Ngăn chặn vốn "chạy lòng vòng"

2019-05-23 09:25:44 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Liên quan đến đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lên phương án điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, cùng với đó là điều chỉnh hệ số rủi ro khi cho vay các lĩnh vực rủi ro.

Đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng

Sau 5 năm kể từ ngày ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định tỷ lệ các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, mới đây NHNN đã ban hành dự thảo thông tư sửa đổi các quy định trên... Một trong những nội dung chính trong dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016; Thông tư số 19/2017/TT-NHNN28/12/2017 và Thông tư số 16/2018/TT-NHNN ngày 31/7/2018 (Thông tư 36) đang được NHNN lấy ý kiến. Theo đánh giá của giới chuyên môn, dự thảo lần này đưa ra nhiều sửa đổi, bổ sung chặt chẽ hơn, có thể tạo tác động lớn tới thị trường.


Ảnh minh họa. Nguồn Internet


Điểm sửa đổi Thông tư 36 quan trọng nhất là NHNN đề nghị điều chỉnh lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn. Với đề nghị này, NHNN đưa ra hai phương án. Phương án 1: duy trì mức 40% đến ngày 30/6/2020, sau đó giảm xuống 35% từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 30/6//2021; từ ngày 01/7/2021 giảm còn 30%. Phương án 2: duy trì mức 40% đến ngày 30/6/2020, sau đó giảm xuống 37% từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 30/6/2021, từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022 giảm còn 34% và từ ngày 01/7/2022 giảm xuống mức 30%. Như vậy, tuy mục tiêu cuối cùng vẫn là 30% nhưng được kéo dài thêm một năm. Khả năng nếu được lựa chọn, hầu hết các ngân hàng sẽ chọn phương án 2.

Lý giải cho những thay đổi như trên, NHNN cho biết, việc điều chỉnh này nhằm từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD. Ngoài ra, việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hàng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của các TCTD và nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng mà tiếp cận các nguồn vốn khác như phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,…
Có thể thấy NHNN liên tiếp ngăn chặn nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn để quản lý việc huy động và sử dụng vốn của các ngân hàng. Trước đó các quy định cũng đã điều chỉnh giảm tỷ lệ này từ mức 60% về 50% từ đầu năm 2017, về tiếp 45% từ đầu năm 2018 và 40% từ đầu năm 2019.

Rõ ràng trong bối cảnh nguồn vốn của các ngân hàng vẫn phụ thuộc vào tiền gửi ngắn hạn, trong khi cho vay ra lại có kỳ hạn dài hơn dẫn đến chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn khá lớn, tiềm ẩn rủi ro đáng kể, nên việc nhà điều hành liên tiếp thu hẹp tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động của các ngân hàng an toàn hơn.

Một khi khó tiếp cận các khoản vay trung, dài hạn từ ngân hàng, các doanh nghiệp buộc phải tìm đến các kênh khác trên thị trường vốn, như thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Đây cũng là định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, với chủ trương phát triển mạnh thị trường chứng khoán nói chung và trái phiếu nói riêng đến năm 2025.

Cũng theo NHNN thì việc giảm tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hằng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, cũng như nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế, đồng thời giúp thúc đẩy doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác.

Một nội dung rất lớn khác trong dự thảo là việc điều chỉnh hệ số rủi ro. Theo quy định hiện hành, các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay có hệ số rủi ro 50%. Tuy nhiên, theo đề xuất của dự thảo, các khoản đòi này phải đáp ứng một trong các điều kiện như: là khoản cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của NHNN; là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà có giá trị như dư nợ gốc dưới 1,5 tỷ đồng…

Đáng chú ý, hệ số rủi ro tăng lên 150% đối với khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng có giá trị từ 3 tỷ đồng trở lên. Theo NHNN, việc điều chỉnh này xuất phát từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản theo hướng thắt chặt nguồn tín dụng, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án bất động sản cao cấp và một chủ đầu tư có nhu cầu vay số lượng lớn cho nhiều dự án bất động sản… Ngoài ra, các chuyên gia MSB cũng chỉ ra rằng, đây cũng là thông điệp của NHNN trong việc kiểm soát cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản để mua nhà ở phân khúc cao cấp, gián tiếp yêu cầu TCTD cần dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn rủi ro.

Ngăn chặn dòng vốn “chạy lòng vòng”

Một điểm đáng chú ý nữa trong dự thảo thông tư sửa đổi đang lấy ý kiến, đó là NHNN đề xuất cho phép khách hàng sử dụng tài sản bảo đảm là trái phiếu do TCTD, công ty con của TCTD phát hành, trái phiếu của doanh nghiệp phát hành mà khách hàng vay để mua trái phiếu của doanh nghiệp đó. Theo NHNN, việc này sẽ pho phép TCTD có thể thu hồi được phần vốn cho vay từ phát mãi tài sản bảo đảm trong trường hợp khách hàng không trả được nợ.

