Cô gái tật nguyền vẽ ước mơ bằng... đôi chân

2017-11-20 08:25:00 0 Bình luận
Tứ chi bị liệt, mọi sinh hoạt phải trông cậy vào người mẹ già yếu, thế nhưng, Huỳnh Thị Thảnh (sinh năm 1990) ở thôn Hải Tân, xã Hương Bình, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã làm nên điều mà ít ai có thể làm được- đó là vẽ tranh.

"Em sẽ vẽ thật nhiều tranh để bán lấy tiền mua thuốc cho mẹ". Ảnh: NĐT


Chủ đề được Thảnh chọn để thể hiện trong tranh khiến người xem không cầm được nước mắt. Những bức tranh được vẽ xong Thảnh lấy đó làm động lực sống, ước mơ dù nó rất khó thành hiện thực.

Tuổi thơ bất hạnh

Trời miền Trung trở rét, những đợt gió mùa cứ liên tiếp lùa về kéo theo đó là những cơn mưa làm cho bầu trời càng thêm buồn. Từ thành phố Huế, tôi tìm lên xã vùng cao của thị xã Hương Trà để được tận mắt chứng kiến những nét vẽ bằng chân đầy điêu luyện của Thảnh.

Căn nhà mà nơi Thảnh và mẹ em là bà Huỳnh Thị Liên đang sinh sống nằm sâu hun hút bên dưới con đường tỉnh lộ. Ngôi nhà em ở cũng trớ trêu như hoàn cảnh của em, đường cao hơn nhà gần 2 mét, phải ngửa cổ lên trời mới thấy được người đi đường. Con dốc để xuống nhà Thảnh cũng trơn trượt, thế nên dù em muốn ra ngoài để nhìn thế giới xung quanh cũng khó. Vì lẽ đó mà không gian sống của em chỉ vỏn vẹn trong căn nhà chật hẹp. Cũng vì vướng bận theo con mà bà Liên cũng chẳng ra được nhà, quanh quẩn bên em đến hết ngày.

Hôm tôi đến, em đang nằm giữa nhà, xung quanh đầy tranh vẽ còn dang dở và bút màu. “Nó thích nên ăn uống xong là bắt tui soạn dụng cụ ra để vẽ”- bà Liên giải thích cho ánh mắt đầy tò mò của tôi.

Thấy có khách đến, em vội vàng dùng chân thu dọn những dụng cụ và những bức tranh em vẽ vương vãi trên nền nhà. Em nở một nụ cười hiền lành rồi lí nhí chào tôi, mặc dù nói không rõ lời. Mẹ em cũng bỏ dở công việc để tiếp khách. Khệ nệ bưng nước ra mời khách, vừa đi bà Huỳnh Thị Liên vừa nói: “Những bức tranh trên nền nhà và những bức được đóng tập đó là công sức nó vẽ suốt hơn 10 năm nay. Thấy con rứa tui cũng vui, mặc dù tranh nó vẽ không bán được đồng mô”.

Rót nước mời khách, rồi bà kể chuyện về cuộc đời của gia đình và của Thảnh cho tôi nghe. Trước đây, bà Liên và chồng là người miền biển, sau khi lập gia đình, cuộc sống khó khăn, thấy người ta rủ nhau lên đây lập kinh tế mới nên bà và chồng cũng khăn gói từ biệt quê hương để đi. Tưởng rằng, với vùng đất mới sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc con cái đề huề.

Thế nhưng, mọi chuyện lại không như những gam màu tươi sáng. Do định cư và sản xuất kinh tế ở một vùng đất trước đây quân giặc thải chất độc nhiều nên bà bị phơi nhiễm. Nghiệt ngã thay, bà bị phơi nhiễm đã đành, những đứa con của bà cũng bị ảnh hưởng theo.
Trong trí nhớ của bà Liên, thì bà có 3 lần sinh nhưng có đến 4 đứa con. Trong 4 người con, thì có 3 đứa chỉ ở với bà chưa tới hai tháng đã vội rời dương thế. Chỉ còn lại Thảnh là ở được với bà cho đến hôm nay, nhưng tứ chi lại không được lành lặn, suốt ngày chỉ nằm lăn lóc trên nền nhà, đi đâu cũng phải có người cõng hoặc ngồi xe lăn.

Sinh con ra bị tàn tật, gia cảnh lại nghèo khó, chứng kiến con phải quằn quại lê lết không đi đứng được như bạn bè đồng trang lứa, nhiều lần bà cũng làm liều đưa con đi chữa trị, mặc dù trong túi không có một đồng. Chạy nhiều nơi để chữa trị cho con, nhưng cuối cùng bà phải ngậm ngùi đem con về nhà khi bệnh tình không thuyên giảm được bao nhiêu.

Về nhà, thấy con người ta vui chơi chạy nhảy ngoài đường, bà lại thấy tủi và thương con. Nhiều lúc bà lén thấy con cứ hóng mắt ra ngoài đường mỗi khi lũ trẻ trong xóm nô đùa là nước mắt bà trào ra. Biết rằng con rất muốn được nô đùa như vậy, nhưng bà cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đứng nhìn.

Vẽ tranh bằng… chân

Mặc dù tứ chi tật nguyền, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn dưới nền nhà, nhưng em đã tạo nên một điều kỳ diệu mà ít ai làm được. Nằm ở nhà, chẳng biết vui chơi cùng ai nên em đã dùng chính đôi chân tật nguyền của mình để vẽ tranh.

