Dòng chảy tín dụng đi đúng hướng

2019-04-18 10:26:30 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Đến thời điểm này, dòng chảy tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng trưởng tích cực, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế. Cụ thể, tín dụng đối với công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%... Qua con số tăng trưởng tín dụng trên cho thấy, dòng chảy tín dụng trong quý I/2019 phản ánh những giải pháp của NHNN vừa “đúng” và “trúng” với chủ trương của Chính phủ.

Chảy mạnh vào lĩnh vực ưu tiên
  
Tăng trưởng GDP quý I/2019 chỉ đạt 6,79%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7,38% của quý I năm ngoái. Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu suy giảm, để đạt được mục tiêu năm 2019 tăng trưởng GDP 6,8% chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù khó khăn, nhưng giới chuyên môn cho rằng không được kích thích tăng trưởng thông qua đẩy mạnh tín dụng mạnh, bởi điều đó tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả hệ thống ngân hàng, nền kinh tế. Rủi ro nhìn rõ nhất đó là hệ số an toàn vốn của các ngân hàng bị đe dọa. Nhiều ngân hàng nhất là các NHTM có vốn nhà nước đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn, nên nếu mở rộng tín dụng mà vốn không tăng theo kịp chắc chắn rủi ro sẽ tăng theo.

Số liệu từ NHNN cho biết, tính đến 25/3/2019, tín dụng tăng 2,28%, tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2018 (tăng 2,78%). Nguồn vốn ngân hàng đổ vào các lĩnh vực ưu tiên đều có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế, phản ánh những giải pháp của NHNN vừa “đúng” và “trúng” với chủ trương của Chính phủ”.


Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Ngân hàng SEA Bank


Trên thực tế, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá, trong đó tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 3,14% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (năm 2018 tăng 14,58%, tỷ trọng 3,09%); tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%, chiếm tỷ trọng 3,12% (năm 2018 giảm 1,42%, tỷ trọng 3,01%); tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%, chiếm tỷ trọng 0,36% (năm 2018 giảm 2,2%, tỷ trọng 0,36%); tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23%, chiếm tỷ trọng 25% (năm 2018 tăng 21,4%, tỷ trọng 24,8%). Riêng đối với lĩnh vực lúa gạo, các tổ chức tín dụng (TCTD) tại khu vực ĐBSCL đã thực hiện giải ngân khoảng 10.719 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân để thu mua trên 1,7 triệu tấn lúa gạo vụ Đông Xuân 2019. Bên cạnh đó, để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi đối phó với thiệt hại dịch bệnh, tuy dịch bệnh chưa lan đến miền Nam, tuy nhiên ghi nhận tại khu vực Đông Nam bộ - nơi tạo cung thịt lợn cho thị trường cả nước, hiện hệ thống TCTD tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và TP.HCM cũng đang rốt ráo trong việc chuẩn bị các phương án hỗ trợ phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi bị thiệt hại.

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, theo các quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp – nông thôn và Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55 thì trong trường hợp xảy ra dịch bệnh lan rộng, các khách hàng vay vốn chăn nuôi chưa trả đúng hạn sẽ được các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và xem xét cho vay mới. Trường hợp dịch bệnh cực kỳ nghiêm trọng, nhiều DN, người dân bị thiệt hại về vốn vay thì các TCTD cho vay sẽ đánh giá khả năng trả nợ, chính quyền cấp tỉnh tập hợp báo cáo NHNN, Bộ Tài chính và Chính phủ để tiến hành khoanh nợ không tính lãi đối với phần dư nợ bị thiệt hại. Thời gian khoanh nợ tối đa 2 năm đối với các mô hình chăn nuôi truyền thống và tối đa 3 năm đối với các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị hoặc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Phần lãi không thu được thì các NHTM sẽ được ngân sách địa phương và Trung ương cấp bù.

