Người thương binh trở về từ đảo Cồn Cỏ

2018-10-18 09:26:56 0 Bình luận
Hơn 40 năm sau cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thương binh Lê Hữu Trạc vẫn cố gắng tham gia các hoạt động xã hội, gương mẫu chấp hành chính sách ở quê nhà, một vùng nông thôn bán sơn địa yên bình của huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình).

Với nhiều người, nỗi đau chiến tranh đã dần phôi pha, nhưng với ông, ký ức đau thương mãi mãi vẫn in hằn trong tâm trí. Bởi dù còn khỏe mạnh nhưng đúng 50 năm trước, chiến tranh đã cướp đi đôi mắt của ông vĩnh viễn. Những ngày tháng Tư này, trò chuyện cùng người cựu binh từng hy sinh cả tuổi thanh xuân trên hòn đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), trên chiến trường lửa đạn bờ Bắc sông Bến Hải năm nào mới thấy, cái giá phải trả cho Tổ quốc yên bình là không hề nhỏ.

Ký ức trên đảo nhỏ

Năm 1961, khi mới tròn 20 tuổi, người thanh niên Lê Hữu Trạc lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 4 năm chiến đấu ở chiến trường Vĩnh Linh bom lửa, năm 1965, Lê Hữu Trạc được cấp trên điều động ra đảo Cồn Cỏ. Lúc này bắt đầu giai đoạn Nam Bắc phân chia với cột mốc Vĩ tuyến 17 chính là dòng sông Bến Hải (tỉnh Quảng Trị). Và Cồn Cỏ lại nằm ở chính vĩ tuyến này khiến cho nó trở thành tâm điểm ném bom đạn của kẻ thù và cuộc chiến đấu bảo vệ của quân đội ta.


Vợ chồng người thương binh Lê Hữu Trạc.


Ông kể:

"Dù có tới hơn 3 năm sống trên đảo Cồn Cỏ, nhưng tôi nhớ là không có ngày nào đảo không bị máy bay ném bom hay tàu chiến Mỹ bắn pháo vào. Thế nhưng, thật kỳ lạ, những tháng năm ấy, trên hòn đảo chỉ rộng hơn 2 cây số vuông này lại chỉ có gần chục chiến sĩ bị thương và hy sinh. Một phần vì địa thế đảo, hầm và lũy của quân ta và một phần, quân địch gần như không có bất kỳ thông tin nào về đảo Cồn Cỏ lúc ấy. Thế nhưng không có nghĩa là cuộc chiến lúc ấy dễ dàng mà ngược lại, vô cùng gian nan và thử thách.

Có ngày, tôi đếm tới 50 lần bom và đạn pháo nã vào Cồn Cỏ, bởi máy bay địch khi bắn phá các tỉnh phía Bắc đụng hỏa lực quá lớn của quân ta buộc phải quay về. Mà máy bay quân sự lại không thể hạ cánh khi còn bom nên chúng chỉ còn cách thả xuống… Cồn Cỏ trước khi về Nam. Đó là lý do gần như mỗi mét vuông trên hòn đảo nằm cách đất liền chừng hơn 20 cây số ấy đều hứng ít nhất một quả bom”.


Kể về cuộc sống trên đảo, người cựu binh lần hồi trong trí nhớ đã rất lâu còn sót lại, bảo: 


“Trong những ngày ở đảo, đơn vị chúng tôi chủ yếu là đào hầm trú ẩn, ngụy trang hầm, tăng gia sản xuất cũng như bắt cá cải thiện cuộc sống vì lương thực tiếp tế ở đất liền thường bị tàu địch ngăn chặn. Trên đảo lúc ấy có khoảng 150 người, toàn là bộ đội, chưa có dân. Đây cũng chính là những người đầu tiên đặt chân trên hòn đảo này, dù nó có vị trí nằm khá gần đất liền. Những người lính trên đảo được chia theo nhóm, chừng 10 người một nhóm. Mỗi nhóm phụ trách một nhiệm vụ nhất định, như trinh sát (quan sát, theo dõi, liên lạc), pháo binh, bộ binh, công binh, hậu cần…

Hàng ngày, nếu không chiến đấu với kẻ thù thì công việc chủ yếu là đào hầm trú ẩn. Hầm cá nhân thì dành cho 2 người, sâu chừng 1 mét tới mét rưỡi, tùy theo địa hình và mùa. Mùa mưa, hầm đào nông hơn để tránh ngập nước. Mùa khô hầm đào sâu hơn, để ban ngày thì mát, ban đêm cũng đỡ lạnh. Trên cửa hầm có cây rừng và lá rừng che đi.

