Để thị trường tài chính tiêu dùng phát huy hiệu quả

2019-05-07 20:48:22 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang có cơ hội “vàng” để phát triển với các điều kiện lý tưởng, như: kinh tế phát triển ổn định, 52% dân số trong độ tuổi lao động với thu nhập tăng dần, đặc biệt là sự thay đổi rõ rệt trong hoạt động mua sắm và tiếp nhận công nghệ.

Dịch vụ tài chính chính thức ở Việt Nam khiêm tốn

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, dịch vụ tài chính chính thức ở Việt Nam dường như vẫn là một thứ xa xỉ với phần lớn dân số. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ 30% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, trong khi các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 60%. Đặc biệt, chỉ có 37% công dân Việt Nam vay tiền từ tổ chức cho vay chính thức, đây là con số rất thấp so với các nước láng giềng (Thái Lan là hơn 71%). Theo thống kê của StoxPlus (doanh nghiệp chuyên cung cấp thông tin về tài chính và doanh nghiệp Việt Nam), 47% người Việt Nam có hoạt động vay vốn, nhưng chỉ có 18,5% khoản vay đến từ các tổ chức tài chính, phần còn lại là từ bạn bè, người thân và “tín dụng đen”. Báo cáo của StoxPlus cũng cho thấy, khu vực nông thôn và ven đô với tổng dân số khoảng 60 triệu người là địa bàn chủ yếu của “tín dụng đen”, bởi các tổ chức tín dụng chính thức ít tiếp cận người tiêu dùng ở những khu vực này.

Theo chuyên gia ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, người dân phải tìm đến “tín dụng đen” do nhiều nguyên nhân: thủ tục vay ngân hàng rất khó khăn, nhất là những người dân vùng sâu, vùng xa, các bạn trẻ sinh viên. Còn cánh cửa thứ hai là các tổ chức tài chính thì họ thường chỉ cho vay các món nhỏ, bị quản lý bởi Luật Tài chính tiêu dùng với những quy định ngặt nghèo. Khi những cánh cửa kia đóng kín, người dân lại thấy ngay các tờ rơi với nội dung chỉ cần gọi điện là có tiền một cách dễ dàng. Có thể nói, người dân tìm đến tín dụng đen bởi các cửa chính thức đều đóng lại, kể cả với những người có nhu cầu thực sự để chi trả tiền học phí, bệnh viện…

Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), nhận định: Người đi vay hoàn toàn nhận thức được mức trả nợ là cao hay thấp, nhưng vấn đề nằm ở chỗ họ ở trong tình trạng không có giải pháp nào khác ngoài “tín dụng đen”. Có người dự định chỉ vay trong thời gian rất ngắn nên chấp nhận, nhưng cũng có người hy vọng, trông chờ vào các khoản thu nhập mang tính may rủi từ cá độ, lô đề nên kế hoạch trả nợ dễ bị đổ bể. Kết cục thường xảy ra là tình trạng nợ chồng nợ, nảy sinh các hành vi vi phạm pháp luật như: lừa đảo, bán tài sản của những người thân quen, trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người để lấy tiền trả nợ.

Chỉ một mình tín dụng ngân hàng thì không thể loại bỏ hoàn toàn tín dụng đen. Thực tế cho thấy, mục đích vay tiền của người dân không phải lúc nào cũng chính đáng và hợp pháp, còn theo quy luật cung - cầu, ở đâu có cầu tất yếu sẽ có cung để thỏa mãn. Do đó, đẩy lùi tín dụng đen không phải là nhiệm vụ riêng của Ngân hàng Nhà nước.

Để tín dụng tiêu dùng phát huy tối đa hiệu quả

Báo cáo tài chính của NHTM cổ phần Quân Đội (MB) công bố mới đây cho thấy, động lực tăng trưởng cho vay của ngân hàng này trong năm qua có một phần đóng góp rất quan trọng đến từ công ty tài chính tiêu dùng MCredit. Năm 2018 công ty tài chính trực thuộc MB đạt mức tăng trưởng 312,9% đã tạo cho ngân hàng mẹ kỳ vọng MCredit có thể tăng trưởng cho vay gấp đôi trong năm 2019.


