Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp: Hiệu quả và sức lan tỏa

2019-05-24 16:19:22 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Thường được đánh giá là đối tượng cho vay khá rủi ro do tính minh bạch, năng lực quản trị yếu… nhưng hiện nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vay vốn thông qua chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp (DN) ngày càng hiệu quả và sức lan tỏa mạnh.

Hiệu quả và sức lan tỏa từ kết nối

Nhằm triển khai các Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19/NQ-CP (2014, 2016, 2018) và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, tập trung triển khai quyết liệt 6 nhóm giải pháp nhằm cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng, hỗ trợ và phát triển DN, trong đó trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, NHNN đã quyết liệt triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân và DN tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu về vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các cơ chế, chính sách, giải pháp về tiền tệ và ngân hàng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và chương trình, chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của DN nói riêng thường xuyên được hoàn thiện, bổ sung phù hợp yêu cầu phát triển của nền kinh tế và DN; 


Tăng cường kết nối để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

Hệ thống ngân hàng cũng đã luôn chủ động, tích cực tìm kiếm và dành nguồn vốn ưu đãi cho DN, triển khai có hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù hoạt động của từng loại doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV; nhiều chương trình gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt đối với khách hàng có phương án kinh doanh hiệu quả, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, NHNN; giúp cộng đồng DN tận dụng lợi thế để tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh. Thủ tục cho vay đối với DN không ngừng được cải tiến theo hướng rõ ràng, minh bạch, đơn giản và phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Theo đó, từ năm 2014, NHNN đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai rộng rãi trên toàn quốc Chương trình kết nối ngân hàng - DN. Ngành Ngân hàng đã tổ chức nhiều buổi gặp gỡ DN để lắng nghe phản ánh của các doanh nhân để cùng các Sở, ngành, chính quyền các cấp tháo gỡ cho DN những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương. Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%, trong 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018; trong đó tín dụng cho doanh nghiệp đạt 4.009.160 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tín dụng cho DNNVV đạt 1.307.000 tỷ đồng, tăng 15.57% , chiếm tỷ trọng 18% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương triển khai tích cực các hoạt động hỗ trợ DN, đặc biệt đi đầu trong cả nước về triển khai có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng – DN. Các hình thức kết nối được tổ chức phong phú, đa dạng như: ký kết cho vay theo chuyên đề (nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...) giữa ngân hàng và DN trên địa bàn; tổ chức kết nối do UBND các quận, huyện chủ trì phối hợp với NHNN chi nhánh thành phố, các tổ chức tín dụng (TCTD) và các đơn vị, tổ chức khác trên địa bàn; các TCTD chủ động xây dựng và đăng ký triển khai các Gói tín dụng cho vay đối với khách hàng là cá nhân, tổ chức trên địa bàn với lãi suất ưu đãi.

Kết quả trong năm 2018, các TCTD trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã cho vay theo Chương trình được 10.593 khách hàng với số tiền 285.544 tỷ đồng; trong đó giải ngân cho vay theo Gói tín dụng ưu đãi lãi suất là 269.493 tỷ đồng cho 10.092 khách hàng với lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 6,5%/năm, trung dài hạn xoay quanh 9%/năm.

Kết quả triển khai Chương trình kết nối ngân hàng – DN đã góp phần giúp TP.Hồ Chí Minh đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 14,69%, dư nợ cho vay DNNVV đạt 346.248 tỷ đồng, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố đạt 8,3%.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến cuối tháng 03/2019, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đã đạt khoảng 3.181.158 tỷ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2018; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 1.919.546 tỷ đồng, tăng 2,59% so với cuối năm 2018, trong đó: (i) dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 144.608 tỷ đồng; (ii) dư nợ cho vay DNNVV đạt 308.344 tỷ đồng; (iii) dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 161.961 tỷ đồng; (iv) dư nợ cho vay theo Chương trình kết nối ngân hàng – DN đạt 523.260 tỷ đồng.

Các kết quả trên đã cho thấy những cố gắng của ngành Ngân hàng, các DN trong thời gian qua, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế hai trung tâm kinh tế xã hội TP.Hồ Chí Mnh và Thủ đô cũng như hiệu quả của Chương trình kết nối ngân hàng – DN.

Tập trung vốn cho các sản phẩm chủ lực

Theo Báo cáo của NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, từ năm 2012 trở lại đây với việc mở ra chương trình tín dụng kết nối giữa các TCTD và DN trên địa bàn, hoạt động hỗ trợ vốn vay đối với DN trong mọi lĩnh vực ở TP.Hồ Chí Minh đã phát triển sôi động, nguồn vốn từ ngân hàng đã chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhiều hơn và gắn kết chặt chẽ với các nhu cầu thực tiễn từ cộng đồng DN.

