Ngân hàng đáp ứng đủ vốn cho vay thu mua lúa gạo

2019-03-04 09:38:08 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Hệ thống ngân hàng tại nhiều tỉnh khu vực phía Nam đang tích cực rà soát, mở rộng hạn mức tín dụng, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thu mua lúa gạo. Các ngân hàng thương mại cam kết sẽ cung ứng đủ vốn cho vay lĩnh vực thu mua lúa gạo với hạn mức và thời hạn vay linh hoạt, lãi suất áp dụng thấp hơn mức trung bình của thị trường ít nhất 1%/năm.

Nông dân đang thu hoạch lúa


Cần tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn lúa khô

Hiện các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân 2018-2019, giá lúa giảm mạnh, thị trường xuất khẩu chưa có tín hiệu khởi sắc và vướng nhiều rào cản thương mại. Nông dân trồng lúa và cả doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều than khó, một số địa phương đã họp “nóng” để bàn giải pháp tiêu thụ lúa gạo; đồng thời kiến nghị Chính phủ có chính sách thu mua tạm trữ để giải cứu ngành lúa gạo. Vụ lúa đông xuân là vụ lúa chính trong năm và cũng là vụ mùa bội thu về sản lượng. Để giải cứu ngành lúa gạo ở ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện thu mua dự trữ quốc gia 800.000 tấn lúa và 200.000 tấn gạo năm 2019 nhằm chặn đà giảm giá của lúa gạo; đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là ngân hàng nhanh chóng vào cuộc để thực hiện.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2019 các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch được khoảng 10 triệu tấn lúa khô, đủ để chế biến khoảng 3,6 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ khoảng 2,7 triệu tấn lúa tại thị trường trong nước.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành văn bản số 928/NHNN-TD yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và các ngân ngân hàng thương mại thực hiện một số nội dung về việc cho vay thu mua lúa, gạo vụ đông xuân 2018-2019. Để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ lúa đông xuân đang vào vụ thu hoạch rộ, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) khẩn trương chỉ đạo các chi nhánh cân đối nguồn vốn đáp ứng yêu cầu vay vốn tạm trữ lúa gạo của doanh nghiệp. Đồng thời, ngân hàng cần làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để xem xét nhu cầu vay vốn, có thể tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo điều kiện tối đa cho ngành gạo.

NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn cân đối nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp thu mua lúa, gạo; đồng thời tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tăng khả năng tiếp cận vốn. Và phải bám sát diễn biến, tình hình thị trường và việc cho vay thu mua lúa, gạo của các TCTD trên địa bàn để kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố, NHNN Việt Nam các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ngành có liên quan, cùng sự chủ động của hệ thống ngân hàng trong việc cung ứng vốn cho vay mua tạm trữ lúa gạo đã tạo tín hiệu khởi sắc cho thị trường. Với sự vào cuộc tích cực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ, giá lúa tại ĐBSCL đã tăng trở lại khoảng 300-400 đồng/kg. Theo ghi nhận tại một số địa phương vùng ĐBSCL, giá lúa gạo tại vùng đã tăng nhẹ trở lại. Các địa phương cũng khẩn trương đôn đốc doanh nghiệp tăng thu mua lúa trong dân. Cuộc giải cứu này về trước mắt sẽ chặn đà giảm giá của lúa gạo, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Để phát triển ngành lúa gạo bền vững cần giải quyết căn cơ từ gốc cần có chiến lược tiếp cận thị trường tốt hơn và thông tin thị trường phải cập nhật thường xuyên, có liên kết chặt chẽ hơn để tránh tình trạng rớt giá phải giải cứu.

Ngân hàng sẵn sàng đáp ứng vốn để tăng cho vay

Để triển khai cụ thể các giải pháp, các gói tín dụng và sản phẩm tài chính phục vụ lĩnh vực lúa gạo, cần có các giải pháp mang tính thực tiễn để có thể thực hiện ngay tại các chi nhánh NHTM ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng, thời gian qua, đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng như lúa gạo đã có sự tăng trưởng rõ rệt, đảm bảo đáp ứng kịp thời vốn cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu lúa gạo.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, đến cuối tháng 12/2018 dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc tăng khoảng 21,4% so với cuối năm 2017; đến cuối tháng 01/2019 dư nợ tăng 1% so với cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đối với khu vực ĐBSCL đến cuối tháng 12/2018 chiếm 17,24% dư nợ nông nghiệp nông thôn toàn quốc; cuối tháng 01/2019 tăng khoảng 0,3% so với cuối năm 2018.