Sau 6 năm hoạt động, FE Credit đã vươn lên dẫn đầu thị trường cho vay tiêu dùng tín chấp


Một trường hợp khác, HDSaison năm 2018 cũng có mức tăng trưởng 12,7% đã góp phần giúp thu nhập hợp nhất cho ngân hàng mẹ HDBank đạt mức tăng trưởng 123% so với năm liền kề. Theo đánh giá của HDBank, thu nhập của công ty tài chính trực thuộc chủ yếu đến từ các khoản môi giới bảo hiểm các khoản cho vay tiêu dùng. Theo đó, năm nay thu nhập ngoài ngân hàng của HDBank tiếp tục được kỳ vọng từ những công ty thành viên như HDSaison, nhất là khi mới đây công ty tài chính này mới được NHNN cho phép hoạt động kinh doanh ngoại hối.

Với nhà cho vay tiêu dùng chiếm thị phần cao nhất trên thị trường FE-Credit, mặc dù năm 2018 đã giảm sút so với những năm trước về mức độ thu lợi nhuận để góp vào bảng thành tích kinh doanh cho VPBank, nhưng vẫn chiếm trên 36% tổng lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng mẹ. Theo số liệu thống kê của VPBank, dù đến hết quý III/2018 công ty tài chính này mới có mức tăng trưởng tín dụng riêng lẻ 4,2%, nhưng đến hết quý IV/2018 FE-Credit đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng cả năm 20%.

Theo các chuyên gia tài chính, bên cạnh những con số tích cực về tăng trưởng cho vay, các công ty tài chính đang phải đối mặt với chi phí tăng và tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn lớn. Ví dụ, MCredit trong báo cáo hợp nhất, chất lượng tài sản của MCredit cần được theo dõi chặt chẽ do có đến 70%-80% cho vay của công ty này bằng tiền mặt. Theo báo cáo tài chính nợ xấu mới hình thành của công ty tài chính trực thuộc chủ yếu tập trung vào các khoản vay tiền mặt. Tỷ trọng của cho vay tiền mặt trong tổng dư nợ của HD Saison ở mức 32% trong năm 2018, trong khi cho vay xe máy chiếm khoảng 41% và cho vay hàng tiêu dùng khác…

Cho vay tiêu dùng chủ yếu là các khoản vay tín chấp nên rủi ro luôn tiềm ẩn. Trong khi các công ty tài chính sử dụng lực lượng lớn cộng tác viên để mở rộng các khoản vay nhanh nhất đến người tiêu dùng cũng là bài toán chi phí vận hành.

Theo TS.Luật sư Bùi Quang Tín, Trường Doanh nhân BizLight, tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính tăng lên trong thời gian gần đây đến từ việc điều chỉnh phân loại nợ sau khi tham chiếu hình thức phân loại nợ của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC)-NHNN. Bên cạnh đó, một lý do khác cũng góp phần quan trọng làm tỷ lệ nợ tăng cao là sự tăng trưởng mạnh các khoản vay không có tài sản đảm bảo bằng tiền mặt cho hộ gia đình và tiểu thương ngày càng nhiều.

Ông Kalidas Ghose, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của FE-Credit cho rằng chi phí rủi ro tăng trong những tháng đầu năm 2018 của công ty, đến từ hậu quả của việc suy giảm hiệu quả công tác thu hồi nợ của công ty trong nửa đầu năm ngoái, đã ảnh hưởng tới kết quả quản trị danh mục kinh doanh của toàn công ty.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, thị trường cho vay tiêu dùng sẽ tốt hơn khi có nhiều công ty tài chính cạnh tranh với nhau tại nhiều nơi trên toàn quốc. Lúc đó, người tiêu dùng sẽ nhận được các dịch vụ tốt hơn với giá cạnh tranh hơn.

Đồng ý với quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm, các công ty tài chính hiện nay phải mở rộng tín dụng hơn bằng nhiều sản phẩm đa dạng, ngoài ra phải quan tâm đến quản lý rủi ro. Về vấn đề lãi suất, thực tế ngân hàng chấp nhận rủi ro thấp nên lãi suất thấp, còn các công ty tài chính áp dụng lãi suất cao vì rủi ro lớn. Nhà nước nên cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) được mở công ty tài chính để họ tự mở rộng ra. Ngân hàng làm việc rất truyền thống với nhiều tiêu chí khắt khe, còn các tổ chức tài chính cũng có tiêu chí nhưng họ dùng nhiều tiêu chí mà ngân hàng không sử dụng, nhờ đó, họ có các đối tượng vay khác với ngân hàng.

Ngoài ra, Việt Nam cần sớm có hành lang pháp luật để chắp nối người cho vay và đi vay đến được với nhau. Các NHTM có thể điều chỉnh để cung cấp tín dụng nhiều hơn, cho các cá nhân vay nhiều hơn. Quy trình cấp tín dụng cũng cần thay đổi, quá chặt chẽ sẽ tự bó tay mình, tất nhiên là chỉ nên mở một mức nào đó.

