Ngành ngân hàng hút vốn ngoại nhiều hơn

2019-03-31 12:03:44 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Làn sóng vốn ngoại đổ vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng nhiều hứa hẹn, bởi Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực và Việt Nam cũng đang chuẩn bị ký kết Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA).

Ngân hàng ngoại tăng mạnh vốn

Thời điểm này, Việt Nam nói chung và một số ngân hàng Việt Nam (NHVN) nói riêng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam xu hướng tăng trưởng tốt, những cải cách tích cực của ngành Ngân hàng, vị trí Việt Nam trên thị trường tài chính thế giới cũng được quan tâm hơn, chính sách cởi mở với nhà đầu tư nước ngoài... đều là những yếu tố hỗ trợ cho việc vốn ngoại sẽ vào lĩnh vực NHVN nhiều hơn thời gian tới. Trong khu vực châu Á, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đang là những nhà đầu tư tích cực, hứa hẹn với thị trường tài chính – ngân hàng (TCNH) Việt Nam.


 Ảnh minh họa. Nguồn Internet


Thêm nữa, báo cáo gần đây của Moodys cũng dự báo, huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ là tâm điểm trong năm 2019 do hầu hết NHVN đang cần tăng vốn để đảm bảo đáp ứng quy định theo chuẩn Basel 2 đặt ra tại Thông tư 41. Và còn rất nhiều ngân hàng còn “room” cho nhà đầu tư ngoại, đặc biệt với những ngân hàng có kế hoạch niêm yết trong năm nay sẽ tranh thủ gọi vốn nước ngoài để gia tăng năng lực tài chính, mở rộng hoạt động. Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2 vừa qua đã đề ra một loạt các giải pháp cơ cấu lại thị trường. Trong đó, đề án yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại (NHTM) theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các NHTM niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức HoSE, HNX, UPCoM.

Trong Chiến lược phát triển ngành NHVN đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các NHTM có vốn nhà nước về mức 65% và tiến đến còn 51%. Nhưng với nhà đầu tư nước ngoài, lâu nay họ vẫn mong muốn có một tỷ lệ sở hữu mà họ có quyền quyết định nhiều hơn khi gia nhập vào ngành TCNH Việt Nam.

Sau khi thoái vốn khỏi Ngân hàng TMCP Á Châu trong năm 2018, Ngân hàng Stand-ard Chartered hồi tháng 2 vừa qua đã hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.215 tỷ đồng, tức tăng 1.135 tỷ đồng, tương ứng gần 37%. Được biết phần vốn tăng thêm của Stand-ard Chartered Việt Nam là do Standard Chartered Bank cấp.

Trước đó, trong tháng 9/2018, Ngân hàng Woori Việt Nam cũng đã tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.600 tỷ đồng, tăng 1.600 tỷ đồng, tương ứng 53%. Woori Việt Nam là ngân hàng 100% vốn nước ngoài, thành lập chi nhánh đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1997, đến 1/2017, Hội sở Ngân hàng Woori tại Việt nam được thành lập. Ngân hàng mẹ là Woori Bank có trụ sở tại Seoul (Hàn Quốc) và Woori Bank lại là một công ty con của Woori Financial Group.

Hay như mới đây có thêm ba ngân hàng ngoại được tăng vốn. Cụ thể, NHNN chấp thuận việc cho Bank of China Limited-chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tăng vốn từ 100 triệu USD lên 180 triệu USD. Trong khi đó, Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc - chi nhánh Hà Nội tăng vốn từ 90 triệu USD lên 120 triệu USD, The Siam Commercial Bank Public Company Limited - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tăng vốn lên gần 100,5 triệu USD.

Việc các ngân hàng ngoại tăng vốn được cho là để gia tăng nội lực tài chính, cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của Thông tư 41/2016/TT-NHNN của NHNN, theo đó không chỉ các ngân hàng trong nước mà nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng thuộc đối tượng áp dụng thông tư này.

Theo quy định của Thông tư 41, cách tính CAR sẽ chặt chẽ theo chuẩn quốc tế Basel 2 nhiều hơn, không chỉ tổng tài sản phải tính theo rủi ro tín dụng mà còn đặt ra vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Theo đó, các ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối thiểu 8%. Do đó, để phát triển tín dụng, mở rộng kinh doanh, buộc các ngân hàng phải tăng vốn tự có đủ để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định mới sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2020.

Chính vì vậy, thời gian qua, áp lực tăng vốn tự có nói chung và vốn điều lệ nói riêng không chỉ đặt lên vai các ngân hàng trong nước, mà nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng phải tích cực tăng vốn theo yêu cầu đề ra.

Theo Thông tư 21/2013/TT-NHNN của NHNN quy định về mạng lưới hoạt động của NHTM, cụ thể vốn điều lệ phải đảm bảo tương ứng với số lượng chi nhánh. Theo đó, để mở một chi nhánh tại nội thành Hà Nội hoặc nội thành TP. Hồ Chí Minh thì phải có 300 tỷ đồng, ở các tỉnh/thành khác và ngoại thành hai thành phố trên là 50 tỷ đồng.

Như vậy, đối với các ngân hàng 100% vốn nước ngoài, nếu vốn điều lệ chưa đủ thì việc tăng vốn để đảm bảo cho mạng lưới chi nhánh là cần thiết, nhất là khi phân khúc cho vay tiêu dùng bán lẻ vẫn đầy tiềm năng và hấp dẫn. Như Woori Việt Nam, cùng với việc tăng thêm vốn trong năm 2018 đã mở thêm 6 chi nhánh/phòng giao dịch.

