Lặng mình bên Trường Sơn huyền thoại

2017-08-29 15:01:17 0 Bình luận
Bắt đầu từ bến phà Xuân Sơn nơi đường Trường Sơn chia làm 2 nhánh Đông - Tây, tôi thực hiện cuộc hành trình thiên lý dọc con đường Trường Sơn huyền thoại qua đất lửa Quảng Bình. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn thanh niên xung phong (TNXP) đã tập trung ở mảnh đất này để mở đường vô tiền tuyến lớn miền Nam.

Và bom đạn của kẻ thù đã cướp đi tuổi thanh xuân của rất nhiều chàng trai, cô gái ở dọc tuyến đường này. Dưới những tán rừng già, những dòng suối cạn như đâu đây vẫn còn văng vẳng tiếng cười, tiếng nói của những người còn mãi ở lại núi rừng.

Mãi mãi tuổi 20

"Trường Sơn ơi! Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió…" - bài ca bất hủ về Trường Sơn của một thời oanh liệt đưa chúng tôi đến ngã ba Khe Ve, đèo Mụ Giạ, Đồi 37, suối Rụng Tóc, đèo Đá Đẻo… những địa danh chỉ mới được đặt tên qua từng trận đánh của Bộ đội Trường Sơn và TNXP trong thập niên 60,70 của thế kỷ trước.


Ngã ba Khe Ve, điểm tiếp nối Đông - Tây đường Trường Sơn.


Khi cả hậu phương lớn miền Bắc hướng về chiến trường lớn miền Nam, hàng vạn thanh niên, học sinh từ biệt thầy cô, bạn bè, gia đình xung phong lên đường vào Nam chiến đấu.

Đường Trường Sơn qua đất Quảng Bình là nơi họ đến. Trong rất nhiều cuốn nhật ký, hồi ký của những người một thời ra trận đều có những trang viết đầy tài hoa và hoài niệm về các cung đường Trường Sơn trên mảnh đất Quảng Bình.

"Đêm đầu tiên đến đường Trường Sơn, nghe tiếng bom đạn rùng rợn chúng tôi không sao ngủ được. Lần đầu tiên xa quê hương, đi đánh Mỹ, phần nhớ nhà, nhớ bạn bè thân thuộc, phần vì tiếng bom đạn vang cả núi rừng. Nhiều người nghĩ: Cái ngày trở lại thăm quê hương có khi có có khi không. Cứ thế thao thức, nước mắt chảy dài…".

Tuổi thơ của tôi không phải đi qua chiến tranh. Tuổi trẻ của tôi trưởng thành cùng sự chuyển mình đổi mới của đất nước. Đọc nhiều sách, báo viết về đường Trường Sơn, nhưng giờ đây rong ruổi trên đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) hôm nay tôi thực sự nghiêng mình và khó tưởng tượng; bằng cách nào mà chỉ với bàn tay, những đôi quang gánh, chiếc cào, chiếc thuổng mà TNXP, những người anh, người chị của tôi lại có thể làm nên một con đường dài hàng ngàn km len lỏi giữa rừng già trong bom đạn chiến tranh. Phải yêu đất nước hơn chính bản thân mình, phải say hơn men say thiết tha hòa bình, TNXP và Bộ đội Trường Sơn mới để cho chúng tôi hôm nay một con đường huyền thoại.

Tôi đến bên suối Rụng Tóc trên đường Trường Sơn. Con suối vẫn vậy, nước đỏ quạch màu gạch. Những ngày mở đường Trường Sơn, không có nước sinh hoạt, hàng ngàn nữ TNXP đã phải dùng nước con suối này để chống lại vắt, muỗi, nấm da. Nhưng sau một thời gian ngắn dùng nước ở suối Rụng Tóc, những mái tóc huyền dài đen mượt của nữ TNXP đã rụng gần hết, trắng cả da đầu.

Vốc vội một ít nước để rửa mặt, bạn tôi can ngăn. Không. Có hề chi, tôi chỉ rửa mặt một lần thôi ở con suối nước độc này, còn anh chị TNXP của tôi đã phải dùng nó hàng năm trời thì sao? Nước suối Rụng Tóc vẫn lững lờ trôi, im lìm ẩn chứa những câu chuyện đã thành huyền thoại của TNXP hôm nào.

Từ ngã ba Đông Dương, tôi trở lại đường 20 Quyết Thắng, cung đường biểu tượng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của lực lượng TNXP trên đường Trường Sơn. Con đường dài 124 km được xây dựng tháng 11-1965 xuyên qua núi rừng hiểm trở nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn.

