Người viết “cổ tích” bên ngã ba sông

2017-09-05 09:29:57 0 Bình luận
Để lại chiến trường 81% sức khỏe, Trung úy Nguyễn Văn Tào trở về quê hương với những “vết chân tròn” cùng một bên chân bằng gỗ. Thương tật là thế nhưng với nghị lực phi thường của một người lính giàu tình yêu lao động, thiết tha với ruộng đồng, ông đã biến vùng ruộng trũng quanh năm hoang hóa ở bên ngã ba sông (sông Hồng hợp với sông Ninh Cơ) trở thành trang trại nông nghiệp sạch, cho giá trị kinh tế cao.
Chuyện về người chiến sĩ dũng cảm

Một ngày cuối tháng 7-2017, tôi có dịp cùng các anh cán bộ ở cơ quan Chính trị Bộ CHQS tỉnh Nam Định và Ban CHQS huyện Trực Ninh về xóm An Thành, xã Trực Chính, huyện Trực Ninh (Nam Định) để tìm gặp ông Nguyễn Văn Tào - người thương binh làm kinh tế giỏi. Trong căn lán nằm giữa vườn cây dược liệu tỏa hương thơm ngát, lẫn trong tiếng gà, vịt rộn ràng của trang trại, ông Nguyễn Văn Tào hồi tưởng lại từng trận đánh mà quãng đời binh nghiệp của ông đã trải qua.

Ông Nguyễn Văn Tào trao đổi kinh nghiệm trồng cây hoa hòe với cán bộ của Ban CHQS huyện Trực Ninh (Nam Định).

Đó là vào những ngày tháng 9-1965, lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân và dân ta bước vào giai đoạn khốc liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Văn Tào khi ấy vừa tròn 18 tuổi đã cùng các thanh niên trong làng hăng hái viết đơn bằng máu, xung phong vào chiến trường. Sau thời gian huấn luyện tập trung, ông Tào được biên chế về Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304, hành quân vào chiến đấu tại Mặt trận B5 (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Trị). Trong thời gian tham gia chiến đấu tại đây, với tinh thần dũng cảm, mưu trí, gan dạ, ông đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt, cùng đồng đội trải qua nhiều trận đánh lớn như: Đường 9 - Nam Lào, tiến công cứ điểm làng Vây, Khe Sanh, Cao điểm 420, Cao điểm 615, Ba Lòng… Trong đó, điển hình là trận tiến công cứ điểm làng Vây vào đêm 30 rạng sáng Mồng Một Tết Mậu Thân (làng Vây là một tập đoàn cứ điểm thuộc hệ thống phòng thủ Khe Sanh của Mỹ nằm ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Trận đánh này Đại đội 5 của ông Tào cùng với đội hình của Sư đoàn 304 đã giành thắng lợi lớn, được cấp trên đánh giá cao, cá nhân ông Nguyễn Văn Tào vinh dự được nhận Huân chương Chiến công hạng Ba.

Trong chuyến về Nam Định lần này, tôi có dịp được gặp ông Nguyễn Khắc Mẫn, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 - nơi ông Nguyễn Văn Tào trưởng thành từ người chiến sĩ lên làm Chính trị viên đại đội. Ông Mẫn cũng là thương binh, đang sống cùng gia đình ở xã Xuân Đài, huyện Xuân Trường (Nam Định).

Khi nghe chúng tôi nhắc đến ông Nguyễn Văn Tào - người đồng đội, người chính trị viên một thời chung chiến hào của mình, ông Mẫn kể: “Từ trong chiến đấu, anh Nguyễn Văn Tào đã dần chứng tỏ được năng lực, phẩm chất của bản thân, lập được nhiều chiến công, được đồng đội và cấp trên ghi nhận. Nhờ vậy mà chỉ ba năm sau ngày nhập ngũ, anh ấy đã được cấp trên thăng quân hàm tới 3 lần, từ Binh nhì lên Thiếu úy rồi Trung úy với các chức vụ: Tiểu đội trưởng, Chính trị viên phó và Chính trị viên đại đội. Với tinh thần quả cảm, gan dạ trong chiến đấu, cộng với vốn thông minh, sự nhanh nhẹn sẵn có, anh Tào còn được cấp trên chọn đưa về Hà Nội làm thủ tục đi học ở Liên Xô, nhưng anh ấy kiên quyết “chống lệnh”. Trước sau vẫn chỉ có câu nói: “Cho dù cấp trên có kỷ luật tôi cũng chịu, chỉ xin cho tôi được ở lại chiến đấu cùng anh em!”. Rồi sau những lần bị thương, nhiều lần tôi cùng chỉ huy cấp trên đề nghị đưa anh Tào về tuyến sau điều trị, nhưng anh ấy vẫn kiên quyết bám chiến trường, bám trận địa, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5 để chiến đấu… Đời quân ngũ của tôi chưa từng thấy ai "lỳ" như anh ấy!”.