Nhưng người ở trong hầm không cố định mà thường di chuyển. Có khi ở hầm này khoảng 2-3 ngày sau đó di chuyển sang hầm khác, cách đó trăm mét ở cả tuần rồi lại trở về hầm cũ. Như vậy quân địch sẽ không nắm bắt được phương hướng và tình hình trên đảo. Ngoài hầm trú ẩn để sinh hoạt còn đào hầm công sự để ngăn địch, làm ngụy trang cho trận địa pháo.

Những năm tháng ác liệt ấy, với vị trí quan trọng làm bàn đạp tấn công các tỉnh phía Bắc và lại nằm ở vĩ tuyến phân tranh nên Cồn Cỏ trở thành địa điểm đánh phá chiến lược. Ngoài máy bay ngày nào cũng ném bom, nỗi lo thường trực của những người canh giữ đảo chính là đội quân tàu chiến hiện đại của Mỹ. Chúng thường chạy lòng vòng quanh đảo, có khi ở đó cả tháng trời nhưng khi áp sát đảo chừng 6km thì bị bắn trả rất ác liệt bằng pháo cao xạ. Đó là lý do nhiều năm trời, Cồn Cỏ trở thành “bất khả xâm phạm” dù chỉ có hơn trăm người chống chọi lại với vô vàn khí tài hiện đại của kẻ thù.

“Tôi nhớ, những tháng ngày ấy, lúc nào trên Đài Phát thanh Quân giải phóng cũng có câu chuyện kể về cuộc sống và chiến công trên Cồn Cỏ. Từ năm 1967 còn có nhà báo ra ở cùng chúng tôi hơn một tháng trời để đưa tin nữa”, ông hồi tưởng lại chi tiết.

Ngồi trò chuyện với ông, chúng tôi được nghe ông kể về những trận đánh và những người Anh hùng trên đảo Cồn Cỏ mà cuộc đời họ gần như đã là bất tử trong cuộc chiến tranh chống Mỹ giải phóng dân tộc. Đó là Anh hùng Thái Văn A, Anh hùng Nguyễn Tăng Mật và Cao Văn Khang. Tất cả đều được Chủ tịch nước khi ấy là Bác Hồ trực tiếp ký sắc lệnh phong Anh hùng năm 1967.


Điều hạnh phúc nhất với ông là được đóng góp một phần cho Tổ quốc khi chiến tranh và sống yên bình bên vợ con khi hòa bình.
Như anh Thái Văn A, người thì nhỏ bé nhưng rất lanh lợi và mắt tinh tường. Anh ở đơn vị quan sát, là con mắt của đảo để kịp thời đưa tin về kẻ thù. Hàng ngày, anh ở trên một chòi canh gác cao nhất đảo, là một ngọn đồi khoảng 63m có ngụy trang bằng cây và lá rừng. Khi thấy máy bay, tàu chiến anh A sẽ quan sát và liên lạc với chỉ huy để kịp thời có kế sách đối phó.

Hôm ấy, phát hiện ra vị trí cao nhất, máy bay địch cứ nhằm đó ném bom khiến cho cao điểm này bị đánh tơi tả. Anh Thái Văn A lúc đó bị thương ở đùi, máu chảy rất nhiều nhưng anh vẫn quyết bám trụ vị trí, kịp thời quan sát và báo cáo tình hình. Anh bảo, nếu anh rời vị trí thì trên đảo như bị mù thông tin, không ai biết máy bay và tàu chiến địch đến từ đâu, phương hướng nào. Nhờ có thông tin anh truyền về, các máy bay và tàu chiến của địch bị trận địa pháo của ta bắn trả mãnh liệt, không dám tiếp cận đảo”.

Sau trận đó, anh Thái Văn A bị thương khá nặng phải điều trị dài ngày nhưng anh từ chối về đất liền, tiếp tục ở lại đảo gắn bó với anh em. Sau khi được Bác Hồ phong Anh hùng, tấm gương anh Thái Văn A còn được nhạc sỹ Văn An viết thành bài hát cùng tên. Những ngày sau giải phóng, biết tôi bị thương mất hai con mắt, anh vẫn thường xuyên điện thoại hỏi thăm. Chỉ hơi buồn, khi anh mất hơn chục năm trước, tôi không đến được vì hoàn cảnh đi lại khó khăn.