Riêng đối với ngành lúa gạo, năm 2018 có dư nợ đạt khoảng 99.000 tỷ đồng, tăng 29.789 tỷ đồng so với cuối năm 2017; đến cuối tháng 01/2019, dư nợ đạt khoảng 100.000 tỷ đồng (trong đó ĐBSCL đạt 50.000 tỷ, chiếm khoảng 50%), tăng 0,8% so với cuối năm 2018. Đến cuối tháng 1/2019, dư nợ cho vay lúa gạo của toàn ngành Ngân hàng ước đạt khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay sản xuất lúa khoảng 23.000 tỷ đồng; cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo khoảng 63.000 tỷ đồng và cho vay chế biến, bảo quản lúa gạo khoảng 14.000 tỷ đồng. Riêng khu vực ĐBSCL, tính đến hiện tại dư nợ cho vay lúa gạo chiếm khoảng 50% tổng dư nợ cho vay lúa gạo cả nước. Trong đó chủ yếu là cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo với dư nợ ước khoảng 28.000 tỷ đồng.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về vốn cho nông nghiệp nông thôn, trong đó có ngành sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, ngành Ngân hàng cũng luôn chủ động, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ bà con nông dân khi gặp khó do thiên tai và khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán 2019 đến nay, trước diễn biến không thuận lợi của thị trường xuất khẩu lúa gạo, triển khai Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, NHNN đã chủ động ban hành văn bản số 928/NHNN-TD ngày 18/2/2019 chỉ đạo các NHTM cân đối nguồn vốn, tập trung cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để doanh nghiệp thu mua thóc, gạo cho nông dân; các ngân hàng phải làm việc trực tiếp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để phối hợp với doanh nghiệp có giải pháp tháo gỡ cụ thể: xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tạo điều kiện để doanh nghiệp kịp thời thu mua thóc, gạo cho người dân. Đồng thời NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh 13 tỉnh ĐBSCL phải bám sát diễn biến thị trường lúa gạo, hoạt động tín dụng trên địa bàn để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, NHNN các giải pháp đẩy mạnh cho vay phát triển ngành lúa gạo một cách hiệu quả.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN, Chủ tịch HĐQT Vietcombank ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, để triển khai ngay những chỉ đạo của NHNN về việc thúc đẩy hỗ trợ vốn đối với lĩnh vực lúa gạo, Vietcombank đã chỉ đạo tất cả các chi nhánh chủ động cân đối nguồn vốn nhằm đáp ứng đủ tất cả nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp phục vụ thu mua, chế biến – xuất khẩu lúa gạo. Vietcombank cũng đã chỉ đạo các chi nhánh tăng cường làm việc với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, gia tăng cơ hội tiếp cận vốn vay. Đồng thời tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp để mở rộng hạn mức tín dụng và tăng tốc độ giải ngân đối với các khoản vay thu mua lúa gạo.

Ông Thành khẳng định, toàn hệ thống Vietcombank sẽ dành khoảng 9.000 tỷ đồng để cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong năm nay. Trong đó khoảng 7.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân cho vay trong vụ Đông Xuân 2018-2019. Chính vì vậy, hiện nay nguồn vốn để cho vay lúa gạo là không thiếu. Để chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua kịp thời lúa gạo trong dân Vietcombank cam kết sẽ áp dụng “3 không” trong hoạt động cho vay lúa gạo. Theo đó, ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay 6%/năm, không đặt vấn đề lợi nhuận từ lãi vay, lợi nhuận trong hoạt động thanh toán và lợi nhuận trong mua bán ngoại tệ của các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo. Đặc biệt, ngân hàng cũng sẽ nới rộng tối đa tỷ lệ cho vay không có tài sản đảm bảo. Các doanh nghiệp có uy tín sẽ được áp dụng mức tín chấp 90% để thuận lợi nhất trong việc gia tăng hạn mức tiếp cận vốn.

Còn Agribank cũng đưa ra các cam kết tương tự. Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, ngân hàng này đã chỉ đạo toàn hệ thống hoàn thiện các phương thức cho vay, tăng hiệu quả cho vay của các tổ, nhóm; cân đối nguồn vốn cho các chi nhánh ở khu vực ĐBSCL để đáp ứng đủ vốn vay cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.

Theo ông Khánh, hiện nay 13 chi nhánh tỉnh khu vực ĐBSCL của Agribank đang cho vay khoảng 144.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lúa gạo. Ngoài việc áp dụng mức lãi suất thống nhất là 6%/năm, ngân hàng cũng đang kết hợp nhiều chính sách ưu đãi khác để hạ thêm 0,5-1%/năm lãi suất đối với các DN lúa gạo đáp ứng được các tiêu chí về ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp sạch, hoặc hỗ trợ 1-2 năm lãi suất đối với các khoản vay theo Quyết định 68/2013 của Chính phủ về giảm tổn thất sau thu hoạch. Với những ưu đãi này, nhiều doanh nghiệp có thể vay vốn thu mua lúa gạo với mức lãi suất từ 4,5%-6%/năm, là mức mà phía ngân hàng gần như không có lợi nhuận.