Hiện nay Đồng Nai là một trong những tỉnh thành chăn nuôi lợn lớn nhất cả nước. Trong các năm vừa qua, các TCTD thường xuyên cho vay chăn nuôi lợn với dư nợ khoảng trên dưới 3.000 tỷ đồng/năm. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo, NHNN chi nhánh tỉnh cũng đã trực tiếp yêu cầu các TCTD trên địa bàn rà soát, báo cáo về các khoản cho vay lĩnh vực chăn nuôi lợn để sẵn sàng hỗ trợ các trang trại và người dân theo chỉ đạo chung của Chính phủ và NHNN.

Tại địa bàn Bình Dương, Bình Phước không khí sẵn sàng ứng phó với dịch của ngành Ngân hàng cũng được sẵn sàng. Mặc dù chưa nằm trong nhóm các tỉnh thành có phát hiện heo nhiễm bệnh tả lợn châu Phi, nhưng đến hiện tại các chi nhánh NHTM trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng đang rốt ráo thống kê, rà soát các khoản vay phục vụ chăn nuôi lợn. Theo NHNN chi nhánh tỉnh Bình Dương, hầu hết các TCTD trên địa bàn đều cho vay chăn nuôi lợn, với dư nợ các năm gần đây khoảng 550 tỷ đồng.

Theo đại diện một NHTM có dư nợ cho vay lớn trong lĩnh vực chăn nuôi lợn tại Đồng Nai, những năm trước để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua dịch lợn tai xanh, đơn vị phải khoanh nợ, giãn nợ hàng vài tỷ đồng cho các hộ nuôi. Hiện nay nếu dịch tả lợn châu Phi lan rộng gây thiệt hại vốn vay thì đơn vị sẽ thực hiện khoanh nợ, giãn nợ theo chỉ đạo và theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, giải pháp này là giải pháp cực chẳng đã phải làm vì cả ngân hàng và người nuôi đều chịu thiệt hại, thế nhưng vẫn phải có kế hoạch chuẩn bị. Theo vị giám đốc này, trước mắt để ngăn dịch lan rộng vào các tỉnh thành chăn nuôi lợn trọng điểm phía Nam, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện nhanh, minh bạch khâu hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh, có thể dùng các khoản ngân sách cấp bách để hỗ trợ tiêu hủy với giá bằng giá thành sản xuất để người dân không giấu dịch, vận chuyển tiêu thụ heo ra thị trường, lây lan đến các tỉnh thành khác.

Ngoài ra, việc NHNN chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng sản xuất và tiêu dùng, cũng như triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt thời gian qua cũng là một trong những định hướng trong năm 2019 nhằm góp phần đẩy lùi tín dụng đen. NHNN đã yêu cầu các TCTD rà soát các thủ tục hành chính và đẩy mạnh tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ của các TCTD, công ty tài chính để bà con có nhu cầu vay chính đáng có thể tiếp cận sản phẩm, dịch vụ phù hợp và đúng pháp luật.

Theo quan điểm của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), với việc giảm tốc độ tăng trưởng GDP và kiểm soát chặt chẽ hơn tín dụng trong các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 sẽ được duy trì dưới mức 14%. Còn Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, NHNN đã có chủ trương kiểm soát chặt chẽ điều hành tín dụng. Định hướng tín dụng cả năm 2019 giữ ở mức 14%, tương đương mức tăng trưởng của năm 2018 (13,98%) sau khi tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao trong vài năm trở lại đây (năm 2016, tỷ lệ này là 122%, năm 2017 và 2018 cùng là 130%).

Đối với điều hành tín dụng trong giai đoạn hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa bảo lưu quan điểm NHNN cần phải thực hiện chính sách kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng gắn liền với kiểm soát cung tiền như năm 2018; nhất là trong năm 2019 dự báo còn nhiều khó khăn hơn năm 2018 khi kinh tế toàn cầu suy giảm… “Năm 2018, cách điều hành này đã giúp NHNN đạt nhiều mục đích. Cơ quan điều hành thể hiện sự bản lĩnh cũng như khẳng định tính chuyên nghiệp cao hơn trong quản trị tiền tệ để chính sách tiền tệ tiếp tục có một năm thành công”, TS. Nghĩa kỳ vọng.

