Lớp học đặc biệt của "những đứa trẻ phi thường"

2016-09-08 00:46:20 0 Bình luận
Đều đặn vào mỗi chiều thứ 3, thứ 6 hằng tuần, tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương lại diễn ra một lớp học đặc biệt. Học sinh tham gia lớp học này là những em tự kỷ, bại não, khuyết tật vận động, suy nhược cơ… Giáo viên là những sinh viên của nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Những học sinh đặc biệt

Nhiều lần có cơ hội đi làm việc thiện nguyện tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Nguyễn Minh Hằng - cựu sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đã tận mắt chứng kiến sự thiệt thòi của những đứa trẻ bại não, tự kỷ… Sau mỗi lần từ bệnh viện trở vê, Hằng luôn bị thôi thúc phải làm việc gì đó để giúp các em.

Và tháng 1-2015, Hằng đã kết nối với một số bạn bè của mình để thành lập dự án "The Marvelous Children - Những đứa trẻ phi thường" dưới sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững Việt Nam - một tổ chức phi lợi nhuận, đăng ký hoạt động tại Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ. Ban đầu, khi thành lập, dự án đã gặp phải nhiều khó khăn.


Các bé hào hứng chuẩn bị cho ngày 1-6 cùng các cô chú tình nguyện viên.

Bởi lẽ, thành viên tự nguyện tham gia rất đông nhưng hầu hết đều không có những kiến thức về chuyên môn nên việc tương tác giữa các bạn sinh viên và các em nhỏ bị bệnh còn hạn chế. Sau đó, để dự án có hiệu quả những bạn sinh viên tình nguyện đã phải tham gia một khóa học chuyên ngành. Bản thân mỗi thành viên cũng phải tự tìm hiểu thông tin qua sách vở, qua Internet.

Lê Kim Anh, sinh viên năm 2, khoa Giáo dục đặc biệt Trường Đại học Sư phạm chia sẻ: "Những đứa trẻ đến đây điều trị thường trong thời gian rất dài. Vì thế các em không có cơ hội để vui chơi và đến trường như những bạn khác. Hơn nữa ở Việt Nam chưa có một kênh thông tin nào để chia sẻ kiến thức và kết nối các bậc cha mẹ có con bị bệnh này. Nhiều phụ huynh đã quá bi quan về bệnh tật của con cái nên đôi khi họ đã vô tình tước đi cơ hội phát triển của các em".

Sau khi khảo sát thực tế tại Bệnh viện Y học cổ truyền, các bạn sinh viên đã đề xuất với Ban Giám đốc bệnh viện về ý tưởng muốn được tương tác với những đứa trẻ khuyết tật. Đề xuất này đã được Ban Giám đốc ủng hộ và dành cho một khoảng hành lang của bệnh viện để làm địa điểm vui chơi và học tập. Tuần hai buổi, mỗi buổi học diễn ra trong vòng hai tiếng với những nội dung: Trò chơi vận động, nhận biết màu sắc, nhận biết tình yêu thương, âm nhạc, hội họa.

Không chỉ tương tác với các em mắc bệnh tự kỷ, bại não… mà nhóm còn trang bị kiến thức, động viên các phụ huynh quan tâm, tin tưởng vào khả năng hồi phục của con em họ. Thế nên, trong mỗi buổi học đặc biệt ấy, học sinh đến lớp không chỉ là những đứa trẻ "đặc biệt" mà còn có cả những phụ huynh của chúng.


Sau khi được tương tác với các tình nguyện viên,
 bé Ánh đã có thể dùng kẹp kẹp vào quyển sách.

Không thể viết giáo án cho mỗi lần "lên lớp" được bởi lẽ chính các cô giáo sinh viên này cũng không thể biết được hôm nay có những học sinh nào tham dự. "Các em ở đây lúc ra lúc vào không ổn định. Hôm nay bạn này có thể hết đợt điều trị lại về nhà và một bạn mới nào đó lại vào nên bọn em không thể viết giáo án được. Hơn nữa, với những đứa trẻ "đặc biệt" này thì các tình huống mới luôn luôn phát sinh. Với mỗi thể loại bệnh lại có những phương pháp tương tác khác nhau, ví dụ với trẻ suy nhược cơ thì cần phải dạy các bé cầm nắm. Với những trẻ bại não thì dạy các bé cách cảm nhận những gì diễn ra xung quanh…" - bạn Bùi Thị Huyền, sinh viên Đại học Quốc gia chia sẻ.

Dự án của tình yêu thương

Ban đầu, khi dự án mới đi vào hoạt động nhóm đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Chính những người được hưởng lợi từ dự án lại là những người tỏ ra nghi ngờ nhiều nhất đến các tình nguyện viên. Người thì bảo: "Ôi dào, chắc lại được vài buổi. Đến bố mẹ sinh ra chúng đây còn thấy chán chúng nữa là người dưng". Người lại bảo: "Chắc chỉ miễn phí vài buổi thôi, cứ để mà xem, vài buổi sau lại thu tiền là cái chắc"… Với những người cực đoan như thế, nhóm đã phải giải thích cho họ hiểu rằng, đây hoàn toàn là hoạt động thiện nguyện. Nhóm chỉ mong muốn được chia sẻ phần nào những thiệt thòi mà các em đang phải chịu đựng và giúp các em có thể tương tác với thế giới xung quanh.

