòi... của các TCTD. Đáng chú ý, nợ xấu ở nhóm ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, ngân hàng yếu kém chậm cải thiện.

Thực tế cho thấy, dù Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho các ngân hàng, nhưng việc thu hồi nợ xấu chưa phải đã được gỡ rối. Trong đó, phát mãi tài sản vẫn là rào cản lớn trong xử lý nợ. Đơn cử trường hợp VAMC đã “nổ phát súng” đầu tiên thu giữ khối tài sản giá trị 7.000 tỷ đồng của Sài Gòn One Tower theo Nghị quyết 42 từ tháng 8/2017, nhưng đến nay khối tài sản này vẫn chưa bán được vì nhiều lý do. Trong đó, có lý do chưa có sự đồng thuận giữa các cổ đông của bên bán.

Sacombank cho biết, ngân hàng đang nỗ lực thanh lý hàng loạt bất động sản để xử lý nợ xấu. Trong đó, có 3 lô đất được nhà băng này rao bán “đại hạ giá” gần 3.000 tỷ đồng. Cụ thể, dự án bất động sản nghìn tỷ lớn đầu tiên mà Sacombank đang rao bán tại quận Bình Tân, TP.HCM là toàn bộ Dự án khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 - Khu dân cư Bình Trị Đông và 1 phần thửa đất số 122 cũng tại phường Bình Trị Đông B. Khối bất động sản được rao bán với giá khởi điểm 6.029 tỷ đồng, giảm hơn 600 tỷ đồng so với cách đây nửa năm.

Khối bất động sản tiếp theo là Dự án khu dân cư phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ. Giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra là 3.424 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với nửa năm trước. Trước đó, vào tháng 10/2018, Ngân hàng đã rao bán Dự án Khu công nghiệp Phong Phú ở quận Bình Chánh với giá chào bán là 6.650 tỷ đồng, giảm 1.000 tỷ đồng so với mức giá chào bán ban đầu.

Như vậy, 3 lô đất này đã được Sacombank rao bán nhiều lần trong thời gian qua, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được chủ và hiện chỉ chào giá hơn 16.100 tỷ đồng, tức giảm tới gần 3.000 tỷ đồng so với cách đây nửa năm.

Tương tự, tại BIDV, đối với khoản nợ của Công ty Địa ốc Gia Phú - thuộc đối tượng xử lý theo quy định của Nghị quyết 42, Ngân hàng đã tiến hành bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của công ty này (thay vì bán tài sản), nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được nợ.

Theo lãnh đạo một nhà băng, có nhiều bất hợp lý trong quá trình phát mãi tài sản đảm bảo bằng bất động sản hiện nay. Thứ nhất, dù đã có quy định cho phép ngân hàng được giữ nguyên hiện trạng tài sản khi phát mãi, nhưng các cơ quan chức năng lại buộc nhà băng chuyển tình hình sử dụng đất từ đất ở sang đất dự án đầu tư mới đồng ý cho phát mãi. Điều này rất khó và bất hợp lý đối với ngân hàng. Thứ hai, dù nhà băng đã chấp nhận thủ tục thế chấp rõ ràng với khách hàng, nhưng xuất hiện tình trạng có thêm đối tượng thứ ba xen vào tranh chấp tài sản và cho biết, đã mua tài sản thế chấp mà khách hàng đem thế chấp cho ngân hàng bằng giấy tờ viết tay. Sau đó, tài sản thế chấp được chuyển sang tình huống là tài sản có tranh chấp, khiến các ngân hàng rất khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo khi khoản vay trở thành nợ xấu. Đây là kẻ hở cho nhiều đối tượng xấu lợi dụng.

Trong khi đó, nợ xấu của ngành ngân hàng tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng khi sức mua thị trường và tồn kho chưa cải thiện, nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe doanh nghiệp. Ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi khó khăn khi cục “máu đông” nợ xấu chưa thể đánh tan. Trong đó, nợ xấu của ngành chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản, nhưng quá trình xử lý nợ hiện gặp nhiều khó khăn và mất thời gian dài để phát mãi được tài sản thế chấp.

