Nữ biệt động duy nhất đánh Dinh Độc Lập!

2019-10-15 09:58:43 0 Bình luận
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thuộc xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi, TP HCM), cô bé có cái tên Vũ Minh Nghĩa thường được mọi người gọi với biệt danh là Chính Nghĩa. Lớn lên trong thời kỳ đất nước đang phải chịu cảnh bom đạn, Chính Nghĩa sớm đã hiểu biết và có cảm tình với Cách mạng.

Ảnh: Chính Nghĩa lúc 19 tuổi.


Là cô con gái thứ 7 trong số 8 anh chị em trong gia đình, Chính Nghĩa luôn thể hiện là một cô bé hoạt bát, linh động, năng nổ tham gia các phong trào. Vào những năm 1959-1960, khi vùng đất thép anh hùng Củ Chi đang dấy lên phong trào Đồng Khởi, Chính Nghĩa được các cô chú cán bộ giao cho công việc liên lạc trong các cuộc biểu tình, đấu tranh chính trị tại địa phương.

Thấu hiểu được nỗi khổ của người dân bị giặc đàn áp, bóc lột, lại nghe mẹ kể về cái chết của cha, Chính Nghĩa căm thù giặc cướp nước và khao khát được tự tay cầm súng giết giặc, cùng đồng bào giải phóng quê hương mình.

Năm 1964, người thanh niên yêu nước Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Mỹ ngụy đưa ra xử bắn sau khi đặt mìn ám sát Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara không thành, từ đó, lòng yêu nước và ý chí theo Cách mạng trong Chính Nghĩa tăng lên gấp bội.

“Khi anh Nguyễn Văn Trỗi bị đưa ra tử hình, tôi có suy nghĩ là mình phải làm sao để được ở trong đơn vị hoạt động như anh Trỗi, được chính tay cầm súng để đi giết giặc. Từ đó, tôi quyết tâm theo Cách mạng, mong muốn tòng quân để trả thù cho anh Trỗi”, bà Chính Nghĩa nhớ lại một thời hào hùng của tuổi trẻ.

Cơ hội đến với Chính Nghĩa vào năm 1965, khi Đội 5, biệt động Sài Gòn về vùng đất Củ Chi để hoạt động và tìm kiếm một cô gái dũng cảm tham gia vào đội. Bằng sự thông minh, bản lĩnh của mình, Chính Nghĩa được mọi người giới thiệu tham gia đơn vị. Ngày 15/4/1965, Chính Nghĩa chính thức trở thành nữ biệt động Sài Gòn dưới sự chỉ huy của đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân (bí danh Bảy Bê).

Sau lớp học trinh sát thực địa, bà Nghĩa được tổ chức phân công làm giao liên giữa nội thành Sài Gòn và vùng căn cứ Củ Chi. Đến năm 1966, Chính Nghĩa được kết nạp vào Đảng.

Trận đánh Dinh Độc Lập tết Mậu Thân 1968 chỉ duy nhất có Chính Nghĩa là nữ

Gia nhập lực lượng biệt động thành với mong muốn được cầm súng chiến đấu, nhưng suốt nhiều năm liền sau đó, Chính Nghĩa chỉ được giao làm giao liên, vận chuyển vũ khí, đưa thư từ…và chưa lúc nào được cầm súng chiến đấu.

“Hồi đó, thấy mấy anh cầm súng đi đánh, mình nhìn hăng say lắm. Cứ mỗi lần tới trận đánh là xin mấy anh đi đánh hoài mà không được nên tức lắm. Nhiều lần làm bộ giận mà vẫn không được cầm súng đánh”, bà Chính Nghĩa kể lại với thái độ vui vẻ.

Đến cuối năm 1967, cơ sở của Đội biệt động 5 bị lộ, nhiều đồng đội của bà Nghĩa bị bắt, trong đó có cả Đội trưởng Bảy Bê. Chỉ huy của biệt động Sài Gòn điều một số người ở các đơn vị khác qua lập ra một đơn vị biệt động 5 mới do ông Tô Hoài Thanh (bí danh Ba Thanh) làm chỉ huy trưởng.

Đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, sau khi đơn vị cùng nhau chúc tết, họp mặt, Chính Nghĩa và anh em trong đơn vị nai nịt gọn gàng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ cùng Biệt động sài Gòn tổng tiến công giết giặc. Cũng trong thời khắc ấy, Chính Nghĩa và các đồng đội ngỡ ngàng khi đội trưởng Ba Thanh thông báo Đội 5 sẽ đánh vào Dinh Độc Lập. Dù biết nhiệm vụ là vô cùng khó khăn, lại bị thay đổi đột ngột, nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Lúc này, đội trưởng Ba Thanh quay qua giao nhiệm vụ và hỏi thăm tinh thần của Chính Nghĩa rằng có mong muốn gì không? Trước câu hỏi này, Chính Nghĩa trả lời dõng dạc và quyết tâm: “Dù phụ nữ tay yếu chân mềm, nhưng được Đảng và Nhà nước giao phó, em sẽ hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng là người con của quê hương Củ Chi”.

