Ngân hàng Việt vươn tới đạt chuẩn Basel II

2019-06-14 09:27:05 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Hiệp ước vốn Basel 2 ra đời vào tháng 6/2004, không chỉ yêu cầu các ngân hàng duy trì vốn đảm bảo rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động mà còn yêu cầu các ngân hàng đưa ra cho mình một Quy trình đánh giá tính đầy đủ vốn nội bộ (ICAAP- Internal Capital Adequacy Assessment Process).

Theo đó, các ngân hàng yêu cầu phải thiết lập cho mình quy trình đo lường vốn để đảm bảo có thể xác định, đo lường rủi ro cá biệt và tổng rủi ro, từ đó tính vốn kinh tế cần thiết bù đắp các rủi ro đó. ICAAP là một yêu cầu quan trọng đảm bảo ổn định tài chính.

Ngân hàng Việt “chạy đua” đạt basel II

Tại Việt Nam, việc các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai thực hiện các quy định theo Basel 2 còn gặp nhiều thách thức. Tính đến nay, mới chỉ có 10 NHTM tham gia thí điểm triển khai Basel 2. Cùng với việc triển khai Basel 2, các ngân hàng đồng thời phải xây dựng và hoàn thiện các quy định nội bộ của mình, vừa đảm bảo tuân thủ theo yêu cầu, vừa thúc đẩy năng lực quản trị nội bộ của ngân hàng. Trong đó, việc các NHTM xây dựng được quy trình ICAAP là một trong những cấu phần quan trọng, kể cả từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước và từ phía các NHTM. Những yêu cầu cần thiết cũng như tác dụng của ICAAP cần được các ngân hàng Việt Nam quan tâm, xem xét nhằm tối ưu hóa về vốn cho ngân hàng. Do vậy, việc nghiên cứu và áp dụng mô hình quản trị vốn theo ICAAP là cần thiết nhằm đảm bảo việc đánh giá và quản lý vốn nội bộ ở mức thích hợp, tạo điều kiện cho NHTM hoạt động hiệu quả, minh bạch và tiếp cận được với các thông lệ tốt nhất về quản trị ngân hàng.


Tăng vốn tự có là cách mà không ít ngân hàng áp dụng đảm bảo CAR. Ảnh minh hoạ.


Đến thời điểm này, đã có 6 ngân hàng được áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN (chuẩn mực an toàn vốn Basel II) sớm hơn thời hạn gồm: Vietcombank, VIB, MB, VPBank, OCB, TPBank; trong đó có 2 cái tên không thuộc 10 ngân hàng được chỉ định thực hiện thí điểm chuẩn Basel II là TPBank và OCB. Điều đó cho thấy bản thân các ngân hàng trong hệ thống khá chủ động cố gắng không ngừng trong mọi hoạt động từ việc xử lý nợ xấu đến tăng vốn, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin, quản trị rủi ro… để hướng tới Basel II. Cụ thể như OCB tuy không nằm trong top 10 ngân hàng thí điểm nhưng đã hoàn thành các hạng mục dự án Quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II từ cuối năm 2017. Mới đây nhất, VietBank – một ngân hàng quy mô nhỏ đã đánh tiếng dự kiến trong quý II/2019 sẽ nộp hồ sơ lên NHNN để xin áp dụng tính tỉ số an toàn vốn tối thiểu trước thời hạn. Được biết, sau hơn hai năm triển khai, VietBank đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý dữ liệu, tính toán vốn tự có, tài sản tính theo rủi ro tín dụng, vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường và tỉ lệ an toàn vốn (CAR) theo yêu cầu của Thông tư 41.

Nếu tính hệ CAR của VietBank tại thời điểm 30/3/2019 theo quy định của Thông tư 41 thì tỉ lệ hệ số này cao hơn mức quy định… Theo nhận định xét của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, áp dụng Basel II là mục tiêu phấn đấu của nhiều ngân hàng. Nó như một thước đo “sức khỏe” tài chính, quản lý rủi ro và nâng tầm vị thế của các ngân hàng trong giới đầu tư. Ngoài ra, các ngân hàng này còn được cơ quan quản lý ưu tiên trong thực hiện các chính sách. Chẳng hạn như NHNN cho phép các tổ chức tín dụng này có hạn mức tín dụng cao hơn…

Thực tế đó cũng là yêu cầu bắt buộc mà các ngân hàng phải đạt được. Bởi theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam, đến năm 2020 các NHTM cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đến năm 2025, tất cả các NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao. Do vậy, việc thực hiện không còn là sự lựa chọn có hay không mà chỉ là thời điểm sớm hay muộn phải làm.

