Gỡ nút thắt thu hút FDI vào nông nghiệp

2018-08-10 14:16:50 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Nông nghiệp là một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế và đang có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển, song dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này còn hạn chế. Thu hút FDI vào nông nghiệp vẫn chưa giải quyết được lợi ích giữa DN, nhà đầu tư nước ngoài và người nông dân.
Vốn FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam

Trong khi FDI của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng vốn FDI của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng với tư duy mới để thu hút FDI.

Vốn FDI có vai trò rất quan trọng, nhất là bổ sung nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa có chất lượng. Tuy nhiên, hiện vốn FDI vào nông nghiệp rất ít ỏi, chưa quá 1% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính đến tháng 2/2018, tổng vốn FDI vào nông nghiệp là 3,5 tỷ USD với 514 dự án. Nếu so với tổng vốn đầu tư luỹ kế vào ngành nông nghiệp thì số vốn này chỉ chiếm khoảng 1%.

Nhìn lại những giai đoạn đầu tư trước đó, vốn FDI vào nông nghiệp cũng rất ít ỏi, không vượt quá 1% tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này, thậm chí có năm chỉ đạt 0,4%. Cụ thể, năm 2014 vốn FDI vào nông nghiệp là 0,5%, năm 2015 là 1%, năm 2016 là 0,4% và năm 2017 là 1,1%.

Đi cùng với dòng vốn đầu tư FDI ít là những dự án đầu tư FDI nhỏ lẻ, tập trung vào chế biến thuỷ sản, hoa quả tại một số địa phương. Chưa có “đại gia ngoại” nào dám bỏ vốn vào các dự án đầu tư công nghệ cao, hữu cơ quy mô lớn tại Việt Nam.

Được biết, Chính phủ rất kỳ vọng vào nông nghiệp xanh, sạch để làm động lực thúc đẩy tăng trưởng tương tự như các ngành chế tạo - chế biến. Tuy nhiên, đến nay, ngành nông nghiệp xếp thứ 12 về số dự án và đứng thứ 10 về số vốn đầu tư trong tất cả các ngành.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN FDI, cho biết: Mặc dù trong thời gian gần đây, thu hút FDI vào ngành nông nghiệp có sự cải thiện, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đi sau DN trong nước.

Trên thực tế, đầu tư vào nông nghiệp gặp nhiều rủi ro vì bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. Do đó, nhiều DN trong và ngoài nước khá dè dặt khi đầu tư vào lĩnh vực này nếu như DN không có thế mạnh về công nghệ và nguồn vốn không đủ lớn.

Chia sẻ rõ hơn về nguyên nhân khiến dòng vốn ngoại chưa đổ mạnh vào ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Sunstar Lacto Việt Nam, chia sẻ: Tiềm năng nông nghiệp ở Việt Nam rất lớn nhưng mới dừng lại ở các chủ trương, đường lối kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Thêm nữa, tỷ suất lợi nhuận trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn rất thấp. Đồng thời, kinh doanh trong lĩnh vực này lại gặp nhiều rủi ro do phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết.

Tuy nhiên, theo đại diện Cục đầu tư nước ngoài, nguyên nhân khiến ngành nông nghiệp khó thu hút dòng vốn FDI là do tiềm năng lớn, nhưng vẫn dừng lại ở mức manh mún và nhỏ lẻ.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, “nút thắt” của ngành nông nghiệp sẽ được gỡ nếu những chính sách về thuế, đất đai và vốn có sự thay đổi.

Đề xuất một trong những phương án có thể giúp DN FDI dễ dàng quyết định đầu tư vào ngành nông nghiệp hơn, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đề nghị, khó khăn lớn nhất khi đầu tư vào nông nghiệp là đảm bảo quỹ đất. Song hiện nay, quỹ đất nông nghiệp và các thủ tục liên quan khá phức tạp. Nếu lãnh đạo địa phương quan tâm và có kế hoạch dành hẳn một quỹ đất nông nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài, DN sẽ dễ dàng quyết định đầu tư vào ngành nông nghiệp hơn.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, luật và các văn bản dưới luật nhằm thu hút vốn đầu tư xã hội, vốn đầu tư FDI, cụ thể như: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (giai đoạn 2008-2013), Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Nhưng hầu như các chính sách này vẫn chưa trở thành đòn bẩy, thiếu những chính sách đặc thù, chiến lược, định hướng rõ ràng cho việc thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh. Việc thu hút dòng vốn FDI vào nông nghiệp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như cơ sở hạ tầng, tích tụ đất đai, nguồn nhân lực, nguồn cung cấp nguyên liệu, quy mô sản xuất...

