Chuyện ông Tưởng “tín dụng”

2018-08-30 09:40:32 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Căn nhà đơn sơ, nằm lặng lẽ khuất mình sau những rặng tre rậm, thuộc tổ 7, ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, là nơi ở của gia đình người cựu chiến binh 2/4 Biện Văn Tưởng (Biện Văn Tửng). Nhìn ông chủ nhà hom hem, ít ai nghĩ ông là một trong những cựu binh vừa nhận được danh hiệu “Một tấm gương trọn nghĩa, vẹn tình, cùng thương binh vượt khó”.

Quên thân thời chiến

Hỏi thăm nhiều lần, chúng tôi mới tìm được lối mòn vào nhà ông Tưởng. Con đường đất, ngoằn nghèo, gồ ghề, nhiều đoạn chiều ngang chỉ vừa đủ bánh xe lăn, không ít lần xe phải dừng đột ngột để khỏi bị chệch lái. Khó khăn về giao thông khiến cái xóm nhỏ của ông như tách biệt hẳn.

Ngồi bên hiên nhà, người chiến sĩ trẻ ngày nào giờ đã ngoài 50, thân hình gầy gò, liêu xiêu khi di chuyển. Thoạt nhìn ít ai đoán đúng tuổi trước những nếp nhăn trên gương mặt đen sạm.


Góc làm việc hằng ngày của cựu chiến binh Biện Văn Tưởng.


Nhớ lại những năm tháng chiến tranh, ký ức những ngày cầm súng chiến đấu trên chiến trường nước bạn Campuchia, ánh mắt ông sáng bừng lên. Với ông “cái thời mà tôi được sống hết mình vì lý tưởng cách mạng”.

Tháng 2/1982, người thanh niên mang tên Biện Văn Tưởng xung phong nhập ngũ khi chỉ mới 17 tuổi. Sau 5 tháng quân trường, chàng thanh niên tràn đầy sức sống được đưa sang Campuchia thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng chính quyền giúp nước bạn. Lúc đó ông được phân về tiểu đoàn D54, đoàn 7705 mặt trận 479 đóng quân tại tỉnh Siêm Riệp - Campuchia. Sau 1 năm chiến đấu, lập được nhiều thành tích ông được bổ nhiệm làm Đại đội phó.

Mùa đông 1986, trong một lần hành quân, đơn vị của ông bị Khơmer đỏ phục kích, cả đơn vị kháng cự mãnh liệt, tuy đẩy lùi được đợt phục kích, nhưng nhiều chiến sĩ trong đơn vị thương vong. Ông nằm trong số những người bị thương nặng do mất đi bàn tay phải.

Trận chiến năm nào như vẫn còn hằn nặng trong lòng, giọng ông nghẹn lại, cố ghìm tiếng thở dài “Khi tỉnh dậy, biết mình bị mất bàn tay phải, nhưng tôi không muốn rời đơn vị. Những vết thương bị nhiễm trùng nặng nên không thể ở lại. Lúc đó tôi thật sự rất buồn. Có những đêm ngồi nghĩ mà rơi nước mắt, rồi trách mình không cẩn thận khiến đơn vị mất đi một người chiến sĩ. Ngày tôi nhập ngũ, đã tự nguyện với chính mình thân thể và tinh thần này, suốt đời này phải phục vụ trong quân đội Việt Nam.”


Những bức hình, những tấm bằng khen được chú Tưởng lưu giữ với những góc kỉ niệm đầy trân trọng.


“Chất” lính giữa thời bình

Ngày trở về, một phần thân thể gửi lại chiến trường, cầm tấm giấy chứng nhận thương tật 2/4, ông buộc lòng phải quên giấc mộng thời trẻ.

Mưu sinh với người bình thường đã khó, với một bệnh binh điều đó lại càng khó. Sau khi lập gia đình, 3 người con lần lượt ra đời. Để sống và nuôi dưỡng những đứa con của mình, ông làm quần quật từ sáng đến tối, bất kể công việc gì từ làm thuê, giăng câu, cám chà, đương bồ… chỉ với một hy vọng cả nhà không phải nghèo.