Để mở con đường này, chỉ tính riêng năm 1967, mỗi cán bộ, TNXP đã phải hứng chịu hơn 200 quả bom của Mỹ. Trên tuyến đường 20, vẫn còn đó điểm di tích hang Tám Cô. Tám TNXP thuộc đơn vị C217 trong lúc làm đường đã bị bom Mỹ đánh phá vùi lấp tất cả trong hang đá lớn. Sự hy sinh của 8 liệt sĩ TNXP ở hang Tám Cô có thể nói là sự kiện bi thương nhất của lực lượng TNXP trong những năm đánh Mỹ.

Bởi ở đó, trong phút chốc 8 TNXP đã bị bom giặc "chôn sống" trong hang đá. Và phải mất gần 30 năm sau các anh, các chị mới được tìm thấy để đưa về đất mẹ. Giờ đây, không ít người dân trong và ngoài nước đã tìm đến con đường này để một lần được thắp hương cho những liệt sĩ TNXP ở hang Tám Cô. Ngày 14/11/1972, bom Mỹ đánh ác liệt vào đường 20.


Nữ TNXP làm giao liên ở Trường Sơn dẫn đường cho bộ đội vào tiền tuyến trong những năm đánh Mỹ (ảnh tư liệu).


Để tránh bom, một đội TNXP của Đại đội C217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 gồm 8 người 4 nam, 4 nữ vào hang đá trú bom. Bất ngờ một quả bom rơi xuống, đá sập che kín cửa hang. Sau trận mưa bom của kẻ thù, đồng đội đi tìm và nghe tiếng kêu, cầu cứu của các TNXP trong hang, nhưng do tảng đá hàng trăm tấn ngăn cách, nên đồng đội không biết làm thế nào để cứu họ ra khỏi hang.

Để tiếp sức cho đồng đội, nhiều bộ đội, TNXP đã dùng ống nứa luồn vào khe đá trong hang để đổ sữa vào. Cứ vậy hàng chục ngày trời tiếng kêu, gọi trong hang cứ văng vẳng, còn bên ngoài, nước mắt của TNXP ướt cả cây rừng...

Sau gần 9 ngày như vậy, những tiếng kêu cứu trong hang đá thưa dần và cuối cùng đồng đội chỉ còn nghe tiếng gọi tha thiết "mẹ ơi" rồi tất cả chìm lắng giữa rừng Trường Sơn trong buổi chiều buồn. 8 TNXP đã hy sinh, người lớn tuổi nhất khi đó mới chỉ 37 tuổi, còn 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20, tất cả họ đều có quê ở các xã Hoằng Trường, Hoằng Đạt, Hoằng Ngọc, Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đến tận năm 1996, khi làm đường qua đây, hài cốt của 8 liệt sĩ mới được đưa ra khỏi hang để trở về đất mẹ.

Cũng chính trên con đường này, có đơn vị anh chị em TNXP hy sinh chưa kịp chôn thì từng đoàn xe từ miền Bắc đi vào trận địa miền Nam, không thể để đoàn xe ứ đọng vì sợ địch phát hiện, TNXP đành phải vùi lấp tạm đồng đội hy sinh trên mặt đường để cho đoàn xe qua, sau đó mới đào bới tìm xác đồng đội.

Đưa máy ảnh lên để chụp vài bức hình, tôi lại nghĩ tới câu chuyện đầy cảm động về TNXP mở đường mà anh Lê Hùng Phi nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình kể cho nghe. Đoàn chiếu phim của Quảng Bình lên Trường Sơn chiếu phim phục vụ động viên TNXP năm 1968.

Biết được xem phim, nên từ chiều hàng trăm nữ TNXP đã không kịp ăn tối lội suối, trèo đèo đến điểm chiếu phim. Máy quay vừa lên hình thì máy bay Mỹ ập tới ném bom. Gần 20 nữ TNXP đã mất trong loạt bom đầu. Hàng ngàn TNXP và đoàn chiếu phim vỡ òa trong nước mắt khóc thương đồng đội…

Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau

Lần theo địa chỉ đường Trường Sơn, tôi tìm gặp chị Đinh Thị Thu Hiệp, người con gái anh hùng trên đèo Đá Đẻo của thời chưa xa. Suốt 10 năm, chị Hiệp lăn lộn khắp các trọng điểm ác liệt trên nhánh đường 12A và 15 Trường Sơn. Khi gặp những quả bom nổ chậm trên đèo Đá Đẻo, Hiệp yêu cầu chị em TNXP tản ra, một mình chị tìm cách chế ngự bom.

Nhận về mình phần hiểm nguy cho đồng đội sống, Hiệp trả lời tỉnh bơ "Nếu phải chết thì mình chết, để chị em sống còn làm đường cho xe vô mặt trận". Trong căn nhà ấm cúng đơn sơ, chị Hiệp hồi tưởng lại những năm tháng đầy bi thương, nhưng hào hùng lãng mạn của mình và đồng đội.