Ảnh minh họa. Nguồn internet


Để đẩy mạnh thu hút FDI vào nông nghiệp, trước hết cần nâng cao tính minh bạch của hệ thống pháp luật về đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp và phải tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào ngành nông nghiệp. Thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế. Hướng đến cho tích tụ đất đai cũng như các chính sách đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong nông nghiệp, ban hành các chính sách ưu đãi, nhất là cơ chế hỗ trợ đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài như: miễn giảm thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư xây dựng cánh đồng lớn, khu nguyên liệu tập trung, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Tập trung thu hút vốn FDI vào một số lĩnh vực mà Việt Nam cần như: Phát triển giống cây trồng - vật nuôi, phát triển công nghiệp phụ trợ tạo giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Cần có nguồn vốn lớn, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch từ nhà đầu tư nước ngoài để tạo cú hích nhằm tăng năng lực cạnh tranh của ngành, tiếp cận thị trường quốc tế lớn hơn, tạo năng suất và giá trị cao, đóng góp vào GDP và thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cạnh tranh thu hút vốn FDI ngày càng gay gắt, việc thu hút FDI thời gian tới được Việt Nam xác định phải chuyển đổi theo hướng từ thu hút số lượng sang chất lượng. “Việt Nam hướng tới thu hút công nghệ cao, thân thiện với môi trường và chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao”, ông Thắng nói.

Để nâng cao hiệu quả năng suất lao động từ khu vực doanh nghiệp FDI, TS. Lê Văn Hùng (Viện Kinh tế Việt Nam) khuyến nghị, Việt Nam cần chú ý tới chất lượng của dòng vốn FDI thu hút thay vì số lượng. Trong giai đoạn tới, thu hút vốn FDI cần gắn chặt với chiến lược phát triển quốc gia, chỉ tập trung ưu tiên thu hút một số ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh theo từng vùng, đặc biệt ưu tiên doanh nghiệp chế biến sâu, công nghệ cao, năng lượng mới để tạo hiệu ứng lan tỏa lớn đối với nền kinh tế trong dài hạn.

Chính phủ đã yêu cầu sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi từ lúa sang các loại cây khác, nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất. Hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng...

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT xây dựng các tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, danh mục công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và tiêu chí nông nghiệp sạch; yêu cầu NHNN chỉ đạo các NHTM, chủ lực là các NHTM nhà nước dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động để cho vay đối với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất ưu đãi, phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai thực hiện chương trình.

Về phía các DN, trong vài năm gần đây, nhận biết được xu thế cùng với sự chuyển đổi chính sách đối với phát triển nông nghiệp, các DN Việt, đặc biệt là các công ty, tập đoàn lớn, đã đón bắt cơ hội đầu tư vào nông nghiệp với những dự án quy mô trung bình và lớn, nhiều dự án số vốn đến hàng nghìn tỷ đồng, nhiều cánh đồng mẫu lớn đang hình thành, phát triển.

Hoàng Anh Gia Lai là một trong những tập đoàn đi tiên phong trong đầu tư vào nông nghiệp với bao thăng trầm. Vingroup, Hòa Phát, Pan Group, TH True Milk, FPT... bước đầu gặt hái thành công trong đầu tư vào nông nghiệp.

Về hành lang pháp lý, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2014 và hệ thống văn bản liên quan đã giảm đáng kể những khác biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài, DN đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư và DN trong nước; hành lang pháp lý minh bạch hơn, thông thoáng hơn đối với nhà đầu tư và DN, trong đó có nhà đầu tư và DN nước ngoài. Các chính sách tháo gỡ cho đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, mở rộng hạn điền, phát triển nông nghiệp mô hình chuỗi giá trị hàng hóa... đang bước đầu phát huy hiệu quả, tạo động lực cho thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp.

Với quyết tâm của Chính phủ kiến tạo và phục vụ, đồng hành cùng DN và người dân, nắm bắt những cơ hội và lợi thế, khắc phục những khó khăn và thách thức, tin rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp sẽ khởi sắc thời gian tới.

Trong khi đầu tư nước ngoài của cả nước có xu hướng tăng, thì dòng vốn này vào lĩnh vực nông nghiệp lại quá nhỏ về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng vốn FDI của cả nước. Điều này đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có một chiến lược, định hướng với tư duy mới để thu hút vốn FDI.

Quy mô vốn trung bình của dự án trong ngành nông nghiệp chỉ khoảng 7 triệu USD/dự án. Không những ít, phân bổ vốn FDI trong nông nghiệp cũng không đồng đều. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như trồng rừng, chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Vốn đầu tư cho các ngành chế biến nông sản, thủy sản rất ít.

Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho rằng, thời gian qua, nhiều đoàn DN của Nhật Bản đã tới tìm hiểu thị trường nông nghiệp của Việt Nam, nhưng mới chỉ có một số ít DN đầu tư vốn vào lĩnh vực này với tỷ trọng vốn thấp, chủ yếu do sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu. Hiện Việt Nam bị đánh giá ở vị trí 18/19 về độ hấp dẫn của ngành nông nghiệp.