Mục tiêu của ngành Ngân hàng năm 2019 là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, năm 2019, toàn ngành Ngân hàng sẽ triển khai Nghị quyết số 42; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu; phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các TCTD, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu... Đây là hướng mới của toàn ngành trong việc ngăn chặn, xử lý nợ xấu trong giai đoạn tiếp theo 2019 - 2020.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, Nghị quyết 42 quy định phải thành lập thị trường mua - bán nợ, đến thời điểm hiện tại, thị trường này đã có nhưng thành phần thu hẹp chỉ bao gồm ngân hàng thương mại, VAMC, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ, đòi hỏi phải hình thành được thị trường mua - bán nợ với sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.

Trong mùa Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, nhiều ngân hàng lần lượt công bố kế hoạch mua lại nợ, tất toán trái phiếu đặc biệt VAMC. Dự kiến, năm 2019, TPBank mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu VAMC tùy theo mức độ vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế để xử lý. Còn BIDV tăng cường các biện pháp thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu nội - ngoại bảng và tất toán toàn bộ số trái phiếu VAMC trong năm nay.

VPBank cũng tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm 2019, hiện đang ở mức 3.160 tỷ đồng. Theo đó, VPBank đưa ra mục tiêu lợi nhuận 2019 ở mức khiêm tốn là 9.500 tỷ đồng. Tương tự, Kienlongbank đặt mục tiêu tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trước khi kết thúc năm 2019. Với Eximbank, ngân hàng này dự kiến từ nay đến năm 2020 sẽ mua lại hết nợ đã bán cho VAMC. Eximbank dự kiến lãi trước thuế trước trích lập dự phòng bổ sung trái phiếu VAMC trong năm nay là 2.000 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước; còn sau trích lập, lãi trước thuế là 1.077 tỷ đồng, tăng 30% và tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Sacombank cũng là ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất, lên tới 40.233 tỷ đồng tính đến cuối năm 2018, giảm nhẹ 7,5% so với đầu năm 2018. Năm 2017, Sacombank xử lý được 20.000 tỷ đồng và năm 2018 xử lý được 15.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, để giảm gánh nặng dự phòng, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, mục tiêu của Sacombank đưa ra năm nay xử lý 10.000 - 15.000 tỷ đồng. Trong quý I năm nay, ngân hàng đã xử lý được 5.000 tỷ đồng nợ xấu.

SCB cũng còn số lượng trái phiếu đặc biệt khá lớn do những tồn tại từ các ngân hàng trước hợp nhất để lại. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng đặt mục tiêu xử lý không dưới 4.000 tỷ đồng nợ xấu năm nay trong tổng khối lượng trái phiếu đặc biệt VAMC còn trên 15.000 tỷ đồng. Hiện quỹ dự phòng của SCB đã lên đến con số trên 8.000 tỷ đồng và sau khi xử lý xong, khối nợ xấu trên sẽ được hoàn nhập.

Được biết, VAMC có kế hoạch thu hồi 50.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2019, phát hành trái phiếu đặc biệt 20.000 tỷ đồng và mua nợ xấu theo giá thị trường 4.500 tỷ đồng. Theo lãnh đạo VAMC, sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng trong việc mua nợ.

Năm 2019, VAMC sẽ kiểm tra định kỳ, đột xuất tại tổ chức tín dụng liên quan đến hoạt động ủy quyền, nhằm hạn chế rủi ro trong hoạt động xử lý nợ, tăng cường kiểm tra đối với khách hàng vay và tài sản đảm bảo các khoản nợ đã mua từ các ngân hàng.

Việc mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc xử lý nợ xấu, nhưng điều này đòi hỏi nợ xấu nội bảng của ngân hàng phải ở mức thấp và có phần lợi nhuận dồi dào để trích lập dự phòng rủi ro của các khoản nợ nhận về.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng thương mại chỉ đạo sát sao công tác triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định 1058/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, lưu ý các ngân hàng áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đảm bảo mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được NHNN phê duyệt.