Theo kiến nghị của nhiều DN tại TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua với chủ trương đẩy mạnh khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh đã ban hành danh mục 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và một nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng giai đoạn 2018-2020. Vì vậy, cộng đồng DN đề nghị các TCTD trên địa bàn tập trung tháo gỡ những khó khăn về điều kiện tiếp cận vốn để các DN khối ngành như cơ khí-điện tử; nhựa-hóa dược- cao su; chế biến tinh lương thực-thực phẩm… có nguồn vốn đầu tư dài hạn và vốn lưu động thường xuyên phục vụ sản xuất, kinh doanh.


Cần có giải pháp để phát triển doanh nghiệp bền vững

Theo phản ánh của đại diện Công ty Cơ khí Đại Vũ và một số DN ngành thực phẩm, vướng mắc cơ bản nhất mà hầu hết các DN gặp phải hiện nay là đất nông nghiệp được các ngân hàng định giá thấp so với giá thị trường; hay việc DN thuê đất tại khu công nghiệp không thể dùng hợp đồng thuê để thế chấp vay vốn. Trong khi đó, các TCTD cũng chưa thể nới rộng các tỷ lệ cho vay không có tài sản đảm bảo. Vì vậy những nút thắt này cần được các cấp chính quyền TP.Hồ Chí Minh, NHNN và các TCTD cùng xem xét để nới thêm hạn mức cho vay đối với các DN có tiềm năng phát triển.

Ghi nhận kiến nghị của các DN, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh cho rằng, trong năm nay chính quyền thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN cả về tài chính lẫn các thủ tục đầu tư. Riêng ở góc độ vốn tín dụng, UBND TP.Hồ Chí Minh sẽ đề nghị NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh và các TCTD tiếp tục bám sát, mở rộng các chương trình kết nối ngân hàng – DN, cho vay bình ổn thị trường, cho vay kích cầu đầu tư. UBND TP.Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo các sở, ngành tích cực tháo gỡ những nút thắt liên quan đến việc cấp bù lãi suất đối với các khoản vay được ngân sách hỗ trợ. Các thủ tục về cấp giấy chứng nhận sản phẩm chủ lực cũng sẽ được tiến hành thực hiện sớm để hỗ trợ DN mở rộng thị trường và tận dụng các lợi thế cạnh tranh.

Về phía ngành Ngân hàng, Lãnh đạo NHNN khẳng định, thông qua các chương trình kết nối ngân hàng – DN trong suốt các năm qua, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của cộng đồng DN đã được ghi nhận và hiện thực hóa vào chính sách tín dụng, chính sách tiền tệ. Trong năm nay, NHNN cam kết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định lãi suất, tỷ giá để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN.

Nhấn mạnh TP.HCM là “cái nôi” của chương trình kết nối ngân hàng – DN để từ đó nhân rộng ra các tỉnh thành khác trên cả nước, việc tiếp tục mở rộng, đào sâu hiệu quả của chương trình tín dụng kết nối là rất cần thiết và NHNN sẽ tích cực hỗ trợ tháo gỡ tất cả các vướng mắc liên quan đến pháp lý để tạo điều kiện cho DN hợp tác chặt chẽ với các TCTD.

Đại diện BIDV cho biết, với phương châm đồng hành cùng DN, BIDV luôn ưu tiên triển khai các chương trình tín dụng lãi suất để hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh cho DN nói chung, DNNVV nói riêng với quy mô hỗ trợ hàng năm lên đến gần 200.000 tỷ đồng, trong đó đối tượng DNNVV quy mô hỗ trợ khoảng 80.000 tỷ đồng. Năm 2018, các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi đã hỗ trợ cho vay cho 8.500 khách hàng DN với doanh số giải ngân đạt khoảng 265.000 tỷ đồng, dư nợ đạt khoảng 115.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 18% so với tổng dư nợ khách hàng doanh nghiệp tại BIDV…

Để nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng đặc thù nhằm hỗ trợ DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay cho sản xuất, kinh doanh của DN, thời gian tới, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN; tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, và Nghị quyết 02 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Ngoài ra, NHNN còn tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ; hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, hỗ trợ vốn thông qua Quỹ phát triển DNNVV./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Cựu chiến binh xã Quảng Lưu xây dựng quỹ kết nối con em đồng hương ở TP.HCM

Sáng 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 10:25:00

Giải pháp phát triển nhà ở xã hội

Để hướng tới mục tiêu một triệu căn hộ trong 10 năm nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, Bộ Xây dựng cần chủ trì phối hợp với các địa phương để có đánh giá tổng thể về nhu cầu nhà ở theo từng phân khúc, để có tham mưu cơ chế chính sách sát thực tế.
2024-04-19 09:57:41

Việt Nam và Australia hợp tác phát triển thị trường điện cạnh tranh

Ngày 17/4, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (ERAV) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác nhằm hỗ trợ phát triển thị trường điện cạnh.
2024-04-19 09:47:51
Đang tải...