Nhớ lại những ngày đầu tiên của nhóm, Kim Anh chia sẻ: "Lúc đầu, chả ai tin là chúng em có thể kiên trì và làm được điều gì giúp con của họ. Như trường hợp của em Ánh, 5 tuổi, quê Thanh Hóa bị bệnh suy nhược cơ nên không thể cầm nắm bất cứ thứ gì dù là nhẹ nhất. Hôm đó em dùng cái kẹp quần áo nói với Ánh là kẹp vào quyển sách cho cô. Khi ấy bà của Ánh đã nói: "Con bé này không làm được gì đâu, các cô đừng cố. Tôi cũng thử nhiều lần rồi nhưng đều vô ích". Vậy mà không ngờ hôm đó Ánh đã làm được. Ánh rất khôn, em dùng một tay không được nên dùng nốt cả tay còn lại, đè xuống rồi kẹp. Khi nhìn thấy cháu gái làm được việc đó, bà Ánh đã khóc vì hạnh phúc. Cũng từ hôm đó, bà Ánh thay đổi hẳn thái độ với các thành viên trong nhóm".

Cùng tiến bộ như Ánh là trường hợp của bé Hải Anh, 7 tuổi. Hải Anh sinh ra đã sớm chịu cảnh bất hạnh khi bố bỏ hai mẹ con đi theo người đàn bà khác. Khoảng 6 tuổi, Hải Anh bị một tai nạn khiến bé bị tổn thương não. Thời gian đầu ở viện Hải Anh rất nhút nhát, luôn thu lu một chỗ không muốn tiếp xúc với người lạ. Nhưng kể từ khi có lớp học thiện nguyện, được các chị sinh viên dạy tô màu, dạy hát, dạy chơi đồ chơi, Hải Anh đã bạo dạn hơn rất nhiều.

Là trưởng dự án, Hằng tâm sự: "Có vào các bệnh viện mới thấy các em mắc các bệnh như tự kỷ, bại não, suy nhược cơ… phải chịu quá nhiều thiệt thòi. Bởi trong quan niệm của nhiều người đấy đều là những loại bệnh nếu mắc phải thì coi như "bỏ đi". Thế nên không phải trẻ nào cũng có may mắn được người nhà yêu thương và chữa trị tới tận cùng. Như trường hợp của bé Vũ bị liệt một tay, một chân. Lý do là trong lúc bố bé Vũ đi chặt cây thuê cho Vũ đi theo, chẳng may cây đổ trúng người, bố Vũ thấy thế sợ quá nên bỏ trốn luôn. Gia đình nhà chủ thương bé nên đưa tới bệnh viện cấp cứu và cưu mang bé từ đó tới nay".


Hải Anh đã biết viết tên mình khiến bà của bé rất hạnh phúc.

Chị Nguyễn Thị Hoa - mẹ của bé Minh Anh đã rất xúc động khi chứng kiến con gái mình tiến bộ trông thấy kể từ khi được tham gia lớp học "Những đứa trẻ phi thường". Chị Hoa nhớ lại: "Con nhà mình khi sinh ra hoàn toàn bình thường. Nhưng đến 5 tuổi, khả năng vận động, khả năng nói của cháu tự nhiên giảm hẳn, sau đó thì gần như mất hết.

Thực sự là cả gia đình mình đã rất sốc, tinh thần hoàn toàn suy sụp. Ai nói ở đâu có thầy giỏi, bệnh viện nào tốt gia đình mình cũng đưa con đến nhưng kết quả không khả quan chút nào. Sau đó vợ chồng mình quyết định đưa con tới Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương để châm cứu. Ở đây con còn được tham gia lớp học của các tình nguyện viên. Con háo hức lắm, chỉ mong tới thứ 3, thứ 6 để được học thôi. Bài tập tô màu, vẽ tranh mà các chị giao cho con đều cố gắng làm thật tốt để được khen. Nhìn con khá lên mình mừng lắm".

Trong khi nhiều bạn sinh viên khác có thể mải mê vui chơi, đi píc níc hay đi dạy thêm để kiếm thêm thu nhập thì các thành viên của dự án "Những đứa trẻ phi thường" lại tận tụy với những đứa trẻ thiệt thòi ở Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Nếu không phải xuất phát từ tình yêu thương chân thành thì khó có thể duy trì được những buổi học đầy ý nghĩa như thế. "Chúng em thực sự rất muốn nhân rộng những lớp học như thế này ở nhiều bệnh viện trên cả nước. Nhưng muốn làm được điều đó thì trước tiên phải làm thật tốt ở một nơi trước đã. Bây giờ chúng em đã nhận được sự ủng hộ của phụ huynh các bé bị bệnh, đó chính là động lực để chúng em cố gắng" - Kim Anh chia sẻ.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17

T&T Group hợp tác quản lý vận hành "chuẩn Nhật Bản" tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn T&T Group) và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Anabuki vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.
2024-03-28 13:53:20

Cao Bằng tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động

Theo kế hoạch, trong 3 ngày đầu tháng 4/2024 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động trên địa bàn.
2024-03-27 13:39:07

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Ngày 20/3/2024, Công ty cổ phần quảng cáo Hà Thái, công ty TNHH quảng cáo Ngọc Hà là hai thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam do ông Hà Đình Thái, Ủy viên ban chấp hành dẫn đoàn có chuyến viếng thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.
2024-03-26 21:16:00
Đang tải...