Cũng như mọi năm, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD. Nhưng điểm khác năm nay là NHNN ưu tiên chỉ tiêu ở mức cao hơn đối với các TCTD thực hiện trước hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao nhất là khoảng 15%, còn lại hầu hết các NHTMCP khác được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng ở mức 12%.


PVcomBank đã chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch triển khai gói lãi suất ưu đãi cho vay dự án


Nhất trí với biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bám sát vào hệ số an toàn vốn, lãnh đạo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất thêm, xem xét tăng vốn điều lệ cho các NHTM có vốn nhà nước để đảm bảo không đụng trần chỉ số an toàn vốn cũng là giải pháp đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. “Đây là những ngân hàng chủ lực, trong khi yêu cầu vốn của nền kinh tế rất nhiều vì vậy nên xem xét đề xuất tăng vốn cho các NHTM có vốn nhà nước”, vị này nhấn mạnh nhưng đề xuất thêm: Về lâu dài, cần phải giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn tín dụng từ ngân hàng mà thúc đẩy các kênh dẫn vốn dài hạn; bởi nguồn vốn từ ngân hàng chỉ là nguồn vốn ngắn hạn.

Đồng tình với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 14% cũng như điều hành chính sách tín dụng mang tính chất thị trường nhiều hơn, một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đề xuất thêm NHNN có thể cân nhắc bãi bỏ hạn mức tín dụng đối với từng NHTM mà chuyển sang cơ chế điều hành áp dụng chặt chẽ hơn các yêu cầu về hệ số CAR. Với cách làm này, các ngân hàng sẽ tự cân đối lựa chọn khu vực cho vay để tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp đảm bảo an toàn hoạt động cho ngân hàng.

Theo NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với năm trước phù hợp mục tiêu chung của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Theo đó, các chính sách điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng… phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để phục vụ mục tiêu này. NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2019 là 14%, tương đương mức tăng 13,98% năm 2018. Hơn nữa, hiện tỷ lệ tín dụng so với GDP đang khá cao. Nếu như năm 2016 tín dụng đạt 122% GDP, đến năm 2017 lên 130% GDP, năm 2018 NHNN đã điều hành kiểm soát theo hướng không để tỷ trọng này tăng lên mà duy trì ở mức 130% GDP. Chất lượng tín dụng là điều NHNN luôn yêu cầu các NHTM đặt lên hàng đầu, có như vậy mới đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống.

Theo khuyến cáo IMF tại các nước đang phát triển, trung bình mỗi năm tín dụng không nên tăng quá 14%. Vì vậy, mức độ tăng trưởng tín dụng của năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 là rất hợp lý. Quan trọng là dòng chảy tín dụng hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời kiểm soát các lĩnh vực tín dụng tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán, BOT...

Tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản

Tín dụng cho lĩnh vực bất động sản năm 2019 được dự báo sẽ tiếp tục bị siết chặt. Tuy nhiên, với nhóm khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thực, các ngân hàng vẫn ưu ái cho vay. Kể từ đầu năm 2019, tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn (có kỳ hạn dưới 12 tháng) cho vay trung, dài hạn (có kỳ hạn trên 12 tháng) theo quy định Thông tư 19/2017/TT-NHNN đã giảm từ 45% về 40%. Bởi vậy, để có nguồn vốn cho vay trung, dài hạn, các ngân hàng cần tích cực gia tăng huy động và tỷ trọng của vốn trung, dài hạn trong cơ cấu tổng nguồn vốn huy động. Điều này không những không gây ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của các ngân hàng, mà còn góp phần thúc đẩy các ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn huy động theo hướng dài hạn, ổn định hơn, đồng thời đẩy mạnh thêm việc cho vay ngắn hạn để tối ưu hóa nguồn vốn ngắn hạn.

