Phúc Lợi, căn cứ kháng chiến giữa lòng Thủ đô

2017-10-09 09:54:06 0 Bình luận
Ít người biết, phường Phúc Lợi (quận Long Biên, TP Hà Nội) hiện nay, nơi chỉ cách trung tâm TP Hà Nội chưa đầy 10km về hướng đông bắc đã có một quá khứ lịch sử hào hùng, hiển hách đầy tự hào. Có người ví, nơi đây như một căn cứ kháng chiến thu nhỏ của Thủ đô trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Nhớ về ngày "giỗ trận"

Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ phường Phúc Lợi, ngay từ năm 1939, Đảng ta đã xây dựng cơ sở bí mật tại các thôn: Hội Xá, Nông Vụ Thượng, Nông Vụ Trung, Nông Vụ Đông (thuộc phường Phúc Lợi hiện nay). Nhiều đồng chí cán bộ của Đảng ta về đây hoạt động được gia đình ông Lê Văn Tĩnh và gia đình bà Nguyễn Thị Lượt nuôi giấu. Từ đó, nhiều người ở Phúc Lợi thời ấy sớm được giác ngộ và đi theo tiếng gọi của Đảng, tham gia phong trào cách mạng giải phóng quê hương.


Ông Chu Bá Thuế (ngồi giữa) kể về chiến công của quân và dân Phúc Lợi trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Ở phường Phúc Lợi, ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm là một ngày đặc biệt, ngày “giỗ trận” của 113 người. Các vị cao tuổi ở phường Phúc Lợi hiện nay vẫn không thể nào quên ký ức đau thương của ngày đẫm máu ấy. Ông Chu Trọng Lai, năm nay đã hơn 80 tuổi, ở tổ 6, phường Phúc Lợi, kể với chúng tôi: Ngày 29-1-1947 (tức mồng 7 tháng Giêng năm Đinh Hợi), thực dân Pháp xua quân dàn hàng ngang càn từ Hội Xá đến Vo Đông. Chúng đốt nhà, giết gia súc và bắn chết bất cứ người nào. Hôm ấy, ông Lai chỉ kịp chạy ra ao, lật úp chiếc thuyền nhỏ, miệng kề lên đám bèo tây dày đặc ven bờ và trốn vào trong đó nên thoát chết. Sau này, ông được nghe kể lại nguyên nhân trận càn thảm khốc. Vào Tết Đinh Hợi, Trung đội sơn pháo 75mm của Trung đoàn Bắc Bắc thuộc Chiến khu 10 cơ động từ Phúc Yên về đình Hội Xá, bí mật thiết lập trận địa sơn pháo trên đê sông Đuống. Chiều 25-1-1947 (Mồng Ba Tết Đinh Hợi), pháo ta bất ngờ nhả đạn vào sân bay Gia Lâm, phá hủy hai máy bay, đốt cháy một kho xăng của địch. Trước đó, đêm 19-12-1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sân bay Gia Lâm, vị trí quân sự quan trọng bậc nhất và được canh phòng cẩn mật của thực dân Pháp ở Thủ đô Hà Nội bị lực lượng của ta tập kích gây thiệt hại đáng kể. Bị những đòn đau, quân Pháp điên cuồng trả đũa, rửa hận bằng cách cướp đi sinh mạng của 113 người dân Phúc Lợi.

Theo người dân địa phương, để tạo ra vùng đệm an toàn cho sân bay Gia Lâm, trên đoạn đường đê dài chưa đầy 2km dọc từ thôn Hội Xá đến thôn Vo Đông, giặc Pháp bố trí tới 3 lô cốt bê tông cốt thép, trang bị các loại hỏa lực mạnh để ngăn chặn quân ta. Đến nay vẫn còn dấu tích của những lô cốt đó. Chúng xây dựng bọn tề, điệp, chỉ điểm hoạt động ngầm hòng phát hiện cán bộ nằm vùng, kìm kẹp phong trào kháng chiến của người dân Phúc Lợi. Trò chuyện với ông Chu Bá Thuế (tổ 6, phường Phúc Lợi), chúng tôi được nghe câu chuyện hết sức bi tráng. Vào một ngày đầu năm 1952, ông chứng kiến giặc Pháp vào làng lùng bắt một cán bộ vì được mật báo. Ông Chu Trọng Cố, người nuôi giấu đồng chí Hoàng Quốc Việt đã ngậm ống thở, nhảy xuống ao để trốn. Đến 12 giờ trưa, địch dùng thuốn sắt chọc xuống ao và bắt được ông Chu Trọng Cố. Chúng lôi ông Cố ra đình làng Vo Trung tra tấn rất dã man trước mặt dân làng. Tuy nhiên, ông Cố nhất quyết không khai báo. Cuối cùng, chúng buộc ông vào sau xe cam-nhông và kéo lê trên mặt đê đi tới Cầu Đuống rồi quăng xác ông xuống sông.