Quyết tâm làm giàu trên vùng đất trũng


Trong thời gian chiến đấu trên chiến trường, ông bị thương nặng, bị mất một bên chân và phải chuyển về tuyến sau để điều trị. Đến cuối năm 1973 thì ông Tào được xuất ngũ trở về địa phương. Trực Chính - quê hương của ông Nguyễn Văn Tào là một xã nằm ở phía tả ngạn sông Hồng. Cũng chính tại nơi này, sông Hồng phân lưu với sông Ninh Cơ, tạo thành ngã ba cuối cùng, trước khi hòa vào biển cả qua cửa Ba Lạt. Mọi phương tiện tàu, thuyền từ biển đi theo sông Hồng vào các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên về Hà Nội và lên các tỉnh miền núi phía Bắc phần lớn đều phải đi qua ngã ba sông này. Nhận ra đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch, có vị trí chiến lược quan trọng, nên những năm tháng leo thang phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ đã thả một lượng lớn bom, đạn, thủy lôi xuống đây. Để giữ cho thông tuyến đường thủy huyết mạch, đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn đã ngã xuống tại ngã ba sông này. Trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Cường, là cha đẻ của thương binh Nguyễn Văn Tào…

Ngày từ trung tâm điều dưỡng thương binh trở về với gia đình ở bên ngã ba sông - cũng là nơi người cha của mình đã hy sinh, ông Tào thấy buồn khi chứng kiến một diện tích lớn đất trũng ở gần chân đê bị bỏ hoang vì ngập úng. Là thương binh, ông thuộc diện được địa phương ưu tiên cho nhận ruộng ở khu vực dễ canh tác, nhưng ông lại nhất quyết xin nhận ở đám ruộng trũng với nhiều khó khăn ấy. Nhớ lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn mà không phế”, ông Tào đã nỗ lực cùng với vợ và các con, ngày đêm lăn lộn tìm cách phát triển kinh tế. Từ trồng lúa đến chăn nuôi, sau nhiều thành công rồi cũng không ít lần thất bại nhưng ông quyết không nản. Qua báo, đài ông Tào luôn chủ động tìm tòi, học hỏi những mô hình, cách làm kinh tế giỏi từ nông nghiệp ở các địa phương rồi tìm đến tận nơi để học hỏi kinh nghiệm. Nhờ sự chăm chỉ trong lao động sản xuất mà ông Tào đã nuôi được cả năm người con ăn học đến nơi đến chốn. Đồng thời ông cũng tích lũy được một số vốn kha khá.

Bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc chuyển đổi mục đích sử dụng và dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp để phát triển kinh tế hộ gia đình, từ năm 2011, ông Nguyễn Văn Tào đã mạnh dạn đầu tư nhận khoán và chuyển đổi hơn 13 nghìn m2 đất trũng ở khu vực ven đê để mở trang trại nông nghiệp sạch. Tại đây, ông Tào đầu tư nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá và kết hợp trồng các loại cây dược liệu. Trong đó, cây hòe là loại cây chủ lực được ông Tào đầu tư trồng nhiều nhất.

Theo ông Tào, đây là loại cây dễ trồng, đỡ tốn chi phí, dễ bảo quản và cho kinh tế cao. Hiện tại, trang trại của ông Tào đang có hơn 3.000 gốc hòe, trung bình mỗi cây cho từ 3 đến 4kg hoa/năm. Với mức giá ở thời điểm hiện tại khoảng 140 nghìn đồng/kg, như vậy chỉ tính riêng tiền thu từ bán hoa hòe, ông Tào đã có thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm. Cùng với cây hòe, trang trại của ông Tào còn đầu tư chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín, kết hợp giữa gà, vịt, lợn, cá và trồng lúa. Mặc dù thời gian qua, giá của các loại thực phẩm từ chăn nuôi xuống thấp, nhiều người chăn nuôi bị ảnh hưởng, nhưng trang trại của gia đình ông Tào vẫn hoạt động hiệu quả.