Với tín dụng bất động sản, trong năm 2019, chủ trương của NHNN là tiếp tục kiểm soát chặt. Tuy nhiên, với tín dụng mua nhà, các ngân hàng vẫn mở rộng cửa. Theo đó, lãi suất cho vay mua nhà cũng được ưu đãi trong thời gian đầu. Theo đại diện VIB cho biết, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất cạnh tranh khi vay tiêu dùng tại VIB, chẳng hạn vay mua ô tô với lãi suất từ 7,4%/năm, vay mua nhà từ 7,5%/năm... Mức lãi suất VIB đưa ra dựa trên cơ sở các loại chi phí hợp lý, bao gồm cả chi phí huy động vốn trung, dài hạn, đảm bảo tính cạnh tranh về mặt bằng lãi suất cho vay dành cho khách hàng. Ngoài mức lãi suất cạnh tranh, khi vay vốn tại VIB, khách hàng còn nhận được những ưu đãi khác như thời hạn vay dài để khách hàng có thể cân đối nguồn trả nợ, hạn mức vay cao, thủ tục đơn giản và thời gian phê duyệt, giải ngân nhanh chóng.

Mặc dù chủ trương của cơ quan quản lý là tiếp tục kiểm soát vốn tín dụng dành cho các chủ đầu tư bất động sản, nhưng dòng vốn đổ vào phân khúc cho vay mua nhà dự báo vẫn sẽ tăng mạnh trong năm nay khi nhiều ngân hàng đang triển khai cho vay phân khúc này. Techcombank có chương trình “Ưu đãi lãi vay, mua ngay nhà mới” với lãi suất 6,79%/năm, áp dụng cố định trong vòng 12 tháng. Còn PVcomBank đang quảng bá chương trình “Sẵn vốn ngay, an cư trong tầm tay”. Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn để mua, xây, sửa nhà trong thời gian này sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi 7,49%/năm trong 6 tháng đầu và 8,99%/năm trong 12 tháng sau đó, thời gian vay kéo dài 20 năm. NCB áp dụng lãi suất cho vay mua nhà, sửa nhà ở mức tương đối thấp so với sản phẩm vay mua nhà trả góp của các ngân hàng khác. Cụ thể, NCB đưa ra mức lãi vay 9,5%/năm, cố định trong vòng 24 tháng; mức 7,99%/năm trong vòng 12 tháng và 6,5% trong vòng 6 tháng. Thời hạn vay dài nhất là 25 năm, hạn mức cho vay lên đến 90% giá trị căn nhà. MB mới đây công bố dành 2.500 tỷ đồng cho vay mua bất động sản và một số mục đích khác như mua ô tô, sản xuất, kinh doanh..., lãi suất áp dụng từ 7%/năm đối với vay mua ô tô; 7,49%/năm với vay mua, xây dựng sửa chữa nhà đất, cho vay mua nhà, đất dự án và tối thiểu 8,2%/năm khi khách hàng vay phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thời gian gần đây, tín dụng của các ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản đang được duy trì ở mức dưới 10% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, giảm mạnh so với ngưỡng xấp xỉ 30% trong giai đoạn 2010-2011.

Từ năm 2016 đến nay, tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong khi tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán... được kiểm soát chặt chẽ.

Trên thực tế, hầu hết các khoản cho vay cá nhân mua nhà, sửa chữa nhà hiện được xếp vào mảng tín dụng tiêu dùng, trong khi các khoản vay dành cho tổ chức, doanh nghiệp với mục đích đầu tư và sinh lợi trên bất động sản đó sẽ được xếp vào nhóm tín dụng bất động sản.

Theo giới chuyên gia, cách tính này làm cho bức tranh về tín dụng bất động sản không chính xác, cần phải tách tín dụng mua nhà, sửa nhà khỏi tín dụng tiêu dùng chuyển về tín dụng bất động sản để có thể quản lý hữu hiệu, giảm tình trạng tín dụng bất động sản “núp bóng” cho vay tiêu dùng gây rủi ro lớn cho thị trường. Bên cạnh đó, những hạn chế về dòng vốn vào bất động sản vẫn chủ yếu từ ngân hàng, nên nguồn vốn không bền vững. Bởi về bản chất, ngân hàng chủ yếu sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn trong lĩnh vực bất động sản. Đây là một trong những lý do khiến cơ quan quản lý siết dần vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân 49 năm thống nhất đất nước

Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.
2024-04-26 11:48:48
Đang tải...