Chuyện về mẹ Lào chia sữa của con cứu bộ đội tình nguyện Việt Nam

2017-07-14 09:38:06 0 Bình luận
Mười tám tuổi, có đứa con đầu lòng, nhưng trước hoàn cảnh người lính tình nguyện Việt Nam bị kiệt sức vì sốt rét, thiếu dinh dưỡng và có thể mất mạng, người mẹ trẻ đó đã vượt qua sự xấu hổ, vượt qua những điều cấm kỵ của phong tục dân tộc, nhường một phần sữa của con cho người lính tình nguyện Việt Nam.

Mẹ Kanchia. (Ảnh: Phạm Kiên-Xuân Tú/Vietnam+)


Vượt qua chặng đường gần 900km từ thủ đô Vientiane về Xekong trong những cơn mưa đầu mùa của Lào vào những ngày cuối tháng Sáu vừa qua, nhờ sự giúp đỡ của Sở Ngoại vụ tỉnh Xekong, chúng tôi đã đến được nhà mẹ Kanchia, ở bản Phon, huyện Lamam, tỉnh Xekong, Nam Lào.

Tuy nhiên, thật tiếc là mẹ đã đi trông chắt cho cháu gái ở cách nhà gần 190km. Nghĩ tới con đường đã qua, nghĩ tới cảnh mẹ đang ở cái tuổi xưa nay hiếm và thời gian chẳng chờ ai, chúng tôi quyết định nhờ cô con gái của mẹ dẫn đường đến nhà cô cháu gái.


Mẹ Kanchia đang hỗ trợ cháu chăm chắt. (Ảnh: Phạm Kiên-Xuân Tú/Vietnam+)


Cô con gái của mẹ cũng chưa bao giờ đến nhà cô cháu gái và trong suy nghĩ của cô, chỉ cần chạy xe ôtô vài tiếng là tới. Và phải mất gần 3 tiếng vừa đi vừa gọi điện thoại hỏi đường, chúng tôi mới gặp được Mẹ.

Trái với sự hình dung của chúng tôi, mặc dù không còn khỏe nhưng nhìn mẹ vẫn còn khá trẻ, lúc chúng tôi đến, mẹ vẫn đang tất tả vừa chăm sóc cho chắt, vừa tranh thủ giúp việc bếp núc cho các cháu.

Khi chúng tôi hỏi tuổi của mẹ, mẹ trả lời chịu vì thực tế mẹ không biết mình sinh năm bao nhiêu. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về việc từng chia sẻ một phần sữa của con mình để cứu mạng một bộ đội tình nguyện Việt Nam bị sốt rét kiệt sức trong những năm tháng hai nước cùng chung chiến hào chống lại kẻ thù chung trước đây, mẹ bỗng chốc trở nên hoạt bát hơn hẳn và cho biết mẹ không thể nào quên được câu chuyện đó.

Giải thích cho việc này, mẹ cho biết theo phong tục của người Lào, sữa chính là dòng máu và chỉ có thể chia sẻ cho con, việc cho người khác là điều kiêng kỵ, đặc biệt với một cô gái trẻ mới ở tuổi 18 như mẹ vào thời điểm đó, điều này còn khó hơn nhiều, do vậy mẹ làm sao có thể quên được.

Theo lời kể của mẹ, quê mẹ nằm gần vùng có tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua, thời điểm đó, mẹ đang là cô du kích 18 tuổi, trong khi đứa con đầu của lòng của mẹ mới biết bò.

Chồng của mẹ lúc đó đang là cán bộ trong một đơn vị giải phóng của Lào (không nhớ đơn vị nào), có nhiệm vụ giúp quân đội Việt Nam bảo vệ tuyến đường hành quân, vận chuyển từ miền Bắc vào miền Nam.

Theo lời mẹ, khi đó (mẹ cũng không nhớ rõ năm nào), nhằm chặn tuyến đường vận tải huyết mạch của Việt Nam, giặc Mỹ ngày đêm cho máy bay B52 và các loại máy bay khác bắn pháo sáng, thả bom Napal và rải chất độc hóa học… vào nhà dân và các khu vực rừng núi xung quanh khiến gia đình mẹ và dân bản phải liên tục di chuyển, lẩn trốn.

Khi đó, đơn vị của mẹ đang đóng ở Huoi Dua (Suối Đừa), sâu trong rừng Trường Sơn, phía trên là một đơn vị quân đội Việt Nam, một buổi sáng, mẹ đang cho con bú, một chú bộ đội Việt Nam đến xin mẹ sữa cho một đồng đội bị ốm rất nặng trong đơn vị.

Vì khi đó các kho lương thực của đơn vị bị bom Mỹ phá hỏng, đường vận chuyển bị gián đoạn nên không còn lương thực bồi dưỡng cho thương bệnh binh.

Mẹ cho biết, ban đầu mẹ xấu hổ quá, không dám trả lời, tuy nhiên, khi nhìn người lính xanh rớt, kiệt sức nằm thiêm thiếp được đồng đội khiêng tới, mẹ đã quyết định không có ngại ngần gì nữa.