Không chỉ các NHTM Nhà nước, khối ngân hàng cổ phần cũng tích cực vào cuộc. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng cho biết, hiện nay ngân hàng này đang cho vay khoảng 15.000 tỷ đồng trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo. Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn, thời gian tới Sacombank cũng sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6%/năm để tiếp tục cung ứng vốn cho các doanh nghiệp thu mua lúa gạo.

Trong khi đó, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho rằng, ngoài việc xem xét hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp lúa gạo, đơn vị cũng sẽ nghiên cứu phát triển các sản phẩm cho vay lúa gạo với kỳ hạn dài hơn một mùa vụ để giảm tải áp lực trả nợ cho người nông dân, gia tăng cơ hội dự trữ lúa gạo trong các thời điểm giá thị trường xuống thấp.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết, những ngày giữa tháng 2/2019, trong bối cảnh giá thu mua lúa gạo tại nhiều địa phương giảm mạnh, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có buổi làm việc trực tiếp với chi nhánh NHNN và các DN xuất khẩu gạo cũng như các hợp tác xã kinh doanh lúa gạo trên địa bàn địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh và các NHTM tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi để các DN thu mua lúa gạo dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay. Bên cạnh đó kêu gọi các DN lớn và các HTX có khả năng tiến hành sấy và lưu kho cho nông dân nhằm hạn chế thiệt hại. Đến nay, một số HTX có quy mô liên kết nông dân lớn như HTX Tân Bình, HTX Tân Cường đã lưu kho cho nông dân được khoảng 1.500 tấn lúa. Các DN như Công ty Lương thực Đồng Tháp, Công ty Phát Tài… cũng đang triển khai sấy và lưu kho lúa cho nông dân.

Việc cung ứng vốn tín dụng, ông Quế cho biết, tính đến cuối tháng 1/2019 các TCTD trên địa bàn Đồng Tháp đã cho vay thu mua lúa gạo đối với DN, hợp tác xã, thương lái với dư nợ khoảng trên 3.600 tỷ đồng. NHNN chi nhánh Đồng Tháp cũng đã làm việc với các NHTM trong tỉnh, khuyến khích các đơn vị tạo điều kiện hỗ trợ tăng hạn mức cho vay đối với các DN, HTX lúa gạo để có vốn thu mua lúa gạo kịp thời cho người dân.

Còn tại Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang… tình hình cũng diễn ra tương tự. Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh Cần Thơ, để tích cực hỗ trợ vốn thu mua lúa gạo cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, NHNN chi nhánh Cần Thơ cũng đã chỉ đạo các NHTM khẩn trương có kế hoạch làm việc với các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, trên cơ sở đó báo cáo về hội sở chính để đề xuất hỗ trợ tăng thêm hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn để doanh nghiệp có nguồn vốn thu mua lúa gạo trong thời gian ngắn nhất. Đến thời điểm cuối tháng 1/2019 các TCTD tại Cần Thơ đã cho vay thu mua lúa gạo xuất khẩu khoảng 7.000 tỷ đồng.

Khẳng định sự chủ động và tích cực của ngành Ngân hàng trong việc cung ứng vốn vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn nói chung và lúa gạo nói riêng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết chủ trương chung của ngành Ngân hàng là sẽ tiếp tục đồng hành với các bộ ngành, địa phương trong việc đảm bảo nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo. Theo đó, thời gian qua NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt. Quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên 6,5%/năm và chính sách tỷ giá trung tâm của NHNN thời gian qua đã tạo thuận lợi cho hoạt đông sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ cho các DN xuất khẩu, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, NHNN đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng, phân bổ và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 10% trở lên). Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc giảm chi phí vay vốn. NHNN cũng đã cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay bằng ngoại tệ với lãi suất thấp đối với các khách hàng có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay.

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng cho các doanh nghiệp ngành lúa gạo, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới NHNN sẽ chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân sản xuất, kinh doanh lúa gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định 55/2018, Nghị định 116/2018 và Nghị định 107/2018 của Chính phủ. NHNN cũng sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong đó xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét tăng hạn mức tín dụng và tiếp tục cho vay mới để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng cam kết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu gạo thông qua các chính sách tỷ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong việc giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian tiếp cận dần với các sản phẩm phái sinh tỷ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để phòng ngừa rủi ro tỷ giá và rủi ro khác trong quá trình kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.

