Nhìn từ vụ phân bón giả của Thuận Phong

2017-12-27 10:45:55 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình trạng hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam hiện nay không chỉ dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ mà thực sự trở thành “ngành công nghiệp đen tối” gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước và sức khỏe người tiêu dùng, gây hoang mang trong xã hội.


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo


Hàng giả và cuộc chiến chống hàng giả


Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, lượng hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) chiếm tỷ lệ khá cao trên thị trường, gần như mặt hàng nào được người tiêu dùng ưa chuộng đều bị làm hàng giả, hàng nhái, xâm phạm SHTT.

Theo thống kê, từ năm 2014 đến 10/2017, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 44.500 vụ việc về hàng giả và vi phạm SHTT. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2017, cả nước phát hiện hơn 3.800 vụ, trong đó có những vụ việc lớn được cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng như: thuốc giả của Việt Nam Pharma, lụa Trung Quốc đóng mác Việt Nam của Khaisilk hay lô mỹ phẩm không rõ nhãn mác của TS Group… Những vụ việc cộm cán nói trên chỉ là “phần nổi”, thực tế số vụ hàng giả, hàng nhái với mức độ nghiêm trọng là rất lớn, phổ biến trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, trên mọi địa bàn. Chỉ riêng mặt hàng phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn hằng ngày, hằng giờ qua mặt các cơ quan chức năng len lỏi đến khắp các vùng nông thôn, gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp và bà con nông dân. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy tình trạng phân bón giả năm sau lại đáng lo ngại hơn năm trước.


Năm 2015, phát hiện hơn 4.000 vụ vi phạm, đến năm 2016 là hơn 5.000 vụ. Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thường tập trung tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bắc Giang, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, kém chất lượng thường hoạt động bí mật, khép kín từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ... Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đăng ký sản xuất nhiều loại khác nhau, khi bị phát hiện loại phân bón này là giả, kém chất lượng thì sẵn sàng thay thế loại phân bón khác. 

Trước vấn nạn trên, đã từ lâu, Đảng và Chính phủ đã xác định công tác chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam.

Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật nhằm bảo vệ các tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh chân chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, để công tác chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT đạt hiệu quả đã được ban hành. Có thể điểm một số văn bản pháp luật như: Bộ luật Hình sự năm 1999, 2015 và sửa đổi 2017; Luật SHTT năm 2005 và sửa đổi bổ sung năm 2009; Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa; Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 185/2013/NĐ-CP; Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón; Thông tư 149/2014/TT-BTC quy định về số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính để sung vào ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành…


Song, trên thực tế, những kết quả đạt được trong công cuộc chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT chưa đáp ứng được mong muốn của Chính phủ và sự kỳ vọng của người dân, tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái vẫn phổ biến và diễn biến phức tạp. Nguyên nhân thì có nhiều, song nguyên nhân chính phải kể tới đầu tiên là vấn đề thực thi chính sách chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT còn nhiều bất cập. Thông qua cách xử lý vụ phân bón giả của Thuận Phong, bạn đọc sẽ phần nào có câu giải đáp.

Diễn tiến việc xử lý vụ phân bón giả của Thuận Phong

Thuận Phong là tên gọi tắt của Công ty Cổ phần sản xuất & thương mại Thuận Phong, địa chỉ: Trung tâm dịch vụ khu công nghiệp Amata, đường Amata, KCN Am, Phường Long Bình, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai do ông Nguyễn Công Minh là Chủ tịch HĐQT (Người đại diện pháp luật), ông Khiếu Mạnh Tường là Tổng giám đốc. Công ty Thuận Phong bắt đầu đi vào hoạt động từ 7/4/2003.

“Tôn chỉ và mục tiêu hoạt động kinh doanh của Công ty Thuận Phong luôn ý thức việc huấn luyện, xây dựng tập thể nhân viên có tính kỷ luật, đoàn kết, vững mạnh; có đạo đức, kiến thức, kỹ năng trong kinh doanh, làm việc một cách chuyên nghiệp và hiệu quả…” (trích Thư ngỏ của Thuận Phong đăng trên Web của Công ty”.

Cơ quan chức năng đang kiểm tra số lượng phân bón giả trong kho của Thuận Phong


Nếu Thuận Phong thực hiện đúng tôn chỉ trên, chắc công ty này không thể để xảy ra liên tiếp những vụ Scandal như vừa qua. Điển hình là vụ sản xuất phân bón giả bị đoàn thành tra liên ngành phát hiện vào ngày 24/4/2015. Tiếp đến là ngày 9/10/2015 Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã yêu cầu mở kho hàng, phát hiện có dấu hiệu hoạt động kinh doanh trái phép, tự in dấu hợp quy CR. Trong bài viết này, tôi chỉ đi vào phân tích vụ 24/4/2015.

