Chùa An Lãng (Phúc Linh tự) - Nguồn tâm huyết an vui, thịnh vượng

2019-05-07 08:10:35 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Từ thành phố Nam Định theo đường QL21A, đến thị trấn Cổ Lễ gặp cầu Điện Biên rẽ trái đi 2,3 km là đến chùa An Lãng (Trực Chính, Trực Ninh, Nam Định) một ngôi chùa tình thương có kiến trúc đẹp mắt, bề thế, trang nghiêm ở một vùng quê thanh bình đang từng ngày đổi mới.

Sư ni Thích Đàm Lý, trụ trì Chùa An Lãng (xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định)


Từ hai ngôi chùa làng đơn sơ…

Theo sử sách lưu truyền lại, từ thế kỷ thứ 13 cuối đời nhà Lý, những cư dân đầu tiên đã đến khai phá vùng biển bồi ven sông Hồng lập nên An Lãng xã, Nam Châu huyện, Thiên Trường phủ, Nam Định tỉnh. Ngay từ khi an cư lập nghiệp, các bậc tiền nhân đã tạo dựng hai ngôi chùa thờ Đức Phật trên mảnh đất linh thiêng này. Chùa Linh Ứng tự (Chùa Cát) được kiến tạo bên kênh đào Thượng Trí, chùa Phúc Linh tự được kiến tạo tại thôn Cựu. Nhiều năm sau do bãi sông bị dòng nước xói mòn nên hai chùa được sát nhập thành chùa Phúc Linh tự, do cụ Mai Pháp Lâm trụ trì, thuộc thôn An Lãng, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

Khi mới tạo lập, ngôi chùa có kiến trúc còn thô sơ nhưng đến đầu thế kỷ thứ 16, người dân nơi đây đã trùng tu xây dựng Phúc Linh tự bằng gỗ, lợp cói. Năm Nhâm Tuất 1922, chùa tiếp tục được tôn tạo, xây bằng gạch vôi, mái ngói, có kiến trúc theo hình chữ Đinh. Chùa có tiền đường, hậu cung cùng hai tháp chuông (phía Nam là chuông lớn của Phúc Linh tự, phía Bắc là chuông nhỏ của Linh Ứng tự). Thiết kế, tổ chức thi công đều do bản tự Hòa thượng Thích Quang Liên trụ trì thực hiện với mong ước thỏa mãn nhu cầu tâm linh của các tín đồ phật tử cùng người dân địa phương. Đến năm 1946, chùa được xây dựng thêm Tam quan và hồ Tích Thủy. Từ đó, Phúc Linh Tự đã trở thành chốn thiền môn của vùng quê nghèo, hun đúc biết bao vị chân tu.


Cổng Tam quan chùa An Lãng


Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Phúc Linh tự là nơi nuôi dấu lực lượng du kích và cán bộ hoạt động bí mật của Đảng ta. Người già trong thôn An Lãng còn nhớ rõ chính tại ngôi chùa này, Hòa thượng Thích Quang Liên, vị cao tăng yêu nước đã bị quân Pháp càn quét, giết hại dã man khi đang ngồi tụng kinh vào ngày 17 tháng 2 năm Đinh Hợi 1947. Từ đó, các bậc chân tu đã tiếp nối trụ trì ngôi chùa này gồm Sư bác Thích Thanh Vỹ, Đại đức Thích Thanh Từ, Đại đức Thích Thanh Bối, Sư thầy Thích Đàm Kiên, Sư thầy Thích Đàm Mão, Hòa thượng Thích Chính Thưởng và từ năm 1989 đến nay là Sư thầy Thích Đàm Lý.


Ngôi Đại Hùng Bảo điện tại chùa An Lãng.


