Hiệu may đặc biệt

2016-06-20 08:55:13 0 Bình luận
Trên địa bàn thành phố Vinh có hàng trăm hiệu may, nhưng hiệu may Phúc Danh ở đường Chu Văn An là địa chỉ đặc biệt của những con người khuyết tật đang vươn lên số phận! Từ người không bình thường, thành người bình thường lạc quan, yêu đời, tự lo cho bản thân, gia đình, không làm phiền đến ai, hòa nhập với cộng đồng. Và nữa, họ còn giúp đỡ, chia sẻ, động viên người đồng cảnh.
Trên địa bàn thành phố Vinh có hàng trăm hiệu may, nhưng hiệu may Phúc Danh ở đường Chu Văn An là địa chỉ đặc biệt của những con người khuyết tật đang vươn lên số phận! Từ người không bình thường, thành người bình thường lạc quan, yêu đời, tự lo cho bản thân, gia đình, không làm phiền đến ai, hòa nhập với cộng đồng. Và nữa, họ còn giúp đỡ, chia sẻ, động viên người đồng cảnh.
 
Tôi tìm đến hiệu may. Hóa ra, ngôi nhà đó có số, nhưng không ở mặt đường, phải đi theo con ngõ, hẹp, dài.
 
Hiệu may, cũng là nhà ở cấp bốn, mới được tu sửa lại, gọn gàng, ngăn nắp. Trong phòng may có nhiều loại vải, áo quần của khách treo trên dây kín cả bức tường. Khoảng trống bức tường trước mặt người đang cắt vải là các bức ảnh tập thể của trường học, các cầu thủ nổi tiếng, bạn bè…
 
Hiệu may lúc ấy có bốn người trẻ trung, hai nam, hai nữ đang chăm chỉ làm việc. Chàng trai chăm chú cắt vải dừng tay khi có khách, anh có ánh mắt tươi vui như cười, chỉ vào các loại vải đang treo, lại chỉ vào tôi. Cô gái trẻ ngồi trước máy vắt vải mời tôi vào nhà, nói: “Anh Phúc Danh, chồng em, anh ấy hỏi chị vải có đẹp không? Anh ấy không nghe, không nói được chị ạ!”.
 
Danh bị khiếm thính từ nhỏ, cha mẹ đã đưa đi thăm khám nhiều nơi nhưng tình hình không có khả quan. Danh không thể đến trường với bạn: mặc cảm, tự ti, thu mình lại, chỉ nem nép quẩn quanh bên mẹ.
 

Phúc Danh đang làm việc tại hiệu may. 


Nhà có bốn anh em, bố lại bị bệnh, sức mẹ không kham nổi việc chăm sóc đặc biệt cho Danh hàng ngày. Năm bảy tuổi, người mợ làm việc ở thành phố Vinh đã bàn với chú, đưa Danh từ quê (Quỳnh Lưu) vào Vinh chung sống với các em, thuận tiện cho việc chăm sóc nuôi nấng dạy dỗ, đỡ gánh nặng cho anh chị.
 
Vào thành phố, họ lại đưa Danh đi chữa bệnh ở các bệnh viện lớn, với hy vọng tương lai của cháu sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng kết luận của các bệnh viện giống nhau: Bệnh bẩm sinh, không chữa được!
 
Họ ngậm ngùi đưa cháu về nhà, nhưng không phải vì thế mà nản lòng. Môi trường sống ở thành phố, có bạn bè mới, cùng với tình cảm chăm sóc của họ hàng, Danh mở cõi lòng đón nhận, không mặc cảm tự ti.
 
Thấy Danh thay đổi thái độ sống, cậu mợ mừng rơi nước mắt, đưa cháu vào học ở trường khuyết tật của tỉnh. Ở trường, nhiều bạn cùng hoàn cảnh chia sẻ, động viên, là động lực phấn đấu khiến Danh tiến bộ lên rất nhiều.
 
