Dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam sẽ lập kỷ lục mới

2019-01-14 09:32:50 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Duy trì đà tăng mạnh trong suốt 12 tháng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân cả năm 2018 vẫn lập đỉnh mới bất chấp thu hút vốn FDI giảm nhẹ so với năm 2017.

Môi trường đầu tư thay đổi tích cực

Có thể thấy năm 2018, nhà đầu tư không ngại rót vốn vào Việt Nam. Trong tổng số 35,5 tỷ USD chảy vào Việt Nam, có tới 18 tỷ USD là vốn đăng ký của 3.064 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và 7,59 tỷ USD vốn đăng ký tăng thêm của 1.169 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, hiện tượng giải ngân liên tục tăng mạnh là hiệu ứng thúc đẩy từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần. Con số kỷ lục vừa được xác lập trong giải ngân FDI năm 2018 là 19,1 tỷ USD. Điều đáng nói, đây là năm thứ 6 liên tiếp giải ngân FDI lập kỷ lục. Việc đẩy mạnh vốn vào Việt Nam thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài sẽ khiến dòng vốn FDI giải ngân trong năm qua tăng mạnh. Bởi góp vốn, mua cổ phần chính là “tiền tươi, thóc thật”, khác với các khoản đầu tư FDI thông thường còn có khoảng cách giữa đăng ký và giải ngân.


Thu hút đầu tư nước ngoài đang tăng mạnh


Trên thực tế, những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần để đầu tư vào Việt Nam, để có thể ngay lập tức tham gia thị trường, thay vì phải trải qua quá trình đầu tư xây nhà máy, hay thiết lập cơ sở kinh doanh từ đầu. Nếu như tổng số vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại của năm 2016 là 4,5 tỷ USD thì đến năm 2017 và 2018 con số này tiếp tục đẩy lên mức 6,3 tỷ USD và 9,9 tỷ USD. Sự “bùng nổ” trong góp vốn, mua cổ phần đã góp phần quan trọng đưa dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao.

Với số tiền 9,9 tỷ USD góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần đưa tổng vốn thu hút FDI cả năm 2018 lên mức 35,46 tỷ USD, xấp xỉ 99% so với cùng kỳ năm 2017. Trong bối cảnh dòng thương mại và dòng đầu tư thế giới bị xáo trộn do tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc, vốn FDI đổ vào Việt Nam cả năm 2018 vẫn “ngang ngửa” con số kỷ lục của năm 2017 là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) nhà đầu tư không “ngần ngại” rót vốn vào Việt Nam là có cơ sở. Bởi họ cảm nhận rõ được những thay đổi tích cực của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, hai năm gần đây Chính phủ đã rất nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cùng với đó, việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và một số hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh thu hút vốn FDI từ những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới vào Việt Nam, hút vốn vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường… Việt Nam cần phải thay đổi danh mục kêu gọi đầu tư. Theo đó, chỉ chú trọng vào những dự án Việt Nam không làm được, chưa làm được thay vì cả những dự án Việt Nam đã có thể chủ động.

Trong danh mục các lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Việt Nam trong năm 2018 có thể thấy, trong 18 ngành, lĩnh vực hút vốn FDI, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều nhất với 16,5 tỷ USD, chiếm gần 47% tổng vốn đăng ký. Kế đến là bất động sản với 6,6 tỷ USD; bán buôn, bán lẻ 3,6 tỷ USD…

Xét về quốc gia có nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam thì Nhật Bản đứng vị trí đầu tiên, tiếp theo là Hàn Quốc, Singapore… Địa phương thu hút được nhiều nhất FDI gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng… Không thể phủ nhận là hiện Việt Nam vẫn đang thu hút FDI dựa trên các lợi thế tài nguyên dồi dào, lực lượng lao động giá rẻ và ưu đãi thuế. Thế nhưng cuộc cách mạng 4.0 đang làm cho những lợi thế này dần mất đi. Thậm chí nguồn nhân lực giá rẻ còn có thể trở thành trở lực khi mà nhiều công việc giản đơn sẽ được thay thế bằng máy móc. Hạ tầng cơ sở, môi trường đầu tư kinh doanh cũng sẽ như vậy nếu không bắt kịp với những tiến bộ của cuộc cách mạng này. Trên thực tế, mạng lưới sản xuất toàn cầu cũng đang có xu hướng dịch chuyển từ nước có nhiều lao động phổ thông và tài nguyên sang nước có nhiều trung tâm nghiên cứu, nhiều lao động có kỹ năng, chuyên môn cao và gần thị trường tiêu thụ hơn.