“Cái hồi sinh bé hai, nhà nghèo đến mức không có gạo ăn, một gói mì nấu canh cho cả nhà. Ổng thì có một tay, chiều tối một mình đi thả câu, giăng lưới đến gần sáng mới về. Có hôm mưa to gió lớn, cá mắc lưới nhiều, một mình ổng tự gỡ cá đến nát cả bàn tay, sáng lại còn phải đi gánh dưa thuê. Khổ vô cùng!” - Cô Trần Thị Son, vợ chú Tưởng chia sẻ.

Không vốn, không nghề, thân thể khiếm khuyết, cái thửa ruộng nhỏ, số vốn lúc ra riêng không đủ nuôi sống gia đình.

Cách đây vài năm, nhờ trúng vài vụ dưa, cộng thêm số tiền dành dụm trong bao năm tháng vất vả nên gia đình ông mua được thêm 1 thửa ruộng nữa, nhờ đó mà thoát nghèo.

Bên cạnh đó, gia đình luôn nhận được sự quan tâm, động viên từ Đảng và Nhà nước. Thu nhập cũng ổn định hơn nhờ vào nghề đan giỏ, bồ… từ mấy bụi tre, trúc quanh nhà.


Ngoài công việc, chú Tưởng còn tranh thủ những lúc rảnh rỗi phụ đan giỏ, đan rổ với gia đình để ổn định thu nhập.


Vất vả là thế, nhưng người cựu chiến binh 2/4 Biện Văn Tưởng luôn sống vui vẻ, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Ông thường tham gia các hoạt động từ thiện ở địa phương, có ý thức trách nhiệm và ý chí vượt khó vươn lên mạnh mẽ. “Thời gian đầu mình chưa quen nên cái gì cũng khó, phải tập viết chữ bằng tay trái, rồi tập lái xe… Lúc địa phương giao cho nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tiết kiệm và vay vốn của xã, ngân hàng họ không tin tôi làm được. Họ thử việc bằng cách cho tôi đếm tiền và viết chữ. 

Hơn 15 năm nay, ông Tưởng đã tham gia làm công tác tại địa phương và giữ chức vụ Tổ phó An ninh ấp Đồng Lớn, Tổ trưởng Tổ Nhân dân ấp, Chi ủy viên chi bộ ấp và là Tổ trưởng Tiết kiệm và Vay vốn gồm 56 hộ. Số vốn vay làm ăn của tổ ông hiện hơn 1,1 tỷ.

Nghe thì thấy công việc đơn giản, nhưng thực tế, đòi hỏi người cán bộ phải có tinh thần trách nhiệm, uy tín cao. Hằng tháng, chú Tưởng dành riêng 2 ngày để đến từng hộ, nhắc nhở bà con nộp tiền và thu tiền đúng hạn. Hộ nào khả năng tài chính chưa có kịp, chú Tưởng sẵn sàng giúp đỡ bằng cách cho ứng trước tiền, các hộ này sẽ hoàn trả lại cho chú sau đó. “Bản thân sống gần gũi với mọi người, hết lòng vì bà con, sống và làm việc với cái tâm, cái lòng thì họ sẽ thương và tin tưởng mình.” ông Tưởng bộc bạch.

Trong ngôi nhà nhỏ, những tấm bằng khen, giấy tuyên dương được treo trang trọng. Lần mới nhất là bằng khen của Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh TP.HCM trao tặng trong công tác “Ủy thác tín dụng và vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội”. Với ông đó không chỉ là bằng khen mà là một minh chứng “tàn nhưng không phế” của một người lính.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48

Lễ hội Hoa Phượng đỏ 2024: Lần đầu tiên tổ chức bắn pháo hoa

Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Phượng đỏ Hải Phòng 2024 với chủ đề “Bừng sáng miền di sản” sẽ có hơn 70 sự kiện và nhiều hoạt động chào mừng các ngày lễ lớn trong tháng 5. Nhiều doanh nghiệp đã chung tay hỗ trợ Lễ hội số tiền gần 25 tỷ đồng.
2024-04-26 07:52:37

Phụ nữ Cảnh Dương hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp cho hội viên

Chiều 25/4, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Cảnh Dương tổ chức Đại hội Đại biểu Hội LHTN Việt Nam xã lần thứ V, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
2024-04-25 17:35:00
Đang tải...