Lớn dần theo năm tháng, sức khỏe tốt do rèn luyện, Danh đã từng là đội trưởng đội bóng đá của trường, đã được đi thăm lăng Bác Hồ, đã từng dẫn đội bóng đi giao lưu với các bạn ở miền Nam. Mỗi lần gặp gỡ, giao lưu, là một lần học hỏi, là kỷ niệm đẹp trong đời, Danh vui vẻ đưa ra cả tập anbum với hàng trăm tấm ảnh chung với bạn bè, thầy cô, và các cầu thủ nổi tiếng, như Huỳnh Đức chẳng hạn.
 
Danh rất tự tin trong từng nét chữ, việc làm. Nhìn những tấm ảnh được chú thích từng cái một cẩn thận, ánh mắt của Danh như cố nén xúc động với cuộc đời, nỗi niềm se sắt, sâu thẳm không nói nên lời!
 

 
Danh không được may mắn, hoàn thiện về hình thể, nhưng tâm hồn Danh dần dần hoàn thiện, điều đó không phải người bình thường nào cũng có được. Cái nhìn đời của Danh mạnh mẽ hơn, tươi trẻ, sự tận tụy gần gũi của Danh với bạn bè đồng cảnh. Đó là cái “giàu có” của Danh do bản thân đem lại.
 
Vợ Danh kể, anh ấy có nhiều ước mơ, muốn được như bao người bạn cùng trang lứa, muốn được vào đại học, có kiến thức, thử thách mình ở môi trường khác, sự trưởng thành. Danh làm đơn dự thi vào trường Đại học dân lập Lạc Hồng (Biên Hòa - Đồng Nai), nơi đào tạo giáo viên khiếm thính để dạy ở các trường khuyết tật. Đây là một dự án của nước ngoài liên kết với Đại học Lạc Hồng. Chiều theo ý cháu, người mợ lọ mọ đưa cháu lên đường. Năm ấy, trường khuyết tật của tỉnh có hai mươi ba thí sinh cùng dự tuyển, nhưng cuối cùng chỉ Danh trúng tuyển. Người nước ngoài bao giờ cũng khắt khe, nghiêm túc và tiêu chuẩn đặt ra tuyển người bao giờ cũng cao. Chính thế, chương trình liên kết với nước ngoài của trường Đại học Lạc Hồng năm ấy không đủ học sinh để hình thành khóa học sáu năm. Đã có ý kiến, một năm không tuyển đủ học sinh thì hai năm tuyển đủ, sẽ mở lớp. Nhưng hai năm, rồi nhiều năm tiếp theo, không hiểu vì lý do gì trường Đại học Lạc Hồng không thấy gọi số học sinh trúng tuyển vào trường như kế hoạch ban đầu. Và ở Việt Nam, cho đến bây giờ cũng chưa có trường đại học nào có chương trình dành riêng cho người khiếm thính. Danh biết vậy, buồn, nuối tiếc, nhưng vẫn còn nuôi hy vọng mong manh một ngày nào đó sẽ được vào trường như mơ ước!
 
Cánh cửa con đường học hành của Danh coi như khép lại! Và Danh phải đối đầu với một thực tế: Việc làm và cuộc sống sau này? Cha đã qua đời, mẹ già yếu, cậu mợ rồi cũng già đi, còn phải lo cho các em nữa chứ.
 
Danh quyết tâm phải học nghề, việc chọn đầu tiên là làm mộc. Một việc làm không hề nhẹ nhàng, sức khỏe, kiến thức, đòi hỏi phải có tài hoa, kỹ thuật khi chạm trổ làm bàn ghế, tủ, cánh cửa… Học thành nghề, Danh đi làm với các đám thợ, siêng năng, chăm chỉ, mải miết bào, mài, đục… thu nhập với khoản tiền công đủ sinh sống cho bản thân.
 
Đi làm một thời gian, Danh có vẻ mệt mỏi, ho nhiều, liên tục, gia đình lo lắng về sức khỏe và sợ người cháu có bệnh tật gì chăng? Danh đành ngừng làm thợ mộc, chọn học nghề khác.
 