Bất chấp sự kìm kẹp ấy, người dân Phúc Lợi vẫn tích cực phối hợp với dân quân, du kích các địa phương trong vùng tổ chức đánh địch, phá hoại cầu cống, giao thông trên Đường 5, góp công tiêu diệt gần 200 lính Âu-Phi vào tháng 12-1953. Chi bộ xã được Tỉnh ủy Bắc Ninh tặng cờ thưởng vì đã góp công trong chiến thắng Mặt trận Đường 5.

Vừa chiến đấu, vừa xây dựng quê hương

Ông Chu Trọng Lai, nguyên Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi (nay là phường Phúc Lợi) từ trước thập niên 1960 kể lại, sau ngày giải phóng Thủ đô, người dân Phúc Lợi hừng hực khí thế xây dựng quê hương. Thời kỳ này, lực lượng vũ trang (LLVT) và nhân dân Hội Xá đã đóng góp gần 6.000 ngày công, đào đắp gần 5.200m3 đất làm thủy lợi nội đồng, đường giao thông; tổ chức lực lượng dân công gần 100 người tham gia khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội-Lạng Sơn. Phong trào bình dân học vụ, xóa mù chữ được người dân Hội Xá tích cực tham gia và trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Do nằm ở vị trí hiểm yếu, giáp Đường 5, sân bay Gia Lâm và cách cầu Đuống không xa, nên ngay từ khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, LLVT và nhân dân Phúc Lợi đã tích cực chuẩn bị chiến đấu. Theo nhiều người cao niên trong phường, trong những ngày không quân Mỹ ném bom đánh phá Hà Nội, trên đường trở ra, bao giờ máy bay của Mỹ cũng bay qua khu vực Phúc Lợi. Bởi thế, trên đường trở về căn cứ, máy bay Mỹ trút bom bừa bãi và Phúc Lợi là nơi phải hứng chịu nhiều trận bom như thế.

Dẫn chúng tôi đi thăm dấu tích trận địa pháo phòng không 20mm từng bố trí tại bốt Thượng Đồng, trên mặt đê sông Đuống, ông Chu Bá Thuế, người từng tham gia nhiều trận đánh đón lõng máy bay Mỹ, kể lại: Nơi đây bố trí trận địa hai khẩu pháo 20mm để đón lõng máy bay Mỹ, do ông Dương Văn Su làm trung đội trưởng. Lúc bấy giờ, chỉ có dân quân Hội Xá mới được trang bị loại pháo này còn các xã khác của huyện Gia Lâm chỉ có súng máy 12,7mm, hoặc cùng lắm đến 14,5mm. Ông kể về trận đánh của khẩu đội diễn ra lúc 9 giờ ngày 21-8-1967. Lúc đó, khi có hiệu lệnh báo động, tất cả pháo thủ đều ở vị trí sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, 10 phút sau thì lệnh báo yên. Trong khi các trận địa khác đã cho dân quân rời vị trí chiến đấu thì ông Thuế vẫn yêu cầu các pháo thủ ở tại vị trí. Chưa đầy 10 phút sau, một chiếc F105 (Thần Sấm) lao nhanh từ hướng Vĩnh Phúc về phía cầu Đuống, ra hướng Đường 5. Ông Thuế bình tĩnh chỉ huy khẩu đội đón bắn. Bị trúng đạn, chiếc F105 lảo đảo như con diều đứt dây và rơi xuống cánh đồng xã Trâu Quỳ, cách đó khoảng 3km. Sau chiến thắng này, LLVT Phúc Lợi được cấp trên thưởng tiền khao quân.