Khoảng 1h30 mùng 2 Tết Mậu Thân 1968, đội biệt động 15 người trên ba xe tải nhỏ và hai chiếc Honda xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào dinh Độc Lập, chỉ duy nhất một cô gái trẻ Chính Nghĩa được tham gia trận đánh.

Xe tải đi đầu mang khối thuốc nổ gần 200kg có nhiệm vụ phá cổng nhưng khối thuốc không nổ. Lực lượng phòng vệ của quân đội Mỹ, chính quyền Sài Gòn sau phút hoảng loạn đã bắn trả dữ dội, 5 người hi sinh tại chỗ.

Bên ngoài, 3 xe của quân Mỹ chạy đến tiếp viện bị các chiến sĩ biệt động Sài Gòn tiêu diệt. Suốt nhiều giờ liền anh dũng chiến đấu với quân địch, đội 5 thêm 2 chiến sĩ nữa hy sinh, trong đó có Đội trưởng Ba Thanh.

“Anh Ba Thanh nói được mấy câu thì tắt thở trên vai tôi. Tôi nghẹn ngào không nói được lời nào. Tôi chết lặng vì nghĩ rằng mình làm nhiệm vụ cứu thương mà không có thuốc để cứu Thủ trưởng”, nói đến đây, đôi mắt bà Chính Nghĩa rưng rưng khi nhớ lại những ký ức đau thương.

Sau khi Đội trưởng Ba Thanh hy sinh, 8 người còn lại vẫn cố gắng chiến đấu đến gần sáng và hy vọng sẽ có quân đến chi viện. Sau nhiều giờ chờ đợi, vẫn chưa có chuyển biến tốt, Chính Nghĩa cùng các đồng đội còn lại rút vào một cao ốc đang xây dở cạnh đó tiếp tục cố thủ.

“Trận đánh rất gian nan, tương quan lực lượng giữa ta và địch rất lớn. Một phần do chủ quan rằng sẽ có chi viện. Sau này mới biết, kế hoạch của mình bị lộ. Trước khi nổ súng, các cánh quân chi viện đều bị chặn hết”, Chính Nghĩa nhớ lại.

Suốt một ngày, vừa đói vừa khát, thời tiết lại lạnh xé da xé thịt nhưng các chiến sĩ vẫn cương quyết không đầu hàng. Trong lúc ẩn nấp, để bảo đảm an toàn cho đồng đội, một chiến sĩ nữa đã hy sinh.

Khoảng 4h sáng mùng 3 tết, quân địch bao vây, tập trung lực lượng, kêu gọi đầu hàng. Lúc này, 7 người còn sống sót chui qua những lỗ hổng trên tường cao ốc trèo xuống, bí mật đi qua nhiều mái nhà và sau đó chọn một mái ngói leo xuống một gia đình trên đường Thủ Khoa Huân.

Truy theo dấu máu, quân địch phát hiện ra nơi ẩn nấp của bà Chính Nghĩa và đồng đội. Sau đó, tất cả đều bị bao vây và bắt giữ, tra tấn dã man nhưng không ai khai nửa lời. Chính Nghĩa và các đồng đội đã lần lượt bị đày giam tại các nhà tù Tổng nha Cảnh sát, Thủ Đức, Biên Hòa, Chí Hòa và cuối cùng là nhà tù Côn Đảo.

Sau Hiệp định Paris, chính quyền Sài Gòn buộc phải trao trả tù binh. Ðầu năm 1974, bà Nghĩa trở về đất liền, tiếp tục tham gia cách mạng với nhiệm vụ quân báo. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, bà cùng đồng đội từ Trảng Bàng tiến đánh các khu quân sự Củ Chi rồi tiến về thành phố. Ðến 11 giờ 30 phút ngày 30-4, khi đến chợ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, cách Dinh Ðộc Lập 10 km, bà nghe trên đài phát thanh Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Mọi nẻo đường tiến đánh về Dinh Ðộc Lập đã kết thúc. Niềm vui như vỡ òa với chiến thắng của cả dân tộc. Mỗi lần nghĩ về những đồng đội của mình, bà Nghĩa và những chiến sĩ đội biệt động vẫn tự hào: "Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ".

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...