Cụ thể, ngày 24/4/2015, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, 389 tỉnh Đồng Nai và cơ quan Thanh tra của Bộ Quốc Phòng (do Công ty Thuận Phong thuê đất quốc phòng) đã bắt quả tang hai nữ công nhân đang thực hiện việc san chiết phân bón (dạng nước) từ bồn chứa vào bao bì (bằng chai nhựa) mang nhãn hiệu Vitol (loại 1 lít/chai), trên nhãn sản phẩm ghi nguồn gốc xuất xứ “made in USA”.

Ngay sau đó, đoàn kiểm kê số lượng hàng hóa tại kho có nhãn hàng hóa ghi xuất xứ “made in USA” là 3.224 chai (tương đương hơn 4 tấn). Ngoài ra, tại kho hàng còn có gần 150kg nhãn hàng hóa ghi xuất xứ “made in USA”, hơn 95kg nhãn phụ các loại và 1.520 tem nhãn hiệu Huma Gro... Ông Khiếu Mạnh Tường – Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong đã ký văn bản thừa nhận toàn bộ tem nhãn mác ghi phân bón sản xuất tại Mỹ thực chất đều sản xuất tại Việt Nam. Kết quả giám định chất lượng 29 loại phân bón thì có đến 19 loại không đạt chất lượng như công bố.

Trong đó có loại thành phần chất chính chỉ đạt vi lượng kẽm, thành phần chất chính là kẽm công bố trên bao bì là 15.000 ppm, nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ có 1.310ppm (đạt 8,7% hàm lượng kẽm công bố). Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP thì hàng giả là “Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”.

Sản phẩm mẫu phân bón được trưng bày, giới thiệu ở Văn phòng Công ty Thuận Phong tại Đắk Lắk


Một việc tưởng chừng rất đơn giản trong việc thụ lý và giải quyết dứt điểm vụ việc này, nào ngờ đến nay đã 2 năm, 9 tháng mà vẫn chưa đưa ra được phán quyết cuối cùng.

Vụ phân bón giả này đã cuốn hút hàng chục tòa báo vào cuộc với hàng trăm bài được đăng tải, làm tốn bao nhiêu giấy mực, bao nhiêu cuộc họp, bao lần giám định, bao nhiêu công văn giấy tờ của nhiều bộ, ngành, nhiều văn phòng Luật sư và đã được Đại biểu quốc hội mang ra tranh luận tại 3 kỳ họp. Có thực trạng trên, bởi trên thực tế đã, đang tồn tại 2 quan điểm xử lý khác nhau:

Quan điểm thứ nhất, cho rằng đây là vụ sản xuất, buôn bán phân bón giả với khối lượng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và gây thiệt hại rất lớn đối với nông dân trong nước nên cần phải khởi tố vụ án và giải quyết theo đúng quy trình của Bộ Luật tố tụng hình sự. Quan điểm này được sự nhất trí cao của các bộ, ngành quản lý chức năng, như Ban chỉ đạo 389, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công Thương, Bộ Tư Pháp, Bộ KHCN, Bộ Nông nghiệp&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam,.., và phần lớn Đại biểu Quốc hội.

Quan điểm thứ hai, cho rằng “hành vi vi phạm của Khiếu Mạnh Tường không đủ yếu tố cấu thành tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả”, chỉ phải xử phạt hành chính theo Điều 6 và Điều 8 Nghị định 185, nên đề xuất không khởi tố vụ án hình sự, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 16/5/2016, xét đề nghị của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đã ban hành quyết định số 1419 xử phạt hành chính đối với Cty Thuận Phong về 7 sai phạm trong hoạt động kinh doanh phân bón, với tổng mức phạt là 509.500.000 đồng, yêu cầu Cty Thuận Phong nộp tiền phạt vào Kho bạc trong thời hạn 10 ngày, nếu không khiếu nại. Quan điểm giải quyết trên được sự ủng hộ của Đại diện Bộ Công an, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan tố tụng của tỉnh Đồng Nai.

Nhận định về quan điểm xử lý trên, Tổng giám đốc Khiếu Mạnh Tường cho rằng kết luận và xử phạt hành chính của cơ quan điều tra và cơ quan chức năng đối với doanh nghiệp là hoàn toàn chính xác, phản ánh đúng mức độ vi phạm hành chính của doanh nghiệp.