Không chỉ sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi mà quân và dân Phúc Lợi còn đóng góp tích cực trong các nhiệm vụ chiến đấu. Trực tiếp trò chuyện với ông Nguyễn Như Nhạ, một thành viên của Đội điều trị 12 chúng tôi mới tận hiểu tấm lòng cao cả của người Phúc Lợi. Trong thiếu thốn, khó khăn, người dân Phúc Lợi tận tâm tận lực, nhường cơm sẻ áo... tất cả vì chiến thắng, vì độc lập tự do, thống nhất đất nước. Ông Nhạ nhớ lại: Ngày 28-8-1965, Đội điều trị 12 của Cục Quân y gồm 39 người và phương tiện hành quân về Phúc Lợi làm nhiệm vụ thu dung, điều trị thương binh mặt trận phía đông bắc Hà Nội. Do yêu cầu nhiệm vụ và cơ sở vật chất thiếu thốn, Đội điều trị 12 phải phân tán trong nhà dân. Tính ra, trong 10 năm, Đội điều trị 12 đã đào tạo được 8 lớp y tá với hơn 200 người địa phương. Hơn 200 gia đình đã hiến đất, nhường nhà cho Đội điều trị 12. Trong khoảng thời gian này, đội cấp cứu với 25 chiếc xe đạp đã vận chuyển hàng trăm lượt người bị thương từ các nơi về điều trị. Đặc biệt, người dân Phúc Lợi như "kho máu sống", cung cấp hàng trăm đơn vị máu, kịp thời cứu sống nhiều thương binh, bệnh binh.

Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi, Chu Thị Huế chia sẻ: Trong chiến tranh, người Phúc Lợi luôn đi đầu và không tiếc máu xương vì Tổ quốc. Hiện cả phường có 116 liệt sĩ, 79 thương binh, bệnh binh, 20 người bị nhiễm chất độc hóa học, 21 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và một đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Phường Phúc Lợi được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước phong tặng là sự ghi nhận cho những hy sinh, cống hiến của nhân dân Phúc Lợi vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Về Phúc Lợi hôm nay, vết tích chiến tranh mấy chục năm trước đã nhường chỗ cho các công trình mới khang trang, to đẹp, mang dáng vẻ của đô thị văn minh, hiện đại. Nhưng điều chúng tôi cảm nhận thấy rõ nét hơn là tấm lòng nhân hậu và ý chí vươn lên của nhân dân nơi đây vẫn luôn được giữ gìn, phát huy. Truyền thống, lịch sử hào hùng sẽ luôn là điểm tựa vững chắc để Phúc Lợi phát triển bền vững.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

HDBank mở chi nhánh thứ 2 tại Quảng Ninh

Chi nhánh HDBank tại Móng Cái được đầu tư quy mô về nguồn vốn, tài sản và đội ngũ CBNV nhằm tăng cường cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính đa dạng và phù hợp, bám sát đặc thù và chiến lược phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm phía Bắc.
2024-04-25 11:31:59

Thái Nguyên khai mạc mùa du lịch 2024

Sáng 25/4 tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình Khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.
2024-04-25 11:06:52

NASU đồng hành cùng người nông dân phát triển kinh tế tuần hoàn, làm giàu bền vững từ cây mía

Đối với người nông dân ở Phủ Quỳ hôm nay, “suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía và chưa hợp tác nào bền vững như với NASU”.
2024-04-24 20:12:49

Hoa Kỳ phối hợp cùng Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực về chống IUU

Ngày 23/04/2024, Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cục Phòng chống ma túy và Thực thi Pháp luật quốc tế (INL) và Lực lượng Phòng vệ bờ biển Hoa Kỳ (USCG), đã phối hợp cùng Cục Kiểm Ngư tổ chức Hội thảo Khu vực về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) tại thành phố Đà Nẵng.
2024-04-24 09:44:47

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
2024-04-24 09:27:18

Hà Nội chuẩn bị Lễ hội Đền trong Thăng Long Tứ Trấn năm 2024

Ngày 23/4, Đoàn công tác của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội đã có cuộc kiểm tra công tác Lễ hội truyền thống tại Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ Trấn Đền Kim Liên.
2024-04-23 23:56:38
Đang tải...