“Khó khăn lớn nhất khi đầu tư vào nông nghiệp là phải đảm bảo nguồn đất nông nghiệp. Nhưng hiện nay khi đã có quỹ đất làm nông nghiệp thì các thủ tục cũng tương đối mất thời gian và gặp nhiều khó khăn. Nếu các lãnh đạo địa phương quan tâm và có kế hoạch dành hẳn một quỹ đất nông nghiệp cho các DN FDI, DN sẽ dễ dàng hơn khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc vận chuyển những mặt hàng nông nghiệp sau khi sản xuất đến nơi tiêu thụ vẫn còn gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ”, ông Atsusuke Kawada cho biết.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, trong điều kiện sản xuất nông lâm nghiệp manh mún, phân tán hiện nay, việc tập trung một vùng đất đai rộng lớn cho một chủ đầu tư để phát triển vùng nguyên liệu tập trung là điều rất khó khăn và phức tạp.

Việc tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương cũng là những trở ngại lớn làm cho nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam đã thực hiện chiến lược thu hút FDI vào nông nghiệp từ những năm 1991-1993, nhưng đến nay, thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn thất bại bởi không giải quyết được bài toán lợi ích trong hợp tác đầu tư, đó là lợi ích giữa DN, nhà đầu tư nước ngoài với lợi ích của nông dân.

Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng: Đã đến lúc phải thay đổi tư duy thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp: “Có thể thu hút FDI nhưng không nên quan tâm đến bao nhiêu tỷ lệ % mà phải quan tâm đến lựa chọn nhà đầu tư ở đâu thích hợp với vùng nào, canh tác cây gì, con gì để hợp tác và với mô hình làm sao để chia sẻ lợi ích, tổ chức lại nông dân ở đấy, không thể là những nông dân nhỏ lẻ”.

Bộ NN&PTNT đang xây dựng Dự thảo Đề án tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp định hướng đến năm 2030 để gỡ bỏ những khó khăn, hạn chế trong thời gian qua. Từ đó, nắm bắt cơ hội và thu hút dòng vốn FDI, góp phần phát triển nông nghiệp.

Theo TS.Nguyễn Anh Phong, Quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp - nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), mặc dù, nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế những giai đoạn khó khăn, nhưng nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn sản xuất thô sơ, hàm lượng giá trị gia tăng thấp, sức cạnh tranh yếu.

Đặc biệt, trước áp lực tái cơ cấu hướng đến nền nông nghiệp giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian tới, thu hút FDI vào nông nghiệp sẽ chú trọng vào các dự án có giá trị gia tăng, có tính lan tỏa và sử dụng công nghệ cao và tiên tiến trên thế giới, để qua đó có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp trong nước, tạo nên các sản phẩm nông sản mang thương hiệu quốc gia.

“Hiện Bộ NN&PTNT đang dự thảo chính sách đặc thù để thu hút FDI vào nông nghiệp. Theo đó, không phải tất cả các DN FDI đều được hưởng ưu đãi mà sẽ hỗ trợ ưu đãi một số nhóm FDI cụ thể theo một số tiêu chí: Có khả năng tạo việc làm, thu hút công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng. Đối với những nhóm DN được ưu tiên thì sẽ đưa ra những hỗ trợ như: có thể được miễn hoặc giảm một phần thuế, phí, hoặc có thể hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực cho lực lượng lao động người Việt Nam làm việc trong các DN FDI đó”, TS. Nguyễn Anh Phong cho biết.

Ngành nông nghiệp vẫn khó thu hút vốn ngoại dù nhiều chính sách ưu đãi


Để tận dụng được cơ hội, ngành nông nghiệp cần thay đổi chính sách khuyến khích và thúc đẩy đầu tư; đồng thời, cần có một chiến lược, định hướng dài hạn thu hút vốn đầu tư nước ngoài; tập trung nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng sản phẩm để có thể tăng sức hấp dẫn của nông nghiệp Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Qua 30 năm thu hút FDI vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đã thông hiểu phong tục tập quán, con người, môi trường, chính sách thu hút đầu tư... cộng với lợi thế về vốn và công nghệ, năng lực quản lý, thương hiệu và thị trường chính là những thuận lợi rất lớn.

Những DN Việt Nam và DN FDI tiên phong trong đầu tư vào nông nghiệp đã và đang gặt hái thành công chính là tấm gương và kinh nghiệm tốt cho các nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư vào nông nghiệp./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51

Standard Chartered Việt Nam và Hoa Kỳ hợp tác đầu tư năng lượng sạch

Ngày 16/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam công bố việc ký kết Bản ghi nhớ giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, với cam kết thúc đẩy tài chính xanh và phát triển ngành năng lượng sạch tiên tiến tại Việt Nam.
2024-04-19 09:42:00

Hải Phòng chi hơn 1,3 tỷ đồng tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên

UBND TP. Hải Phòng ban hành Kế hoạch 93/KH-UBND về triển khai các hoạt động thăm, tặng quà thân nhân liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, là những người đã có nhiều cống hiến, hi sinh… trong chiến dịch lịch sử.
2024-04-19 08:15:51
Đang tải...