ĐBQH Hồ Văn Năm (Đồng Nai) Tranh luận với ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) về vụ việc Thuận Phong sản xuất phân bón giả. Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): phát biểu của ĐB Năm gây phẫn uất cho xã hội.


Không đồng tình với cách hành xử trên, những cá nhân, tổ chức ủng hộ quan điểm thứ nhất lại một lần nữa lên tiếng. Lần này sức lan tỏa rộng hơn và có tính chất quyết liệt hơn.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng (lực lượng lao động nông nghiệp trong nước), và các doanh nghiệp sản xuất, buôn bán phân bón chân chính, Chính phủ đã vào cuộc và chỉ đạo các cơ quan tư pháp xem xét lại vụ việc này. Ngày 31/5/2017, Viện KSND Tối cao có văn bản số 1971/VKSTC-V3 yêu cầu hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự, để tiếp tục điều tra làm rõ việc nhập khẩu phân bón hiệu Zap của Công ty Thuận Phong. Tiếp đến, ngày 12/6, VKSND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 645/QĐ-VKS-P3 hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong để tiếp tục điều tra.

*Những khuyến nghị - thay lời kết

Vụ án phân bón giả của Thuận Phong lại tiếp tục quá trình điều tra mới. Việc có tội hay không có tội phải thông qua công tác điều tra, truy tố và tòa án quyết định theo thẩm quyền. Qua vụ việc này, tôi xin có hai khuyến nghị sau:

Thứ nhất
, mặc dù Việt Nam chưa được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công nhận là nước đã có nền kinh tế thị trường, song Nhà nước Việt Nam lại sớm quan tâm tới công tác bảo hộ quyền SHTT (trong đó có sở hữu công nghiệp - SHCN). Điều này được thể hiện như, năm 1981 Việt Nam đã trở thành thành viên của tổ chức Bảo hộ quyền SHCN theo quy định của Công ước Paris 1883, và trở thành thành viên của Tổ chức SHTT Thế giới (WIPO); thành viên của WTO. Đặc biệt hành vi nhượng quyền thương mại và chuyển nhượng quyền SHCN đã được luật hóa tại Luật Thương mại và Luật SHTT. Ngay như tại Hiệp định song phương Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, cũng có riêng hẳn một chương về SHTT.

Từ những quy định trên các cơ quan tiến hành tố tụng cũng nên xem hợp đồng liên doanh giữa Công ty Thuận Phong với đối tác Mỹ có đủ và đúng với tính pháp lý mà Luật Thương mại và Luật SHTT đã ban hành? Trong khi tại 2 Luật trên quy định rất chặt chẽ về nhượng quyền thương mại và chuyển nhượng quyền SHCN, vậy mà Công ty Thuận Phong lại quá dễ dãi trong việc tuyển chọn công nhân để thực thi hợp đồng liên doanh. Cụ thể là Công ty đã sử dụng cả người không biết chữ để thực hiện việc san chiết phân bón (dạng nước) từ bồn chứa vào bao bì (bằng chai nhựa) mang nhãn hiệu Vitol (loại 1 lít/chai), trên nhãn sản phẩm ghi nguồn gốc xuất xứ “made in USA”.

Thứ hai, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, thì hàng rào thuế quan sẽ dần dần được dỡ bỏ. Khi thuế suất hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tiến tới bằng % thì tình trạng buôn lậu sẽ tự nhiên biến mất. Thay vào đó là tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm SHTT sẽ tăng cao, trong đó phải kể tới tình trạng giả về nguồn gốc xuất xứ, tự in tem nhãn bao bì của các quốc gia trên thế giới như: Madein Usa, France, Germany, Italy…lừa người tiêu dùng. Nếu các cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ giải quyết vụ việc này không đến nơi đến chốn, bỏ lọt tội phạm thì hiệu quả của cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm SHTT rồi sẽ lại rơi vào tình trạng “không đáp ứng được mong muốn của Chính phủ và sự kỳ vọng của người dân”..?./.

Trong bài viết có sử dụng tài liệu đăng trên Báo Đầu tư, Báo Tiền Phong, BáoMới.com.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38

“Hành trình khôi phục phòng Nam dược chuẩn Y khoa”

Ngay từ ngày đầu thành lập Y Dược Việt đã xác định rõ hướng đi cho mình là phát triển các sản phẩm từ thảo dược, dược liệu có sẵn của đất nước Việt Nam (Nam Dược).
2024-04-23 15:35:00

SHB hai năm liền được vinh danh Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất

SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các Ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.
2024-04-23 10:53:14
Đang tải...