Doanh nghiệp xuất khẩu lớn dồn sức mua

Trong bối cảnh, hệ thống ngân hàng tỏ ra khá sốt sắng trong việc hỗ trợ nguồn vốn cho DN thu mua lúa gạo thì cộng đồng DN xuất khẩu gạo tại nhiều địa phương cũng khá chủ động trong việc đẩy mạnh thu mua dự trữ lưu kho.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, ngay sau khi nhận được các kiến nghị của các địa phương, đơn vị này đã có văn bản đề nghị tất cả các DN thành viên thực hiện việc thu mua dự trữ để góp phần thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo, đồng thời chuẩn bị chân hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết.


Thu mua lúa bằng ghe


Phía các Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood 1 và Vinafood 2) cũng thông tin rằng, các đơn vị này đã chỉ đạo cho gần 30 DN thu xếp nguồn tài chính, lập các điểm thu mua tại các địa phương khu vực ĐBSCL để mua hết số lượng gạo đã ký kết bao tiêu với các hợp tác xã và nông dân, đồng thời chủ động liên kết và hỗ trợ các hợp tác xã thực hiện sấy khô và ký gửi lúa cho người dân tại kho trống của các DN còn khả năng dự trữ. Theo đại diện Vinafood 1, tổng sản lượng gạo theo kế hoạch thu mua của Tổng công ty trong quý I/2019 sẽ đạt khoảng 300.000 tấn, các nhà máy hiện đang tiến hành thu mua hết công suất và đã thu mua được 150.000 tấn. Như vậy từ nay đến hết tháng 3/2019 Vinafood 1 dự kiến sẽ thu mua thêm 150.000 tấn lúa nữa. Trong khi đó, phía Vinafood 2 cũng cho hay, hiện tại 12 DN thành viên của đơn vị này đã thành lập được 34 điểm thu mua lúa gạo tại khu vực ĐBSCL. Tất cả các DN đều đang tích cực thu mua lúa gạo, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nông dân trồng lúa.

Ghi nhận từ VFA cho thấy, đến thời điểm hiện tại giá thu mua lúa ở các địa phương khu vực ĐBSCL mặc dù đã giảm 1.000 – 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Tính đến thời điểm tháng 1/2019 sản lượng gạo xuất khẩu mặc dù ghi nhận giảm khoảng 31,7% so với cùng kỳ nhưng các tháng tiếp theo trong quý I/2019 dự kiến xuất khẩu gạo có thể tăng mạnh vì các thị trường Philipines và Indonesia sẽ gia tăng nhập gạo từ Việt Nam. Trong đó, riêng Philipines sau khi bãi bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, hiện đã có 166 công ty có đơn xin nhập 1 triệu tấn gạo, mà nguồn gạo từ Việt Nam và Thái Lan đang là nguồn cung chính vào thị trường này. Vì vậy, việc giá lúa xuống thấp trong các tuần vừa qua có thể sẽ sớm được cải thiện. Nếu nguồn lúa gạo từ các hợp tác xã và người dân được phơi sấy, lưu kho ký gửi kịp thời thì sẽ có nhiều cơ hội bán giá cao hơn trong các tháng tới của quý I/2019./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chủ tịch HĐND Hải Phòng thăm cựu thanh niên xung phong Điện Biên Phủ

Chiều 17/4, Chủ tịch HĐND TP Phạm Văn Lập đi thăm, tặng quà thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến - những người đã có nhiều cống hiến to lớn, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
2024-04-18 09:36:19

Bí thư Thành ủy Hải Phòng thăm chiến sĩ Điện Biên ở Hải An

Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đi thăm, tặng quà thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hiện đang sinh sống tại địa bàn quận Hải An.
2024-04-18 09:28:29

Nam Định: Thành lập Hội Thương binh nặng tỉnh

Đồng chí Nguyễn Trung Sơn - Trưởng Ban vận động thành lập Hội được bầu làm Chủ tịch Hội Thương binh nặng tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2024-2029.
2024-04-17 18:18:05

Khách hàng HDBank rộn ràng nhận thưởng “tiền tỷ”

HDBank hoàn tất trao thưởng 10 sổ tiết kiệm giá trị cao cho 10 khách hàng may mắn nhất trong chương trình “Khai Xuân Đắc Lộc - Năm Mới Phát Tài cùng HDBank”. Tỷ phú đầu năm 2024 của HDBank đến từ xứ rừng ngập mặn - huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
2024-04-17 16:35:01

Giỗ Tổ Hùng Vương - Nét đẹp văn hóa tinh thần của người Việt

Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, tức ngày mười tháng ba âm lịch - là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam
2024-04-17 15:17:09

Hải Phòng có công viên ánh sáng đầu tiên

Hải Phòng - Trong dịp lễ 30/4 & 1/5 tới đây, thành phố Cảng sôi động nhất miền Bắc lần đầu tiên xuất hiện một không gian một trải nghiệm mới mẻ, sáng tạo và đầy màu sắc - Công viên Ánh Sáng Đồi Rồng tại Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng.
2024-04-17 15:10:12
Đang tải...