Giữa những ngày "đoàn quân trùng trùng ra trận" đi qua Trường Sơn, chị Hiệp yêu và kết duyên với anh Hoàng Khắc Đường, một đồng đội TNXP. Hai vợ chồng cùng công tác trên một cung đường, nhưng hàng năm trời họ vẫn phải xa nhau vì nhiệm vụ. Chỉ biết gửi niềm thương nỗi nhớ qua lời nhắn gửi với bạn bè.

"Chiến tranh là rứa, có nhiều chị em trong đơn vị tui cưới nhau xong chưa ở với nhau được một ngày trọn vẹn. Hôm nay cưới mai anh hoặc chị đã hy sinh khi đang làm đường" chị Hiệp nói vậy. Song dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù, nhiều đám cưới của TNXP vẫn diễn ra đầy lãng mạn giữa rừng già Trường Sơn.

Trong đám cưới cô dâu mặc quần áo màu cỏ úa, trên đầu và thân choàng tấm dù pháo sáng trắng, còn chú rể rụt rè trong bộ đồ TNXP. Chùm lan rừng, chiếc khăn quàng, hay đôi gối làm từ vỏ bọc cây rừng, những bài hát, câu thơ về Trường Sơn và những chuỗi pháo tay vang cả núi rừng là quà tặng đám cưới của bộ đội, TNXP Trường Sơn dành cho cặp uyên ương.

Từ câu chuyện của chị Hiệp, tôi tìm đến gặp chị Lời, cựu nữ TNXP quê Đồng Hới, Quảng Bình. Chị Lời là người đã nhiều lần cải trang thành nam giới trong đêm tối chỉ để được xếp hàng làm cọc tiêu cho xe vô tiền tuyến. Nói về năm tháng mở đường Trường Sơn, chị Lời bảo rằng "tui thường nói với chị em, ước răng đất nước hòa bình rồi ra đường cái mắc màn ngủ một giấc yên lành…".

Thắp một nén nhang thành kính trước nghĩa trang liệt sĩ TNXP bên đường Trường Sơn, tôi run run khi nhớ đến bức thư của liệt sĩ TNXP Nguyễn Thị Thú, Đội TNXP 75 Quảng Bình viết chưa kịp gửi cha trước lúc hy sinh; "Cuộc sống ở đây rất gian khổ, cái sống cái chết gần nhau lắm. Nhưng con không bao giờ muốn đổi một cuộc sống vật chất mà không có ý nghĩa gì.


Đoàn công tác nữ Công an Quảng Bình viếng, thắp hương ở hang Tám Cô.


Nếu con có hy sinh thì bố mẹ đừng có khóc, mà hãy tự hào về con". Một bức thư nhà, một lời hò hẹn, câu hát niềm thương… TNXP đều chia nhau như một sự động viên tự thân để hoàn thành nhiệm vụ. Họ chấp nhận xa gia đình, bạn bè, người yêu để đi theo lý tưởng mở đường Trường Sơn thống nhất đất nước. Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau.

Đi trên đường Trường Sơn hôm nay, tôi vẫn luôn ngoái đầu nhìn lại, và ở đó hình ảnh những cô gái TNXP "đứng bên đường, vai áo bạc quàng súng trường" vẫn hằn in trong nỗi nhớ, niềm thương.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Hải Phòng tổ chức thi kể chuyện theo sách

Đây là hoạt động thường niên và là năm thứ 10 TP.Hải Phòng tổ chức, hưởng ứng các hoạt động về Ngày Sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định sách và văn hóa đọc mãi trường tồn.
2024-04-20 09:09:26

Hải Phòng tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên và thân nhân

Sáng 19/4, TP.Hải Phòng tổ chức buổi gặp mặt thân nhân liệt sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến, những người đã trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
2024-04-20 08:25:46

Chia sẻ về chữ “thật” của TH true MILK tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2024

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng chất lượng sản phẩm và mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.
2024-04-19 17:55:22

Cựu chiến binh xã Quảng Hải tổ chức nhiều mô hình phát triển kinh tế

Chiều 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 16:20:00

Việt Nam nằm trong tốp đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng

Ngày 18/4, trong khuôn khổ “Tuần lễ bền vững”, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức Phiên thảo luận cấp cao về Thúc đẩy phát triển bền vững thông qua kết nối cơ sở hạ tầng.
2024-04-19 11:24:44

Cựu chiến binh xã Quảng Lưu xây dựng quỹ kết nối con em đồng hương ở TP.HCM

Sáng 19/4, Hội cựu chiến binh xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 – 2024.
2024-04-19 10:25:00
Đang tải...