…Đến ngôi Đại Hùng Bảo điện

Sư thầy Thích Đàm Lý, trụ trì chùa An Lãng là một trong những học viên đầu tiên của lớp Cao cấp Phật học Việt Nam khóa I, tu hành đã 30 năm nay tại nhà chùa cho biết: Vật liệu xây dựng các công trình của ngôi chùa thời đó đều do chính sư trụ trì là Hòa thượng Thích Chính Thưởng cùng các ni sư tự tay đóng từng viên gạch, lợp từng viên ngói để tạo nên. Với tinh thần “Nhất tâm hoằng dương phật pháp” ở chốn quê nghèo, có thời kỳ khó khăn đến mức nhà chùa không có đủ hương để thắp, nhưng sư trụ trì cùng các ni sư vẫn kiên trì tuần tiết lễ nghi. Sau khi Hòa thượng Thích Chính Thưởng viên tịch, Sư thầy Thích Đàm Lý trụ trì nhà chùa cùng Ban kiến thiết của làng An Lãng tiếp tục trùng tu ngôi chùa vào năm Quý Dậu 1993 với tổng kinh phí đầu tư giá trị tương đương 56 chỉ vàng. Năm 1998, chùa Phúc Linh tự tại thôn An Lãng, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định công nhận đạt danh hiệu “Chùa tinh tiến”. Đến cuối tháng 10 năm Nhâm Thìn 2012, cơn bão số 8 tràn qua Nam Định đã tàn phá nặng nề vùng đất Trực Ninh, làm cho chùa Phúc Linh tự bị hư hại hết sức nặng nề…


Nhà thờ Mẫu trong khuôn viên chùa An Lãng đang khẩn trương xây dựng hoàn thiện.


Trò chuyện với nhà báo, sư thầy Thích Đàm Lý bộc bạch: Trong suốt hơn 20 năm trụ trì chùa Phúc Linh tự, nhà sư luôn đau đáu một ước nguyện được xây dựng lại ngôi chùa trang nghiêm, bề thế, đúng theo thiết kế từ thế kỷ 15 của các bậc tiền nhân. Ngay sau khi bị bão tàn phá, cũng nhờ có hồng ân tam bảo gia hộ, lại được sự quan tâm của các cấp Giáo hội Phật giáo, chính quyền, MTTQ địa phương, sư ni Thích Đàm Lý cùng với Ban kiến thiết của thôn An Lãng và rất nhiều tín dân phật tử gần xa đã phát tâm công đức tự nguyện đóng góp công sức, tiền của để xây dựng lại ngôi chùa.

Tháng 3 năm Quý Tỵ 2013, ngôi chùa được khởi công xây dựng với tổng kinh phí đầu tư 5,7 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này do Thượng tọa Thích Minh Quang, Thượng tọa Thích Minh Nguyệt là người con của quê hương Trực Chính, Trực Ninh, Nam Định đang tu hành ở chùa Phật Tích tại thủ đô Viêng Chăn (CHDCND Lào) phát tâm phụng cúng. Trong vòng hơn một năm, người dân địa phương đã đóng góp 2.300 ngày công lao động, luân phiên nhau túc trực, tâm huyết làm việc, xây dựng ngôi chùa. Nhờ vậy, ngôi Đại Hùng Bảo điện chùa An Lãng - Phúc Linh tự đã được hoàn thiện, khánh thành vào ngày mùng 6 tháng 4 năm Giáp Ngọ 2014. Công trình được tái hiện đúng theo thiết kế từ thế kỷ 15 của ngôi chùa cũ theo hình chữ Đinh, tiền đường, hậu đường, thượng điện trang nghiêm, đẹp mắt, có giá trị thẩm mỹ cao về kiến trúc nghệ thuật với diện tích sử dụng 380 m2. Được biết, trong suốt 6 năm qua (từ năm 2013 đến năm 2019) ni sư Thích Đàm Lý trụ trì nhà chùa cũng đã tâm huyết dồn sức đầu tư 3,2 tỷ đồng từ nguồn công đức của các tín đồ phật tử, du khách thập phương để trùng tu tái thiết, xây dựng lại toàn bộ các hạng mục công trình trong khuôn viên chùa An Lãng - Phúc Linh tự. 