Với diễn biến tích cực thực hiện tiêu chuẩn Basel II của các ngân hàng, nhiều khả năng hết năm 2019 sẽ có khoảng gần chục ngân hàng có thể áp dụng trước thời hạn các quy định về tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41.

Nhiều khó khăn cần vượt qua

Nhìn lại quãng đường phía trước, đích đến Basel II có thể là gần với các ngân hàng hoạt động kinh doanh lành mạnh, nền tảng tài chính tốt. Thế nhưng, đích đến đó vẫn là khá xa đối với không ít ngân hàng, nhất là đối với các ngân hàng đang gặp khó khăn về tình hình tài chính. Đáp ứng được yêu cầu theo chuẩn Basel II không phải là con đường dễ dàng mà muôn vàn khó khăn đối với các ngân hàng. Ngay cả với các ngân hàng đang có hệ số CAR cao cũng không dễ dàng tuân thủ Basel II, vì không chỉ phải đáp ứng yêu cầu về vốn, mà họ còn phải tuân thủ hàng loạt quy định khắt khe của cả một hệ thống quản lý rủi ro của Basel II. Điều này là vô cùng gian nan đối với ngân hàng Việt.

Trên thực tế, để thực hiện được các chuẩn của Basel II, đòi hỏi trước tiên và cốt lõi, là các ngân hàng phải hạch toán, quản trị rủi ro một cách chính xác. Theo đó, ngân hàng phải lượng hóa được mức độ rủi ro của mọi hoạt động, quy ra tiền. Chẳng hạn, đối với ngân hàng trước kia vốn điều lệ chỉ cần 6.000 tỉ đồng là đã có thể đảm bảo hệ số CAR 11% nhưng nếu tính theo tiêu chuẩn Basel II hệ số này mới chỉ là 9%. Ngân hàng muốn đảm bảo hệ số CAR cao hơn phải tăng vốn.

Ngoài ra, những ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn Basel II phải có cơ chế quản lý danh mục tín dụng rất chặt chẽ để đảm bảo chỉ số an toàn tín dụng. Ví như, hệ thống quản lý danh mục tín dụng của OCB đảm bảo tính phân tán rủi ro của các danh mục. Quy định Basel II đòi hỏi quy ra chi tiết từng loại cho vay một, từng thứ của một khoản vay. Mỗi loại cho vay lại ứng với một tỉ lệ rủi ro khác nhau và mỗi tỉ lệ rủi ro ấy yêu cầu mức độ vốn chủ sở hữu khác nhau…

Bên cạnh đó, cũng giống như các nước khác, các ngân hàng Việt vấp phải một số khó khăn cơ bản khi triển khai Basel II như chất lượng nguồn dữ liệu, trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, hạ tầng công nghệ, công tác đào tạo, chi phí thuê đội ngũ chuyên gia tư vấn… Sự thiếu hụt cơ sở dữ liệu và thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin là một thách thức không nhỏ trong việc triển khai Basel II tại các ngân hàng Việt. Hiện tại “độ dày” dữ liệu của hầu hết các ngân hàng chưa đủ mức tối thiểu là 5 năm mà chỉ dao động khoảng 3-4 năm. Chưa kể, ở Việt Nam hầu hết các ngân hàng đều phải thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn hỗ trợ, hoạch định lộ trình thực hiện làm chi phí triển khai đội lên khá nhiều. Đối với ngân hàng tài chính eo hẹp thì đây là một bài toán khó.

Điều mà các ngân hàng lo ngại nhất khi áp dụng Basel II đó là vấn đề tăng vốn, nhất là đối với NHTM Nhà nước. Tăng vốn để đảm bảo Basel II là vấn đề sống còn của các ngân hàng hiện nay dù cuộc đua tăng vốn rất khốc liệt. Đặc biệt ở khối NHTM Nhà nước, Chính phủ cần sớm đưa ra giải pháp tăng vốn cụ thể cho các ngân hàng này, bởi đây là các trụ cột cấp tín dụng của cả nền kinh tế.

Với những gì đang diễn ra có thể thấy ngân hàng nào cũng quan tâm đến Basel II bởi họ hiểu vì sao cần phải áp dụng nó. Tuy nhiên, với tình hình “sức khỏe” của các ngân hàng hiện chưa đồng đều thì việc áp dụng chung một lộ trình cho tất cả có thể là quá sức đối với một số ngân hàng, rất dễ xảy ra hiện tượng chống chế chính sách. Nếu làm mạnh tay sẽ gây tình trạng ngưng trệ hoạt động, gây bất lợi cho hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...