"Khơi thông" kết nối doanh nghiệp - ngân hàng vùng Đồng bằng sông Cửu Long

2019-10-20 21:11:05 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng kinh tế năng động với nhiều tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, đóng góp 4/7 mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch trên 1 tỉ USD. Song, tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng (NH) vẫn còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp (DN) cần sự đồng hành của NH để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Theo số liệu thống kê của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn 13 tỉnh khu vực ĐBSCL, hiện có gần 55.000 DN thành lập và hoạt động, với mạng lưới 350 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và trên 150 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn khu vực ĐBSCL, tín dụng của khu vực những năm qua liên tục tăng và đạt bình quân khoảng 15% giai đoạn 2015 - 2018. Đến cuối tháng 7/2019, dư nợ tín dụng của khu vực đạt gần 624 nghìn tỉ đồng, tăng 7,76% so với cuối năm 2018 và cao hơn mức tăng trưởng chung đối với nền kinh tế 7,46%. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn đạt trên 340 nghìn tỉ đồng, tăng 14,8%; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch dư nợ đạt khoảng 2.000 tỉ đồng..., lĩnh vực DN nhỏ và vừa tăng 6,3%; xuất khẩu tăng 3,7%. Tín dụng đối với một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù là thế mạnh của khu vực có tốc độ tăng trưởng khá như: thủy sản tăng 8,45%, đặc biệt là lúa gạo tăng 13,92%.


Quang cảnh Hội nghị kết nối ngân hàng – DN Vùng ĐBSCL


Trong các tháng đầu năm vừa qua, thông qua các hội nghị kết nối NH – DN, các tổ chức tín dụng (TCTD) tại ĐBSCL đã giải ngân cho vay mới gần 71.300 tỉ đồng với trên 4.400 DN và một số đối tượng khác. Bên cạnh việc cho vay mới, các TCTD cũng đã cơ cấu lại nợ cho một số DN trên địa bàn, thực hiện các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, nâng hạn mức cho vay trên 250 DN với tổng dư nợ được hỗ trợ là trên 3.720 tỉ đồng.

Đại diện lãnh đạo Agribank cho biết, tính đến cuối tháng 7/2019 dư nợ cho vay của NH này tại khu vực ĐBSCL đạt 151.000 tỉ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank trên cả nước và tăng 5% so với đầu năm, hơn nhiều so với mức tăng chung của hệ thống là 1,2%. Đặc biệt 15 chi nhánh của Agribank tại khu vực ĐBSCL đã tập trung phát triển cho vay liên kết chuỗi, khuyến khích khách hàng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, DN nào thực hiện đủ cả 3 khâu cung ứng – sản xuất – tiêu thụ sẽ được giảm 1,5% lãi suất tiền vay so với lãi suất lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các mô hình chỉ thực hiện 2 trong số 3 khâu, NH cũng hỗ trợ giảm 1% lãi suất để khuyến khích hoàn thiện liên kết chuỗi…

Với VietinBank, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó tổng giám đốc thông tin, đến cuối tháng 6/2019 có 328 khách hàng DN được NH này cho vay với lãi suất ưu đãi thông qua chương trình kết nối với tổng dư nợ đã giải ngân đạt trên 11.300 tỉ đồng. Một số DN thuộc lĩnh vực ưu tiên có xếp hạng tín dụng tốt, tài chính minh bạch được NH cho vay thấp hơn mức 6,5%/năm. “Thông qua chương trình kết nối NH – DN, nhiều kiến nghị chính đáng từ phía các khách hàng đã được hệ thống VietinBank giải quyết rốt ráo”, ông Dũng nhấn mạnh…

Nhìn chung cộng đồng DN đều đánh giá cao và trân trọng sự đồng hành của các NHTM trong việc hỗ trợ vốn, cũng như hợp tác tháo gỡ những khó khăn về tiếp cận vốn cho DN. Việc các NHTM ngày càng đi sâu vào chương trình kết nối là cơ hội để DN không những tranh thủ được nguồn vốn rẻ, mà có thể hoàn thiện hệ thống quản trị tài chính của đơn vị.

Bà Dương Thị Bích Diệp (Cty CP Lavifood – Long An) cho biết, chính sự đồng hành của các NHTM đã giúp Lavico phát triển chuỗi nhà máy, trang trại chế biến nông sản ở nhiều tỉnh, thành trên địa bàn các tỉnh, thành phía Nam như Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng. Đặc biệt, việc các NH lắng nghe, cùng DN tháo gỡ những “nút thắt” khi tiếp cận vốn chính là tạo ra động lực để DN dám nghĩ, dám làm những dự án mới, có quy mô lớn.