Ban đầu, những bức tranh của em chỉ là những nét vẽ lung tung chưa có hình hài hiện lên trên mặt đất, nền nhà về sau bà Liên đi xin giấy cho con vẽ; nhiều người thấy Thảnh đam mê vẽ nên mua giấy, bút màu để tặng em. Sau một thời gian miệt mài tập luyện thì em cũng đã điều khiển được đôi chân của mình để vẽ nên những bức tranh đẹp, với nhiều thể loại, nhiều màu sắc.

Thấy tôi mân mê những bức tranh, em nở một nụ cười thân thiện rồi lần mình dưới nền nhà, đưa chân kẹp giấy bút rồi bắt đầu vẽ tranh cho tôi xem. Những bức tranh được Thảnh vẽ trên chính đôi chân tật nguyền của mình, cũng chính là ước mơ về một cuộc sống bình thường mà em hằng mong ước. Nhìn Thảnh quằn mình dưới nền nhà, chân kẹp bút chì vẽ ước mơ của mình lên trang giấy, tôi mới thấy hết được nghị lực và niềm đam mê của một cô bé tật nguyền rất đỗi thông minh này.

Những bức tranh được Thảnh vẽ đều tập trung vào chủ đề bạn bè, gia đình, và cũng được em gọi bằng những cái tên rất riêng. Tôi lật xem những bức tranh có hình ảnh người mẹ bồng con, Thảnh vừa chỉ vừa nói, dù nói không rõ lời lắm: “Đây là bà ngoại, đây là mẹ và em ở đây. Mẹ đang bồng em đó”.
Trong tranh em vẽ, tôi thấy được niềm hạnh phúc hiện rõ trên khuôn mặt khi em nói đến đây. Song khi nhìn sang bên cạnh, tôi thấy mẹ em đang cố kìm chế những giọt nước mắt của mình vào lòng trước những lời nói ngây thơ của em. "Thấy tranh con vẽ rồi nghe nó trình bày về đề tài mà tui nghẹn lòng"- bà Liên chia sẻ.

Nhìn em xoay đủ mọi kiểu nằm để kéo những nét vẽ thành hình, rồi đưa bàn chân hất, lựa chọn màu tô tranh cho phù hợp, tôi càng khâm phục ý chí và nghị lực của em. Nghị lực của Thảnh, ước mơ của Thảnh, cũng chính là niềm an ủi, động viên tinh thần thêm cho mẹ em mỗi ngày.


Những bức tranh Thảnh vẽ chứa đựng đầy ước mơ của em. Ảnh: NĐT


"Em vẽ tranh bán lấy tiền mua thuốc cho mẹ"

“Em sẽ cố gắng vẽ thật nhiều tranh rồi đem bán để lấy tiền sửa nhà, mua thuốc cho mẹ, rồi cho em nữa”- Thảnh nói rất hồn nhiên, ngô ngê nhưng đó ước mơ của em. Nói đoạn rồi em quay qua nhìn tôi, ú ớ hỏi: "Liệu tranh em bán có ai mua không anh?".

Không để tôi trả lời, bà Liên vội xen vào: "Tranh con vẽ nhiều người hỏi mua lắm, con yên tâm đi", dứt lời bà Liên vội quay mặt đi, rồi giải thích: "Phải nói rứa cho con bé nó vui. Chứ tranh nó vẽ ai mà mua". “Thế lâu nay tranh Thảnh vẽ ra có ai mua không, hay đem đi triển lãm ở những hội thi vẽ tranh dành cho những đứa trẻ khuyết tật”- tôi hỏi.

Bà Liên phân trần, nó thích thì vẽ vậy thôi, tui cũng nói vậy cho nó vui chứ tui có biết chỗ mô triển lãm tranh do người khuyết tật vẽ hay ai mua mô mà bán.

Nghe Thảnh nói, tôi lại miên man suy nghĩ về sự hồn nhiên và đầy hoài bão của em khi mà hơn hai mươi năm qua, khoảng không gian mà em biết và tiếp xúc chỉ là nền nhà, mẹ và bút chì, sáp màu.

Một điều ở em mà làm tôi ngạc nhiên hơn nữa, là Thảnh chưa qua học một trường lớp nào, vậy mà em đã tự viết lên tên của mình, tên của mẹ, rồi em tự tô màu cho những nét chữ đó. Tôi hỏi ai dạy chữ cho em mà em viết được tên mình. Thảnh trả lời đứt đoạn đầy khó nhọc: “Em nhìn theo nét chữ trong giấy chứng minh rồi vẽ theo”, dứt lời em lần dở trong đống giấy trên nền nhà, tìm tờ A4 viết đủ tên em và tên mẹ cho tôi xem.

“Con bé nó dùng chân vẽ tui cũng thấy lạ, với người bình thường dùng tay chắc chi đã vẽ được như rứa. Rứa mà chừ hắn dùng chân để vẽ, thấy con có năng khiếu rứa tui cũng vui. Chừ hắn còn viết được cả chữ, chú không tin chú đọc tên chú rồi nó viết cho mà xem”- bà Liên nói.

Tôi trở về lại thành phố khi trời đã nhá nhem tối, bà Liên lại loay hoay vào bếp chuẩn bị bữa cơm cho hai mẹ con, Thảnh thì vẫn nằm giữa nên nhà điều khiển những đường nét để vẽ tranh. Một ngày trôi qua của hai mẹ con Thảnh đều lặp đi lặp lại như vậy.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...