Thợ may, đấy là một nghề Danh chọn với sự định hướng của cậu mợ. Danh học may xong, có các hiệu may nổi tiếng trong thành phố Vinh đã mời làm thợ may chính với mức lương khá cao. Một thời gian làm việc thành thạo, có uy tín ở các nhà may nổi tiếng, Danh mong muốn mở hiệu may độc lập, thể hiện và trưởng thành hơn, cũng là có điều kiện để giúp đỡ bạn cùng hoàn cảnh.
 
Cậu mợ lại chiều theo ý cháu, vất vả gom góp vốn mở hiệu may cho cháu từ năm 2006 tới giờ.
 
Với nghề này, Danh trưởng thành, vượt lên số phận, vượt lên hoàn cảnh để tự tin hơn, tự hào là người bình thường tử tế, giúp 3 người bạn đồng cảnh có việc làm hàng ngày. Trong việc may, Danh trọng chữ tín: Chất lượng vải, các đường may sắc nét. Danh tình cảm với khách hàng, luôn đúng hẹn, chu đáo. Xem quyển sổ ghi tên khách hàng, thấy có nhiều tổ chức đặt may áo quần cho cả tập thể: Công sở, trường học. Có cả nơi xa xôi tận miền tây xứ Nghệ như: Con Cuông, Tương Dương, Anh Sơn… cũng tìm đến hiệu may Phúc Danh.
 
Vợ Danh nhìn chồng âu yếm, nói: “Anh ấy tình cảm với bạn bè lắm, gặp nhau vài lần là thân, thân rồi, cho dù bạn ở gần hay xa tận miền Nam cũng đánh đường thăm hỏi khi ốm đau, hoạn nạn. Anh Danh làm việc gì cũng siêng năng, thích tìm tòi”. Tôi hỏi: “Các em gặp nhau trong hoàn cảnh nào mà nên vợ nên chồng?”. Hoàng Thinh cười: “Em đi học may ở Vinh rồi gặp anh Danh, chuyện cũng dài, gian nan vất vả lắm chị ạ! Hai đứa gặp nhau, biết nhau từ… cái nhìn đầu tiên. Sau đó thì viết bằng chữ ra giấy, mỗi đứa cố gắng sắm chiếc điện thoại để nhắn tin hằng ngày. Ngày ấy không phải ai cũng ủng hộ chuyện riêng của chúng em đâu. Anh ấy không nghe, không nói được, em thì phải giải thích với mọi người bằng nước mắt. Nhiều khi, chúng em ngồi bên nhau để… nhắn tin, nói chuyện”.
 
Giờ thì vợ chồng trẻ đã có đứa con trai ba tuổi. Phúc Danh nhìn tôi và người vợ trẻ nói chuyện, cười, gật đầu ra vẻ đã hiểu! Tôi hỏi Phúc Danh: “Em đã trải qua bao gian nan vất vả ở cuộc đời, từ người không bình thường, có cuộc sống bình thường như bao người khác. Đó là cả một quá trình nỗ lực phi thường đầy mồ hôi, nước mắt của em, của cậu mợ và người thân. Em có ước mơ gì nữa không?”.
 
Danh chăm chú đọc chữ trên tờ giấy tôi vừa viết, rồi hướng cái nhìn vào người bạn thợ may, vào gian phòng nhỏ, vào lối ngõ hẹp dài. Người vợ trẻ giải thích: “Anh ấy muốn hiệu may rộng hơn, vị trí gần đường phù hợp cho việc khách tìm địa chỉ, không phải đi trong ngõ hẹp, vất vả việc cất xe. Anh ấy còn muốn có điều kiện để giúp được nhiều người bạn đồng cảnh…”.
 
Tôi nghe, và hiểu rằng, ước mơ của Danh là, ai chẳng muốn cuộc sống của mỗi người càng ngày càng tốt đẹp hơn lên. Danh thương bạn, muốn bạn bè cũng có mái nhà ấm áp, có việc làm. Ừ, giá như có tổ chức nào của nhà nước, của người có lòng hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ, để Danh thực hiện được ước mơ!

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...