Bước ngoặt cuộc đời

Hơn 3 năm trên đảo Cồn Cỏ ác liệt, đầu năm 1968, người lính Lê Hữu Trạc được cấp trên điều động về vùng lửa đạn Vĩnh Linh, ngay bên bờ Bắc sông Bến Hải. So với Cồn Cỏ, vùng này cũng là tâm điểm đánh phá của kẻ thù vì nằm tiếp giáp với vùng tranh chấp. Lúc này, đơn vị của Lê Hữu Trạc chủ yếu là theo dõi tình hình quân địch ở phía bờ Nam. Đây cũng là giai đoạn quân ta đang chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968.

Vì thế, thay vì chỉ phòng ngự, đánh trả các đợt tấn công của quân địch, quân ta ở Vĩnh Linh bắt đầu vượt sông Bến Hải đánh vào nhiều cứ điểm đóng quân của địch để gây phân tâm, giúp cho quân chủ lực vòng qua lãnh thổ Lào tiến sâu về phía Nam. Và trong một lần cùng đồng đội làm nhiệm vụ ở Vĩnh Linh, đơn vị của ông đã bị trúng bom từ trường. Đây là một loại bom rất nguy hiểm, nằm bất động nhưng khi gặp ngoại lực là vật bằng kim loại ở một khoảng cách đủ gần, chúng sẽ phát nổ, tạo ra các sóng từ trường cực mạnh, đủ để giết chết người.

Mặc dù may mắn hơn các đồng đội khác nhưng Lê Hữu Trạc đã vĩnh viễn mất đi đôi mắt. Sau đó ông được đưa ra miền Bắc để chữa trị. Khi biết đôi mắt vĩnh viễn không còn khả năng nhìn thấy ánh sáng, người thương binh Lê Hữu Trạc bảo ông cũng rất buồn, bởi khi ấy mình còn rất trẻ, mới hơn 20 tuổi đời.

Tuy nhiên, cuộc đời đã cho ông niềm hạnh phúc lớn hơn thế, đó là người bạn đời đã đi cùng ông cho tới tận bây giờ. Bà là Kim Thị Mão, y tá chăm sóc thương binh khi ấy. Mối tình của họ đến bây giờ vẫn còn là hình mẫu đẹp khiến người ta cảm động. Ông bảo, dù biết ông không còn đôi mắt nhưng bà vẫn nhất quyết theo ông, vì một chữ nhân duyên trời định.

Sau gần chục năm được điều động ở các trại dưỡng thương, người thương binh Lê Hữu Trạc quyết định về quê nhà ở xã Xuân Ninh (huyện Quảng Ninh) để sinh sống. Sau đó, vợ ông lần lượt sinh cho ông 3 người con, 2 trai và một gái. Nhờ sự chỉ bảo nghiêm khắc của cha mẹ, các con ông đều chăm chỉ học hành, thành người có ích cho xã hội.

Ông kể, sau khi về quê nhà ông đã tham gia rất nhiều công tác xã hội. Ông tham gia Hội Cựu chiến binh, rồi làm Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Bình trong nhiều năm, tìm cách giúp đỡ và chia sẻ những người có hoàn cảnh như mình, xứng đáng với hình ảnh người lính Cụ Hồ, cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Ngồi trò chuyện cùng ông, tôi luôn thấy một cảm giác khá an tâm, một giọng nói vững vàng dứt khoát của người thương binh từng trải qua nhiều đạn bom gian khổ nhưng vẫn luôn kiên cường. Ông bảo, cuộc đời mình dù gặp nhiều bất hạnh nhưng cũng trải qua nhiều hạnh phúc. Và điều hạnh phúc nhất với ông là được đóng góp một phần cho Tổ quốc khi chiến tranh và sống yên bình bên vợ con khi hòa bình.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quận Đống Đa phát động thi viết báo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa hưởng ứng Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Tư, năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2024-03-29 10:26:56

KUN Happy Run Cần Thơ 2024 - Sân chơi thể thao đỉnh cao, căng trào cảm xúc

Trước thềm giải chạy VPBank Can Tho Music Night Run 2024, sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), thương hiệu KUN thuộc CTCP Sữa Quốc tế (IDP) và Nexus Sport Events sẽ phối hợp tổ chức giải KUN Happy Run Cần Thơ 2024. Giải chạy nhằm lan tỏa tình yêu thể thao, truyền cảm hứng về lối sống nhân văn, tích cực đến các mầm non tương lai của đất nước.
2024-03-29 10:04:15

Du khách được ăn hơn 400 món tại Lễ hội văn hóa ẩm thực TP.HCM

Lễ hội Văn hóa ẩm thực Món ngon Saigontourist Group 2024 hấp dẫn với hơn 400 món ăn, thức uống đặc trưng ba miền tại 40 gian hàng ẩm thực.
2024-03-28 22:55:00

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17
Đang tải...