Có được điều đó là nhờ trang trại của ông không sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp và các chất tăng trọng. Với các loại thực phẩm sạch, được sự chứng nhận của các cơ quan chức năng, nên lượng khách hàng tìm đến thu mua ở trang trại của gia đình ông Tào vẫn rất ổn định. Sau khi trừ tất cả mọi chi phí, mỗi năm trang trại của gia đình ông Tào cho thu nhập hơn 1,4 tỷ đồng. Đây là một số tiền không hề nhỏ so với mức thu nhập tại các vùng nông thôn, nhất là đối với một người thương binh chỉ còn lại có 19% sức khỏe như ông Tào thì đó quả là một điều kỳ diệu.

Khi chúng tôi hỏi động lực nào giúp ông phấn đấu làm kinh tế giỏi từ vùng đất trũng nơi ngã ba sông này, ông Tào bình thản trả lời: “Là người lính thì dù ở thời nào cũng không được phép chọn mặt trận. Mỗi tấc đất, thửa ruộng nơi đây đều thấm đẫm bao giọt máu của cha tôi cùng những người dân quê tôi. Đó chính là động lực, là lý do để tôi quyết tâm phải làm giàu ở chính trên mảnh đất này…”.

Qua tiếp xúc với cấp ủy, chính quyền cùng người dân ở nơi ngã ba sông này chúng tôi còn được biết, nhiều năm qua người cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Văn Tào không chỉ là người làm kinh tế giỏi mà ông còn là tấm gương điển hình trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhận xét về thương binh Nguyễn Văn Tào, ông Vũ Đức Mạnh, Chủ tịch UBND xã Trực Chính, huyện Trực Ninh (Nam Định) cho biết: “Năm 2011, khi địa phương phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Tào đã tích cực tham gia. Đặc biệt, ông còn chủ động hiến 950m2 đất của gia đình để phục vụ xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi, góp phần tạo thuận lợi trong phục vụ lao động, sản xuất của địa phương (ông Tào là người đã hiến diện tích đất lớn nhất cho phong trào xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Nam Định tính đến hôm nay).

Ông là một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của xã và được nhiều người học tập, noi theo. Ông cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho những người có ý chí, có nghị lực làm giàu... Với những thành tích mà ông đã đạt được trong phong trào sản xuất, làm kinh tế giỏi, ông đã vinh dự được UBND tỉnh Nam Định 3 lần tặng bằng khen; Hội Nông dân Việt Nam và Hội Cựu chiến binh tỉnh Nam Định cũng đã tặng bằng khen cho ông Nguyễn Văn Tào.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Thành lập Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật TP Thái Nguyên

Ngày 28/3, tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Hội Người khuyết tật TP Thái Nguyên tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật.
2024-03-28 17:48:00

Về thăm chùa cổ Kiên Lao - Sùng Phúc tự

Chùa Kiên Lao (Sùng Phúc tự) ở làng Kiên Lao, xã Xuân Kiên (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những danh lam cổ tự của vùng đất “Địa linh, nhân kiệt”. Nơi đây Hòa thượng Thích Thiện Tri trụ trì là bậc hoằng pháp chân tu cùng Hội phật tử dốc lòng tâm huyết, luôn mang lại phúc lành cho mọi người dân và tín đồ phật tử muôn phương.
2024-03-28 16:04:55

Khám phá những đường chạy cực chất tại VPBank Can Tho Music Night Run 2024

Chính thức khởi tranh vào chiều tối 13/4, VPBank Can Tho Music Night Run 2024 sẽ đưa runner băng qua cung đường ấn tượng gắn kết với những địa danh đã đi vào huyền thoại của thủ phủ miền Tây Nam Bộ.
2024-03-28 13:59:17

T&T Group hợp tác quản lý vận hành "chuẩn Nhật Bản" tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (đơn vị trong hệ sinh thái Tập đoàn T&T Group) và đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Anabuki vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.
2024-03-28 13:53:20

Cao Bằng tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động

Theo kế hoạch, trong 3 ngày đầu tháng 4/2024 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng sẽ tổ chức khám sàng lọc cho đối tượng khuyết tật cơ quan vận động trên địa bàn.
2024-03-27 13:39:07

Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Ngày 20/3/2024, Công ty cổ phần quảng cáo Hà Thái, công ty TNHH quảng cáo Ngọc Hà là hai thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam do ông Hà Đình Thái, Ủy viên ban chấp hành dẫn đoàn có chuyến viếng thăm, thắp hương tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.
2024-03-26 21:16:00
Đang tải...