Hiện nay, tại Việt Nam có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, gồm ANZ, CIMB, Hong Leong, HSBC, Public Bank, Shinhan, Standard Chartered, UOB, Woori và 49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Với những lý do kể trên, việc tăng vốn của nhóm ngân hàng này tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nếu như việc tăng vốn đối với các ngân hàng trong nước thời gian qua gặp không ít khó khăn, do nguồn lực tài chính của các cổ đông hạn hẹp, những quy định chặt chẽ về sở hữu chéo, chứng minh dòng tiền góp vốn, buộc nhiều ngân hàng phải tìm cách bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng vẫn bị bó buộc ở các quy định về giới hạn sở hữu nước ngoài, thì nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoặc các chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhiều thuận lợi hơn do sự hỗ trợ tích cực từ ngân hàng mẹ.

Hiện tại, trong số 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, có 4 ngân hàng đang có vốn điều lệ đúng với mức vốn pháp định 3.000 tỷ đồng là ANZ, Hong Leong, Public Bank và UOB. Kế tiếp là CIMB với 3.203 tỷ đồng, Standart Chartered ở mức 4.215 tỷ đồng, Shinhan 4.547 tỷ đồng, Woori 4.600 tỷ đồng và cao nhất là HSBC với 7.528 tỷ đồng.

Không chỉ đảm bảo cho các tỷ lệ an toàn và phát triển mạng lưới, việc tăng vốn cũng giúp các ngân hàng nước ngoài có đủ tiềm lực để thực hiện các thương vụ thâu tóm và sáp nhập, vốn đang diễn ra rất mạnh trong thời gian qua. Như việc Ngân hàng Shinhan Việt Nam mua lại mảng bán lẻ của Công ty ANZ vào cuối năm 2017 hay như Công ty Shinhan Card mua Công ty Tài chính Prudential gần đây là minh chứng cụ thể nhất.

Tiếp tục hút vốn ngoại nhiều hơn

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần trong 2 tháng đầu năm lên tới 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ.


 Ảnh minh họa. Nguồn Internet


Trong lĩnh vực TCNH, không khó để nhận ra thời gian gần đây vốn ngoại đã và đang có những tín hiệu tích cực vào các NHVN. Như trường hợp của Vietcombank, ngân hàng này mới tăng vốn điều lệ lên hơn 37.000 tỷ đồng. Đây là kết quả của thương vụ bán cổ phần cho cổ đông chiến lược Mizuho, duy trì tỷ lệ sở hữu 15% và bán thêm 2,55% cổ phần cho Quỹ đầu tư GIC của Singapore. Tập đoàn tài chính Mizuho (Nhật Bản) trong buổi làm việc gần đây với Vietcombank đã cam kết duy trì đầu tư vốn cổ phần tại Vietcombank. Hay như thương vụ bán vốn của BIDV cho đối tác KEB Hana (Hàn Quốc) cũng đang được thị trường vô cùng chờ đợi.

Trong khi đó, tại buổi tiếp kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, Tập đoàn Mitsubishi UFJ Financial Group – cổ đông chiến lược nước ngoài của Vietinbank cũng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ Vietinbank tăng vốn điều lệ và mong Chính phủ Việt Nam ủng hộ việc này. Với Agribank, Tập đoàn Tài chính NongHyup (Hàn Quốc) mới đây cũng đã đề xuất được hỗ trợ Agribank trong quá trình cổ phần hoá. Công ty tài chính ALC I của Agribank cũng nhận được đề nghị phía Tập đoàn Srisawad Corporation (Thái Lan) trong hoàn trả 100% vốn điều lệ của ALC I cho Agribank và trả hết phần nợ gốc mà ALC I đã vay của Agribank để được sở hữu hoàn toàn công ty tài chính này...

Cần thẳng thắn nhìn nhận, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ngành NHVN đang có sự tiến triển mạnh, tuy nhiên vẫn còn có những tồn tại và nhà băng Việt vẫn cần phải nỗ lực nhiều để có thể đi sâu vào thị trường tài chính toàn cầu với những thông lệ quốc tế. “Việc mở room cho đối tác nước ngoài cần có lộ trình, mở dần, chứ không thể ngay lập tức chúng ta mở tung để đón nhận sự đầu tư ồ ạt từ nước ngoài. Bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hệ thống ngân hàng nếu nhà đầu tư nước ngoài được tham gia với tỷ lệ cổ phần khống chế”, chuyên gia nêu ý kiến. Song cũng vị chuyên gia này nhận thấy, chúng ta phải có sự cân nhắc tương đối hài hoà nhất, về việc chấp nhận nới thêm giới hạn cho các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào ngành Ngân hàng giúp nhà băng tăng được vốn, đáp ứng được quy định đặt ra tại Thông tư 41, cải thiện sức khoẻ tài chính trong tiến trình tái cơ cấu.

“Việc củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài cần đi cùng khung pháp lý phù hợp, chứ rất khó để hấp dẫn đối tác ngoại nếu chúng ta vẫn giới hạn về mặt pháp lý đối với họ”, chuyên gia nhận định.

Về phía các NHTM, cần đưa ra dự báo tài chính đối với đối tác nước ngoài về việc sử dụng đồng vốn của nhà đầu tư bỏ vào như thế nào. “Các ngân hàng phải có phương án sử dụng dòng tiền đó cho việc tăng trưởng tài sản của ngân hàng thế nào, cho vay bao nhiêu, sử dụng tiền đó trên hệ thống liên ngân hàng thế nào, bổ sung tài sản cố định, tiền sử dụng để xây dựng chi nhánh, mua bất động sản, đầu tư CNTT?... Bên cạnh đó, khi họ rót tiền vào đầu tư thì liệu ngân hàng có đáp ứng được ROI (tỷ suất hoàn vốn) để thuyết phục các đối tác ngoại hay không? Đó là bài toán phải cân nhắc rất kỹ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính chia sẻ./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...