Ở phía các DN khởi nghiệp, ông Phạm Tiến Hoài, Giám đốc Cty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh (Cần Thơ) cũng nhấn mạnh rằng, sự tin tưởng của các NHTM khi mạnh dạn cấp tín dụng cho các dự án lĩnh vực nông nghiệp chính là yếu tố sống còn của các ý tưởng khởi nghiệp. Lấy ví dụ từ chính DN của mình, ông Hoài cho biết, mặc dù mới chỉ bắt đầu phát triển trong vòng 2-3 năm gần đây, nhưng hiện nay kim ngạch xuất khẩu của công ty đã đạt trên 7 triệu USD/năm. Mỗi tháng DN cần khoảng 30-50 tỉ đồng để thu mua nguyên liệu chế biến nước ép và hoa quả sấy dẻo.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN thừa nhận hoạt động tín dụng đối với DN, người dân vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn, một số khách hàng không trả được nợ vay khi đến hạn. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ nhất là xuất khẩu thiếu ổn định, cạnh tranh gay gắt, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng giảm, vấn đề chất lượng sản phẩm, hạn chế trong liên kết, ứng dụng công nghệ cao... trong khi thiếu các cơ chế, các quỹ dự phòng để xử lí rủi ro phát sinh, đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tín dụng.

Theo TS. Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN cho biết, các DN ở ĐBSCL hiện đang gặp nhiều khó khăn khách quan xuất phát từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, trong đó, có ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo ông Tú, những vấn đề nội tại của ĐBSCL như liên kết vùng còn hạn chế, triển khai chủ trương ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp chưa như kì vọng đã dẫn đến giải ngân cho mô hình kinh doanh này cũng không như mong đợi.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, tại ĐBSCL, trong 2 quí đầu năm 2019, các TCTD đã giải ngân cho 4.400 DN và một số đối tượng khác vay mới đạt gần 71.300 tỉ đồng. “Bên cạnh đó, cơ cấu lại nợ như giảm lãi suất, nâng hạn mức cho vay trên 250 DN với tổng dư nợ được hỗ trợ là 3.720 tỉ đồng”, ông cho biết. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cho vay theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế do chưa có nhiều mô hình liên kết hiệu quả; vẫn còn tình trạng phá vỡ cam kết hợp đồng liên kết do thiếu chế tài ràng buộc; nhiều DN chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao một cách bài bản…, gây khó khăn cho NH khi thẩm định cho vay và thu hồi nợ. “Nhiều DN vừa và nhỏ, thì chưa đáp ứng được điều kiện vay”, ông cho biết.

Còn theo vị đại diện Ngân hàng ACB chi nhánh An Giang, vấn đề lớn để NH quyết định cho vay là phải có tài sản đảm bảo. “Nhưng, đa phần đất của DN là đất thuê có thời hạn, cho nên, khi thế chấp, NH chỉ định giá theo thời hạn còn lại được sử dụng, dẫn đến không đúng theo giá trị thị trường”, vị này cho biết và nói rằng có trường hợp DN trả tiền thuê đất trong khu công nghiệp một lần, nhưng chủ đầu tư lại trả tiền thuê cho nhà nước theo từng năm, cho nên, không thể thế chấp hoặc NH không thể định giá.

Trong khi đó, về phía DN - những người có nhu cầu vay vốn - lại than phiền khó tiếp cận được nguồn tín dụng từ NH, dù họ có nhu cầu thật sự. Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo, ông Đoàn Huỳnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Kiên Giang cho biết, mỗi năm đơn vị này mua vào và bán ra khoảng 270.000 - 300.000 tấn sản phẩm với nhu cầu vốn bình quân trên 1.300 tỉ đồng/năm, trong đó, nguồn vốn tín dụng lên đến trên 1.000 tỉ đồng.


Sản phẩm chế biến từ cá tra đem về kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ USD hằng năm


Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, đơn vị này còn gặp một số khó khăn cần sự hỗ trợ từ chính quyền cũng như TCTD. Cụ thể, ông Dũng cho biết, vụ lúa đông xuân 2018 - 2019 có thời gian thu hoạch rộ vào khoảng tháng 3/2019. Khi đó, Chính phủ có chủ trương chỉ đạo các ngân hàng phối hợp với DN để mua lúa tạm trữ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. “Công ty đã được BIDV và Vietcombank hỗ trợ tham gia mua tạm trữ, tuy nhiên, mức hỗ trợ còn thấp so với nhu cầu, năng lực tạm trữ của chúng tôi”, ông cho biết.

Theo ông, để có đủ nguồn vốn, công ty buộc phải vay thêm vốn của NH khác với lãi suất cao và điều kiện cho vay khắt khe hơn như: DN phải có hợp đồng đầu ra, trong khi thời điểm đầu năm thường DN chưa ký được nhiều hợp đồng. “Do đó, DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện mua theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của công ty, trong đó, có mua tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ”, ông cho biết.

Từ những khó khăn như trên, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Cty TNHH Huy Long An kiến nghị cần có cơ chế bảo vệ cán bộ tín dụng khi xúc tiến cho vay đầu tư vào nông nghiệp. Bởi, khi gặp những trường hợp rủi ro bất khả kháng như dịch tả heo châu Phi hay dịch bệnh trên tôm…, thì cán bộ tín dụng là người phải chịu tội.

