Người thương binh tỷ phú ở nơi cuối đất

2016-11-24 09:29:01 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Sau giải phóng, chú Tư Việt phục viên về làng, lấy vợ, lần lượt sinh ba đứa con với đồng lương ít ỏi mà phải nuôi 5 miệng ăn, thật vất vả. Không có ruộng đất, vợ chồng chú đi làm mướn nhưng vẫn thiếu trăm bề, có lúc gia đình phải ăn cháo, ăn bông súng thay cơm. Nhưng rồi, lại nhớ đến lời Bác Hồ năm nào, chú vay tiền “xóa đói, giảm nghèo” để mua ba công đất nuôi tôm, trồng cây ăn trái.
Khi đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cà Mau giới thiệu người thương binh hạng nặng, một chân bị cụt, rằng đó là tỷ phú của Đất Mũi, tôi ngỡ anh nói giỡn cho vui. Một người chân phải cụt tới bẹn, đi đứng khó khăn, còn làm ăn gì được? Vậy mà nắm trong tay cả trăm tỷ đồng, có cơ sở chế biến thủy sản. Có điều anh Tư Việt (Nguyễn Quốc Việt) đã chia sẻ lợi nhuận cho người nghèo chứ không ăn một mình. Anh Hai Thắng nói vậy. Chú Tư Việt chậc lưỡi nói với tôi:

- Mình từng là bộ đội, được dân nuôi nấng, che chở những năm chiến tranh, giờ làm ra của cải, có dư chút đỉnh thì chia sẻ cho bà con cô bác, phải không anh?

Người thương binh tỷ phú ở nơi cuối đất
Thời gian rảnh, chú Tư Việt lại lấy các bức tượng Bác ra lau chùi, nhớ lại những kỷ niệm thời chiến tranh. Ảnh Internet

Chú Tư Việt có khuôn mặt chữ điền, mắt nâu sáng, toát lên nghị lực lớn. Gặp người như chú như được tiếp thêm niềm tin vào cuộc sống. Thế rồi, tôi được trò chuyện với chú Tư Việt trong suốt thời gian hội nghị điển hình Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của tỉnh Cà Mau. Chú Tư là người hiền lành, chỉ nói khi cần thiết. Khi đã nói rất hùng hồn. Hóa ra, chú là người gốc xứ Quảng.

- Nói về gia đình tôi thì kể cả chục đêm vẫn chưa hết chuyện. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, quân ta tập kết ra miền Bắc, Mỹ-Diệm thi hành luật 10/59, ra sức đàn áp cách mạng. Ở miền Trung có Ngô Đình Cẩn, mệnh danh là hung thần, cho lính giết người lương thiện không hề nương tay. Ông già tôi vốn là bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi nên bị chúng chém ngay khi bắt được. Ngày đó đen tối tưởng không có lối thoát. Bài học cho chúng ta: Nếu tin vào lời hứa hòa bình của kẻ thù là ảo tưởng.

Vâng, đó là thời kỳ đen tối của cách mạng miền Nam. Sau khi chồng bị giết, má chú Tư dắt con, lúc đó chú mới lên chín, chạy vào miền Tây. Thời gian ấy, miền Tây Nam Bộ đang được coi là nơi lánh nạn khá an toàn vì đất rộng, rừng nhiều, nhân dân đã từng từng cưu mang những người bị kẻ thù truy đuổi. Tới ấp Hải An, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi, hai má con được một gia đình từng nuôi giấu bộ đội ta thời chín năm cho ở trong vườn nhà và xẻ cho hai công đất làm lụng. Chú bé Việt được vào học trường tiểu học rồi lên trung học. Đến năm 15 tuổi, chú làm liên lạc giữa thầy giáo nhà trường với cán bộ huyện. Sau phong trào Đồng khởi, cách mạng ở Nam Bộ phát triển mạnh, các huyện thành lập lực lượng bán vũ trang, chú Tư Việt tham gia bộ đội địa phương Đầm Dơi, đánh giặc càn quét, trừng trị đám ác ôn. Một lần, đánh tàu chiến trên kinh Vàm Đầm, chú bị mảnh đạn thiến ngang chân phải, khi chuyển về tới trạm xá tỉnh đội, vết thương nhiễm trùng, các bác sĩ đã thực hiện một cuộc giải phẫu rất hiếm có.

Chú Tư Việt nhớ lại:

- Đó là cắt chân bị thương bằng cưa thợ mộc, tôi phải lấy tất cả sức bình sinh để chịu đựng, cắn môi tới bật máu. Bác sĩ Hai Quang vừa cưa vừa khóc, các y tá, hộ lý cũng không cầm nổi nước mắt.