Một vấn đề nữa là việc tận dụng công nghệ thông tin để giúp ngân hàng có dữ liệu về khách hàng và phân khúc thị trường một cách đầy đủ hơn. Công nghệ Blockchain, Big Data giúp các ngân hàng hiểu hơn về hành vi của khách hàng, không chỉ trên giấy tờ về thu nhập, pháp lý,… Trong vòng 3 năm tới, vấn đề cho vay ở Việt Nam sẽ thay đổi rất nhiều nhờ có sự tham gia của các công ty công nghệ.


Nhu cầu tài chính tiêu dùng tại thị trường Việt Nam đang nhảy vọt với tốc độ đáng kinh ngạc


Để tín dụng tiêu dùng hiệu quả, phát huy tối đa vai trò trong nền kinh tế, TS. Đỗ Hoài Linh đưa ra các giải pháp cung - cầu về vốn: Về phía cung, Nhà nước cần nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý các hoạt động tín dụng phi chính thức để chuyển những hoạt động này thành chính thức, nằm dưới sự quản lý của pháp luật; rà soát, tổ chức lại hoạt động của hệ thống ngân hàng chính sách, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân theo cả hướng mở rộng quy mô lẫn nâng cao chất lượng để các loại hình tổ chức này hoạt động hiệu quả và an toàn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người dân; nghiên cứu để đưa vào quản lý, nhanh chóng ban hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm các hình thức tín dụng dựa trên công nghệ như cho vay ngang hàng, đặc biệt khi hoạt động cho vay này đang nở rộ trong thực tế thì rất cần những quy định kịp thời của pháp luật để điều chỉnh.

Đối với cầu, người dân cần được tuyên truyền và giáo dục nhận thức về tài chính, nâng cao hiểu biết về các tổ chức cấp tín dụng, dấu hiệu để nhận biết “tín dụng đen”. Về dài hạn, các kiến thức của tài chính cá nhân cần đưa vào khung đào tạo, trải dần từ bậc phổ thông đến đại học để trang bị kiến thức về tài chính từ cơ bản đến chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nghiên cứu triển khai thêm những hình thức cấp tín dụng siêu nhỏ và vừa mà các nước đã triển khai hiệu quả như: công ty cho vay trong ngày (payday loan company), công ty cho vay với tài sản bảo đảm là giấy tờ xe (car title loan company) để bảo đảm tính đa dạng của thị trường vay vốn.

Khi khu vực tín dụng chính thức vững mạnh cả về tài chính lẫn quản trị, việc mở rộng mạng lưới theo phương thức truyền thống cũng như phương thức công nghệ hiện đại sẽ giúp nâng cao khả năng tiếp cận tài chính nói chung cũng như tín dụng nói riêng của người dân, từ đó áp lực về “tín dụng đen” sẽ được giảm dần./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Nam Định kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Người mù Việt Nam

Sáng 16/4, Hội Người mù tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Hội Người mù Việt Nam (17/4/1969 - 17/4/2024) và kỷ niệm 44 năm thành lập Hội Người mù tỉnh Nam Định (1980-2024).
2024-04-16 14:34:00

HDBank hỗ trợ trả góp 100% tiền học phí với kỳ hạn đến 60 tháng

HDBank là ngân hàng duy nhất triển khai gói sản phẩm Đồng hành tri thức - ưu đãi thanh toán học phí và trả góp đến 60 tháng, giải quyết nỗi lo về tài chính cho các các bậc phụ huynh.
2024-04-16 14:22:33

Phó CT Hải Phòng thăm gia đình người có công dịp 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 16/4, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đến thăm, tặng quà các gia đình người có công tại huyện An Lão nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
2024-04-16 11:47:00

Hải Phòng: Thông qua 7 Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố

Chiều 15/4, HĐND TP.Hải Phòng đã tổ chức kỳ họp 15 (chuyên đề) khóa XVI, thông qua 7 Nghị quyết và hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.
2024-04-16 11:25:51

Cựu chiến binh xã tổ chức lớp học giáo dục truyền thống cho thanh niên

Sáng 16/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Tân tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024
2024-04-16 10:40:00

Tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho giáo viên khuyết tật ở Bắc Kạn

Sáng 15/4, tại Trường TH&THCS Dương Phong, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã diễn ra Lễ trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho cô giáo Đàm Thị Thanh Tâm- tấm gương sáng về tinh thần vượt khó vươn lên trong giảng dạy và giáo dục.
2024-04-16 09:42:30
Đang tải...