“Cần đào tạo cán bộ tín dụng tinh thông nghề nghiệp với từng ngành hàng”, ông Huy đề xuất và giải thích vì am hiểu mới dễ dàng đưa ra quyết định khi đi thẩm định các dự án đầu tư.

Về việc cho vay thế chấp, ông Huy đề nghị cần thay đổi cách định giá tài sản, mà cụ thể nên định giá theo giá đất của tỉnh. “Ví dụ, Agribank định giá đất của Cty ở huyện Đức Huệ, Long An chỉ hơn 20 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với giá thị trường, đã đầu tư hơn 100 tỉ đồng”, ông cho biết.

Còn ông Dũng đề xuất, NH cần linh hoạt trong cơ chế cho vay. “NH nên hiểu những khó khăn, thách thức cũng như những tiềm năng của DN về tình hình tài chính để từ đó đặt niềm tin vào sự phát triển của DN”, ông cho biết.

Trên thực tế, DN hoạt động tại ĐBSCL đến 97% là DN vừa và nhỏ, năng lực tài chính, quản trị hạn chế và tiếp cận vốn NH còn vướng do thiếu phương án tài chính, không có tài sản thế chấp đảm bảo, phương án kinh doanh thiếu khả thi… nên khó thuyết phục NH. Các DN đang hoạt động tại ĐBSCL trong ngành lúa gạo, thực phẩm, rau quả… mong muốn ngân hàng nới lỏng các điều kiện cho vay, đồng hành và chia sẻ cùng DN để DN có thể chủ động hội nhập, tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản toàn cầu. Các DN cũng kiến nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ những khó khăn của DN liên quan đến: quy hoạch, tổ chức sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ nhất là thị trường xuất khẩu… để hỗ trợ cho hoạt động của DN.

Nhiều DN cho rằng, vốn NH là “mạch máu, hơi thở” của DN nhưng để NH và DN gặp nhau, cùng chung tiếng nói vẫn còn một số lấn cấn. Đơn cử việc triển khai Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp có nhiều điểm mới như: tăng hạn mức cho vay, khuyến khích DN đầu tư chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến… nhưng khi DN thực hiện thủ tục, hồ sơ vay vốn thì một số TCTD còn lúng túng trong hướng dẫn DN và DN cũng khó khăn khi tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư chuỗi giá trị nông nghiệp theo Nghị định 116.

Các DN ngành lúa gạo, nông sản chế biến đang hoạt động tại ĐBSCL cũng cho biết, DN có được ưu đãi vốn từ một số NHTM nhà nước, nhưng khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh thì hạn mức đã hết và DN muốn vay thêm rất khó. Do đó, DN phải chọn vay NHTM ngoài nhà nước và lãi suất cao hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của DN do chi phí vốn cao.

Doanh nghiệp kiến nghị để mở rộng vốn tín dụng cho DN ngành nông nghiệp, NHNN cần phải có cơ chế bảo vệ cán bộ tín dụng, tập huấn nghiệp vụ cho họ thẩm định và hiểu rõ ngành nghề mình đang thẩm định. Như đối với con cá, trái cây, con tôm, cây lúa,... cán bộ NH phải hiểu rõ từng loại về quy trình sản xuất, phát triển và những rủi ro. Khi họ hiểu được hết thì mới mạnh dạn duyệt hồ sơ cho vay và DN mới có đủ vốn sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển.


Thu mua, chế biến gạo XK tại Công ty CP Gentrao – TP. Cần Thơ


Từ phản ánh của DN tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành NH sẽ triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành NH nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng. Ngoài NH, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong vùng để giúp cộng đồng DN tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường tiêu thụ và góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.

Phó thống đốc thường trực NHNN đề xuất, phải tiếp tục xem đối thoại, kiến nghị và kết nối DN là biện pháp để xử lý vấn đề vốn vay. “Giám đốc NHNN và giám đốc các NHTM phải chỉ đạo các chi nhánh trên địa bàn 13 tỉnh/thành ĐBSCL ít nhất hàng quí phải tổ chức hội nghị này”, ông đề xuất và gợi ý có thể đi sâu cụ thể vào từng lĩnh vực ngành hàng.

Theo ông Tú, các NHTM cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính và đồng thời phải đánh giá cho đúng giá trị tài sản của DN đi vay. “Tài sản của DN 10, ngân hàng đánh giá có 5 và sau đó cho vay 70% của 5 đó, thì thấp quá”, ông nói và yêu cầu tiếp tục tháo gỡ cho DN nhỏ và vừa trong tiếp cận vốn.

Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng ổn định, bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô; các yếu tố như tỷ giá, lãi suất (cả huy động và cho vay) đều được NHNN chỉ đạo giữ ổn định. Về phía hệ thống NHTM cần đảm bảo đủ vốn cung ứng cho các lĩnh vực kinh tế ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh với mức lãi suất vay ưu đãi, hợp lí./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18
Đang tải...