Giải phẫu xong, lại phải sát trùng bằng cách treo sọt muối lên cho nhỏ từng giọt xuống chỗ vết cắt. Vậy rồi cũng khỏi. Chú được chuyển về trại an dưỡng ở ấp Bàu Sen. “Về an dưỡng chúng tôi được nghỉ ngơi hoàn toàn, hằng ngày ăn xong nằm võng tán gẫu. Tự nhiên tôi thấy chán, không biết sau này sống như thế nào. Cho đến một hôm, qua đài Phát thanh Giải Phóng, được nghe lời Bác Hồ dạy thương binh “Tàn nhưng không phế”, trong tôi bừng lên cảm hứng muốn làm việc. Thế rồi thấy trẻ em trong ấp không được học hành gì cả, tôi tự tay dựng một cái lán để dạy chữ cho các em. Lớp học ấy lúc đầu chỉ có dăm cháu, mấy tháng sau đã có hàng chục cháu. Các vị phụ huynh rất mừng vì con biết đọc, biết viết, biết làm các phép tính số học. Một lần, có anh phóng viên Trương Việt Thắng ghé thăm đã tặng hai câu thơ: Một chân bỏ lại chiến trường/ Một chân anh đứng dạy trường Bàu Sen – Chú Tư Việt nhớ lại.

Sau giải phóng, chú Tư Việt phục viên về làng, lấy vợ, lần lượt sinh ba đứa con với đồng lương ít ỏi mà phải nuôi 5 miệng ăn, thật vất vả. Không có ruộng đất, vợ chồng chú đi làm mướn nhưng vẫn thiếu trăm bề, có lúc gia đình phải ăn cháo, ăn bông súng thay cơm. Nhưng rồi, lại nhớ đến lời Bác Hồ năm nào, chú vay tiền “xóa đói, giảm nghèo” để mua ba công đất nuôi tôm, trồng cây ăn trái. Đâu dè, thắng to, vụ tôm đầu tiên trả hết vốn cho ngân hàng, còn dư đến hai chục triệu. Hai chục triệu vào những năm đầu 1990, mua được hai chục công đất. Chú Tư tiếp tục mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn trái trái vụ. Phải có trái cây vào lúc thị trường khan hiếm mới được giá, chú nghĩ vậy. Thế rồi, gia tài chú ngày một giàu lên, sắm được xe con chở hàng, lập doanh nghiệp có tên là Vạn Lợi để chế biến thủy sản. Bao nhiêu sản phẩm tôm, cá trong vùng chú mua hết, giá cả cao hơn thương lái khác. Bà con tin, quý chú lắm.

Người thương binh tỷ phú ở nơi cuối đất
Không khuất phục trước hoàn cảnh, chú Tư Việt xây dựng nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Ảnh Internet

Thương binh Tư Việt trở thành tỷ phú ở vùng đất Mũi. Có nhiều tiền, chú cho con ăn học chu đáo rồi làm từ thiện, giúp bà con nghèo cùng làm ăn. Chú đã xây cầu bắc nối hai ấp Hải An và Hải Thủy, bà con đặt tên là cầu Thương binh Tư Việt. Một hôm, chú đi ăn cưới ở ấp Hiệp Dư, nghe bà con trò chuyện về gia đình anh thương binh Nguyễn Văn Hùng nhà nghèo, lợp lá tối trời mà còn bị dột, hằng ngày phải ăn cơm gạo rẻ tiền với cá khô quẹt, chú đến thăm. Thấy nhà anh Hùng quả là rất nghèo, chú liền xây tặng nhà trị giá 25 triệu. Lại một lần tới ấp Vàm Đầm ăn giỗ, thấy gia đình anh Nguyễn Văn Hai rất nghèo, vợ chồng làm mướn, nghèo tới độ đi đám mà phải mặc áo vá, chú đã giúp tiền mua 2,4 ha đất, trị giá 20 lượng vàng. Bây giờ gia đình anh Hai đã là hộ giàu nhất ấp ấy. Chú còn giúp nhiều gia đình khác để mua đất, sắm máy đào đất, mua xe vận tải, đóng thuyền, tắc ráng chở hàng.

Chú Tư Việt nói với tôi:

- Cuộc đời mỗi người đều ẩn chứa tiềm lực rất lớn, nếu biết khơi dậy sẽ làm được rất nhiều việc lớn và có cơ hội giúp đỡ người khác.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...