Cần gỡ vướng khi xử lý tài sản bảo đảm

Theo Điều 10 Nghị quyết số 42 của Quốc hội, TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản để thu hồi nợ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.

Tuy nhiên, trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có quy định về nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 của Nghị quyết 42 thì việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Vì vậy, khi xử lý tài sản là bất động sản thì người có tài sản bị xử lý (ở đây chính là người phải thi hành án) thuộc đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân.


Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng


Thế nhưng theo Điều 12 Nghị quyết 42, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, Văn bản số 4606/BTC-TCT ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính về quán triệt thực hiện Nghị quyết 42 cũng không có nội dung hướng dẫn cụ thể về trường hợp này. Vì vậy, hầu hết tại các địa phương, các cơ quan thuế khẳng định nếu không hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế thì không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá. Vì thế, ngân hàng dù có bán đấu giá tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu thành công thì cũng không thể làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, cập nhật sang tên cho người mua.

Chưa hết, nhiều cơ quan Thi hành án sau khi xử lý tài sản bảo đảm nợ vay, ngay lập tức trích thu luôn tiền án phí, tiền thuế thu nhập cá nhân đối với các tài sản thế chấp ngân hàng đã bán đấu giá thành công trước khi chuyển tiền về cho ngân hàng, dù rằng tài sản thế chấp khoản vay ở ngân hàng sau khi bán xong không trả đủ nợ cho ngân hàng.

Trên đây là hai trường hợp văn bản pháp lý còn vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng sự chồng chéo trong các quy định hiện hành về xử lý tài sản bảo đảm nợ vay làm cho thị trường mua-bán nợ xấu theo giá thị trường kém hấp dẫn. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy định cụ thể nào hướng dẫn ngân hàng thủ tục sang tên tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông như xe máy, ô tô… trong trường hợp bên bảo đảm không hợp tác chuyển quyền sở hữu cho bên mua hoặc bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm.

Theo lãnh đạo một NHTM tại TP.HCM còn đề xuất, các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là các dự án đang dở dang có giá trị lớn, chiếm tỷ trọng cao trong tổng các khoản nợ, khó xử lý để thu hồi nợ vay. Một số đối tác muốn nhận chuyển nhượng lại dự án nhưng đề nghị ngân hàng có cơ chế chính sách về mua trả chậm không lãi suất hoặc được thế chấp lại tài sản để vay vốn với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến việc bán tài sản bảo đảm ưu tiên thanh toán các nghĩa vụ trả nợ khác không tài sản bảo đảm, thủ tục sang tên cho bên mua được tài sản không phụ thuộc nghĩa vụ thuế của bên bán tài sản xử lý nợ xấu.

Đơn cử, về áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm, mặc dù ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, tranh chấp về quyền xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu... Tuy nhiên, hiện số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại tòa án còn rất hạn chế. Vì vậy, để đảm bảo triển khai tốt các quy định này, NHNN kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp triển khai đầy đủ, thống nhất các quy định này trong thực tiễn xét xử.

Hay về công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự, hiện tại một số địa phương, hoạt động thi hành án ngân hàng còn chưa thật sự hiệu quả, nhiều vụ việc thi hành án còn tồn đọng thời gian dài, phát sinh nhiều chi phí cho đơn vị xử lý nợ.

Liên quan đến các quy định của pháp luật về tài sản bảo đảm, NHNN cho biết, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 chưa có hướng dẫn đối với trường hợp liên quan đến quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC đã được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 42. Bên cạnh đó, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT cũng chưa có hướng dẫn đối với trường hợp bên mua nợ là cá nhân được đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.

Các quy định về điều kiện chuyển nhượng của Luật Đất đai hiện hành đang gây khó khăn cho bên nhận thế chấp trong dự án bất động sản (đặc biệt đối với trường hợp nhận thế chấp dự án nhà ở) khi xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà mới chỉ có quyết định giao đất, cho thuê đất. Trong khi Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD đã cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản (trong đó bao gồm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất) khi có quyết định giao đất, cho thuê đất…/.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14
Đang tải...