Mặt khách, NHNN đề xuất bổ sung nội dung quy định về việc TCTD không được cấp tín dụng để khách hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp là công ty con của chính ngân hàng đó. Bởi theo NHNN, hiện một số doanh nghiệp là công ty con của ngân hàng thương mại đang thực hiện huy động vốn thông qua việc ngân hàng mẹ cho vay đối với một tổ chức khác để tổ chức này mua trái phiếu doanh nghiệp. Việc dự thảo thông tư bổ sung quy định này sẽ giúp hạn chế việc sử dụng dòng tiền vay của ngân hàng thương mại chạy lòng vòng để mua trái phiếu doanh nghiệp do công ty con của ngân hàng thương mại phát hành.

NHNN cũng tiếp tục có những quy định bổ sung đối với việc cấp tín dụng của các ngân hàng, đặc biệt là nghiệp vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Đầu tiên, khái niệm khoản phải đòi ngoài các khoản tiền gửi, đầu tư, cho vay, chiết khấu, bao thanh toán,... thì bổ sung thêm khoản ủy thác cho vay và ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp. Quy định mới này nhằm đảm bảo xác định hệ số rủi ro chính xác đối với các khoản mà ngân hàng ủy thác cho đơn vị khác cho vay, mua trái phiếu doanh nghiệp.

Thứ hai là, nghiệp vụ cam kết phát hành dưới hình thức thư tín dụng (L/C) cũng sẽ được bổ sung vào hình thức cấp tín dụng và dư nợ cấp tín dụng sau khi trừ số tiền ký quỹ. Thực tế cho thấy, không hiếm trường hợp các ngân hàng cấp L/C cho khách hàng nhưng sau đó buộc phải chuyển sang cho vay bắt buộc khi khách hàng gặp rủi ro. Vì vậy, việc bổ sung này là cần thiết để phản ánh thực chất việc cấp tín dụng của các ngân hàng, nhất là khi khoản mục này chiếm giá trị khá lớn từ vài nghìn lên đến vài chục nghìn tỷ đồng tại các ngân hàng có thế mạnh về xuất-nhập khẩu. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khiến việc tuân thủ quy định về giới hạn cấp tín dụng của các ngân hàng gặp nhiều thách thức hơn.

Thứ ba là, các điều kiện giới hạn cấp tín dụng để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể, các ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp, mà khách hàng thuộc nhóm đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng. Ngân hàng cũng không được phép cấp tín dụng để đầu tư vào trái phiếu chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường giao dịch của công ty đại chúng chưa niêm yết (Upcom).

Nhằm hạn chế việc các ngân hàng “lách” quy định về cấp vốn cho công ty con bằng cách cho khách hàng sử dụng dòng tiền vay của ngân hàng lòng vòng để mua trái phiếu doanh nghiệp do công ty con của ngân hàng đó phát hành, NHNN bổ sung quy định các ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu của doanh nghiệp là công ty con của chính ngân hàng đó.

Một quy định mới cũng đáng chú ý là khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà dư nợ gốc của một khách hàng từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ có hệ số rủi ro tăng mạnh từ 50% lên 150%. Điều này nhằm hạn chế việc các ngân hàng cho khách hàng vay xây dựng, kinh doanh bất động sản nhưng lại đưa vào mục tiêu vay tiêu dùng nhằm lách các quy định về dư nợ cho vay bất động sản, cũng như để tránh hệ số rủi ro cao đối với dư nợ cho vay lĩnh vực bất động sản.  

Trong bối cảnh nguồn vốn của các ngân hàng hiện vẫn phụ thuộc lớn vào tiền gửi ngắn hạn, trong khi việc cho vay ra lại có kỳ hạn dài hơn, dẫn đến chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn là khá lớn, tiềm ẩn rủi ro, nên việc nhà điều hành liên tiếp thu hẹp tỷ lệ này được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động của các ngân hàng an toàn hơn, khi buộc phải hạn chế cho vay trung, dài hạn.



Theo TS Cấn Văn Lực, những điều chỉnh tại thông tư, đặc biệt là lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được NHNN đưa ra là tương đối rõ ràng, các ngân hàng thương mại có đủ thời gian để chuẩn bị cho những thay đổi đó. Lý giải cho nhận định này, TS Lực cho rằng, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trung bình trong một và năm qua của toàn hệ thống ở ngưỡng khoảng 30-32%. Mức 40% từ giờ tới giữa năm 2020 có lẽ sẽ không phải là vấn đề lớn đối với các ngân hàng thương mại. Như vậy, lộ trình giảm xuống 30% đến giữa năm 2021 cũng khá dài, đủ để các ngân hàng có thể sắp xếp, cơ cấu lại nguồn vốn. Tuy nhiên, khi nhìn về dài hạn, NHNN nên có những biện pháp quản lý có tính chất dài hơi hơn, chứ không đơn thuần chỉ là biện pháp hành chính như hiện nay./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29

Hoa Kỳ và tỉnh Cà Mau khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật

Ngày 25/4, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật do USAID tài trợ được triển khai trên địa bàn tỉnh.
2024-04-26 12:27:06

Australia hợp tác cùng Việt Nam phát triển ngành tài nguyên bền vững

ĐSQ Australia vừa cho biết: Tuần này, phái đoàn doanh nghiệp dịch vụ thiết bị, công nghệ khoáng sản (METS) Australia tham dự triển lãm khai khoáng Mining Vietnam 2024, với sự hỗ trợ của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade), để thúc đẩy hợp tác khai khoáng bền vững giữa Australia và Việt Nam.
2024-04-26 12:20:51
Đang tải...