Mẹ nói:“Tôi nghĩ người Việt cũng như người Lào, tôi thương đồng chí đó vì sợ nếu chết đi sẽ bỏ lại bố, mẹ, vợ, con ở quê nhà.

Tôi thương vì họ đều là bộ đội tình nguyện Việt Nam sang giúp Lào chiến đấu. Trước đó, tôi cũng chưa từng biết đất nước Việt Nam ở chỗ nào, nhưng khi thấy anh em Việt Nam sang giúp đất nước mình, tôi thương và yêu quý nên tôi quyết định vượt qua mọi ái ngại và cho sữa.

Có người hỏi tôi tại sao lại cho sữa như vậy, tôi kệ, tôi chỉ nghĩ rằng anh em Việt Nam đến ở làng mình, chiến đấu cho mình, hy sinh xương máu vì mình, nếu mình không chăm sóc sẽ như thế nào, còn gì là đoàn kết nữa.”

Từ những giọt sữa đầy nghĩa tình này, anh bộ đội tình nguyện Việt Nam đã dần hồi phục và đến gặp mẹ Kanchia để cảm ơn ân nhân cứu mạng và xin nhận làm con.

Sau khi bình phục, anh bộ đội tình nguyện Việt Nam đó đã quay trở lại đơn vị và tiếp tục di chuyển sang địa bàn khác chiến đấu.

Kể từ đó, anh không còn dịp để trở lại bản xưa tìm lại “người mẹ” đã cứu mình ngày nào, có lẽ vì chiến tranh ác liệt, anh đã nằm lại ở một bản làng nào đó của Lào, cũng có thể vì một hoàn cảnh hoặc vì nhiều lý do khác không cho anh cơ hội.


Dù tuổi cao sức yếu, nhưng khi chúng tôi đến mẹ vẫn đang tất tả giúp cháu chăm chắt. (Ảnh: Phạm Kiên-Xuân Tú/Vietnam+)


Là Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam trong nhiều năm qua, ông Saikhong Sayasin từng nghe rất nhiều về những hành động, những câu chuyện đẹp về quan hệ hữu nghị Lào-Việt Nam, nhưng với ông, câu chuyện về người mẹ trẻ mới 18 tuổi, lại đang nuôi đứa con đầu lòng mà dám vượt qua sự ngại ngùng, xấu hổ, vượt qua những rào cản kiêng kỵ của phong tục, tập quán của dân tộc, để nhường sữa cho bộ đội tình nguyện Việt Nam vẫn là một câu chuyện đặc biệt, có lẽ chỉ có trong quan hệ giữa hai nước Lào và Việt Nam.

Ông nói: “Tôi hết sức xúc động khi được nghe về câu chuyện này, đây là tấm lòng của một người mẹ. Chỉ có mẹ mới chia sẻ dòng sữa cho chính con của mình. Tôi nghĩ rằng chỉ có Việt Nam với Lào mới làm được như vậy.”

Năm 1975, đất nước Lào được giải phóng, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ra đời trong khi Việt Nam cũng đã thống nhất đất nước, bộ đội tình nguyện Việt Nam sau đó trở về nước, chỉ còn lại con đường Hồ Chí Minh đầy vết tích của chiến tranh.

Mẹ Kanchia cùng bà con trong bản cũng bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, cuộc sống với muôn bề gian khó sau chiến tranh khiến mẹ không có nhiều thời gian để nghĩ về câu chuyện cũ, mãi cách đây 5-7 năm, có người nhắc lại thì mẹ mới kể lại.

Nhắc lại việc này, mẹ có chút hơi buồn khi nói một số người thậm chí còn hỏi mẹ khi cho sữa mẹ có mong muốn được trả ơn không, mẹ nói: “Khi cho sữa, tôi chỉ nghĩ đến bộ đội Việt Nam đang gặp khó khăn, nghĩ đến tình đoàn kết Lào-Việt Nam, chứ lúc đó, máy bay địch bắn phá liên tục, vừa cho sữa và trông chừng máy bay, cho thật nhanh còn xuống hầm trú ẩn, đầu óc đâu mà nghĩ.”

Nhường cơm xẻ áo, nhường sữa của con, thậm chí nhường cho nhau được sống, trong lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, có vô vàn, vô vàn những câu chuyện, những hành động, những nghĩa cử cao đẹp như vậy, tất cả những nghĩa cử, những hành động cao đẹp đó đã hun đúc lên mối quan hệ thủy chung, trong sáng, có một không hai trên thế giới giữa Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam ngày nay.

Mẹ Kanchia có tổng cộng 12 người con; trong đó có 5 người con với người chồng đã hy sinh trong chiến tranh. Sau này mẹ đi bước nữa và có thêm 7 người con với người chồng mới, tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn, nghèo đói, thiếu thuốc men, đến nay chỉ còn 3 người con với người chồng mới còn sống. Hiện mẹ đang sống cùng con cháu tại bản Phon, huyện Lamam, tỉnh Xekong, Nam Lào.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51

Cửa Lò khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2024

Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, thị xã Cửa Lò, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch Cửa Lò năm 2024 với chủ đề “Cửa Lò - Khát vọng tỏa sáng”.
2024-04-18 22:15:00
Đang tải...