Vì lẽ đó, để có thể cạnh tranh thu hút FDI trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam phải nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số; cần phải đem lại môi trường đầu tư ưu việt cùng các trải nghiệm vận hành với các giải pháp số, trực tuyến cạnh tranh được với các đối thủ khác trong khu vực. Chiến lược thu hút FDI cũng cần thay đổi, tập trung thu hút FDI theo chiều sâu, hướng vào các ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới như công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo… Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể đáp ứng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Bởi suy cho cùng, hạt nhân của mọi cuộc cách mạng vẫn là con người.

Ở chiều ngược lại, năm qua Việt Nam đầu tư ra nước ngoài gần 380 triệu USD, chủ yếu ở lĩnh vực tài chính ngân hàng, lâm nghiệp, thủy sản… 38 quốc gia, vùng lãnh thổ được các nhà đầu tư Việt Nam rót vốn, trong đó đứng đầu là Lào, tiếp đến là Úc, Mỹ, Campuchia…

Triển vọng năm 2019 rất lạc quan

Triển vọng cho dòng vốn ngoại năm 2019 là rất lạc quan. Nhiều doanh nghiệp ngoại cũng nhìn thấy ở Việt Nam là điểm đến nên lựa chọn khi chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2018 ở vị trí 77/137 quốc gia. Chất lượng môi trường kinh doanh (DB) đứng thứ 69/190 nền kinh tế. Chỉ số Đổi mới sáng tạo (GII) đứng thứ 45/126 quốc gia. Chỉ số Quan sát doanh nhân toàn cầu (GEM) xếp thứ 15/54 nền kinh tế được xếp hạng.



Đặc biệt, khảo sát của EuroCham gần đây cho thấy gần 70% doanh nghiệp phản hồi “Tốt” và “Rất tốt”, 90% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam ổn định và cải thiện trong thời gian tới. Không còn gì phải hoài nghi nếu như diễn ra sự dịch chuyển mạnh trong đầu tư của các doanh nghiệp từ Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng như các doanh nghiệp châu Âu và khu vực ASEAN đến Việt Nam. Như nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam giờ đã là một “công xưởng lớn” của thế giới và là điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu.

Sự hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới ở Việt Nam như Samsung, Intel, Canon, Fujitsu, Toyota, Honda, Nike và hàng nghìn doanh nghiệp FDI khác là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Qua tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có trên 27 nghìn dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 335 tỷ USD.


Chính phủ xác định rõ rằng, nếu Việt Nam nắm chắc được thời cơ vượt qua khó khăn thách thức thì đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam thu hút được dòng vốn ngoại và cũng là cơ hội để các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam đầu tư kinh doanh với những điều kiện thuận lợi nhất. Tuy nhiên, dù rất chờ đợi sự gia tăng của dòng vốn ngoại, thì yêu cầu thu hút đầu tư nước ngoài phải có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm trên nguyên tắc đa phương hóa, đa dạng hóa nguồn vốn, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, vẫn luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, đầu tư nước ngoài phải khuyến khích đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, tăng cường sự hỗ trợ của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Tăng cường liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, gắn đầu tư nước ngoài với thúc đẩy sản xuất trong nước. Thu hút đầu tư nước gắn với mở rộng thị trường trong khu vực và thế giới, gắn với việc đảm bảo ổn định và phát triển thị trường cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14

MIK GROUP khởi công giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City

Sáng ngày 22/4, MIK Group đã chính thức khởi công phân khu The Sola Park thuộc giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City (Tây Mỗ, Hà Nội). Với thành công được minh chứng từ giai đoạn 1, cái tên Imperia Smart City dự đoán sẽ tiếp tục làm sôi động thị trường BĐS nhà ở khu vực phía Tây.
2024-04-23 10:49:47

Chuyện về con tàu Đại Lãnh trong trận chiến Gạc Ma 1988

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí mới đây, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng LLVTND kể, năm 1999, khi ông đang là thứ trưởng Bộ Quốc phòng, miền Trung có lũ lụt cực lớn.
2024-04-23 10:37:37

Phú Yên: Cần sớm giải quyết nguyện vọng chính đáng của các nhà đầu tư

Vừa qua, Tạp chí điện tử Hòa Nhập nhận được đơn thư của ông Phạm Văn Đạo (sống tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) phản ánh về việc: Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định thu hồi đất khi doanh nghiệp đang thực hiện dự án Khu đô thị du lịch năng lượng xanh.
2024-04-23 10:00:31

Quý I có 66 vụ cháy, Nghệ An chỉ đạo phòng chống cháy nổ mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng đang tới gần, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Do đó, tỉnh Nghệ An đặc biệt chú trọng tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.
2024-04-23 08:15:00
Đang tải...