Tâm huyết của nhà sư đang lâm bệnh trọng

Trò chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi có chung cảm nhận: Chùa An Lãng được xây dựng, tái hiện giữa vùng quê Trực Chính thanh bình đẹp như một bức tranh thủy mặc không những đã trở thành biểu tượng nguồn gốc của quê hương mà còn thể hiện tinh thần hữu nghị thủy chung của nhân dân hai nước Việt - Lào. Đây không chỉ là nơi thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ phật tử, người dân địa phương mà còn là mái ấm tình thương của nhiều trẻ em mồ côi, người già cô đơn không nơi nương tựa. Ni sư Thích Đàm Lý trụ trì nhà chùa nhiều năm liền nguyên là Phó Ban Trị sự Phật giáo huyện, Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện, Ủy viên BCH Hội Khuyến học huyện Trực Ninh. Dù công việc bận rộn, ni sư vẫn một lòng nhất tâm hoằng dương phật pháp, đóng góp công sức, ủng hộ từ thiện, cưu mang những mảnh đời bất hạnh và hưởng ứng phong trào khuyến học, khuyến tài. Vào dịp rằm tháng bảy hàng năm chùa An Lãng còn đặc biệt thu hút, hấp dẫn du khách gần xa, các tín đồ phật tử, thanh thiếu niên tại địa phương tụ hội về tham dự Đại lễ Vu lan báo hiếu. Từ năm 2007, ni sư Thích Đàm Lý đã được nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.


Chùa An Lãng - Phúc Linh tự soi bóng bên hồ nước - Ảnh: Hồ Thanh


Năm 2019 này, dù đang bị căn bệnh ung thư hành hạ, phải thường xuyên điều trị ở bệnh viện K tại Hà Nội, ni sư Thích Đàm Lý vẫn dồn tâm sức lo toan xây dựng ngôi nhà thờ Mẫu trong khuôn viên chùa An Lãng trị giá hơn 1 tỷ đồng. Công trình này cùng với các hạng mục công trình đã được xây dựng, hoàn thiện tạo nên bố cục hài hòa, đẹp mắt trong khuôn viên nhà chùa. Có thể nói, chùa An Lãng đã trở thành một công trình tâm linh mang tính nghệ thuật cao, thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng cũng như các hoạt động văn hóa tinh thần của mọi người dân địa phương cùng các du khách gần xa. Sư thầy trụ trì, các tín đồ phật tử, người dân địa phương coi việc xây dựng, hoàn thiện nhà thờ Mẫu là công trình tâm linh có ý nghĩa nhất năm 2019 của chùa An Lãng, thiết thực chào mừng Đại lễ Vesak Liên hợp quốc lần thứ 16, PL.2563 - DL.2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc (Hà Nam) do Giáo hội Phật giáo Việt Nam vinh dự là chủ nhà đăng cai tổ chức./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Nam Định kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Người mù Việt Nam

Sáng 16/4, Hội Người mù tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Người mù Việt Nam (17/4/1969 - 17/4/2024) và kỷ niệm 44 năm thành lập Hội Người mù tỉnh Nam Định (1980-2024).
2024-04-16 14:34:00

HDBank hỗ trợ trả góp 100% tiền học phí với kỳ hạn đến 60 tháng

HDBank là ngân hàng duy nhất triển khai gói sản phẩm Đồng hành tri thức - ưu đãi thanh toán học phí và trả góp đến 60 tháng, giải quyết nỗi lo về tài chính cho các các bậc phụ huynh.
2024-04-16 14:22:33

Phó CT Hải Phòng thăm gia đình người có công dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 16/4, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đến thăm, tặng quà các gia đình người có công tại huyện An Lão nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-04-16 11:47:00

Hải Phòng: Thông qua 7 Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố

Chiều 15/4, HĐND TP.Hải Phòng đã tổ chức kỳ họp 15 (chuyên đề) khóa XVI, thông qua 7 Nghị quyết và hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.
2024-04-16 11:25:51

Cựu chiến binh xã tổ chức lớp học giáo dục truyền thống cho thanh niên

Sáng 16/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Tân tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024
2024-04-16 10:40:00

Tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho giáo viên khuyết tật ở Bắc Kạn

Sáng 15/4, tại Trường TH&THCS Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã diễn ra Lễ trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cô giáo Đàm Thị Thanh Tâm- tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên trong giảng dạy và giáo dục.
2024-04-16 09:42:30
Đang tải...